Skip to content

Resident Evil 7: Biohazard – Đánh Giá Game

Resident Evil 7

Resident Evil 7 – Khởi đầu của Resident Evil 7: Biohazard mở ra với khung cảnh Ethan Winters tiến sâu vào một khu vực nhánh sông hẻo lánh tại Lousiana, với mục đích tìm kiếm người vợ mất tích của mình.

Đây có phải là lần đầu tiên và cuối cùng mà chúng ta được nhìn thấy ánh nắng mặt trời?

Nếu như Ethan lạc đường trong cái nơi hoang vu chỉ với tiếng lá cây loạc xoạc này, thì liệu có ai nhận ra và tìm người giúp đỡ hay không?

Thậm chí, thứ đã lôi kéo Ethan tới đây có phải chỉ là một phần của một trò đùa quái quỷ nào đó, hay nó thực chất là một cái bẫy?

Resident Evil 7: Biohazard không cần phải chờ đến lúc chính thức chìm vào bóng tối mới có thể khiến cho khám giả của mình cảm thấy bất an.

12 năm sau khi Resident Evil 4 – phiên bản được đa số người công nhận là xuất sắc nhất trong toàn bộ loạt game, ra mắt và cũng đánh dấu sự “khởi đầu của sụp đổ” khi chuyển hướng Resident Evil trở thành một dòng game nhuốm màu hành động, với hai phiên bản đánh số tiếp theo thành công về doanh thu, nhưng lại không làm cho người hâm mộ của mình hài lòng.

Thế nên với phiên bản thứ 7 được cho là “quay về gốc rễ” kinh dị thuần túy của mình, Capcom đồng thời cũng muốn tạo nên một sản phẩm khác biệt, không hề giống với những gì mà những nhà làm game khác đang thực hiện.

Đó là một sản phẩm mà đội ngũ phát triển tự tin vỗ ngực và nói rằng:

Chào mừng quay trở về, Resident Evil“.

BẠN SẼ THÍCH

NHỮNG CƯ DÂN KÉM THÂN THIỆN XỨ LOUISIANA

Khởi đầu mang đậm chất The Shining chỉ là một phần nhỏ trong số những yếu tố khác nhau tạo nên tông điệu “lạnh sống lưng” của Resident Evil 7: Biohazard dưới góc nhìn thứ nhất, tương đồng với những Outlast, Alien: Isolation hay Amnesia… nhưng điều đó không có nghĩa rằng Resident Evil 7: Biohazard trở thành một tựa game thuần “kinh dị hù dọa” như những tựa game trên.

Góc nhìn thứ nhất của trò chơi thực sự không làm thay đổi cốt lõi của Resident Evil nhiều đến thế, bởi mặc cho nửa đầu của game đầy rẫy những tình huống “chạy và nấp” thay vì “tả xung, hữu đột” như các tựa game trước đây, người chơi vẫn phải lượn lờ xung quanh một khu vực chính của game với hàng tá công việc khác nhau: tìm đường, thu thập và kết hợp vật dụng, giải đố, sắp xếp thùng đồ và dĩ nhiên không thể thiếu những lá thảo mộc xanh để hồi máu, có chăng chỉ khác là thay vì kết hợp với thảo mộc đỏ thì hóa chất là nguyên liệu còn lại để tạo nên một lọ thuốc thần kỳ có khả năng khiến cho một cánh tay bị cụt… ngừng chảy máu, hoặc xóa nhòa mọi vết sẹo chỉ trong tích tắc!

Thậm chí, cái cách mà Resident Evil 7: Biohazard thực hiện khoản chiến đấu với súng đạn cũng rất cổ điển: luôn luôn bắn mọi thứ di chuyển về phía bạn vào đầu chúng, hoặc vào những bộ phận hơi bị “nổi” so với phần còn lại của cơ thể của chúng.

Nếu như có cái gì đó đang “mất tích” ở đây, thì có lẽ đó là cái chất “melodrama” của Nhật Bản hiện hữu trong Resident Evil trước đây gần như bị xóa nhòa.

