Final Fantasy XV – Lần đầu tiên được công bố vào năm 2006 bằng cái tên Final Fantasy XIII Versus và được cộng đồng để ý đến, có lẽ do lối chơi lôi cuốn và dàn nhân vật cực “ngầu” gồm 4 chàng trai, trái ngược với nhân vật nữ chính của Final Fantasy XIII.
Tuy nhiên, đội ngũ làm game tại Square Enix quyết định… hủy bỏ việc phát triển Final Fantasy XIII Versus và làm lại dưới cái tên Final Fantasy XV, dành cho PS4 và XBox One.
Như vậy, game thủ thế giới đã mất khoản 10 năm để chờ đợi tựa game này.
Lẽ thường tình, đứng trước một sản phẩm được “cốp mác” 10 năm phát triển, thì hẳn ai trong chúng ta đều có những chỉ tiêu khắt khe để đánh giá sản phẩm ấy.
Giờ đây, Final Fantasy XV đã ra mắt, chúng ta có cơ hội để trải nghiệm nó và câu hỏi được đặt ra trong mỗi người chơi (bao gồm cả người viết) là: Liệu 10 năm chờ đợi có xứng đáng hay không?
Hãy cùng Vietgame.asia nhìn qua điểm mạnh, yếu của Final Fantasy XV và rút ra câu trả lời cho riêng bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
MỘT FINAL FANTASY LẠ MÀ QUEN
Một thập kỷ trôi qua, làng game thế giới đã có rất nhiều sự biến đổi, những tựa game nhập vai thế giới mở như: The Witcher 3, Fallout 4, Skyrim… đang trở thành “mốt” ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, thể loại nhập vai Nhật Bản (JRPG) đang cho thấy sự hụt hơi rõ rệt so với những tựa game cùng thể loại đến từ các nước phương Tây.
Vì vậy, việc Final Fantasy XV được trông chờ sẽ thay đổi định kiến của mọi người về thể loại game nhập vai Nhật Bản trong nhiều nằm gần đây là điều hiển nhiên.
Vì thế, để có thể tồn tại giữa hàng loạt “đối thủ nặng ký” kể trên, Final Fantasy XV phải có những thay đổi đáng kể đối với những người tiền nhiệm.
Một trong số những thay đổi khiến người viết ấn tượng nhất là cơ chế chiến đấu hoàn toàn mới mà Final Fantasy XV đã đem lại.
để có thể tồn tại giữa hàng loạt “đối thủ nặng ký” kể trên, Final Fantasy XV phải có những thay đổi đáng kể đối với những người tiền nhiệm
Hẳn là mỗi chúng ta khi nghe đến cái tên Final Fantasy, điều đầu tiên nghĩ đến chính cơ chế chiến đấu theo lượt (Turn-Based) truyền thống của dòng game này.
Tuy nhiên, với Final Fantasy XV, Square Enix như muốn tạo sự khác biệt cho dòng game khi gỡ bỏ lối chơi cũ và thay vào đó là hệ thống chiến đấu mới toanh: Active X Battle (hệ thống chiến đấu chủ động).
Với cơ chế chiến đấu này, bạn hoàn toàn nắm quyền chủ động trong việc tham chiến, tức là bạn có thể tự do tung đòn đánh hoặc phép thuật (Spell) để “xử đẹp” đối phương.
Ở Final Fantasy XV, bạn điều khiển duy nhất một nhân vật – Noctis, còn những nhân vật khác được máy điều khiển.
Chế độ chiến đấu mới cho phép bạn tự do đụng độ với kẻ thù ngay trước mặt mà không phải ngẫu nhiên nhảy vào trận đấu một cách bất đắc dĩ như những phiên bản trước.
Tuy rằng cơ chế này được cải tiến để mang đậm tính hành động hơn trong trận đấu, nhưng nó vẫn còn giữ lại một số “di sản” của hệ thống chiến đấu theo lượt cũ, điển hình như khi sử dụng vật phẩm tiêu thụ (consumable item), bạn nhấn phím R2, lúc này trận đấu sẽ tạm thời dừng lại, mục vật phẩm (item) sẽ xuất hiện để bạn chọn lựa vật phẩm cần sử dụng.
Nhịp độ một trận đấu trong Final Fantasy XV diễn ra rất nhanh, không chỉ nhờ vào cơ chế chiến đấu Active X Battle mới, mà Square Enix còn cung cấp cho Noctis những kỹ năng khác giúp đưa tốc độ trận chiến lên đến đỉnh điểm.
Đầu tiên phải kể đến kỹ năng mạnh mẽ nhất của Noctis – Warp, với kỹ năng này bạn có thể ném vũ khí tới kẻ địch và lập tức tốc biến tới đó, gây một lượng sát thương lớn tùy vào khoảng cách thi triển.
Kỹ năng Warp giúp việc điều khiển Noctis trở nên cực kỳ linh hoạt, tự do bay nhảy trong lúc chiến đấu hay tạo ra những pha hành động đẹp mắt.
Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn đang ở cách xa mục tiêu một đoạn, thay vì phải chạy bộ đến đối phương rồi nhấn phím đánh thì bạn có thể nhảy thẳng vào mục tiêu và thi triển một loạt đòn tấn công để kết liễu, như vậy trận đấu của bạn sẽ trở nên trôi chảy hơn rất nhiều lần.
Sức mạnh đặc biệt thứ hai của Noctis là phép thuật (Spell), giống như Final Fantasy VIII, phép thuật ở phiên bản thứ 15 này sẽ cạn dần sau mỗi lần bạn sử dụng.
Tuy nhiên, bạn có thể chế tạo (craft) những spell này từ những nguyên tố lửa, băng và điện kết hợp với các vật phẩm khác nhau để có những hiệu ứng khác nhau, ví dụ: khi bạn chế tạo phép thuật từ nguyên tố lửa và bình giải độc (antidote) thì kết quả sẽ nhận được là phép thuật lửa với hiệu ứng gây độc khi thi triển.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể phối hợp với đồng đội để tạo ra đòn tấn công đẹp mắt và cực kỳ hiệu quả.
Summon (triệu hồi) là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ tựa game Final Fantasy nào, ở Final Fantasy XV cũng vậy, bạn có thể triệu hồi 4 vị thần: Shiva, Titan, Ramuh, Leviathan trong quá trình chiến đấu, còn Bahamut chỉ xuất hiện khi bạn đối đầu với Ifrit vào cuối game.
Tuy rằng việc triệu hồi là cực kỳ khó khăn (cho đến giờ, người viết vẫn chưa tìm ra được nguyên tắc để triệu hồi), nhưng một khi các vị thần xuất hiện thì dù kẻ thù đông đến mấy cũng sẽ bị “quét sạch” trong nháy mắt.
THẾ GIỚI MỞ RỘNG LỚN, LỐI CHƠI TINH TẾ
Nếu nói độ thành công của một tựa game nhập vai được quyết định bằng khả năng tạo nên cảm giác chân thật cho người chơi khi đắm chìm vào thế giới của game, thì rõ ràng Final Fantasy XV là một tựa game nhập vai xuất sắc.
Bởi lẽ khi hóa thân vào game, người chơi sẽ hầu như quên mất thực tại, bị lôi cuốn vào thế giới Eos rộng lớn và đầy quyến rũ.
Bạn không thể nào chạy bộ mà có thể đi hết chiều dài của toàn bản đồ được. Vì thế, phương tiện đi lại chính yếu là chiếc siêu xe Regalia, mặc dù vậy, việc di chuyển từ điểm A đến điểm B trong quá trình làm nhiệm vụ cũng sẽ mất kha khá thời gian của bạn (nếu không sử dụng chức năng Fast Travel).
Ngoài chuỗi nhiệm vụ chính, Final Fantasy XV còn cung cấp một chuỗi các nhiệm vụ phụ cực kỳ đồ sộ với số lượng có thể lên đến hàng trăm đủ để làm bạn “khóc thét”.
Thêm vào đó, hệ thống Bounty Hunt cũng sẽ khiến bạn bận rộn không kém gì những nhiệm vụ kể trên, hệ thống này sẽ đưa cho bạn danh sách các quái vật cần tiêu diệt và phần thưởng mà nó đem lại cũng chính là nguồn thu nhập chính trong game.
Nếu cảm thấy không thích làm những công việc được chỉ định, bạn có thể tự do đi lại khắp bản đồ để thu thập nguyên liệu nấu ăn hay các vật phẩm tiêu thụ.
Không chỉ vậy, đâu đó phía sau những ngóc ngách trên bản đồ còn ẩn chứa các bí mật mà chỉ khi bạn chịu khó tìm tòi khám phá thì mới có thể phát hiện được, điển hình như những hầm ngục (Dungeon) ẩn hay những con quái vật khổng lồ.
Ngoài thế giới rộng lớn, các nhân vật trong game đều có những kỹ năng khác nhau làm cho cuộc hành trình trong Final Fantasy XV trở nên thú vị.
Ignis với vai trò là quản gia có nhiệm vụ nấu ăn cho cả nhóm, những món ăn được thiết kế rất chi tiết khiến bạn phải thèm thuồng mỗi khi chứng kiến tận mắt.
Nếu nói độ thành công của một tựa game nhập vai được quyết định bằng khả năng tạo nên cảm giác chân thật cho người chơi khi đắm chìm vào thế giới của game, thì rõ ràng Final Fantasy XV là một tựa game nhập vai xuất sắc
Prompto với kỹ năng chụp hình sẽ ngẫu nhiên tạo ra những bức hình tuyệt đẹp trong quá trình chiến đấu hoặc sinh hoạt của cả nhóm.
Kỹ năng sinh tồn của Gladiolus có thể nhặt các vật phẩm tiêu thụ như bình máu (Potion), hoặc Elexir (Hồi cả máu lẫn MP) trong suốt cuộc hành trình….
