Skip to content

Wolcen: Lords of Mayhem – Đánh Giá Game

Wolcen: Lords of Mayhem

Wolcen: Lords of Mayhem – Tuy không sinh ra là kẻ khai sinh thể loại nhập vai hành động (Action RPG), nhưng Blizzard và thương hiệu Diablo lại đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của thể loại ARPG này trong suốt những năm cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu 2000.

Thế giới game ghi nhận sự phát triển vũ bão của thể loại này với hằng sa số những cái tên đầy chất lượng như Dungeon Siege, Titan Quest, Sacred, Fate hay Divine Divinity

Tuy nhiên, hưng thịnh rồi lại suy tàn, trải qua một thời gian dài không còn được chào đón rộng rãi cũng như chịu sự cạnh tranh mạnh từ các tên tuổi quá sức nổi bật như Diablo III, Path of Exile, mà những kẻ sinh sau đẻ muộn như Torchligh hay Grim Dawn càng khó lôi kéo được người hâm mộ cho mình.

Trong số những cái tên chịu nhiều thăng trầm trong quá trình phát triển hẳn phải kể đến Wolcen: Lords of Mayhem, hay quen thuộc hơn với cái tên gốc là Umbra.

Mất đến gần 6 năm kể từ 2015 khi tung ra chiến dịch gọi vốn đầu tiên trên Kickstarter và 4 năm Early Access, Wolcen: Lords of Mayhem tuy gây được sự chú ý mạnh mẽ từ phía giới mộ điệu khi được xây dựng trên nền tảng Cry Engine tiên tiến, cùng hàng tá ý tưởng đột phá trong lối chơi… nhưng cho đến tận tháng 3/2020, game thủ mới được tận tay đánh giá và trải nghiệm “kẻ thay đổi cuộc chơi” này.

Diablo IV vẫn còn đang rất xa vời, Path of Exile 2 hứa hẹn thật nhưng cũng chưa ra mắt, Torchlight III thì vừa được công bố (thật ra là đổi tên từ bản game MMO: Torchlight Frontiers), nên đây chính là cơ hội để Wolcen: Lords of Mayhem nắm trọn thị trường trước khi đụng độ các ông lớn kia.

Nhưng liệu mọi chuyện có êm đẹp cho Wolcen StudioWolcen: Lords of Mayhem?


BẠN SẼ THÍCH

ĐỪNG LÀ MỘT CHIẾN BINH, HÃY LÀ MỘT VỊ THẦN

Ở điểm khởi đầu, người chơi không có nhiều sự lựa chọn ngoài 3 lớ… À không, phải là 3 hình thức chiến đấu cơ bản gồm: cận chiến, tầm xa, hoặc ma thuật.

Tuy vậy, sự không rõ ràng này đều nằm trong ý đồ bởi trong Wolcen: Lords of Mayhem nhân vật của bạn chiến đấu như thế nào, mạnh mẽ theo cách như thế nào đều do chính bạn tự do quyết định.

Cơ chế xây dựng nhân vật mà Wolcen: Lords of Mayhem đưa ra rất hay, người chơi không còn bị ràng buộc bởi thanh HP và MP như trước nữa, mà thay vào đó là HP, Rage và Will Power.

Rage sẽ là một thanh năng lượng rất quen thuộc nếu bạn là người hâm mộ của lớp Monk trong Diablo III, và Will Power chẳng qua là một tên gọi khác của Mana, và bạn có quyền sử dụng cả hai thanh này đồng thời bằng cách “cân bằng cán cân”.

Nếu chọn theo nhánh sử dụng ma thuật, các chiêu thức của bạn sẽ tiêu tốn Will Power, càng dùng nhiều, Will Power sẽ càng tụt và đong đầy thanh Rage.

Ngược lại, nếu chọn sử dụng vũ khí cận chiến hay tầm xa, chiêu thức của bạn sẽ ngốn Rage là chủ yếu và năng lượng tiêu hao đó sẽ được chuyển hóa thành Will Power.

