Bayonetta – Gần 8 năm về trước, sau khi rời khỏi Capcom, cha đẻ của dòng game hành động đình đám Devil May Cry, Hideki Kamiya, đã cho ra đời một tựa game cùng thể loại, một “đứa con” hoàn toàn mới lạ.
Ngay sau khi được phát hành, tựa game này đã nhận được phản hồi vô cùng tích cực từ hàng triệu game thủ trên toàn thế giới.
Không muốn nói đây là một siêu phẩm cũng chẳng thể phủ nhận nó đã thành công rực rỡ, tự tạo được tên tuổi cho riêng mình bên cạnh những dòng game cùng thể loại khác như Ninja Gaiden, God of War, hay chính người anh Devil May Cry.
Tựa game đó chính là Bayonetta.
Bayonetta được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2009, trên hai hệ máy console thống trị trong khoảng thời gian đó là Xbox 360 và PlayStation 3. Sau đó, vào năm 2014, tựa game này được phát hành lại trên hệ máy Wii U, cùng với phần kế tiếp là Bayonetta 2.
Trong suốt khoảng thời gian này, Bayonetta là một trong những niềm tự hào của người chơi console, và dĩ nhiên là một trong những “di sản” khiến dân “cày” PC phải ghen tị!
Tuy nhiên, vào một ngày “Cá tháng Tư” đẹp trời, Platinum Game đã tung 8-Bit Bayonetta lên Steam, khiến cả thế giới ngỡ ngàng tự hỏi: liệu đây chỉ là một trò đùa, hay Bayonetta sẽ thực sự có mặt trên PC? Có lẽ giờ đây ai cũng đã có câu trả lời…
Bayonetta đã có mặt đủ lâu để tên tuổi của nó được truyền đi và lan rộng trong vô vàn cộng đồng game trên toàn thế giới.
Do đó, mục đích chính của bài viết này không nhằm để khẳng định chỗ đứng của Bayonetta một lần nữa, vì thời gian và con người đã làm giúp việc đó trong 8 năm rồi.
Tuy nhiên, với những game thủ chưa từng trải nghiệm tựa game này, hoặc đang băn khoăn không biết có nên mua tựa game này trên PC một lần nữa hay không, thì bài viết sau sẽ giúp bạn trong việc đưa ra quyết định!
BẠN SẼ THÍCH
NỮ CHÍNH ẤN TƯỢNG, QUÁ “HOT”!
Một trong những điểm thành công nổi bật nhất của Bayonetta chính là game đã xây dựng được nhân vật chính cùng tên hoàn toàn nổi bật và để lại dấu ấn vô cùng mãnh liệt cho người chơi!
Trước hết, Bayonetta luôn được khẳng định là một người phụ nữ mạnh mẽ. Là một trong những phù thủy Umbra cuối cùng còn sót lại, cô có khả năng triệu hồi sức mạnh của quỷ để hỗ trợ mình trong các trận đánh, khiến cho mình có khả năng chống lại với vô số các thiên thần.
Khi đối đầu với kẻ thù, Bayonetta luôn thể hiện thái độ bình tĩnh và cách nói chuyện mỉa mai, kể cả với các Auditio – những thiên thần có thứ hạng rất cao. Và cũng chính thái độ và cách nói chuyện đó đã làm toát lên điểm nhấn thứ hai của cô: sự nóng bỏng và quyến rũ!
Có thể nói một trong những điểm thành công nhất của Bayonetta chính là game đã xây dựng được nhân vật chính cùng tên hoàn toàn nổi bật và để lại dấu ấn vô cùng mãnh liệt cho người chơi
Trang phục chính của cô nàng Bayonetta là một chiếc áo đen tuyền, bó sát thân hình nhỏ nhẹ và uốn lượn, kết hợp với những trang sức phụ kiện khác nhau tạo nên một vẻ mạnh mẽ, kiêu sa và hấp dẫn. Đồng thời, hành động và cách nói chuyện của nàng dù trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện sự quyến rũ.
