Skip to content

Battleborn – Đánh Giá Game

Battleborn đã có một khởi đầu vô cùng vất vả, khi phải đối mặt với sản phẩm “bom tấn” Overwatch của gã “khổng lồ tiền sử” Blizzard. Mặc dù cả hai, BattlebornOverwatch không hoàn toàn giống nhau, thế nhưng Battleborn đã bị chìm hẳn vào trong cái bóng địch thủ của mình.

Một trong những lý do chính khiến cho Battleborn bị Overwatch “đè” chính là sự so sánh không cùng hệ quy chiếu. Vì vậy trước khi đi vào mục đánh giá chi tiết, người viết sẽ dùng phần mở đầu này để nói về sự khác biệt giữa Battleborn và các game bắn súng khác nói chung và Overwatch nói riêng.

Được phát triển bởi Gearbox Software, những con người đứng đằng sau sự thành công của loạt game Borderlands.

Tuy lối chơi Battleborn được xây dựng dựa trên các đặc điểm của các nhân vật trong game, thế nhưng trọng tâm game lại bị ảnh hưởng rất nặng bởi yếu tố MOBA.

Do đó, bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng điều khiển của từng nhân vật, bạn cũng sẽ phải tính toán tới các yếu tố khác như kiểm soát quái (mob) của hai bên, lên cấp độ và nâng tuyệt chiêu cho tướng và cả mua các trang bị cá nhân.

Trong khi đó, Overwatch lại là game với trọng tâm hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng điều khiển anh hùng. Nếu mà để so sánh hai game này với nhau rồi đưa ra kết luật thì chả khác nào so sánh giữa Battlefield Call of Duty, chỉ mang tính chất so sánh về cảm nhận cá nhân chứ không phải đồng bộ về hệ quy chiếu.

Thế không nên so sánh mọi thứ với Overwatch thì làm sao biết Battleborn hay dở sao? 

Để trả lời cho câu hỏi đó, sau đây Vietgame.asia sẽ có bài phân tích mổ xẻ từng khía cạnh của Battleborn để bạn đọc có thể nắm được đầy đủ các thông tin cần thiết trước khi đưa ra quyết định đầu tư tiền bạc và thời gian vào trò chơi.

BẠN SẼ THÍCH

Nội dung đa dạng, thiết kế không đụng hàng

Battleborn là một trong số rất ít các game được đầu tư phát triển cả hai mảng chơi đơn và chơi mạng một cách hoàn chỉnh và chi tiết. Chưa hết, hãng phát triển Gearbox Software đã rất tài tình khi tạo ra liên kết giữa hai mảng đó với nhau.

Phần chơi đơn sẽ cho phép bạn tìm hiểu về cốt truyện về thế giới của Battleborn. Xuyên suốt các màn chơi bạn sẽ dần “mở khóa” các nhân vật để sử dụng cho cả hai mảng chơi đơn và chơi mạng.

Đặc biệt, nếu bạn là người chỉ thích đấu đá ở mục chơi mạng thì hoàn toàn có thể “mở khóa” các anh hùng đó thông qua các điều kiện mà game đặt ra. Các trang bị (gear) tìm thấy được đều có thể dùng cho cả hai mục chơi và hoàn toàn không gây ảnh hưởng mất cân bằng game một tí nào.

Tuy chỉ với 8 màn chơi và thời lượng trung bình là tầm 45 phút mỗi màn, thế nhưng chất lượng lại thì hoàn toàn vượt mặt các game hành động “đình đám” như Far Cry Primal và Homefront: The Revolution.

Bởi từng màn chơi đều mang thiết kế rất đặc trưng và hoàn toàn không đụng hàng, cuộc hành trình của binh đoàn Battleborn sẽ đưa bạn từ những tòa lâu đài được làm bằng đá quý trôi nổi trên mây, băng qua vùng núi tuyết và để rồi dừng chân giữa cánh rừng rậm nhiệt đới đang chìm trong biển lửa.