Nếu bạn còn nhớ cái định luật bảo toàn năng lượng: “năng lượng không tự nhiên sinh ra hay mất đi mà nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”, thì chính là nó đấy!

Với cơ chế này, người chơi có thể tạo ra những hệ thống kỹ năng chiến đấu lai tạp rất thú vị.

Chẳng hạn bạn có thể vừa chơi súng, tay kia cầm một chiếc Catalyst để “cast” phép.

Và vậy là chỉ cần sử dụng song song kỹ năng của tầm xa kèm ma thuật là người chơi gần như không phải tích cực “uống” Mana như trước nữa.

Cơ chế này ban đầu sẽ khiến một vài game thủ yêu thích lối nhập vai truyền thống có chút bỡ ngỡ, nếu không muốn nói là kỳ thị.

Một số game thủ thích sự “thuần chủng” chứ không thích lai tạp và quyết định sẽ trung thành với con đường mình đã chọn, lẽ dĩ nhiên là họ có thể nhưng chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi sẽ khá tù nếu chỉ phụ thuộc vào mỗi Rage hay Will Power trong Wolcen: Lords of Mayhem.

Nói như vậy không hẳn là người chơi không thể xây dựng cho mình một nhân vật siêu pháp sư, hay một siêu chiến binh, chuyện đó hoàn toàn không khó, nhưng như vậy cuộc chơi của bạn sẽ khá nhàm chán và quy cũ.

Còn với các phép lai và xây dựng kỹ năng chéo, nhân vật của bạn không những không yếu đi mà còn tỏ ra ưu việt hơn trong quá trình chiến đấu.

Nếu bạn từng nghĩ ma thuật và cận chiến không bao giờ đi đôi với nhau?

Hãy là một chiến binh tay cầm kiếm nhảy vào giữa chảo lửa và tung một phép hồi sức, sau đó triển khai nốt loạt đòn chiến đấu tất sát quét sạch quân thù.

Hoặc nếu bạn đang có ý tưởng về một vị thần?

Hãy là một pháp sư có thể triệu gọi sức mạnh của các nguyên tố vũ trụ, gom hết tất cả kẻ thù vào một cái hố đen rồi kéo một tia nhiệt mặt trời thiêu rụi tất cả, sau đó đứng từ xa khai hỏa thêm một tràng pháo truy kích san phẳng toàn bộ chiến trường… sẽ chẳng có một con quái nào trụ nổi đâu.

Chưa dừng lại ở đó, Wolcen: Lords of Mayhem đem đến cho người chơi một số lượng kỹ năng cho cả 3 trường phái chiến đấu không quá nhiều.

NHƯNG, mỗi kỹ năng đều có khả năng tùy biến của riêng mình mà không bị gò bó trong bất kỳ hình thức nào, tương tự như hệ thống Rune trong Diablo III.

Bạn có thể biến một khẩu cannon bắn đạn bi nổ thành một khẩu rocket hạng nặng, hoặc thành một cổ máy oanh tạt bom tùy vào cách bạn tùy chỉnh nó thế nào.

Thêm một ví dụ với kỹ năng gọi quả cầu băng, bạn có thể biến nó thành 1 quả cầu lửa, kết hợp với Rune “mưa băng” và thế là người chơi đã có thể tăng sức sát thương lên diện rộng trong mỗi giây cũng như mang nguyên tố khác đến với kỹ năng mà vốn dĩ đối lập nhau là băng – lửa.

Không chỉ dừng lại ở cách xây dựng nhân vật lai và bảng tùy biến kỹ năng thú vị, mỗi khi người chơi lên cấp thì những chỉ số tăng sức mạnh nội tại cho nhân vật cũng được mang trở lại, nhưng ở hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau.

Đầu tiên là chỉ số nội tại cơ thể Character Sheet gồm Ferocity, Toughness, Agility, Wisdom.