Hai tiếng đồng hồ đầu tiên trong nhà chính của biệt thự Bakers có lẽ là điểm sáng lớn nhất trong toàn bộ trò chơi, với một mô-típ không mới nhưng đầy thú vị!

Bạn hoàn toàn có thể tự do khám phá căn nhà không theo bất kỳ trình tự nào, thế nhưng cái cách mà trò chơi cân bằng nhịp độ và sắp đặt những tình tiết hù dọa thực sự tài tình với nhiều yếu tố khác nhau: một kẻ thù đeo bám bạn “dai như đỉa” tương tự như Nemesis, cái cảm giác chật hẹp, khó thở khi những gì xảy ra ngoài tầm nhìn đang dõi theo bước chân của mình và sẵn sàng “nhảy xổ” ra đúng lúc mà bạn kém tập trung nhất, và dĩ nhiên là cả khả năng tự vệ hạn chế của nhân vật chính!

Chỉ với khẩu súng lục và shotgun, với vài viên đạn trong tay cùng khả năng… che mặt để giảm thiểu sát thương nhận được, chứ không thể né người một cách tài ba như Claire Redfield, cho tới tốc độ di chuyển “rùa bò” thượng hạng, có lẽ chưa bao giờ mà nhân vật chính trong Resident Evil mang lại cảm giác “mỏng manh” đến như thế.

có lẽ chưa bao giờ mà nhân vật chính trong Resident Evil mang lại cảm giác mỏng manh đến như thế

Bạn thấy đấy, Resident Evil luôn có “truyền thống” ném cho người chơi một khẩu súng ở đầu game, nhưng đồng thời tạo nên rất nhiều vật cản khiến cho người chơi chỉ muốn có một khẩu súng “bự” hơn.

Một trong những kẻ thù chính mà người chơi gặp phải ở giai đoạn đầu game luôn quay trở lại, kể cả khi bạn tưởng rằng mình đã tiêu diệt nó.

Bạn có thể tấn công hắn, dùng dao, dùng súng, dùng bất cứ mảnh sắt nào trong tay mình mà bạn muốn, thế nhưng hắn cứ tiếp tục nhổm dậy mặc cho bạn nã hết số đạn mà mình có trong tay, khiến cho những viên đạn bay ra khỏi họng súng trở nên vô nghĩa hơn bao giờ hết…

Điều này vô hình chung khiến cho người chơi sở hữu tâm lý “chắc ăn” trong suốt thời lượng còn lại của game.

Không ít lần người viết nhận ra mình đang dành đến 2/3 khoảng trống trong thùng đồ của mình chỉ để trữ đạn dược, nhưng luôn luôn tìm cách dùng chúng một cách hạn chế nhất có thể – và đó thực sự là ý hay, bởi nếu như khôn khéo một chút, bạn hoàn toàn có thể tháo chạy và kẻ địch sẽ không thể bắt kịp lấy mình.

Và đến khi game đang bắt đầu tiến gần đến cái kết thì người chơi chẳng hề “ngán” bất kỳ kẻ thù nào trên con đường của mình, khi được trang bị “tận răng” với… đạn dược vô kể!

Resident Evil đây rồi!

Luôn khiến chúng ta cực nhọc ban đầu rồi “bùng nổ” về sau, chẳng phải đây chính là lối thiết kế quen thuộc của những tựa game Resident Evil cổ điển hay sao?

Căn biệt thự nhà Bakers chắc chắn không có điểm nào giống với biệt thự Spencer mà Chris Redfield và Jill Valentine từng dấn thân vào 21 năm về trước.

Nó ẩm ướt, cũ kỹ, những đống bầy nhầy kinh tởm bám đầy mọi ngóc ngách, tiếng cọt kẹt của gỗ mục đồng âm với mỗi bước chân của bạn, và thậm chí không cần đến khứu giác để cảm nhận được mùi thối vương lại trong không khí tại nơi đây.

May mắn thay (và cũng… xui xẻo thay), căn nhà chính không phải là địa điểm duy nhất mà người chơi đặt chân đến trong Resident Evil 7: Biohazard.

