Dark Souls Remastered – Cách đây gần 7 năm, thế giới game đón nhận một siêu phẩm mang tên Dark Souls, mở ra một thể loại nhập vai – hành động độc đáo, kế thừa và phát triển dựa trên nền tảng vững chãi của “người cha” Demon’s Souls ra mắt trước đó 5 năm.
Hiện tượng mang tên Dark Souls đó lại vô tình trở thành một chuẩn mực, mà cho đến nay, nó dần được xem như là một thể loại mà những di sản của nó được truyền lại qua không biết bao nhiêu tựa game nhập vai hành động khác.
Đáng tiếc là các game thủ của “đế chế PC” lại không có cơ hội được thưởng thức Dark Souls một cách trọn vẹn, khi phải trải nghiệm một bản chuyển hệ Dark Souls: Prepare to Die tệ hại mọi mặt, từ đồ họa cho đến hệ thống điều khiển.
Mãi cho đến tận bây giờ, tức gần 6 năm sau, một hy vọng mới cho game thủ PC để được trải nghiệm Dark Souls tốt hơn, đẹp hơn với Dark Souls Remastered (ra mắt trên PS4, Switch, Xbox One và cả PC).
Nhưng liệu mọi sự có dễ dàng với game thủ, ngọn lửa sáng thế sẽ được Bandai Namco thắp sáng một lần nữa hay ánh hào quang của Anor Londo mãi chỉ là ảo giác?
Vietgame.asia sẽ cùng “check hàng” xem Dark Souls Remastered có những đổi mới gì mà nỡ “cắn” của người hâm mộ tới tận 40 USD cho một phiên bản tân trang.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
NHIỀU CẢI TIẾN ĐÁNG GIÁ
Phong trào “tân trang” hay “remaster” những phiên bản có tuổi của những dòng game nổi tiếng đang là mảng kinh doanh ưa thích của không ít nhà phát hành lớn, vừa mang trở lại cho game thủ cũ những trải nghiệm xưa, vừa giúp những game thủ mới có cơ hội tiếp cận những sản phẩm làm nên lịch sử.
Remaster khác hoàn toàn với thuật ngữ “remake” (làm lại từ đầu), nó chỉ đơn giản là mang đến các cải tiến nhỏ về mặt hình ảnh và một chút sửa đổi, tối ưu hơn về tính năng.
Điều này đồng nghĩa với việc khi bạn bỏ ra 40 USD cho Dark Souls Remastered, thì thứ nhận lại được hiện tại cơ bản chẳng khác mấy Dark Souls gốc vào năm 2011 là bao.
Phiên bản gốc Dark Souls: Prepare to Die hoàn toàn bị khóa ở tốc độ 30FPS cũng như độ phân giải tối đa chỉ đạt 720, một con số hết sức khiêm tốn khi những chiếc màn hình Ultra HD, 4K đang dần trở nên phổ biến trong giới game thủ.
Đặc biệt là với game thủ PC, khả năng tối ưu hóa cực kém của Dark Souls: Prepare to Die khiến họ phải tìm đến sự giúp đỡ của các bản mod để game hoạt động tốt hơn, đẹp hơn.
Đến với Dark Souls Remastered, độ phân giải nay đã được tăng lên mức đối đa là 4K và hoàn toàn ổn định ở mức khung hình 60FPS – chuẩn mực phải có của những tựa game đặt chân lên nền tảng PC hiện tại.
Chưa dừng lại ở đó, để khiến một tựa game có tuổi đời gần 7 tuổi trở nên “hợp thời”, các hiệu ứng vật liệu, hiệu ứng ánh sáng, particle (hạt ánh sáng) và vân bề mặt đều được nâng cấp đáng kể.
[su_quote]khoảng cách về mặt đồ họa của Dark Souls Remastered so với các tựa game hiện hành bây giờ là không quá nhiều[/su_quote]Đặc biệt là hiệu ứng ánh sáng và các hiệu ứng phép thuật khác gần như được làm mới hoàn toàn, đẹp hơn, ấn tượng hơn.