Tất cả sẽ được truyền tải qua phong cách hoạt họa, “đặc sản” nổi bật của dòng game Borderlands. Và đó chưa phải là thứ duy nhất Battleborn “vay mượn” từ người tiền bối của mình.

Chiến trường hỗn loạn với hàng tá các loại kẻ thù khác nhau và những trận đấu trùm bá đạo luôn điểm nhấn trong lối chơi tuyến tính của Borderlands, và ở Battleborn, nó cũng được phát huy một cách tối đa.

Người chơi sẽ luôn được thử sức với đủ các loại đối thủ khác nhau từ người máy bắn tỉa cho tới quái vật, hay thậm chí là các sinh vật bóng tối. Chúng mang hình hài, cách thức chiến đấu và phản ứng hoàn toàn khác nhau, và là một công cụ tuyệt vời để người chơi luyện tập với các anh hùng mới trước khi tham gia phần chơi mạng.

Phần chơi mạng tập hợp những yếu tố hay nhất của hai thể loại hành động góc nhìn người thứ nhất và MOBA, bao gồm ba chế độ Incursion, Capture và Meltdown, tuy nhiên chỉ có Incursion và Meltdown thật sự vật dụng các yếu tố của game MOBA một cách triệt để.

Thế nhưng chúng vẫn tạo cho mình một dấu ấn riêng khi thành công mang lại những sáng tạo “không đụng hàng”.

Battleborn là một trong số rất ít các game được đầu tư phát triển cả hai mảng chơi đơn và chơi mạng một hoành chỉnh và chi tiết

Trong chế độ Incursion, người chơi sẽ phải bảo vệ những nhân vật do máy điều khiển (quái) để chúng tấn công hai con robot khổng lồ của đối phương. Còn ở Meltdown, người chơi sẽ phải dẫn quái vào điểm hiến tế ở phía sân của đội bạn, quái càng to, điểm càng cao.

Cả hai chế độ đều có vẻ na ná giống nhau, thế nhưng cách thức chơi cũng như kỹ năng chơi lại hoàn toàn khác.

Một trong những yếu tố làm nên sự khác biệt đó chính là cách thức thiết kế màn chơi. Ở Incursion, màn chơi được thiết kế dựa trên một lane (làn) chính duy nhất.

Cả hai đội sẽ gặp nhau tại điểm trung tâm nơi mà các trận “găng” (5 đấu 5) sẽ ấn định cục diện trận đấu. Phe thắng sẽ giành được nhiều điểm kinh nghiệm và có thể đẩy đội hình quái sâu vào lãnh thổ của đối phương để bắn phá robot.

Còn ở Meltdown, màn chơi được thiết kế với ba làn chính, hai dành cho quái và làn trung tâm để kiểm soát toàn màn.

Cho dù đội có thua ở các trận “găng” tay đôi, thế nhưng nếu thành công đẩy ở làn khác thì vẫn có khả năng chiến thắng.

Bên cạnh đó cũng phải nhắc tới sự quan trọng của đơn vị tiền tệ trong game: Shard. Đóng một vai trò khá quan trọng trong việc hỗ trợ người chơi: Shard (tiền trong ván đấu) sẽ được sử dụng để mua trang bị (gear), mua lính hạng nặng và cả xây trụ để phòng thủ hoặc trấn áp đối phương.

Và ở từng chế độ chơi khác nhau, thì cách thức kiểm soát và việc sử dụng Shard cũng thay đổi.


battleborn-danh-gia-game (8)

Hệ thống nhân vật đa dạng và có chiều sâu

Với tổng cộng 25 nhân vật có mặt ngay ngày ra mắt game, Gearbox Software hứa sẽ cập nhật thêm 5 nhân vật mới nữa (miễn phí) trong thời gian sớm nhất.

Không chỉ nhiều ở số lượng, mà chất lượng của từng nhân vật cũng được ưu tiên. Tất cả các anh hùng đều khác nhau về hình dáng, tính cách, kỹ năng và cả lối chơi.

