Skip to content

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom – Đánh Giá Game

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá Game

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom tạo nên ấn tượng ban đầu rất đỗi thú vị từ chính cái tên của nó: “quốc gia thứ hai” mà nhân vật chính của chúng ta – Evan Pettiwhisker Tildrum, mong mỏi gây dựng nên không chỉ trỗi dậy từ di sản mà cậu bé đánh mất, mà nó còn biểu hiện cho sự tương giao giữa cậu và người bằng hữu của mình – Roland.

Họ tuy đến từ hai thế giới khác nhau nhưng đều nếm trải cái đắng từ việc đánh mất quê nhà của mình, tuổi tác của họ cách xa nhau đến một thế hệ song họ đều có chung những tố chất phi thường chỉ có thể tồn tại bên trong những nhà lãnh đạo.

Điểm khác biệt duy nhất giữa cả hai, có lẽ là góc nhìn của mỗi người về sự tồn tại của “quốc gia thứ hai” đó với tư cách là viễn cảnh hay hiện thực mà thôi.

Gần giống như tiền đề mà nó ám chỉ, Ni no Kuni II: Revenant Kingdom không chỉ sở hữu mỗi hai góc nhìn, mà trò chơi có thể được xem như là một chiếc hộp Pandora sở hữu những hình thái khác nhau – cả xấu lẫn tốt – hòa trộn thành một thể thống nhất, thế nhưng nó cũng là một ví dụ điển hình cho câu nói “lớn hơn, nhiều hơn không đồng nghĩa với tốt hơn”.

BẠN SẼ THÍCH

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá Game

VƯƠNG QUỐC NÀY… LÀ CỦA CHÚNG MÌNH…

Thực sự người viết không thể tìm được từ nào mang tính… bi đát hơn để diễn tả khởi đầu của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom ngoài phản ứng… “HẢ???”, bởi vì hình ảnh một vị tổng thống chứng kiến tên lửa đáp thẳng vào một thành phố và bỗng dưng bị dịch chuyển tới một vương quốc xa lạ và gặp gỡ một chú bé với đôi tai mèo (trong chả khác nào “trap” cả) có lẽ nằm đâu đó cuối danh sách “những thứ mà bạn 100% không ngờ tới về game Nhật Bản” của người viết.

Trông một động thái không liên quan khác, vương quốc mà hai nhân vật chính của chúng ta phải tìm cách thoát khỏi mang tên Ding Dong Dell, và dẫu cho cái tên này nhại lại tiếng chuông đeo cổ của mèo, thì bạn cũng nên biết rằng nó còn có thể được dùng trong trường hợp bạn muốn gọi ai đó là đồ đầu tôm theo cách hàn lâm hơn.

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom là một tựa game hành động/nhập vai/chiến thuận thời gian thực/quản lý xây dựng/phiêu lưu/cày cuốc/thưởng lãm thắng cảnh, và trên hết là một tựa game J-RPG không có minigame câu cá.

Và trong phần chơi kéo dài từ 40-70 tiếng, người chơi theo chân Evan xây dựng nên thế giới thứ hai của mình không chỉ bằng tài nguyên và sức người, mà còn từ dư vị của những chuyến hành trình trù phú.

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom là một tựa game hành động/nhập vai/chiến thuận thời gian thực/quản lý xây dựng/phiêu lưu/cày cuốc/thưởng lãm thắng cảnh

[alert color=”599E42″ icon=”fa-gittip” title=””] BÀI VIẾT SỬ DỤNG GAME ĐƯỢC BANDAI NAMCO ENTERTAINMENT HỖ TRỢ[/alert][alert color=”26BDF0″ icon=”fa-gamepad” title=””] GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC[/alert]

 

  • CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
  • RAM: 8 GB
  • Graphics: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
  • HDD: 1TB

 

 

[su_quote][/su_quote]