Các địa điểm còn lại như ngôi nhà cũ, sân vườn, nhà thuyền và khu vực thử nghiệm dẫu đóng vai trò riêng lẻ trong việc dẫn dắt người chơi qua câu chuyện của game, thế nhưng về tổng thể, chúng lại tạo nên một địa điểm thống nhất đầy nhất quán.

Thực sự người viết cho rằng phân đoạn cuối game khi mà bối cảnh của Resident Evil 7: Biohazard vượt ra khỏi phạm vi của căn biệt thự yếu hơn hẳn 2/3 thời lượng đầu game, bởi vì mức độ chi tiết trong từng khu vực, lối thiết kế mang tính “mở” và bầu không khí “rợn tóc gáy” bắt đầu chững lại đôi chút để đẩy nhanh nhịp độ của game trong thời gian này.

Resident Evil 7

Phần lớn lối thiết kế tại căn biệt thự Bakers sử dụng phương thức “khóa cửa” cổ điển của Metroid, chỉ cho phép người chơi mở những cánh cửa trên đường đi của mình khi đã thực hiện một yêu cầu nào đó dẫn đến những câu đố tuy đơn giản nhưng với các bước thực hiện ngoằn ngoèo khác nhau.

Chúng tạo nên những khu vực được kết nối lại với nhau thành một thể thống nhất, và thậm chí còn khiến người chơi phải mò thật kỹ từng ngõ ngách bằng cách đặt vật phẩm tại những vị trí khéo léo.

Không những vậy, vẫn còn một yếu tố phụ nhưng đầy then chốt khác cho thấy được lối thiết kế đầy chỉn chu của Resident Evil 7: Biohazard là những cuộn băng VHS cho thấy những phân đoạn người chơi sẽ gặp phải nhưng được “chỉnh sửa” đi đôi chút.

Ví dụ như tại khu vực thử nghiệm, người chơi có thể lại đóng vai anh chàng Clancy từng xuất hiện trong bản demo Beginning Hour và thực hiện một câu đố chết người của Lucas Bakers, nếu trong vai Ethan mà bạn lại thực hiện đúng các bước mà Clancy đã từng làm thì bạn sẽ nắm chắc… phần thua trong tay, thế nên bạn buộc phải “đi đường tắt” sau lần thua cuộc đó, hoặc sau khi xem đoạn băng đó.

Đó là một sự biến chuyển tài tình, cả trong thiết kế lối chơi lẫn dẫn dắt câu chuyện của Resident Evil 7: Biohazard, khiến cho trò chơi trở nên khó đoán hơn mặc cho người chơi “ăn gian” với khả năng nhìn thấy tương lai trong quá khứ của mình.

Mặc dù người viết không nghĩ rằng đây là lời chỉ trích dành cho Resident Evil 7: Biohazard, thế nhưng có lẽ trò chơi vẫn sở hữu rất nhiều “tật xấu khó bỏ”.

Dĩ nhiên, “tật xấu” ở đây không đồng nghĩa với khuyết điểm, mà thậm chí người viết cho rằng những “tật xấu” đó được lồng ghép vào game cực kỳ khéo léo, để giữ lấy danh tính Resident Evil của mình.

Đây là một trò chơi mà bạn đang thở hổn hển trong lúc né tránh thứ gì đó đang lùng sục đằng sau mình, nhưng 20 phút sau, bạn lại choảng nhau với một sinh vật không rõ hình thù với cả tá cầu mắt lồi ra ở những vị trí mà đáng lẽ nó không nên được đặt tại đó, trong lúc cứ mở mồm ra là lại chêm từ “f*ck” vào từng câu nói.

Chúng ta không có Chris Redfield nào chuẩn bị đấm một cục đá tội nghiệp đi, hay một Leon sẵn sàng trổ tài quay người và đạp vào các “cư dân kém thân thiện” một cách điệu nghệ như đang múa ba lê, thế nhưng mặc cho sở hữu tông điệu “nghiêm túc” bậc nhất trong cả dòng game, Resident Evil 7: Biohazard không quên chừa chỗ cho những thứ khiến người chơi phải bật cười vì mức độ… nực cười của nó!