Chưa dừng lại ở đó, Battleborn còn rất giống với các game MOBA khác và đặc biệt là DOTA 2 ở khoảng phân vai trò (role) cho các anh hùng một cách rất rõ ràng. Từ đẩy trụ (pusher) cho tới hỗ trợ (support) và thậm chí là gánh (carry). Chỉ duy nhất hai vai trò là không có mặt là Nuker và đi rừng (Jungler).

Chất lượng của các nhân vật trong Battleborn còn được phản ánh qua hệ thống Helix. Một dạng tùy chỉnh cho các kĩ năng chính của anh hùng, cực kì quan trọng và góp phần giúp định hình vai trò của một anh hùng trong trận đấu. 

battleborn-danh-gia-game (7)

Mỗi lần lên một cấp độ trong trận đấu, người chơi được quyền lựa trọn một trong hai tùy chỉnh phụ. Bằng cách phối hợp tùy chỉnh ở từng cấp độ sẽ thay đổi tính chất của các kỹ năng chính và vai trò (role) của các anh hùng.

Cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng chính là hệ thống trang bị (gear). Khác với các game MOBA truyền thống, trang bị không được mua trực tiếp từ cửa hàng (shop) trong game mà phải được bỏ vào trong Loadout được tùy chỉnh sẵn.

Không chỉ nhiều ở số lượng, mà chất lượng của từng nhân vật cũng được ưu tiên

Loadout sở hữu tối đa ba trang bị và người chơi sẽ chỉ được chọn duy nhất một Loadout ở đầu trận đấu, xuyên suốt game bạn sẽ phải chọn nếu muốn sử dụng Shard để kích hoạt các trang bị này.

Trang bị càng “xịn” thì lượng Shard cần càng nhiều. Do đó các trang bị rất mạnh sẽ không làm mất cân bằng của game.

Bằng cách phối hợp các yếu tố trên, Gearbox Software đã tạo ra một hệ thống nhân vật vô cùng đa dạng và có chiều sâu ấn tượng, giúp người chơi luôn tìm ra những cách thức chơi và khả năng phối hợp mới.

Lối chơi của Battleborn không chỉ còn dừng lại ở kỹ năng điều khiển anh hùng cá nhân mà đã vươn tới đẳng cấp MOBA đích thực.

BẠN SẼ GHÉT

battleborn-danh-gia-game (9)

Hệ thống hỗ trợ chơi mạng tệ…

Battleborn là một trong những game có hệ thống hỗ trợ chơi mạng tệ nhất mà người viết từng thấy. Trung bình ở khu vực Đông Nam Á vào buổi tối thì bạn sẽ tốn khoảng 15 tới 20 phút mới có thể tìm ra được phòng chơi.

Tại sao?

Bởi vì hệ thống thiết kế xếp phòng “ngớ ngẩn”, thay vì tìm lần lượt từng người để cho vào phòng cho đủ 10 người, thì hệ thống sẽ tìm cho đủ 5 người một lần và ghép hai nhóm 5 người lại với nhau. Battleborn là một game yêu cầu sự phối hợp cực kì cao, thế nên số lượng người chơi chung theo cặp (2 tới 3 người) cũng rất nhiều.

Thế nên theo cách thức xếp phòng cũ, dù lượng người có đủ nhưng hệ thống sẽ không thể xếp sao cho vừa khiến cho thời gian chờ đợi cực kì lâu.

Điều đáng chê trách là sự bất cập tệ hại này đã được rất nhiều người phản ánh từ hai đợt thử nghiệm trước đó. Đã có một vài kiến nghị cho người chơi chọn vùng máy chủ (server) để có thể chơi ở những nơi có “dân số” cao để giảm thời gian đợi phòng, thế nhưng vẫn chưa có hồi âm gì từ nhà phát triển.

Battleborn là một trong những game có hệ thống hỗ trợ chơi mạng tệ nhất mà người viết từng thấy


battleborn-danh-gia-game (11)

Những hạt sạn kéo dài “tuổi thọ” của trò chơi

Yếu tố đầu tiên chính là việc lạm dụng quá nhiều hiệu ứng hình ảnh và tông màu sáng, lòe loẹt. Trong các trận đấu khi mà cả 10 anh hùng cùng ra tuyệt chiêu cộng thêm hàng tá các con quái nhảy vào tham chiến.

