Titan Quest: Ragnarok – Mặc dù lịch sử ngành game đã đi quá con số 40 năm có lẻ, thế nhưng mãi cho đến ngày hôm nay, khi được hỏi rằng “Theo bạn, tựa game nhập vai hành động (A-RPG) nào là xuất sắc nhất của mọi thời đại?”, nhiều người sẽ không ngần ngại mà trả lời là Diablo 2.
Quả vậy, kể từ khi ra mắt đầu tiên vào năm 1996, dòng game Diablo đến từ Blizzard này đã đặt ra một chuẩn mực mới cho thể loại A-RPG theo phong cách “chặt và chém” (hack-n-slash), tạo thành một tiền đề mà sau đó vô số các “hậu bối” khác đã nô nức đi theo.
Với phiên bản đỉnh cao của cả dòng game là Diablo 2, người ta vinh danh về nó như một tượng đài vĩnh cửu, một thứ có thể làm lu mờ tất thảy những sản phẩm đồng loại khác khi đặt cùng một nơi.
Thế nhưng, ngai vàng của Diablo 2 không thật sự là bất diệt, khi mà năm 2006 đánh dấu tự ra đời của Titan Quest – kẻ “hậu sinh” có thể đe dọa mạnh mẽ đến sự thống trị của “vương triều” Diablo.
Đến từ Iron Lore, một studio không mấy nổi tiếng, thế nhưng Titan Quest nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong lòng giới mộ điệu bằng cách học hỏi và chắt lọc những tinh hoa từ Diablo, trong khi vẫn sở hữu những đặc thù mang đậm nét riêng của mình, chẳng hạn như hệ thống Dual Class (“chức nghiệp kép” trứ danh mà về sau huyền thoại Grim Dawn cũng kế thừa) và pho sử thi hoành tráng mang tính đa quốc gia của mình.
Tuy vậy, sự thành công của Titan Quest và bản mở rộng Immortal Throne vẫn không đủ sức để giữ cho Iron Lore khỏi phá sản.
Những tưởng bản trường ca về vị anh hùng trong thần thoại sẽ mãi chấm dứt – thì năm 2016 lại đánh dấu hai sự kiện liên tiếp báo hiệu về sự hồi sinh của dòng game tuyệt vời này: sự ra mắt của Grim Dawn (được thực hiện bởi Crate Entertainment – bao gồm hội cựu binh của Iron Lore) và THQ Nordic tái phát hành phiên bản Titan Quest Anniversary.
Tuy không cùng một nguồn, nhưng cả hai đều nhận được những đánh giá hết sức tích cực từ giới yêu game – càng chứng tỏ vị thế đáng gờm của một huyền thoại, dù sau 10 năm vẫn chưa hề giảm sức hút.
THQ Nordic vẫn chưa dừng lại ở việc hồi sinh Titan Quest Anniversary, mà có vẻ như họ còn muốn dùng nó như một con át chủ bài đầy uy lực, khi mà vừa qua họ đã tung ra thêm một bản mở rộng “cây nhà lá vườn” mới cho Titan Quest sau hơn 11 năm có tên Titan Quest: Ragnarok.
Dĩ nhiên, đây là công trình tim óc của đội ngũ thiết kế riêng của THQ Nordic dựa trên nền tảng gốc của Iron Lore để lại chứ không phải hàng “chính hãng”.
Vậy, chất lượng của nó liệu có thực sự vẫn “ngon lành” như Immortal Throne hay không?
Câu trả lời sẽ nằm trong bài đánh giá sau đây từ Vietgame.asia gửi đến bạn đọc.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
NHIỀU CẢI TIẾN ĐÁNG KỂ!
Thông thường đối với một phiên bản mở rộng của game RPG, thứ người ta mong đợi sẽ là cốt truyện mới, bản đồ mới, chức nghiệp mới, tính năng mới… và có thể nói rằng, về phương diện này thì Titan Quest: Ragnarok đã đáp ứng được phần lớn kỳ vọng của cộng đồng (mặc dù trước đó chẳng ai nghĩ sau 11 năm Titan Quest sẽ lại có thêm một bản mở rộng nữa).
Nhìn chung, những gì mà Titan Quest: Ragnarok mang lại cho người chơi vẫn nằm trong khuôn khổ chuẩn mực một “bản mở rộng” đúng nghĩa mà các tựa game lớn kinh điển vẫn thường làm khi xưa (cho đến khi cái thứ mang tên “DLC/Season Pass” ra đời và làm “ô nhiễm” cả thị trường game hiện tại).