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá GameCó thể những cuộc phiêu lưu đó đưa đẩy bạn đến với vẻ đẹp quyền quý đáng ngưỡng mộ của những khu phố Hoa rộn ràng tại Goldpaw, sự thanh tao và trầm lắng của một Hydropolis mọc giữa biển cả, hay dáng vẻ công nghiệp hóa đầy sắc bén từ những chiếc bánh răng khổng lồ của Broadleaf. Thế nhưng như người ta thường nói: không đâu là nhà. Vương quốc Evermore của Evan và những đồng sự dẫu cho chập chững những bước đi đầu tiên hay vươn mình và trở thành một cường quốc đích thực, thì nó vẫn được dựng lên và bảo tồn bởi bàn tay của con người, và bạn sẽ trực tiếp chứng kiến nó trở nên lớn mạnh theo thời gian.

Những NPC đặc biệt mà bạn gặp gỡ trên đường đi đều sẽ hội tụ tại Evermore và phục vụ vương quốc bằng sở trường của mình, từ săn bắn, trồng trọt, nuôi nấng những bé Higgledy cho tới sản xuất vũ khí/giáp trụ, chế tác ma thuật hay cải thiện lực lượng quân đội. Những chuyên môn tưởng chừng đơn giản của NPC vô hình chung lại tạo nên mối tương giao đầy chặt chẽ với yếu tố khám quá và thiết kế nhiệm vụ trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom, đặc biệt với một số NPC sở hữu những đặc điểm bắt buộc phải có cho một số nâng cấp hoặc công trình cụ thể. Nó gần giống như khía cạnh “săn đầu người” trong Metal Gear Solid V: The Phantom Pain nhưng được đơn giản hóa một phần thông qua những nhiệm vụ phụ và số lượng “nhân viên” được giới hạn ở con số 100, khiến cho quá trình phát triển Evermore trở nên cực kỳ trôi chảy và người chơi cũng không tốn quá nhiều thời gian để quản lý.

Về lý thuyết thì công cuộc xây dựng Evermore không có gì phức tạp, nó không cho phép lựa chọn vị trí cho công trình mà toàn bộ được chỉ định sẵn như công trình A ở vị trí B, đơn vị tiền Kingsguilder vì một lý do nào đó mà chỉ được thu về theo thời gian – một đặc điểm “khả ố” thường thấy của game di động, và người chơi không được dạo chơi xung quanh quê nhà của mình ở góc nhìn thứ ba. Thế nhưng sẽ là một lời dối trá nếu như người viết phủ nhận rằng mình bị yếu tố này “hút hồn” trong toàn bộ thời lượng của trò chơi, bởi chu kỳ khám phá, phát triển vương quốc, nâng cấp công trình, thu thập lấy những nâng cấp mới thực sự mang lại cảm giác thỏa mãn cực kỳ khó tả, đặc biệt khi nó mô tả quá tốt sự lớn mạnh của chính Evermore song song với Evan.Ni no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá GameYếu tố nhập vai của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom có thể nói là được thiết kế chặt chẽ đến mức ngạc nhiên, dẫu cho tạo nên cảm nhận đầu về hình thái của “những thứ tệ hại nhất về J-RPG cùng tụ hội thành một”. Điểm chung lớn nhất giữa J-RPG và A-RPG đầu tiên mà bạn có thể nghĩ đến là gì? Đó là phần thưởng (loot) sau mỗi cuộc chiến đúng không nào? Với một tựa game nhập vai đặt nặng vào yếu tố cày cuốc, thì việc tràn lan vật phẩm không cần thiết ngoại trừ trang bị chính là một vấn đề khá muôn thuở, bởi không ai thích thú gì với việc gánh cả ký khoai tây trên người mà chẳng làm được gì với nó cả. Ni no Kuni II: Revenant Kingdom mang lại cho người chơi rất nhiều cơ hội để biến những vật phẩm như thế trở nên hữu ích.