Bốn chỉ số này về mặt công dụng vẫn rất đặc trưng như Toughness thì cải thiện thanh máu, Ferocity mang đến sức mạnh tấn công, Agility ưu tiên cho tốc.v.v…

Tăng vào chỉ số nào chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách nhân vật chiến đấu, nhưng điều đó không quá quan trọng khi còn có sự góp mặt của Gate of Fates.

Gate of Fate có thể là một khái niệm quen thuộc nếu bạn từng chơi qua Path of Exile, còn nếu không thì bạn sẽ hơi… ngợp khi lần đầu mở nó lên.

Gate of Fates cho phép chúng ta cải thiện sâu hơn các chỉ số riêng lẻ có được từ Character Sheet và cho người chơi khả năng tăng cường sức mạnh chuyên hơn thay vì tù túng trong 4 chỉ số nói trên.

Gate of Fates được tuy được chia làm 3 nhánh khác nhau, nhưng với 3 giai đoạn lên cấp, là 6 nhánh và 12 nhánh, cùng với số lượng điểm hỗ trợ “kinh khủng tởm lợm” như Path of Exile, thì có thể nói sẽ chẳng có nhân vật nào giống nhân vật nào, cho dù hình thức chiến đấu của chúng có giống nhau đến mấy.

À mà, mỗi giai đoạn, người chơi còn có thể xoay chiếc “đĩa” nếu nhận thấy một số nhánh ở giai đoạn này phù hợp với một nhánh ở giai đoạn khác mà không cần phải “đi theo làn” như trước.

Chỉ cần một phép tìm kiếm nhỏ trên Youtube, bạn đọc đã có thể tìm ra cả tá cách xây dựng nhân vật cực kỳ đa dạng cho đến “dị hợm” chỉ dựa vào Gate of Fate và tùy biến đặc điểm của kỹ năng từ hàng tá “cày thủ” Wolcen: Lords of Mayhem trên khắp thế giới.

Nếu bỏ thời gian nghiên cứu Gate of Fates, Character Sheet và cách tùy biến kỹ năng hợp lý, chẳng có nhân vật nào là yếu cả.

Và sức mạnh của từng nhân vật cũng sẽ không chênh nhau quá nhiều nếu được lựa chọn tăng điểm hợp lý.

Chưa kể, nhà phát triển vẫn đang liên tục tung ra các bản cập nhật hiệu chỉnh meta để giúp game cân bằng hơn.

Với sự đồ sộ trong cách xây dựng nhân vật của Wolcen: Lords of Mayhem, người chơi cũng không cần phải tạo lại nhân vật mới nếu muốn “đối gió”, bởi nhân vật của bạn có khả năng học mọi loại kỹ năng, lại có luôn tính năng “tẩy tủy” toàn bộ Gate of Fates lẫn Character Sheet.

Chỉ với một chút vốn bỏ ra, việc duy nhất người chơi cần làm là “farm” (cày) lại một bộ đồ mới mà thôi.

Nếu bỏ thời gian nghiên cứu Gate of Fates, Character Sheet và cách modifiers kỹ năng hợp lý, chẳng có nhân vật nào là yếu cả

QUYỀN NĂNG VÔ HẠN

Thú thật với bản thân đi, bạn đến với Wolcen: Lords of Mayhem hay bất kỳ một tựa ARPG nào hầu hết đều là để có một trải nghiệm chiến đấu dữ dội, đã tay và những pha tung chiêu tàn bạo nhất, đúng không?

Wolcen: Lords of Mayhem thừa sức cống hiến cho người chơi những màn hủy diệt đám quái mãn nhãn nhất, hoành tráng nhất mà khó lòng ngừng tay!

Được xây dựng trên nền Cry Engine, nên chắc chắn Wolcen: Lords of Mayhem thừa sức cống hiến một nền đồ họa bóng bẩy, ưa nhìn và đầy hấp dẫn.

Và cũng nhờ có Cry Engine, mà mọi kỹ năng trong Wolcen: Lords of Mayhem đều được thể hiện với một uy lực đáng sợ.