Nghe qua cái tên, và cũng vì… dư chấn của siêu phẩm điện ảnh Thor: Ragnarok vẫn còn vang vọng đâu đây, chắc chắn không cần phải có một trí tuệ tuyệt đỉnh để hiểu rằng phiên bản mở rộng này sẽ đưa người chơi đến đâu.
Quả vậy, sau những thảo nguyên mênh mông và những bờ biển ngọc ngà của Hy Lạp, những đụn cát cháy bỏng và Kim tự tháp thần bí của Ai Cập, những khu rừng âm u và thành trì cổ kính của Trung Quốc, các phế tích và cánh đồng ma quái dưới địa ngục – thì giờ đây, hành trình “cứu thế” của người chơi trong Titan Quest: Ragnarok sẽ tiếp tục ở Bắc Âu, và sau đó là Asgard – nơi ngự trị của băng giá vĩnh cửu, và cũng là nơi diễn ra trận chiến tận thế Ragnarok.
Với đặc tính không quá đặt nặng về cốt truyện của mình, Titan Quest: Ragnarok vẫn làm khá tốt trong việc “chém gió” ra một pho sử thi mới về chủng tộc Vikings phương Bắc cùng hệ thống nhiệm vụ mới với mật độ có phần lấn lướt cả “nguyên bản”.
Nói chung, cái không khí thần thoại quen thuộc nay được phủ thêm một lớp tuyết dày khắc nghiệt đã phần nào hoàn thành tốt nhiệm vụ dẫn dắt người chơi vào một chương mới của bản trường ca thần thoại năm nào.
Ngoài 9 Mastery đã có từ bản Immortal Throne, Titan Quest: Ragnarok giới thiệu với người chơi thêm Mastery thứ 10: Runemaster.
Có vẻ như 9 Master gốc đã bao phủ tất cả các chủ đề lớn như Pháp Sư, Xạ Thủ… rồi, nên Runemaster chỉ có tính chất phụ trợ là chính chứ không có điểm nhấn riêng thực sự tách biệt.
Chức nghiệp này có đầy đủ các kỹ năng bổ trợ cho các nhánh đi khiên, song thủ, đánh phép hoặc đặt bẫy – tạo nên một nền tảng khá vững chãi cho các Mastery khác.
[su_quote]Titan Quest: Ragnarok vẫn làm khá tốt trong việc “chém gió” ra một pho sử thi mới về chủng tộc Vikings phương Bắc cùng hệ thống nhiệm vụ mới với mật độ có phần lấn lướt cả “nguyên bản”[/su_quote]Đặc biệt hơn, đó là ngoài các hệ vũ khí có sẵn, Titan Quest: Ragnarok mang đến thêm một loại vũ khí khá đặc trưng của chủng tộc Vikings: rìu ném.
Loại vũ khí này thuộc nhóm đơn thủ (nhân vật có thể dùng với khiên, hoặc 2 tay 2 rìu nếu đi nhánh song thủ của Warfare) – nhưng lại sở hữu tầm đánh xa (dù chỉ bằng một nửa cung).
Đây quả là một trải nghiệm khá mới lạ, mang đến nhiều tiềm năng cho các hướng xây dựng nhân vật mới.
Người chơi cũng có tùy chọn tạo ngay một nhân vật cấp 40 và khởi đầu ở phần cốt truyện của Ragnarok, thay vì phải chơi từ đầu – đây cũng là một lợi thế giúp những người chơi cũ có thể trải nghiệm ngay những điều mới mẻ.
Sau cùng, và có lẽ cũng là tâm điểm đáng chú ý nhất của bảng mở rộng Titan Quest: Ragnarok, đó chính là sự xuất hiện của một loại trang bị mới – thứ mà lâu nay dân tình vẫn thầm mong đợi: cái long xì, à lộn, cái quần!
Thật vậy, sau 11 năm dài đằng đẵng tự tin vung vẩy “khoe hàng” trước mặt chư thần và lũ quái vật, nay người chơi đã có thể danh chính ngôn thuận được… mặc quần.
Dĩ nhiên ngoài tác dụng thẩm mỹ ra, thêm một món trang bị đồng nghĩa với việc nhân vật cũng sẽ mạnh lên đáng kể nhờ mớ chỉ số đi kèm theo nó nữa.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
TỒN ĐỌNG NHIỀU BẤT CẬP
Một vấn đề lớn của các hậu bản game, đó là chúng thường bị đem ra so sánh với bản đầu, và ít nhiều gì cũng sẽ bị đánh giá tệ hơn do ấn tượng đầu tiên thường mang nặng thành kiến.