Giải pháp đầu tiên và cũng là căn bản nhất, đó chính là chế đồ – từ vũ khí, giáp trụ cho đến nấu Higgledy và thức ăn, chúng sẽ tiêu tốn bạn kha khá một lượng tài nguyên không hề nhỏ có thể được mang lại từ thu lượm trực tiếp trên đường đi hoặc từ những công trình khai thác ở Evermore. Những công trình này cũng có thể mang về những vật phẩm phù hợp với yêu cầu của một số nhiệm vụ cụ thể, nhưng đó không phải là cách duy nhất, bởi trò chơi cực kỳ khéo léo khi gán phần thưởng cho một nhiệm vụ là vật phẩm yêu cầu của một nhiệm vụ khác, tạo lên động lực “càn quét” các công việc mà người chơi được giao cho mà không vấp phải sự lặp lại trong phần thưởng.

Đối với những vật phẩm khan hiếm hơn thì Swift Solution, đúng như cái tên, sẽ là giải pháp nhanh gọn dành cho bạn. Taskmaster đại diện cho tổ chức Swift Solution đều có mặt tại bốn địa điểm lớn trong game và sẽ giúp bạn giành lấy những vật phẩm khó tìm theo cách thông thường, hoặc chỉ điểm những gương mặt “thanh tú” mới để bạn lôi kéo về làm việc tại Evermore. Taskmaster không nhận đồng tiền Guilder thông thường mà chỉ chấp nhận những “đồng tạ ơn” – Tokens of Gratitude, có được bằng cách thực hiện những công việc vặt mà Taskmaster đề ra. Chúng rất đơn giản và mang hơi hướm mô-típ nhiệm vụ thu lượm nhàm chán trong MMORPG, nhưng trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom, chúng lại trở thành một nguồn cung ToG hữu hiệu do các công việc vặt xoay vòng và đòi hỏi bạn những vật phẩm rất dễ tìm, hoặc các công việc rất dễ thực hiện có thể được hoàn thành gián tiếp trong lúc bạn đang làm việc khác. Điều này tạo nên một dòng chảy đầy năng động giữa việc thu lượm và tiêu thụ vật phẩm trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom, khiến cho số lượng vật phẩm không bao giờ áp đảo quá mức chức năng mà người chơi có thể tận dụng đối với chúng.Ni no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá GameNi no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá GameNi no Kuni II: Revenant Kingdom không hề giấu diếm bản sắc A-RPG của mình, thế nên cũng không quá khó để nhận ra những khuôn mẫu điển hình của thể loại này trong trò chơi, dẫu cho kết quả mà chúng ta nhận được chỉ ở mức khá. Đa phần kẻ thù trong game không có quá nhiều khác biệt trong cách thức tiếp cận, thiếu vắng khả năng hủy đòn đánh trong lúc ra đòn khiến cho chiến đấu đôi khi không thực sự có được độ phản hồi nhanh nhạy như các tựa game cùng thể loại, và độ khó tổng thể không thực sự cao trừ phi bạn tích cực hạ những con quái vật trong trạng thái “Tainted” cao hơn mình 5-10 cấp độ. Bù lại, Ni no Kuni II: Revenant Kingdom mang đến cho người chơi kha khá tuyệt kỹ và phép thuật khá đẹp mắt và cũng đầy lung linh, cũng như cho phép luân chuyển giữa ba thành viên trong tổ đội (trong tổng số sáu nhân vật) tạo nên nhiều lựa chọn giao chiến.

Chiến đấu được bổ trợ bởi Zing và các Higgledy. Zing đơn giản là một thanh đo “gồng” phụ cho các tuyệt kỹ mà người chơi có thể tung ra, tấn công càng nhiều thì thanh Zing sẽ bắt đầu được đong đầy, khi chạm ngưỡng 100% thì tuyệt chiêu được tung ra sẽ được “hưởng xái” thêm sát thương gây ra. Bởi do Zing trực tiếp ảnh hưởng đến nguyên tố của chiêu thức và vũ khí, thế nên người chơi được trang bị ba vũ khí cùng một lúc để có thể ra đòn phù hợp đối với từng loại quái vật tương ứng với nguyên tố mà mình tung ra, tránh lãng phí Zing một cách vô ích.