Thậm chí Ethan còn phải thốt lên “ai xây cái thứ quái quỷ này vậy?” khi tìm được một kẽ hở bí mật trong căn biệt thự Bakers cơ mà.

Có lẽ đây là nét hài hước của người Nhật khi tạo ra một tựa game đậm chất phương Tây hay sao?

Nếu đúng là thế, có lẽ chẳng ai bận tâm lắm nếu họ tiếp diễn phong thái đó trong những tựa game tiếp theo đâu.

Mặc dù không sở hữu những nhân vật “số má” của dòng game, thế nhưng điều mà Resident Evil 7: Biohazard thực hiện rất tốt là kể lại một câu chuyện đầy tự nhiên – nếu không muốn nói là có phần chân thành giữa Ethan và Mia.

Nó không có những nút thắt đầy phức tạp hay các ý đồ mang tính toàn cầu của những tập đoàn xấu xa, nhưng ít ra câu chuyện với quy mô nhỏ hơn, đơn giản hơn “thổi” vào Resident Evil 7: Biohazard một hơi thở mới lạ hơn so với trước.

Thậm chí nếu ta không xét về câu chuyện, thì trò chơi vẫn sở hữu dàn nhân vật phản diện đáng nhớ với một ông bố bất tử và câu nói “chào mừng tới gia đình” (“Welcome to the Family!”) rất thuận tai và dễ trích dẫn, một bà mẹ với tình yêu côn trùng nồng nàn, một cậu con trai “bác học điên” có đủ tố chất để cosplay Joker, cho đến một cô bé có thể xem là phiên bản “xấu xa” toàn phần của Natalia Korda trong Resident Evil: Revelations 2.

BẠN SẼ GHÉT

Resident Evil 7

NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM BÍ ẨN

Có lẽ đây không nhất thiết phải là lời chỉ trích dành cho Resident Evil 7: Biohazard, tuy nhiên sau khi hoàn thành trò chơi, người viết vẫn giữ nguyên quan điểm rằng đáng lẽ ra Capcom không nên… cho ra mắt phiên bản demo Beginning Hour, bởi vì nhiều lý do khác nhau.

Nếu như bạn đã chơi qua bản demo Beginning Hour, thì ắt hẳn bạn đã biết rằng phiên bản “mời chào” kéo dài 1 tiếng đồng hồ sở hữu rất nhiều nội dung thú vị, như 4 kết cục khác nhau diễn ra tùy vào các bước mà người chơi thực hiện, hay một minigame phức tạp cho phép người chơi tìm ra ngọn nguồn của một vụ án mạng.

Cái cách mà Beginning Hour tạo nên những kết cục khác nhau thực sự rất sáng tạo, bạn chơi theo đúng kịch bản của game trong lần đầu và dĩ nhiên gặp phải kết thúc xấu, thế là bạn đi “đường tắt” và việc này khiến cho một số vật phẩm tráo đổi vị trí với nhau.

Mô-típ này được áp dụng trong câu đố của Lucas thế nhưng bấy nhiêu vẫn là chưa đủ, cá nhân người viết đã hy vọng rằng Resident Evil 7: Biohazard sẽ “phản ứng” lại với những hành động mà người chơi thực hiện nhiều giống như trong bản demo, thế nhưng thực sự bản chất của trò chơi vẫn khá là tuyến tính và một chiều.

Đó không phải là điều xấu, song thực sự người viết khá thất vọng vì Resident Evil 7: Biohazard không sở hữu giá trị mày mò và chơi lại cao như bản demo Beginning Hour từng thực hiện.

Resident Evil 7: Biohazard không sở hữu giá trị mày mò và chơi lại cao như bản demo Beginning Hour từng thực hiện

Resident Evil 7: Biohazard mắc phải hai khuyết điểm khá kỳ quặc.