Điều này thường xuyên xảy ra ở các hãng game lớn, được thực hiện bởi chính cùng một đội ngũ – chứ đừng nói tới trường hợp “không chính hãng” như việc THQ Nordic kế thừa từ Iron Lore.
Hậu quả để lại là một phiên bản mở rộng tuy có nhiều đổi mới, nhưng cũng đi kèm với vô số điều tiêu cực khó chịu – tựa như một miếng beefsteak ngon lành nhưng lại dính đầy đất cát vậy.
Vấn đề đầu tiên có thể thấy ngay khi vừa đặt chân lên vùng đất tuyết phủ của phương Bắc lạnh giá, đó là các khu vực bản đồ được thiết kế một cách rộng thái quá, và không có một mục đích gì đặc biệt.
Nó tạo cho người chơi cảm giác mệt mỏi khi phải di chuyển qua những vùng trống quá lớn mà không có một sự đền đáp xứng đáng nào: không nhiệm vụ ẩn, không trùm ẩn, không có cả kho báu ẩn.
Thiết kế của môi trường cũng rất sơ sài, thậm chí, nếu đem so với Act III của Titan Quest gốc khi ở vùng núi tuyết Trung Quốc – thì có thể xem là một sự sỉ nhục nặng nề.
Vấn đề thứ hai cũng không kém nghiêm trọng hơn chút nào, khi “hình” và “âm” thường đi chung khi đánh giá về một tựa game.
Phần lồng tiếng nhân vật trong Titan Quest: Ragnarok thật sự là một “thảm họa” khi giọng nói của các nhân vật được thể hiện rất tệ, hoàn toàn không truyền đạt được một cảm xúc gì trong đó.
Các đoạn hội thoại cũng được viết rất “yếu”, sơ sài, và không có tính kết nối hoặc dẫn dắt nhiều về cốt truyện.
Titan Quest: Ragnarok mang đến cho người chơi một bộ sưu tập những món trang bị mới, mà phần lớn được thiết kế cho phù hợp với chủ đề Vikings và Asgard.
Về ngoại hình khi mặc lên người nhân vật thì cũng không có gì đáng chê trách – nhưng phần hình ảnh khi hiển thị trong thùng đồ thật sự tạo cho người chơi một cảm giác khó chịu một cách “bôi bác”, khi mà các hình mẫu trang bị trông có vẻ như những mô hình 3D được dựng ở chế độ cực thô: hoàn toàn sơ sài, không tả chất liệu, không bắt sáng – tạo bóng gì cả.
[su_quote]Phần lồng tiếng nhân vật trong Titan Quest: Ragnarok thật sự là một “thảm họa” khi giọng nói của các nhân vật được thể hiện rất tệ, hoàn toàn không truyền đạt được một cảm xúc gì trong đó[/su_quote]Sau cùng, khó có thể nói rằng đội ngũ của THQ Nordic là siêng năng khi mà phần lớn mô hình quái vật trong Titan Quest: Ragnarok chủ yếu là tận dụng lại những con quái cũ vốn có của Titan Quest, chỉ thay đổi nhẹ về chi tiết và màu sắc.
Thậm chí, về diễn hoạt, tiếng gầm rú hoặc vị trí xuất hiện của chúng cũng chỉ được làm rất qua loa, hầu như không thấy được sự đầu tư chăm chút nào cả.
Con trùm cuối nếu so với Typhoon và Hades của Titan Quest “chính hãng” thì quả là một trò cười, khi người chơi có thể đứng ủi “tay bo” với nó và chỉ tốn vài bình máu lởm.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Pieces Interactive | THQ Nordic
- Phát hành: THQ Nordic
- Thể loại: Hành động | Nhập vai
- Ngày ra mắt: 18/11/2017
- Hệ máy: PC, Xbox One, PS4
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows XP / Vista / 7 / 8 / 10 32 or 64 bit
- CPU: 2.0 GHz CPU
- RAM: 1 GB
- VGA: 128 MB NVIDIA GeForce 6800 series or ATI Radeon X800 series or equivalent
- HDD: 5 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA : Gigabyte Rx 560 OC 2GB
- HDD: Samsung 950 Pro 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI THQ NORDIC
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
HÌNH TIÊU ĐỀ BỞI ROMAN KUPRIYANOV