Cuối cùng, các bé Higgledy là những sinh vật nhỏ bé và ngộ nghĩnh, theo chân người chơi khi chiến đấu một cách bị động và hỗ trợ một cách đầy tinh quái. Chúng có thể tạo ra những vũng ánh sáng tạm thời để hồi máu, hồi sinh thành viên trong tổ đội nếu bị đo ván giữa trận, áp “debuff” lên quái vật, hay thậm chí là hợp thể và móc một chiếc… đại bác từ không khí ra và oanh tạc mục tiêu. Dẫu cho trợ giúp từ Higgledy chỉ là phụ, nhưng người viết vẫn khá tiếc nuối vì không tích cực tìm tòi thêm nhiều loại Higgledy sớm hơn bởi công dụng quái đản và có phần sáng tạo của chúng.[su_divider][su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading][su_heading style=”modern-1-dark” size=”25″]CHẤT PHÁC HAY NGÂY THƠ?[/su_heading]Phong cách hoạt họa đầy khả ái của Studio Ghibli đã đi sâu vào lòng người trong vòng 32 năm, và dẫu cho không phải là “fan cứng” của toàn bộ các tác phẩm kinh điển từ ngài Miyazaki, người viết vẫn có thể cảm nhận rằng… Ni no Kuni II: Revenant Kingdom mang trong mình hình hài đậm sắc Ghibli, nhưng không có cái hồn của Ghibli.

Nếu như phải chọn ra một đặc điểm chung giữa Ni no Kuni II: Revenant Kingdom với một bộ phim của Studio Ghibli, thì có lẽ lựa chọn của người viết sẽ là Kiki’s Delivery Service – không phải vì mối tương đồng trong bối cảnh hay mạch truyện, mà là cái cách trò chơi đặc tả Evan khá giống với hình mẫu của cô bé phù thủy chuyển phát nhanh trên cây chổi biết bay.

Bạn thấy đấy… Evan không chỉ đơn giản nhân vật chính trong câu chuyện của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom, mà còn được xem là đấng cứu tinh của toàn bộ lãnh giới, là người sẽ thực hiện sứ mệnh dẹp bỏ mối đe dọa từ kẻ thủ ác Doloran. Với một kịch bản khá tầm thường và cũng đầy sáo rỗng, không ngạc nhiên khi Evan dường như trở thành một hình mẫu “Mary Sue” đích thực khi mọi vấn đề đều được giải quyết gọn ghẽ nếu được cậu bé xử lý. Lý do? Đơn giản thôi, vì Evan là người được chọn.

Thế nhưng, đó lại không hẳn là điều xấu…

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá Game

Evan Pettiwhisker Tildrum là người kế thừa ngai vàng của Ding Dong Dell, quốc vương của Evermore, người lập ra bản hiệp ước hòa bình và thống nhất toàn bộ các quốc gia – những công việc quá bất khả thi dành cho một cậu bé con, thế nhưng nhờ vào phép màu của kịch bản mà Evan hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ của mình với không một vết trầy.

Mặt khác, Evan là một cậu bé nhân hậu, nghĩa khí, tài ba, tốt bụng, luôn đặt lợi ích của người khác lên trên mình.

Sự thật thà của Evan không khỏi khiến cho người viết nghĩ rằng cậu bé quá ngây thơ – cũng là điều mà Mausinger, kẻ lật đổ ngai vàng tại Ding Dong Dell, chỉ ra không ít hơn một lần.

Thế nhưng nếu không xét đến khía cạnh đó, thì thực sự chỉ có những ai sở hữu độ hoài nghi đụng nóc nhà mới phủ nhận rằng Evan có đủ tố chất của một vị vua – hay nói một cách khác, tông điệu đầy hứng khởi và nhẹ nhàng trong câu chuyện của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom không thể nào được truyền tải một cách trơn tru như vậy nếu như Evan không phải là nhân vật chính trong trò chơi!