Cho dù bạn chọn theo lỗi chiến đấu cận chiến hay tầm xa hay ma thuật, thì mỗi đòn đánh của nhân vật đều được thực hiện vô cùng uy lực và ngầu lòi của phần hiệu ứng, kết hợp với đó là phần âm thanh rất có trọng tâm và vật lý khá tốt.

Có thể nói, ngoài Diablo IIITorchlight II ra, chưa có một tựa game ARPG nào ở thời điểm hiện tại đủ tạo cho người chơi một cảm giác chiến đấu đã tay đến vậy ngoài Wolcen: Lords of Mayhem.

Đặc biệt là nếu bạn là sở hữu một nhân vật “lai”, hình thức chiến đấu sẽ còn thay đổi một cách linh hoạt hơn nữa.

Chẳng hạn như người chơi chạy một vòng gom quái, triệu gọi những chiếc lổ đen hút hết tất cả lại rồi tung một loạt đòn “Giời đánh” với chi chít chỉ số gây sát thương chồng lên nhau… Sau đó bật nhảy ra xa và tiếp tục tung một phát bắn xung kích thổi bay tất cả những kẻ cản đường.

Ôi, thật đã tay làm sao!

Đồ họa của Wolcen: Lords of Mayhem tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng của mình với một thế giới được xây dựng cực kỳ kỳ công và đa dạng về bối cảnh.

Bạn sẽ “chết ngất ngây” khi bước ra một cánh đồng vàng lúa mạnh với ánh nắng chói chan ấm ấp, rồi lại lặn lội xuống những khu rừng âm u chết chóc, lạc vào những hầm ngục ma quái, hay phải trầm trồ với sự nguy nga tráng lệ của một cung điện hoàng gia thứ thiệt…

Mỗi khung cảnh, mỗi nơi mà người chơi đặt chân đến đều mang một đặc trưng riêng, một bối cảnh riêng và chúng được ghép nối với nhau một cách tự nhiên và hợp lý chứ không quay ngoắt như nhiều tựa game thiết kế theo chương hồi khác.

Sự nỗ lực và công sức của đội ngũ sáng tạo bối cảnh cho Wolcen: Lords of Mayhem quả thực rất đáng khâm phục.

Chỉ lo là họ có hết ý tưởng thiết kế bối cảnh cho Wolcen 2 trong tương lai hay không.

Chưa dừng lại ở bối cảnh hay hình thức chiến đấu đã tay, một yếu tố quan trọng trong bất kỳ một tựa game ARPG nào chính là lên đồ.

Thú thật là rất nhiều người tìm đến các tựa game nhập vai chỉ vì họ muốn chơi một tựa game… thời trang, và bản thân người viết không phải ngoại lệ.

Về khoản hình thức giáp trụ, phải nói Wolcen: Lords of Mayhem làm quá tốt, dù vẫn có thú cảm giác game lấy cảm hứng từ vũ trụ Warhammer Fantasy/40K, nhưng phải thú thật là vật phẩm trong game cực kỳ đẹp và ngầu lòi.

Kể cả khi về cuối game, người chơi không có gì làm ngoài chạy phụ bản và kiếm tiền xây dựng cho mình một cơ ngơi bất động sản riêng, thì vẫn còn rất nhiều bộ trang bị vật phẩm độc nhất mà người chơi phải dày công sưu tập đấy.

Ngoài ra, việc thay đổi trang bị trong Wolcen: Lords of Mayhem là khá thường xuyên, nhưng nếu game thủ muốn nhân vật của mình có một hình thức nhất quán, hay hứng thú với một thiết kế giáp trụ của lớp nhân vật khác thì cũng chẳng có gì khó khăn bởi game cho phép bạn thay đổi hình thức của chúng, kể cả cách phối màu lên chúng như thế nào.

nhờ có Cry Engine, mà mọi kỹ năng trong Wolcen: Lords of Mayhem đều được thể hiện với một uy lực đáng sợ

BẠN SẼ GHÉT
Wolcen: Lords of Mayhem

Ý TƯỞNG TỐT NHƯNG CHƯA CHÍN MÙI

Đọc qua loạt ưu điểm kể trên, hẳn bạn sẽ nghĩ rằng Wolcen: Lords of Mayhem là một tựa game đỉnh, nhưng nếu lướt qua một số trang đánh giá, điểm số của cả giới phê bình lẫn game thủ cho Wolcen: Lords of Mayhem là khá khiêm tốn.