Với cách thiết kế đánh vào sự mạnh mẽ và khêu gợi, có lẽ một số người sẽ cho rằng nhân vật khá lố lăng. Tuy nhiên, cho dù có ưa hay không ưa cách thiết kế đó thì cũng không thể phủ nhận là Bayonetta thực sự nổi bật so với rất nhiều nhân vật “một chiều” khác trong hằng hà sa số video game thời nay.
Vậy không phải nhà sản xuất đã rất thành công trong việc tạo ra nhân vật chính “có một không hai” sao?
HỆ THỐNG CHIẾN ĐẤU CÓ CHIỀU SÂU
Điểm tuyệt với nhất của Bayonetta chính là hệ thống chiến đấu được sáng tạo một cách tinh tế và trau chuốt hết sức tỉ mỉ.
Bayonetta thể hiện sự sáng tạo từ những điều đơn giản nhất: ba chiêu tấn công cơ bản mà cô nàng có thể sử dụng là đấm (punch), đá (kick) và bắn (shoot). Các nút này có thể được sử dụng kết hợp với nhau để tạo ra rất nhiều chiêu thức kết hợp liên hoàn (combo), những Combo này ăn khớp với nhau một cách nhuần nhuyễn, tạo nên những chuyển động mượt mà cho Bayonetta “giáng” xuống kẻ thù.
Hơn thế nữa, có một số combo đòi khỏi người chơi phải dừng lại trong một khoảng thời gian nhỏ để bấm nút tiếp theo, thay vì bấm các nút liên tục, giúp tạo độ khó nhất định cho game và càng làm tăng tính đa dạng của các combo.
Ngoài ra, hệ thống combo trong Bayonetta khác biệt so với những game “hack n’ slash” (chặt & chém) khác còn bởi những đòn “Wicked Weaves”.
Những đòn đánh này cho phép Bayonetta sử dụng tóc của mình để triệu hồi một bàn tay hoặc chân khổng lồ để tấn công kẻ địch.
Đồng thời, Bayonetta có thể trang bị hai vũ khí khác nhau vào tay và chân, chưa kể những vũ khí khác nhặt được từ kẻ thù, đa dạng hóa combo và những đòn Wicked Weaves.
Tóm lại, hệ thống chiến đấu trong Bayonetta đã thể hiện sự tươi mới và sáng tạo từ những điều cơ bản nhất!
Bayonetta cung cấp cho người chơi một nút bấm chuyên để né đòn. Nếu người chơi có thể né được những đòn đánh của đối thủ vào thời điểm chuẩn xác nhất ngay lúc đòn đánh đó sắp sửa tiếp xúc với nhân vật, thì Witch Time sẽ được kích hoạt.
Khi đó, thời gian sẽ châm lại khiến kẻ thù và những đòn tấn công của chúng gần như đứng yên, tạo cơ hội để người chơi tiếp cận kẻ địch và thi triển một loạt những đòn combo đẹp mắt của Bayonetta.
Cơ chế này kích thích người chơi học hỏi, quan sát những cử động của kẻ thù thay vì chỉ tập trung vào đánh đấm loạn xạ, làm tăng phản xạ, kĩ năng của người chơi và độ đa dạng của game.
Cơ chế đặc biệt tiếp theo bên cạnh hệ thống Witch Time là những đòn Torture Attack. Khi Bayonetta tấn công kẻ địch, thanh phép thuật của cô sẽ tăng lên, còn khi bị trúng đòn thì sẽ giảm đi. Một khi thanh phép thuật của Bayonetta được đổ đầy, người chơi có thể thi triển đòn Torture Attack lên đối thủ.
Những đòn đánh này tạo ra lượng sát thương cực lớn với những hoạt cảnh khác nhau, tùy theo kẻ địch nào bị dính đòn.
Ngoài hai cơ chế trên, một số quái vật và trùm còn đòi hỏi nhiều cách đánh đặc thù, từ đó giúp cho chiến đấu càng trở nên phong phú hơn.
Điểm tuyệt với nhất của Bayonetta chính là hệ thống chiến đấu được sáng tạo một cách tinh tế và trau chuốt hết sức tỉ mỉ
Cuối cùng, tuy không liên quan mật thiết tới hệ thống chiến đấu, nhưng cũng thể hiện hiện sự trau chuốt đến từng chi tiết để mang lại cảm giác hứng thú cho từng người chơi khác nhau chính là những cấp độ của game.