Dark Souls Remastered trông dịu mắt hơn hẳn game tiền nhiệm khi độ tương phản không quá gắt, không lạm dụng tông màu tối, ít bị tái, chi tiết rõ ràng và sáng sủa hơn rất nhiều.
Ánh sáng tổng thể của Dark Souls Remastered là một điểm cộng sáng giá khi được cân bằng rất tốt giữa các mảng tranh tối tranh sáng, cộng thêm vào đó là hiệu ứng đổ bóng động đẹp hơn, sạch hơn và cũng thể hiện được sự nổi bật mà các bức phù điêu trên tường và nền nhà một cách sống động.
So với Dark Souls: Prepare to Die, khoảng cách về mặt đồ họa của Dark Souls Remastered so với các tựa game hiện hành bây giờ là không quá nhiều.
Và theo đánh giá chủ quan của người viết, sự cân bằng trong đồ họa của Dark Souls Remastered tốt hơn so với Dark Souls: Prepare to Die + mod đồ họa khi trải nghiệm trong thời gian chơi dài.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi người chơi đặt chân đến Anor Londo, nơi những tia nắng vàng giả dối ngả xuống trên vai nhân vật chính, nhưng đối diện với đó là một góc khuất tối tăm, xanh thẳm và đầy chết chóc.
Nó không quá gắt mà được thể hiện hài hòa, hắt lên nhân vật cũng như sự vật xung quanh khiến khung hình trở nên khá lung linh.
Khối lượng vân bề mặt được cải thiện độ phân giải và hiệu ứng tạo khối cũng tương đối chỉnh chu, dù chưa thực sự đồng đều xuyên suốt từ đầu đến cuối cho lắm.
Khác với những tựa game gắn “mác remaster” khác, Dark Souls Remastered không chỉ nâng cấp mặt đồ họa mà còn nâng cấp nhiều về mảng đấu trường mạng, nơi mang lại rất nhiều niềm vui cho những tín đồ Dark Souls.
Sân chơi mạng nay đã được mở rộng hơn khi cho phép tối đa tận 6 người chơi cùng lúc trong cùng một thế giới, nhiều hơn 2 người so với phiên bản tiền nhiệm.
Người chơi cũng có thể được triệu gọi một cách dễ dàng hơn mà không đòi hỏi cấp độ tương tự như Dark Souls III, thay vào đó chỉ số sức mạnh của những người chơi cấp cao hơn sẽ “được bóp lại”.
Đặc biệt nhất phải kể đến việc nhà sản xuất đã bổ sung thêm một cụm máy chủ mới, chuyên dụng cho sân chơi mạng của Dark Souls Remastered, ổn định hơn và đặc biệt số lượng người chơi tham gia cũng sẽ cao hơn.
Những hiện tượng “lag”, trễ dữ liệu hiếm khi xuất hiện và tốc độ đáp ứng cũng nhanh hơn hẳn.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
CHẲNG ĐỦ BÙ ĐẮP “ĐỐNG BẤT CẬP”
Remaster là một khái niệm không mang nhiều ý nghĩa lớn bởi đơn giản nó chỉ là phiên bản được “tân trang” như đã nói ở trên, và công việc chủ yếu của nhà phát triển là tập trung nâng cấp phần đồ họa, sửa chữa các bất cập trong phiên bản cũ và đưa ra những nâng cấp nhỏ.
Nhưng có lẽ với Bandai Namco và QLOC, không giống như người chơi trên console, game thủ PC có vẻ như không đáng để hãng “phải lao tâm khổ tứ”.
Dark Souls Remastered được hoàn thiện hơn khá nhiều, nhưng lại vô tình khiến nó có thêm nhiều bất cập.
Cụ thể ở ngay mặt đồ họa, dù được nâng cấp tương đối nhiều về mặt hiệu ứng, vân về mặt và ánh sáng, nhưng không ít lần người viết bị rơi vào không gian tối, toàn bộ địa hình gần như… biến mất.
Một số vật liệu được cải tiến hơi quá lố khiến nó trông quá giả, trong khi một số vật liệu khác thì gần như chẳng được để mắt đến, trông thô và xấu kỳ lạ.