Thực sự người viết không thể không ngưỡng mộ khí chất của Evan, cũng như cái cách mà trò chơi cố gắng tìm cách… biện hộ cho sự ngây ngô của cậu bé.

Không ngoa khi nói rằng Evan đạt được mục đích của mình chỉ nhờ vào sức mạnh của niềm tin (và ma thuật hay cái gì đấy-khó-giải-thích-nhưng-thuận-tiện-cho-kịch-bản của Lofty – sinh vật “xưng vương” của Evan), nhưng niềm tin mãnh liệt về một xứ sở tồn tại với hạnh phúc mãi mãi và nỗ lực khiến điều đó trở thành sự thật của cậu bé có lẽ là động lực lớn nhất khiến người viết tiếp tục cuộc hành trình trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom.

Bởi lẽ, nếu như ai cũng có trong mình một phần nhỏ của lòng nhân hậu bên trong trái tim của Evan thôi, thì có lẽ thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhiều lắm.

[su_quote]tông điệu đầy hứng khởi và nhẹ nhàng trong câu chuyện của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom không thể nào được truyền tải một cách trơn tru như vậy nếu như Evan không phải là nhân vật chính trong trò chơi![/su_quote]

Xui xẻo thay, phần còn lại của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom dường như rất ít khi tìm được cái sự duyên dáng và chất phác của Evan, bởi cái lý do “game dành cho trẻ em” không thể nào bào chữa được cho lối dẫn truyện tệ hại và phương thức trình bày nửa nạc, nửa mỡ của trò chơi.

Ngoại trừ hai nhân vật chính Evan và Roland, thì gần như toàn bộ các nhân vật phụ trong game không hề có cái gọi là “phát triển nhân vật” có ý nghĩa. Batu, Tani, Leander, Brecken là những cận thần đáng tin cậy của Evan, song ngoại trừ vai trò ra thì họ dành toàn bộ thời lượng game để trấn giữ cái sự một chiều quá thể trong tính cách và mục đích của mình.

Bốn nhân vật chủ chốt tại bốn vương quốc cần được thuyết phục để ký hiệp ước hòa bình đáng lý ra có thể phá vỡ sự đơn điệu này, thế nhưng rốt cuộc trò chơi lại vận dụng thủ pháp quá an toàn, đó là khiến cho họ bị điều khiển – cả trực tiếp lẫn giáp tiếp – bởi Doloran.

Vâng, tình tiết “BẤT NGỜ CHƯA, NHÂN VẬT PHẢN DIỆN THẬT RA KHÔNG HẲN XẤU XA” được lặp lại đến bốn lần, và mô-típ này cũng được thực hiện rất qua loa, nếu không muốn nói là kệt cỡm.

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá Game

Lấy ví dụ như đoạn kết của chương 4 (có hé lộ đôi chút cốt truyện của game ngay sau đây): Evan và đồng hữu cuối cùng cũng thuyết phục được đại sư Pugnacius ký bản hiệp ước hòa bình, nhưng bởi vì mọi quy luật tại Goldpaw đều được thông qua bằng cách đổ xúc xắc, nên ông cho biết liệu bản hiệp ước có được kí kết hay không đều tùy thuộc vào nữ thần vận may.

Bức tượng nữ thần đổ xúc xắc không thuận theo ý của Pugnacius nên khế ước sẽ không được hoàn thành, Evan tỏ rõ sự thất vọng cho đến khoảng 5 giây sau, Pugnacius bỗng dưng… đổi ý và quyết định ký hiệp ước – một quyết định quá thuận tiện và cũng cực kỳ phi logic trong kịch bản.

Có thể diễn giải quyết định này như là Pugnacius cho rằng đây không phải là vấn đề mà vận may có quyền can thiệp, nhưng cái cách mà trò chơi mô tả lại tình huống này quá ư đột ngột với không một lời giải thích, tạo nên ấn tượng vô hình về rào cản dành cho Evan, nhưng dường như kịch bản không đủ tự tin để tìm ra phương thức giải quyết vấn đề đó một cách ổn thỏa.