Các hiệu ứng cháy nổ, ánh sáng chói lóa, màu mè hoa lá hẹ, vô tình sẽ làm lóa mắt người chơi, rất khó để có thể tập trung trong các trận đấu số đông, do có quá nhiều thứ đồng loạt cùng xảy ra trên màn hình.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng tông màu sáng tuy giúp cho bối cảnh rực rỡ và tạo ấn tượng thế nhưng lại vô tình làm người chơi mất tập trung bởi màu sắc vô cùng lòe lẹt.

Cuối cùng, những thứ quan trọng trong một khung ảnh như anh hùng, mục tiêu và quái lại che mắt bởi hàng tá hiệu ứng và cảnh quan rực rỡ xung quanh. Đối với những ai lần đầu chơi sẽ rất khó phân biệt và nhìn nhận mọi thứ.

Các hiệu ứng cháy nổ, ánh sáng chói lóa, màu mè hoa lá hẹ, vô tình sẽ làm lóa mắt người chơi, rất khó để có thể tập trung trong các trận đấu số đông

Yếu tố thứ hai và là quan trọng nhất chính là độ “trừng phạt” của Battleborn rất cao.

Tuy sự hài hước có giúp ích một ít, thế nhưng độ căng thẳng của một trận đấu vẫn còn rất cao. Khi mà một lần “combat” thua sẽ dẫn tới việc đội bị thiệt thòi điểm kinh nghiệm, đồng thời mất thế trận và khả năng kiểm soát Shard.

Cho dù bạn có là người chơi giỏi nhất trận đấu đó với tỉ lệ bắn hạ/chết cao nhất thì hệ thống cũng chỉ gửi cho bạn… phần quà an ủi như toàn bộ người chơi khác trong đội.

Nếu như không chơi theo đội gồm bạn bè thì các trận đấu lẻ một mình sẽ trở thành “địa ngục”, do ý thức người chơi hoàn toàn không có và cũng chả có một hệ thống nào quản lý việc đó cả, mà chỉ duy nhất hình phạt là 30 phút không được tham gia trận tiếp theo dành cho những ai bỏ giữa trận. 

Thế nhưng điều đó cũng chả cản người chơi thiếu ý chí bỏ dở trận đấu, số khác chống chế bằng cách cố tình… AFK (để yên game không chơi) luôn!

Chưa hết, rất nhiều lần hệ thống xếp phòng cho người viết chơi với đối thủ hơn mình tới tận… 40 cấp độ. Với một trận đấu mất cân bằng như vậy, game buộc bạn phải chơi và nếu cố tình thoát vì sự phi lý của hệ thống xếp phòng, bạn sẽ phải ngồi đợi như bao người chơi thiếu ý thức khác.

7.5

Battleborn có nội dung khá hay và đa dạng, kết hợp hài hòa các điểm mạnh của cả thể loại FPS và MOBA. Thiết kế đa dạng cộng với chiều sâu rất ấn tượng trong lối chơi của các nhân vật vật trong game, giúp làm tăng giá trị chơi lại lên rất nhiều lần!

Tuy vậy, người chơi sẽ rất khó có thể trải nghiệm được những điều trên khi mà Battleborn vẫn còn đang mắc phải những lỗi chết người "nguy hiểm".

Thông tin

  • Battleborn
  • Nhà phát triển
    Gearbox Software
  • Nhà phát hành
    2K Games
  • Thể loại
    Hành động
  • Ngày ra mắt
    03/05/2016
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, PlayStation 4

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 7/8/10 (64-bit)
  • CPU
    Intel i5-750 hoặc AMD Phenom IIx4 945
  • RAM
    6GB
  • GPU
    AMD HD 6870 hoặc NVIDIA GeForce GTX 460
  • Lưu trữ
    50GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 10
  • CPU
    AMD Ryzen 5 3600x 3.2Ghz
  • RAM
    32GB
  • GPU
    Red Devil VEGA 56
  • Lưu trữ
    250GB
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi 2K. Chơi trên PC.