Skip to content

Torchlight 2 Switch – Đánh Giá Game

Torchlight 2 Switch

Torchlight 2 Switch – Trong các thể loại game đang tồn tại, có lẽ game nhập vai (RPG) chính là thể loại có lịch sử phát triển lâu đời nhất. Vốn xuất phát từ dạng trò chơi “cờ bàn” (tabletop) nguyên thủy, được chơi chỉ bằng giấy, bút chì và xúc xắc; nó đã dần dần phát triển thành vô số các biến thể khác nhau – mà mỗi loại lại có sức hấp dẫn riêng biệt.

Trong khi một phần “người hâm mộ cuồng” của game nhập vai vẫn trung thành với lối chơi theo lượt đầy toan tính và ngập tràn những cơ chế “đau đầu”, một số khác lại tìm kiếm một thứ gì đó có nhịp độ nhanh hơn, kịch tính hơn – và vì vậy, game nhập vai hành động (Action RPG) ra đời với những cái tên “sừng sỏ” như Diablo, Divinity

Chuyện một sản phẩm hay sẽ có nhiều “hậu duệ” hẳn không còn là điều chi mới lạ, dù cả trong ngành công nghiệp game hay các ngành giải trí khác – do đó, có rất nhiều tựa game nhập vai hành động về sau này cố gắng tiếp bước các “đàn anh” nói trên, thế nhưng thật sự đạt tới cảnh giới “tông chủ tự lập thành môn phái”, lại chỉ có lơ thơ vài cái tên như Titan Quest (phần mới nhất Titan Quest: Ragnarok), Grim Dawn (phần mới nhất Grim Dawn: Forgotten Gods)… và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến Torchlight.

Đến từ Runic Games (nay đã bị Perfect World mua lại và giải tán gần hết các thành viên chủ chốt), Torchlight có thể nói là một hiện tượng đặc biệt trong thời đại “người người nhà nhà” đua nhau làm A-RPG. 

Nó không lao đầu vào cái công thức “dark deep” u ám và ma quái, mà trái lại, Torchlight tự tìm kiếm cho mình một lối đi riêng cả về đề tài thể hiện lẫn phong cách đồ họa. 

Và sự thành công của Torchlight (2009) chính là minh chứng xác đáng cho lựa chọn khôn ngoan này, cũng như trở thành tiền đề cho Torchlight 2 ra mắt.

Được phát hành lần đầu tiên vào năm 2012, Torchlight 2 nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công hơn cả phiên bản đầu tiên với nhiều giá trị to lớn. 

Và người ta mong đợi nô nức về một phiên bản Torchlight 3 đầy hứa hẹn – để rồi sau đó cảm thấy một sự hụt hẫng to lớn khi Perfect World thâu tóm Runic Games và lái mọi thứ theo con đường game trực tuyến, với Torchlight Frontiers.

Tạm gác qua giấc mộng dang dở này, thì vào năm 2019 “thần dân” xứ Nintendo Switch bỗng nhận được tin “kỳ quan của quá khứ” này sẽ cập bến lên các hệ máy console (Switch, Xbox One và PS4). 

Trước những kỳ vọng về một sự “ôn cố tri tân”, cũng như muốn trải nghiệm lại một tựa game hay với giao thức điều khiển hoàn toàn mới, người ta dành nhiều tâm tình cho siêu phẩm Torchlight 2 Switch mới này.

Vậy, liệu Torchlight 2 Switch có đáp ứng được những kỳ vọng khá lớn này hay không? 

Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]

VẪN NHỮNG GIÁ TRỊ TUYỆT VỜI NGÀY XƯA ẤY…

Trong lần trở lại này, Torchlight 2 Switch hầu như không có nhiều thay đổi về mặt lối chơi – mà trong hầu hết trường hợp thì đây lại là một điều tốt lành, bởi vốn dĩ game từ trước đã sở hữu một lối chơi rất “cứng cựa”, rất lôi cuốn sẵn rồi. 

Vẫn là câu chuyện cũ về việc một trong ba người anh hùng từ thời Torchlight, Alchemist, bị hấp dẫn bởi sức mạnh của lõi Ember – để rồi bị chính nó tha hóa và trở thành ác thần đe dọa thế giới; Torchlight 2 Switch dẫn dắt người chơi vào game một cách tương đối khá mượt và cũng không cần phải hiểu rõ về cốt truyện phần trước cho lắm.