Tại sao?

Dẫu biết việc xây dựng một cốt truyện lôi cuốn và nhiều nút thắt cho một tựa game chỉ có chặt chém và chiến đấu thì nghe nó… hơi sai, ngay cả dòng gam Diablo hay Torchlight, cốt truyện là một thứ gì đó rất cho có và thiếu thuyết phục.

Với Wolcen: Lords of Mayhem, cốt truyện của game đã như hạch, lại còn nhảm nhí và vô lý với các tình tiết và mô típ cũ rích, xây dựng một cách hời hợt dựa trên Kinh Thánh của Tây Âu (hoặc chí ít là dựa trên Thần Khúc Divina Commedia của đại thi hào Dante).

Mọi diễn biến trong game có thể “skip” sạch nếu bạn muốn, bởi những kẻ bạn nghĩ nó là đồng minh thì kiểu gì sau này cũng sẽ phản bội bạn theo một cách nào đó khá thiếu thuyết phục bởi sự phát triển chưa đủ sâu. Chuyện này cứ lặp đi lặp lại, rồi các NPC liên tục gây thêm rắc rối, như kiểu bạn vừa tránh vỏ dưa, lại dẫm tiếp vào vỏ dừa rồi té ngã đập mặt vào một bãi *** vậy.

Cách các tình tiết đến với người chơi và phát triển như kiểu dồn người chơi vào rắc rối, hơn là cho bạn một cái nhìn xa hơn về đại cục. Ở thời điểm 2020, yếu tố cho phép người chơi thêm quyền quyết định để lèo lái cốt truyện đang là xu hướng, Wolcen: Lords of Mayhem đã bỏ lỡ điều này và người chơi phải cố nuốt lấy một cốt truyện rất chán, lôi thôi và lê thê.

Wolcen: Lords of Mayhem

Còn những vai trò của NPC? Có hay không có họ cũng được, NPC trong game giống như một thứ phụ phẩm “rắc thêm” như mấy cọng… hành ngò, để câu chuyện trong game “có vẻ nghiêm trọng”.

Và nếu họ có phản bội bạn hay chết đi thì thái độ của bạn đối với tình huống đó cũng chỉ là… “Haizzzz, nữa hả?!”

Đồ họa tuy cực kỳ đẹp nhưng lại vẫn chưa thể tối ưu hóa được một cách ổn định, game chạy với hiệu suất rất bất bình thường, đặc biệt là với các cấu hình sử dụng nền tảng của AMD.

Nếu so sánh với một cấu hình ngang tầm của Intel + nVidia, mức chênh lệch hiệu năng có thể lên đến 50%.

Khung hình liên tục rơi rớt ở một số phân cảnh chẳng có gì làm phức tạp, hoặc đôi khi chỉ là một lớp sương mờ toẹt khi bạn bước xuống một “căn hầm” nhỏ chứ chưa nói đến một bản đồ lớn.

Lỗi đồ họa lặt vặt khác cũng rất thường xuyên xuất hiện như chậm tải vân bề mặt (texture), giật lag khi bật cổng dịch chuyển vào dungeon, quái xuất hiện và trơ ra như một vật thể bất diệt… Nhưng dù sao trải nghiệm chung trong quá trình lâm trận trong Wolcen: Lords of Mayhem phải nói là vẫn rất đã tay!

À lưu ý rằng, nếu bạn chơi trên một màn hình 4K, khá điên là bạn sẽ rất khó thấy giao diện (UI) hay con trỏ của mình, bởi chúng… bé tí.