Tổng thể đồ họa của Dark Souls Remastered có mức độ nâng cấp đồng đều không cao, sót rất nhiều lỗi linh tinh, bao gồm cả lỗi diễn hoạt động tác khi nhân vật bị bẻ gập cả chân tay.
Chuẩn xuất hình HDR có vẻ khá “thời thượng” ở thời điểm hiện tại, nhưng đang tiếc là nếu kích hoạt chế độ này, Dark Souls Remastered chỉ có thể chạy với khung hình bị khóa ở 30FPS.
Trong khi ở một vài khu vực, chỉ cần người chơi di chuyển camera đã có thể thay đổi nhạc nền ở hai khu vực khác nhau rồi… Khá là hài hước!
Mảng chơi mạng tuy là mảng được nâng cấp và mở rộng nhiều nhất, nhưng thực tế ngoài những hứa hẹn nâng cấp đó ra, Dark Souls Remastered còn khuyến mãi thêm một lố yếu tố gây ức chế bậc nhất làng game.
Đó là cơ chế phạt và đình chỉ người chơi vô tội vạ tương tự như Dark Souls II và Dark Souls III trước đây khi sử dụng các phần mềm hỗ trợ quay phim/video/livestream… vô hại.
Trong khi trên các diễn đàn, hiện tượng xuất hiện các người chơi ăn gian thì lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nhờ tính năng Family Share của Steam.
“Ghê rợn” hơn nữa, người viết còn tìm thấy trường hợp báo cáo rằng không chỉ những người chơi gian lận bị đình chỉ, mà đến cả những người bị các game thủ gian lận này “hành hung” cũng sẽ “xám màu” nốt.
[su_quote]Tổng thể đồ họa của Dark Souls Remastered có mức độ nâng cấp đồng đều không cao, sót rất nhiều lỗi linh tinh, bao gồm cả lỗi diễn hoạt động tác khi nhân vật bị bẻ gập cả chân tay[/su_quote]Đấu trường mạng đã có một số thay đổi nhất định ở mặt thông số dữ liệu và độ cân bằng vũ khí cũng được điều chỉnh.
Bạn cảm thấy như thế nào khi cầm món vũ khí tối thượng từng vào sinh ra tử với mình giờ đây chẳng khác gì một… que củi?
Sự ức chế còn đạt tới điểm khi cơ chế chiến đấu và đồng bộ thông tin trong chế độ chơi mạng cũng gặp vấn đề không nhỏ.
Người chơi có thể tấn công những Phantom khi đang-được-triệu-hồi, tức nhân vật còn chưa vào tư thế sẵn sàng đã phải… lên đĩa.
Các lỗi về ra đòn, khóa đòn, né tránh cũ đã được tinh chỉnh lại gần như tất cả, cú nhào lộn năm nào nay đã không còn bất tử, hay cú đâm lén “thần sầu” lại có thể dễ dàng bị hủy, vũ khí chưa vung ra đã gây sát thương, hay cả những lỗi tào lao như dịch chuyển… nhầm trại lửa (Bonfire) sang một khu vực mà có khi bạn còn chưa từng đặt chân đến!
Đặc biệt phải kể đến lỗi “hack camera” trước khu vực Sen’s Fortress được các “tay nài” chuyên “speedrun” (hoàn thành game nhanh nhất có thể – NV) tận dụng cũng không hề được nhà sản xuất để tâm đến.
Riêng với chức năng thu gọn UI (giao diện người dùng), nó đơn giản chỉ là thu gọn về kích thước chứ không cải thiện cách sử dụng và khả năng hiển thị.
Nếu bạn nghĩ rằng thu nhỏ UI lại có thể tăng thêm khoảng trống hiển thị các danh sách vật phẩm thì xem ra bạn đã lầm to.
Lỗi đồ họa và lối chơi của Dark Souls Remastered còn xuất hiện rất rất nhiều trong quá trình trải nghiệm, con số liệt kê ra chắc có thể lên đến… hàng trăm.
Tuy đa phần là những lỗi nhỏ nhưng lại thể hiện sự cẩu thả trong quá trình tân trang game của nhà sản xuất mà ít nhiều khiến Dark Souls Remastered trở nên chắp vá và mất điểm trong mắt người chơi.