Người chơi sẽ được chọn một trong bốn lớp nhân vật hoàn toàn khác biệt để “khởi nghiệp”: “Thợ máy” Engineer với sức mạnh phi thường, cẩn trọng trong phòng thủ và cực kỳ “lực” với những đòn đánh sặc mùi cháy nổ và cơ khí. “Thần xạ” Outlander, người có thể hủy diệt tất cả mọi thứ từ xa với sự tinh thông tuyệt đối về các dạng vũ khí đánh xa như cung, súng trường, 2 tay “lẩy” 2 cò.

Pháp sư Embermage với sự thao túng tuyệt đối 3 nguyên tố băng – lửa – điện với khả năng đánh diện rộng cực mạnh. Và sau cùng là “Chó điên” Berserker với tác phong chiến đấu cực kỳ liều mạng và cục súc!

Mỗi nhân vật trong Torchlight 2 Switch lại có một cơ chế “tích lũy” hoàn toàn khác biệt, dẫn đến lối chơi của mỗi người đều mang một sắc thái khác nhau.

Chẳng hạn như với Engineer, các đòn đánh thường sẽ tích lũy điểm cộng dồn mà khi càng tăng (tối đa 5), nhân vật sẽ càng mạnh – tuy vậy, giá trị của chúng lại tồn tại ở chỗ khi dùng kỹ năng, các cộng dồn này sẽ được “xả” ra để cường hóa uy lực kỹ năng lên đáng kể.

Với Outlander, tích đầy thanh “nộ” sẽ tăng mạnh các chỉ số như tốc độ, chí mạng, né tránh. Embermage thì lại sở hữu đặc thù khi “nộ” đạt tối đa, trong một khoảng thời gian ngắn nhân vật có thể “xả chiêu” thoải mái mà không tốn mana, với sức mạnh chiêu thức được tăng mạnh.

Sau cùng, Berserker khi “max nộ” sẽ có thể liên tục tung đòn chí mạng và kích hoạt kèm các hiệu ứng bị động khác như hồi máu, xuyên giáp…
Một trọng điểm lớn để phân biệt Torchlight 2 (trước đây) với các tựa game đồng loại khác, chính là việc tồn tại con “thú cưng” bá đạo vô cùng.

[su_quote]vốn dĩ game từ trước đã sở hữu một lối chơi rất “cứng cựa”, rất lôi cuốn sẵn rồi[/su_quote]

Vốn không phải là một kỹ năng chức nghiệp (kiểu như Necromancer gọi ma xương hay Summoner gọi tinh linh), mà chính là một tính năng cốt lõi của Torchlight 2, con thú cưng này tồn tại và đem lại vô số lợi ích cho người chơi.

Từ việc tùy ý lựa chọn ngoại hình và màu sắc cho nó (trong tùy chọn tạo nhân vật mới), cho đến cường hóa nó bằng cách trang bị vòng cổ, dây đeo hoặc dạy các kỹ năng có ích – những việc này tạo ra cho người chơi thêm nhiều tự do trong việc xây dựng nhân vật của mình, khi phải cân nhắc thêm các hỗ trợ đến từ thú cưng.

Torchlight 2 Switch

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ người chơi chiến đấu, mà thú cưng còn có thể nhận nhiệm vụ chạy việc cho chủ nhân khi tự động trở về thành phố để bán đồ “rác”, cũng như mua giùm những nhu yếu phẩm cần thiết (bình máu, mana, cuộn giấy nhận dạng trang bị…).

Bằng việc cho thú cưng ăn những loại “cá” kỳ lạ có được qua mini-game câu cá, nó sẽ biến thành những loại quái vật với chỉ số và bộ kỹ năng hoàn toàn mới, có tính hữu ích nhất định cho từng tình huống riêng biệt.


Torchlight 2 Switch

CỘNG THÊM NHIỀU CẢI TIẾN ĐÁNG GIÁ!

Một trong những điều tiếc nuối lớn nhất của người chơi phiên bản Torchlight 2 khi nó ra mắt lần đầu vào năm 2012, đó là có vẻ như Runic Games đã định hình thành một tựa game “thuần túy PC”, với hệ thống điều khiển hoàn toàn dựa trên phím chuột.

Trong khi hầu hết các tựa game A-RPG về sau này đều tích hợp thêm một giao diện/giao thức điều khiển mới bằng tay cầm để làm phong phú thêm trải nghiệm của người chơi, phiên bản Torchlight 2 cũ lại hoàn toàn không có những cập nhật đáng giá này.