Đôi khi người viết cứ phải trừng mắt lên tìm con trỏ của mình đang nằm ở đâu khi đang tả xung hữu đột với đầy hiệu ứng trên màn hình.

Wolcen: Lords of Mayhem

Ngoài những điểm trừ kể trên, Wolcen: Lords of Mayhem ăn điểm trừ cực nặng ở mảng chơi trực tuyến.

Không hiểu tay thiết kế game nào lại “đẻ” ra cái trò: phân biệt hai nhân vật khác nhau cho mục chơi Online và Offline.

Người chơi không thể dùng một nhân vật vừa chơi Online vừa chơi Offline như Diablo (hay các game tương tự), nếu muốn chơi với bạn bè, bạn phải tạo lại nhân vật online mới và CÀY LẠI từ đầu!

Cách các tình tiết đến với người chơi và phát triển như kiểu dồn người chơi vào rắc rối, hơn là cho bạn một cái nhìn xa hơn về đại cục

Mà nếu trải nghiệm online ổn định thì cũng chẳng quá đáng lắm, đằng này Wolcen: Lords of Mayhem chọn cơ chế quản lý mục chơi Online rất hài hước: người chơi kết nối với nhau thông qua một “host” của nhân vật khác, tức tương tự hình thức của Dark Souls, nhưng mọi chỉ số và thông tin lại phải tốn thêm một lượt gửi và nhận kết quả từ máy chủ của… Wolcen Studio (chắc là để chống gian lận), mà vốn game làm đếch gì có PVP mà chống gian lận?

Điều rườm rà này khiến khả năng của máy chủ chạm nóc, quá tải và cuối cùng là giật lag, văng game, mất kết nối diễn ra triền miên.

May mắn là dạo gần đây Wolcen Studio đã cải thiện đáng kể hiệu suất của máy chủ, nhưng thú thật là đôi khi đang chạy cái phụ bản gần cả tiếng đồng hồ, lúc sắp xong thì đùng phát bạn bị “văng” (disconnect)… Dù không dính Corona nhưng chắc chắn game thủ sẽ sôi máu vì nóng thôi!

Còn xui xẻo hơn, một số trường hợp ghi nhận dữ liệu của người chơi còn bị mất, hoặc không thể kết nối vào máy chủ trong thời gian dài khiến các đánh giá lúc game ra mắt rất thậm tệ!


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Wolcen Studio
  • Phát hành: Wolcen Studio
  • Thể loại: Hành động, Nhập vai
  • Ngày ra mắt: 13/02/2020
  • Hệ máy: PC

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7 – Service Pack 1 (6.1.7601)
  • Processor: Intel® Core™ i5-4570T / AMD FX-6100
  • Memory: 8 GB RAM
  • Graphics: Nvidia GeForce GTX 560 Ti / AMD Radeon HD 6850
  • Network: Broadband Internet connection
  • Storage: 18 GB 

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: AMD Ryzen 5 3600x 3.2Ghz
  • RAM: 32GB
  • VGA: Red Devil VEGA 56
  • SSD: 250GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI WOLCEN STUDIO

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC

7.5

Wolcen: Lords of Mayhem là một tựa game rất tuyệt vời khi khắc phục gần như những yếu điểm của Diablo III trong chiều sâu xây dựng nhân vật, một hệ thống chiến đấu cực kỳ đã tay và đa dạng, kèm với đó là nền đồ họa ưa nhìn, hấp dẫn.



Nhưng với sự thiếu đầu tư trong khâu kịch bản và hệ thống máy chủ đã vô tình dìm suýt chết Wolcen: Lords of Mayhem.



Trên một cái nhìn khách quan dựa trên những cải thiện không ngừng của đội ngũ phát triển và tiềm năng của game, Wolcen: Lords of Mayhem là một tựa game rất đáng để trải nghiệm (một phần vì game khá rẻ).

Tác giả

WINE

Life (is) so "short"? - Let's "Play" more! ^^

Thảo luận