Và cuối cùng là kỹ năng câu cá của Noctis, tuy không bắt chước toàn bộ hệ thống câu cá như một tựa game mô phỏng chuyên nghiệp nhưng vẫn đủ sức khiến bạn cảm thấy hứng thú.
Ngoài ra, còn rất nhiều chi tiết nhỏ nhặt khác như các minigame, những đoạn tin tức trong radio hay hệ thống ngày đêm…
Tất cả các yếu tố trên kết hợp với nhau tạo nên một Final Fantasy XV cực kỳ sống động!
BẠN SẼ GHÉT
LỐI DẪN CHUYỆN SƠ SÀI CÙNG DÀN NHÂN VẬT CHÍNH HỜI HỢT
Hệ thống cốt truyện của Final Fantasy XV bao gồm Final Fantasy XV: Kingslaive, Brotherhood: Final Fantasy XV và Final Fantasy XV, cả 3 phần này đều có liên quan mật thiết với nhau.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đã từng xem qua Final Fantasy XV: Kingslaive hay Brotherhood: Final Fantasy XV mà nhảy ngay vào tựa game chính, vì thế việc tóm tắt nội dung cốt truyện ngay từ đầu game là hết sức cần thiết.
Thế nhưng, lối dẫn chuyện của Final Fantasy XV lại không làm tốt công việc này.
Nếu bạn chơi Final Fantasy XV mà không xem trước hai phần phim kia và cảm thấy hoàn toàn không hiểu với những gì đang diễn ra vào đầu game thì đừng hoang mang, bởi vì bạn không phải là trường hợp duy nhất.
Nếu bạn chơi Final Fantasy XV mà không xem trước hai phần phim kia và cảm thấy hoàn toàn không hiểu với những gì đang diễn ra vào đầu game thì đừng hoang mang, bởi vì bạn không phải là trường hợp duy nhất
Không chỉ dừng lại ở đó, trong quá trình thưởng thức cốt truyện của game, hàng loạt những điểm bất hợp lý cần được giải thích thường xuyên xuất hiện nhưng cho đến khi kết thúc trò chơi, người viết vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng.
Bên cạnh đó, dàn nhân vật chính của Final Fantasy XV được xây dựng tương đối hời hợt, “bộ tứ” Noctis, Gladiolus, Ignis và Prompto với hình tượng chải chuốt, quần áo phong cách cùng với những điệu bộ – cử chỉ có phần “cải lương” khiến bạn không khỏi nhầm lẫn họ là… một ban nhạc nam đang trên đường đi trình diễn văn nghệ.
Mặc dù trong game có một vài nhân vật nữ, nhưng tầng xuất “lên sóng” lại cực kỳ ít trong hầu hết thời lượng chơi, bạn chỉ quanh đi quẩn lại với một nhóm toàn là “đực rựa” cùng với tình anh em nhàm chán, thiếu đi tính lãng mạn mà một tựa game Final Fantasy thường có.
HỆ THỐNG CHIẾN ĐẤU: CON DAO HAI LƯỠI
Hệ thống chiến đấu mới tuy đột phá và tạo cho tựa game cảm giác khác lạ khi trải nghiệm nhưng nó vẫn tồn tại khuyết điểm không đáng có.
Đó chính là vấn đề về góc nhìn (Camera), khi bạn tham gia chiến đấu, góc nhìn sẽ được tự động điều chỉnh sao cho bạn có thể nhìn rõ nhất.
Tuy nhiên, đó chỉ là lý thuyết, trên thực tế, vì cơ chế chiến đấu của Final Fantasy XV diễn ra với nhịp độ cực kỳ nhanh mà đòi hỏi việc góc nhìn phải thường xuyên thay đổi để phù hợp với những tình huống mà bạn tạo ra.
Chính vì lẽ đó, hầu như ở tất cả các trường hợp, Camera thường xoay vào những chỗ khiến bạn cảm thấy khó nhìn nhất, đặc biệt là lúc bạn đang chiến đấu ở góc hẹp hoặc đối đầu với những quái vật to tướng.
Ngoài ra, mặc dù việc điều khiển nhân vật trong chiến đấu đã được đơn giản hóa rất nhiều so với những game có lối chơi hành động khác như Dark Souls 3 hay The Witcher 3… Nhưng nó vẫn tạo cho người viết một cảm giác khó có thể quen ngay được và phải mất rất nhiều thời gian tập luyện để có thể sử dụng thành thạo.
Camera thường xoay vào những chỗ khiến bạn cảm thấy khó nhìn nhất, đặc biệt là lúc bạn đang chiến đấu ở góc hẹp hoặc đối đầu với những quái vật to tướng
THÔNG TIN
- Sản xuất: Square Enix
- Phát hành: Square Enix
- Thể loại: Hành động | Nhập vai
- Ngày ra mắt: 29/11/2016
- Hệ máy: PlayStation 4, Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: N/A
- CPU: N/A
- RAM: N/A
- VGA: N/A
- HDD: N/A
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SCE ASIA – TRÊN HỆ PS4