Cách xử lý tình huống vô lý như vậy lặp lại thêm một vài lần nữa trong phần còn lại của trò chơi, khiến cho sức nặng trong câu chuyện giảm thiểu đi rất nhiều.

Có lẽ người viết trông đợi hơi thái quá ở một tựa game sở hữu một thành phố nơi mà tình yêu không được phép tồn tại, thế nhưng cái sự thờ ơ quá thể trong mấu chốt kịch bản khiến cho nội dung của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom bị xem nhẹ một cách quá thể.

Nó không cần phải sở hữu lối kể chuyện làm lay động lòng người như bất kỳ bộ phim nào của Studio Ghibli, cái mà người viết muốn chỉ là một kịch bản chặt chẽ với càng ít lổ hỗng càng tốt.

Người viết không hề tìm thấy điều đó trong trò chơi.

Cuối cùng, để “sát muối vào vết thương”, lối dẫn chuyện của Ni no Kuni II: Revenant Kingdom được điểm xuyết thêm bởi khâu lồng tiếng quá đỗi kỳ quặc.

Hội thoại “vô âm” là một đặc điểm rất đỗi thường thấy trong J-RPG, nhưng trò chơi trộn lẫn cả đối thoại chữ lẫn lồng tiếng theo phương thức đầy quái gở. Hội thoại thông thường không có lồng tiếng, nhưng nhân vật vẫn phát ra âm thanh hoặc lí nhí hai ba từ trước mỗi câu thoại.

Đa phần những cuộc hội thoại cuối mỗi chương sẽ có lồng tiếng nhưng thứ tự ưu tiên câu thoại hay phân đoạn được lồng tiếng được thực hiện một cách bát nháo, không theo bất kỳ trình tự logic nào.

Tại sao lại có đầy đủ lồng tiếng khi Evan nói chuyện với bà hầu gái tại Ding Dong Dell – một cuộc đối thoại mang tính xã giao và không phục vụ gì cho mạch truyện, nhưng khi các nhân vật chính bước vào lăng mộ của vua Leonhard thì lại “bặt vô âm tín”?

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá Game

NHỮNG CUỘC CHIẾN LỘN XỘN

Khía cạnh quan trọng cuối cùng trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom, không may thay cũng là cơ chế được thực hiện tệ hại nhất trong toàn bộ trò chơi – chiến thuật thời gian thực.

Chế độ này – được gọi bằng cái tên Skirmish – là một chuỗi những trận đánh mà người chơi sẽ điều khiển một quân đoàn bao gồm bốn đơn vị bao quanh Evan trong vai chỉ huy. 

Lối điều khiển trong chế độ Skirmish được đơn giản hóa dành cho tay cầm, và sự bất cập trong việc điều hướng được thể hiện rất rõ ràng.

Người chơi không trực tiếp chỉ đạo các đơn vị quân này mà chỉ có thể khiến họ chạy vòng tròn quanh Evan bằng hai nút LB/RB, khiến cho các pha chạm trán biến thành những khoảnh khắc đầy lúng túng khi mà người chơi cố gắng “quay” đơn vị phù hợp về phía địa thủ.

Camera do đa phần giữ góc quay khoảng 45 độ tương tự như khi khám phá bản đồ thế giới mở, khiến cho việc đơn vị đứng sau Evan bị tấn công trước khi người chơi kịp trở tay là điều khó tránh khỏi.