Tuy nhiên, khi đưa game lên các hệ máy console, việc tạo ra một hệ thống điều khiển mới dành riêng cho tay cầm là điều bắt buộc – và trong khi đây là một thử thách khó nhằn đã khiến nhiều tựa game lớn khác phải “sấp mặt”, thì may mắn thay, Torchlight 2 Switch lại hoàn thành nó một cách xuất sắc. 

Bằng việc cho phép người chơi tùy ý gán chức năng cho 8 nút X, Y, A, B, L, R, ZL, ZR; Torchlight 2 Switch đã tạo nên một môi trường điều khiển vô cùng thân thiện và thuận tiện.

Nếu như phiên bản Torchlight 2 trên PC tỏ ra khá “thông minh” khi người chơi có thể đạt đến sự chính xác hầu như tuyệt đối khi chỉ việc trỏ chuột vào mặt mục tiêu, nhấn nút và “BÙM” – thì phiên bản trên Nintendo Switch lại tỏ ra mang đậm tính thử thách hơn nhiều.

Các kỹ năng dạng bắn xa giờ đây buộc phải định hướng trước khi nhấn nút thông qua hướng quay mặt của nhân vật (cần Analog trái), khiến cho nhịp game của Torchlight 2 Switch trở nên liền lạc và có tính “động” do người chơi phải tương tác nhiều hơn với các nút bấm.

[su_quote]Torchlight 2 Switch đã tạo nên một môi trường điều khiển vô cùng thân thiện và thuận tiện[/su_quote]

Thông thường, khi chuyển thể điều khiển của một tựa game từ phím/chuột qua tay cầm, các hãng game nhỏ sẽ làm khá “qua loa” kiểu “chơi được là vui rồi”.

Đây là một công việc rất khó khăn vì nó ảnh hưởng đến cách tư duy của các luồng thuật toán – phản hồi, dẫn đến việc nhiều chỗ nhà phát triển chơi “ăn gian” bằng cách cho người chơi điều khiển hẳn hoi một… con trỏ chuột bằng cần Analog.

May mắn thay, Torchlight 2 Switch không thuộc trường hợp này, khi game chọn cho mình con đường chuyển thế khó đi nhất nhưng cũng hiệu quả và “có tâm” nhất: làm lại giao diện người dùng (UI) 100%!

Bằng cách kiến tạo nên một giao diện mới chia thành nhiều “Tab” cụ thể, người chơi Torchlight 2 Switch có thể dễ dàng thao tác tinh chỉnh, chọn lựa bằng cách nút bấm trên tay cầm vô cùng thoải mái. 

Giao diện thùng đồ (Inventory) đã được sửa lại từ dạng nhiều ô vốn phục vụ cho thao tác “gắp – thả” thành các phân mục cụ thể (vũ khí chính/ phụ, nón, áo, cầu vai…) như cái cách mà Diablo 3 đã làm khá thành công trên các phiên bản cho PS4 và Switch. 

Sau cùng, việc Torchlight 2 được phát triển trên hệ máy Nintendo Switch cũng có thể ngầm hiểu rằng game giờ đây đã hỗ trợ rất mạnh cho mảng chơi mạng – mà cụ thể là chơi mạng nội bộ Local tối đa đến 4 máy cùng lúc. 

Tính năng tưởng chừng như bình thường mà lại rất hay này thật sự tỏ ra rất đáng giá, bởi vì trải nghiệm chơi mạng của Torchlight 2 chưa bao giờ được coi trọng trên phiên bản PC cả. 

Vì vậy, giờ đây khi có thể cùng “cày” với một nhóm bạn thân, vừa nhâm nhi cafe vừa “chửi rủa”, hú hét gọi nhau cùng một chỗ có lẽ là thứ khiến Torchlight 2 Switch thật sự tách bạch ra khỏi các phiên bản khác nhất.


[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]

NHỮNG BẤT CẬP NĂM NÀO VẪN “Y NGUYÊN”

Lẽ dĩ nhiên mọi thứ trên đời đều tồn tại hai mặt là tốt và xấu, và giá trị của nó được quyết định thông qua việc phần nào trội hơn. 

Tuy Torchlight 2 Switch có nhiều giá trị tốt hơn đáng kể, thế nhưng nó vẫn tồn tại kha khá những hạt sạn tuy không quá lớn, nhưng lại “lấn cấn” không thể bỏ qua được. 