Bayonetta có tất cả 5 cấp độ khó: Rất dễ (Very Easy), dễ (Easy), bình thường (Normal), khó (Hard) và tuyệt đỉnh (∞ Climax).
Với những người chơi muốn trải nghiệm Bayonetta để tận hưởng cảm giác “đánh sướng” mà không cần quá chú tâm vào việc học hỏi cơ chế thì game có hai chế độ “rất dễ” và “dễ” cho họ. Ở hai chế độ này, chỉ cầm bấm những nút tấn công là Bayonetta sẽ tự động thực thi những đòn đánh và combo khác nhau phù hợp với hoàn cành.
Do đó, người chơi chỉ cần bấm những nút tấn công tiên tục cũng có thể được nhìn thấy những loạt combo đẹp mắt và tận hưởng trải nghiệm “đánh đã tay”.
Còn với những người chơi muốn trải nghiệm Bayonetta để thử thách bản thân thì có thể chơi những cấp độ còn lại. Đặc biệt, với cấp độ “tuyệt đỉnh” thì những đòn Witch Time không còn có thể thi triển bằng cách thông thường là né đòn chuẩn xác được nữa, từ đó tăng độ khó của game lên một cách… khinh khủng.
Như vậy, nhà sản xuất của Bayonetta đã cực kì tinh tế khi thiết kế độ khó của game hướng tới các thành phần người chơi khác nhau.
MỘT BẢN CHUYỂN HỆ GẦN NHƯ HOÀN MỸ!
Việc một tựa game console được “chuyển hệ” (port) sang PC với chất lượng giảm đáng kể và cũng dính hàng tá lỗi có lẽ không phải là điều mới mẻ, thế nhưng may mắn thay, Bayonetta trên PC hoàn toàn không phải là một trong số đó.
Đồng thời, game hoạt động cực kỳ ổn định 60 FPS, điều tối quan trọng trong một tựa game hành động tốc độ cao, chỉ đáng tiếc rằng phim cắt cảnh vẫn bị giới hạn ở 30FPS.
Để mang tới một bản port chất lượng như vậy, Platinum Games chắc chắn đã bỏ ra không ít công sức và những ai đã từng thưởng thức tựa game trên console thì chắc chắn sẽ không khó để nhận ra những cải tiến trên bản PC.
Do đó, kể cả bạn đã từng chơi trên console thì phiên bản PC của Bayonetta vẫn là một trải nghiệm mới, rất đáng đồng tiền bát gạo.
kể cả bạn đã từng chơi trên console thì phiên bản PC của Bayonetta vẫn là một trải nghiệm mới, rất đáng đồng tiền bát gạo
BẠN SẼ GHÉT
CỐT TRUYỆN KHÔNG QUÁ MỚI MẺ HOẶC HẤP DẪN
Với bản chất là một game hành động hack-n-slash, thực sự cũng không quá ngạc nhiên khi cốt truyện có lẽ là điểm yếu nhất của Bayonetta.
Bayonetta là một phù thủy đã được đánh thức 20 năm trước, sở hữu một trong hai con mắt của vạn vật (Eyes of the World) song lại đánh mất trí nhớ của mình.
Cốt truyện của trò chơi kể về việc cô lên đường để tìm ra nguồn gốc của mình, và chống lại kẻ thù là các thiên thần. Nhìn chung những câu chuyện với nhân vật chính “mất trí nhớ” và “có sức mạnh đặc biệt” không phải là hiểm.
Hành trình của câu chuyện trong Bayonetta có thể nói là đi theo một hướng nhất định, mặc dù trong game cũng có một vài tình tiết đặc sắc nhưng nhìn tổng thể, cốt truyện của Bayonetta không phải là quá cuốn hút hay sâu đậm.
mặc dù trong game cũng có một vài tình tiết đặc sắc nhưng nhìn tổng thể, cốt truyện của Bayonetta không phải là quá cuốn hút hay sâu đậm
BÀI VIẾT ĐOẠT GIẢI QUÁN QUÂN CUỘC THI VIẾT LẦN 1 CỦA VIETGAME.ASIA