Ni no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá GameNi no Kuni II: Revenant Kingdom - Đánh Giá Game

[su_quote]Khía cạnh quan trọng cuối cùng trong Ni no Kuni II: Revenant Kingdom, không may thay cũng là cơ chế được thực hiện tệ hại nhất trong toàn bộ trò chơi – chiến thuật thời gian thực[/su_quote]

Độ phản hồi trong các trận Skirmish thật sự cũng khá tồi. Các đơn vị quân dựa vào vòng tuần hoàn giáo > kiếm > búa > giáo hoạt động như bao búa kéo để quyết định xem loại đơn vị nào sẽ trấn áp lẫn nhau, thế nhưng trò chơi không hề cho biết rõ ràng rằng nhánh quân nào đang tấn công hữu hiệu, và nhóm quân nào đang bị áp chế chỉ có một thông báo của NPC ở góc dưới màn hình.

Vòng lặp của phần chơi Skirmish đơn giản là: giữ nút LB/RB theo hướng phù hợp và giữ nút X để tấn công, đôi lúc nhấn Y để kích hoạt Shock Tactics và lực lượng của bạn sẽ gây sát thương cao hơn, và trong lúc bạn giữ X thì hãy cầu trời rằng phe của mình đủ để áp đảo đối phương.

Đôi khi bạn có thể sử dụng tuyệt chiêu đặc biệt như thả bom xuống khu vực chỉ định, nhưng có lẽ bạn nên tiết kiệm điểm Might để gọi viện binh thì hơn vì chúng có thể trông đẹp mắt khi được “giải phóng”, nhưng thực chất chẳng mang lại lựa chọn chiến thuật nào đáng kể.

Nói tóm lại, Skirmish mang trong mình hình hài của một chế độ chiến thuật thời gian thực, nhưng cách thức điều khiển ngờ nghệch và thô kệch biến cho nó trở thành những trận đánh hỗn loạn với rất ít sự kiểm soát từ phía người chơi.

Tin vui là, nếu như bạn không ưa Skirmish thì chỉ cần phải “sống chung với lũ” qua ba trận chiến trong mạch truyện chính.

Tin buồn là có kha khá nhiệm vụ chiêu mộ NPC bắt buộc phải tham gia Skirmish, và một phần trong trận đấu trùm cuối cùng của game cũng là một trận Skirmish.

Đó là chưa kể tuy độ thử thách quá thấp là vấn đề chung trong toàn bộ Ni no Kuni II: Revenant Kingdom, nhưng so với khía cạnh “cày cuốc” thông thường thì các trận Skirmish đơn giản là quá sức dễ dãi, không tương xứng với quãng thời gian mà chúng chiếm dụng trong thời lượng của trò chơi.

  • Requires a 64-bit processor and operating system
  • OS: Windows 7 SP1 64bit, Windows 8.1 64bit Windows 10 64bit
  • Processor: Intel Core i5-4460 / AMD FX-6300
  • Memory: 4 GB RAM
  • Graphics: NVIDIA GeForce GTX 750 Ti / AMD Radeon R7 260x (VRAM2GB or higher / VRAM2GB)
  •  
  •  
  • Storage: 40 GB available space
  •  
  •  

 

7.0

Ni No Kuni II: Revenant Kingdom là một tựa game với tham vọng lớn, thể hiện rõ nhất qua việc cố gắng nắm bắt tinh túy của nhiều thể loại và trộn lẫn vào nhau. Kết quả của tham vọng này là một sản phẩm với những điểm sáng "cao vút trời", nhưng cũng để lại những khuyết điểm quá sâu trong cốt lõi của mình. Nhìn chung, Ni No Kuni II: Revenant Kingdom là một tựa game nhập vai đầy chỉn chu và đôi khi cũng thật duyên dáng, thế nhưng có lẽ tiềm năng của trò chơi sẽ được vận dụng tốt hơn nếu như quy mô của nó được bó hẹp lại và được đầu tư thêm về chất thay vì lượng.

Tác giả

Abydon Belegarssøn

“Happiness can be found even in the darkest of times, if one only remembers to turn on the light.” - Albus Percival Wulfric Brian Dumbledore. ᚠᚢᚦᚨᚱᚲᚷᚹᚺᚾᛁᛃᛇᛈᛉᛊᛏᛒᛖᛗᛚᛜᛞᛟ