Và đáng buồn thay hầu hết các khuyết điểm này lại thuộc về phần cốt lõi trong thiết kế game từ đầu, do đó sau 7 năm chúng vẫn nghiễm nhiên nằm “chình ình” ở đó âu cũng là điều có thể hiểu.

Trước hết, phải đề cập đến cơ chế “tẩy điểm kỹ năng” vốn được coi là “cốt lõi” của hầu hết game A-RPG trên đời.

Với việc game cho người chơi quá nhiều lựa chọn để xây dựng bộ kỹ năng, mà trong hầu hết trường hợp là phải tăng và chơi một thời gian tương đối mới biết được hay dở – thì việc tăng sai cần tẩy lại là một nhu cầu cấp thiết. 

Tuy nhiên, Torchlight 2 Switch có vẻ muốn biến mình trở nên khác biệt với xã hội về mọi mặt, nên tuy game cũng có hệ thống tẩy điểm, nhưng nó cực kỳ “sida” khi mà chỉ cho người chơi tẩy… 3 điểm kỹ năng tăng gần đây nhất. 

[su_quote]hầu hết các khuyết điểm này lại thuộc về phần cốt lõi trong thiết kế game từ đầu, do đó sau 7 năm chúng vẫn nghiễm nhiên nằm “chình ình”[/su_quote]

Vì vậy nếu muốn chơi thử một hướng đi khác, người chơi chỉ còn cách… tạo lại nhân vật mới “cày” lại từ đầu, hoặc ráng chơi đến giai đoạn rất lâu về sau mới có đồ vật giúp tẩy hết điểm 100%.

Kế tiếp, đó là về hệ thống kỹ năng đồ sộ của từng chức nghiệp trong Torchlight 2 Switch. Với hẳn 3 bảng kỹ năng bao gồm 7 chiêu chủ động và 3 chiêu bị động cho MỖI bảng, mỗi chức nghiệp trong game đều sở hữu vô số khả năng trong việc xây dựng bộ chiêu thức của mình. 

Tuy vậy, với việc hầu như tất cả chiêu chủ động đều có thời gian hồi chiêu là 0 (trừ các chiêu dạng buff và gọi đệ), khái niệm xây dựng một bộ kỹ năng “có vẻ hợp lý” để niệm luân phiên hầu như không tồn tại trong Torchlight 2

Với đặc thù này, chuyện người chơi bị “đau não” nặng khi cứ phải so sánh các chiêu thức với nhau để chọn học diễn ra với tần suất nhiều hơn ăn cơm bữa.

Sau cùng, đó là việc Torchlight 2 Switch sử dụng cơ chế tạo bản đồ ngẫu nhiên với mỗi lần chơi lại.

Việc làm này để tạo ra sự khác biệt về cảnh quan cho người chơi đỡ chán – tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là với các bản đồ được tạo sẵn và chờ “ghép” ngẫu nhiên, nhà thiết kế game sẽ khó có thể tạo ra những cấu trúc kiến trúc đặc thù để làm điểm nhấn, hoặc các mảnh ghép có ý đồ để “thử não” người chơi.

Do đó, sau khi chơi Torchlight 2 Switch một thời gian dài, đặc biệt là sau mỗi lần tạo lại nhân vật, người chơi sẽ có cảm giác môi trường trong game được kiến tạo quá “công nghiệp” và “máy móc”, thiếu đi những điểm nhấn có thể khiến người chơi phải “say lòng” được.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Panic Button Games
  • Phát hành: Perfect World
  • Thể loại: Nhập vai / Hành động
  • Ngày ra mắt: 03/09/2019
  • Hệ máy: Switch

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: N/A    
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: N/A   
  • CPU: N/A
  • RAM: N/A
  • VGA: N/A
  • HDD: N/A

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI VIETGAME.ASIA

GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ SWITCH

Bạc 8.5

Vốn là một siêu phẩm của thời đại, giá trị của Torchlight 2 chẳng hề bị phai mờ dù đã trải qua những khảo nghiệm của thời gian 7 năm dài đằng đẵng.



Lần quay trở lại này trên hệ Nintendo Switch, Torchlight 2 không những có thể bảo tồn những ưu điểm tuyệt vời trong lối chơi và đồ họa, mà nó lại còn cải tiến thêm về các trải nghiệm chơi mới mẻ với cơ chế điều khiển tay cầm hoặc chế độ chơi mạng nội bộ.



Nhìn chung, cái giá 19.99 USD là thật sự quá rẻ để sở hữu một siêu phẩm “sống mãi với thời gian” như thế này.