Thứ nhất, đối với một tựa game buộc người chơi phải lén lút và cẩn trọng trước những ngóc ngách mà mình không thể thấy trực tiếp được, thì thật sự việc thiếu vắng chức năng nghiêng người (lean) là một sự bất thuận tiện không đáng có!

Thứ hai, số lượng kẻ địch mà người chơi gặp phải thiếu đa dạng một cách khó tin!

Từ đầu đến cuối game, ngoài những con “trùm” chính, người chơi sẽ chỉ có thể đối đầu với những sinh vật bầy nhầy màu đen mang tên “Molded”, với cách thức hạ gục rất đơn giản: cho 3 phát đạn súng lục hoặc một phát shotgun vào đầu chúng!

Ngoài những con Molded di chuyển với tốc độ di chuyển “rùa bò” như thông thường thì còn có vài con khác biết bò bằng tứ chi, cách thức hạ gục cũng như trên – bắn vào đầu!

Những con có khả năng “khạc nhổ” với tầm xa hơi bị quá đáng cũng có thể bị hạ bằng cách thức trên – bắn vào đầu.

Đây thực sự là một điều khá đáng tiếc bởi loạt game Resident Evil từ trước đến nay luôn sở hữu các chủng loại quái vật được thiết kế đầy sáng tạo, kể cả trò chơi được coi là “tệ lậu” của dòng game này như Resident Evil 6 cũng không hề nằm ngoài quy luật trên.

Con trùm cuối cùng trong Resident Evil 7: Biohazard cũng là… khuyết điểm cuối cùng của game.

Người viết có cảm tưởng rằng đội ngũ phát triển bắt đầu “mệt mỏi” khi trò chơi dần tiến về hồi kết, thế nên họ dành tặng cho người chơi một trận đấu trùm kết thúc cực kỳ… lười biếng mà trong đó, việc người chơi chỉ cần làm là nã hết đạn vào mặt của con trùm trước khi nó “nhai” bạn, và cứ tiếp tục như thế trong 2 phút sau đó.

Trận đấu trùm cuối cùng chỉ đơn thuần là một đoạn cắt cảnh dài cho phép người chơi dùng súng bắn vào mặt trùm mà không cần phải bận tâm đến chiến thuật, cách thức di chuyển hay cung cách sử dụng đạn tiết kiệm.

Thực sự chất lượng của trận đấu trùm cuối cùng của Resident Evil 7: Biohazard không hề tương xứng với phần còn lại của game chút nào cả.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Capcom
  • Phát hành: Capcom
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 24/01/2017
  • Hệ máy: PC | PS4 | Xbox One

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7, 8, 8.1, 10 (64-bit)
  • CPU: Intel® Core™ i7 3770 3.4GHz
  • RAM: 8GB
  • VGA: NVIDIA® GeForce® GTX 1060 3GB VRAM
  • HDD: 24GB

CẤU HÌNH YÊU CẦU

  • OS: Windows 10
  • CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
  • RAM: 8GB
  • VGA: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
  • HDD: 1TB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI CAPCOM – CHƠI TRÊN HỆ PC

Vàng 9.0

Capcom đã tạo nên một tiền đề hơi... không thực tế với bản demo Beginning Hour, nhưng thực sự đó là một lời chỉ trích dư thừa dành cho Resident Evil 7: Biohazard.
Với danh nghĩa là một tựa game gánh trên mình trọng trách khôi phục lại niềm tin của người hâm mộ từ một dòng game đã hơn 20 năm tuổi nhưng vẫn tạo nên bản sắc riêng cho mình, thì thực sự những gì mà Resident Evil 7: Biohazard phải khiến cho bất kỳ ai từng hoài nghi về nó phải "tâm phục, khẩu phục".
Nếu như bạn đã từng nghĩ rằng đây là một sản phẩm "ăn theo" Outlast hay Silent Hill, thì bạn đã nhầm to. Đây là một tựa game Resident Evil đích thực hiện hữu ngay cả trong cái tên lẫn cái "chất" của mình.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