Hướng dẫn Final Fantasy VII Remake – Cuối cùng, sau nhiều năm đằng đẵng chờ đợi, cuối cùng Final Fantasy VII Remake đã được Square Enix cho ra mắt game thủ trên toàn thế giới với một vỏ bọc lung linh và lối chơi được cải tiến, vừa giữ được “hồn” của tựa game gốc vừa mang tới cảm giác hiện đại.
Trong quá trình tầm 40 giờ chơi của mình, người chơi sẽ được dẫn dắt qua những hướng dẫn cụ thể về chiến đấu, vật phẩm cũng như cách thức di chuyển.
Tuy nhiên, có nhiều cơ chế mà trò chơi không nói cho bạn biết ngay, mà thay vào đó để người chơi “tự khám phá” hoặc giải thích theo cách vòng vèo “trời ơi đất hỡi” nào đó.
Vietgame.asia sẽ giúp các bạn “đi đường tắt” và đưa ra một bài hướng dẫn Final Fantasy VII Remake (đảm bảo không có tiết lộ trước nội dung) giúp trải nghiệm của bạn thoải mái hơn.
1. MATERIA HỖ TRỢ
Những người chơi phiên bản gốc hẳn sẽ biết về loại Materia cực kỳ hữu dụng này, tuy nhiên những người lần đầu trải nghiệm Final Fantasy VII Remake có thể sẽ không hiểu rõ do game thực tế không giải thích kỹ càng lắm.
Bình thường, các viên Materia khi gắn vào trang bị sẽ giúp bạn thực hiện phép thuật như Fire, Blizzard hay tăng máu hoặc thêm một số kỹ năng đặc biệt như Deadly Dodge.
Tuy nhiên, bạn có thể để ý thấy một số khe cắm Materia không đứng đơn lẻ một mình, mà chúng được nối với nhau.
Đây là các khe Materia kết hợp, khi hiệu ứng của hai Materia được gắn vào hai khe này sẽ liên kết với nhau.
Tất nhiên, không phải bạn cứ gắn bừa hai viên bất kỳ vào là chúng sẽ liên kết với nhau, mà bạn cần một loại Materia đặc biệt gọi là “Materia hỗ trợ” (với màu xanh lam đặc trưng).
Những Materia này khi đứng riêng lẻ thì chẳng có tác dụng gì, nhưng khi được kết hợp với các loại Materia khác thì chúng sẽ hỗ trợ Materia đấy.
Ví dụ như Elemental Materia, khi liên kết với, chẳng hạn như Fire Materia, thì khi địch thủ dùng phép Fire lên bạn bạn sẽ chỉ phải nhận một nửa sát thương, và nếu bạn dùng phép Fire lên địch thì bạn sẽ tăng sát thương lên vài phần trăm với thuộc tính lửa.
Khi tăng cấp Elemental Materia này, thậm chí về sau bạn còn có khả năng miễn nhiễm hoặc mạnh hơn là hấp thụ thuộc tính phép thuật đã liên kết.
Điều này vô cùng hữu dụng nếu bạn gặp những quái trùm khó nhằn về cuối game khi chúng liên tục tung ra những phép thuật như Firaga hay Blizzaga, và bạn sẽ không thể hồi máu kịp nếu bạn không tìm cách giảm sát thương.
Một Materia liên kết hữu dụng khác là MAGNIFY, biến phép thuật chỉ dành cho một mục tiêu thành nhiều mục tiêu, giúp việc hồi máu hoặc giết nhiều địch thủ dễ dàng hơn.
2. LỰA VỊ TRÍ THÍCH HỢP KHI DÙNG PHÉP
Trong phiên bản ngày xưa, cả địch thủ và bạn đều bị “khóa” tại chỗ và chỉ có thể đứng… trừng mắt lên nhìn đối phương sử dụng một phép thuật “siêu to, siêu khổng lồ” nhắm vào mình mà chẳng làm gì được.
Trong Final Fantasy VII Remake, với việc chuyển sang lối chơi hành động, bạn và địch đều có khả năng né đòn, chặn đòn v.v.
Như vậy, khi bạn dùng phép thuật lên địch, nếu địch đang lao vun vút thì phép của bạn hoàn toàn có thể… trượt, phí MP và phí luôn cả thanh ATB.
Không chỉ vậy, việc sử dụng phép thuật còn “khóa cứng” nhân vật trong một khoảng thời gian, và địch, sử dụng chiêu thức, có thể chặn đứng việc dùng phép thuật của bạn.
Tức là, nếu bạn không cẩn thận chọn vị trí, thì bạn vừa nhận sát thương, vừa phí mất MP, vừa phí thanh ATB mà chẳng nhận được cái gì cả.
Do đó, việc canh thời gian sử dụng phép thuật và canh vị trí hợp lý là hết sức quan trọng trong Final Fantasy VII Remake.
Tệ hơn nữa, bạn hoàn toàn có thể… trượt Limit Break nếu trong lúc bạn đang thực hiện thì địch thủ lao ra ngoài tầm với, kết quả là tuyệt chiêu Cross-Slash sẽ chính thức trở thành tuyệt chiêu “chém gió”.
3. MATERIA TRIỆU HỒI
Chà, việc thu thập thật nhiều Summon Materia (hay Aeon, Guardian Force hay Esper Magicite, tùy phiên bản) giúp bạn triệu hồi một vị thần siêu mạnh với những chiêu thức khủng bố và không kém phần đẹp đẽ là mục tiêu của mọi người chơi trong mọi phiên bản Final Fantasy.
Tuy vậy, bạn rất dễ bỏ lỡ một đống Summon Materia trong Final Fantasy VII Remake, vì cách thức tìm kiếm chúng rất khác so với phiên bản gốc.
Viên Summon Materia đầu tiên thì bạn sẽ không thể bỏ lỡ, tuy nhiên từ viên thứ hai trở đi, mọi việc bắt đầu phức tạp lên một chút.
Tại Chương 6, trong một nhiệm vụ thì bạn sẽ vào một nhà máy và bạn rất dễ phát hiện thấy một viên Materia màu đỏ cạnh một cái cánh quạt lớn. (Chú ý: TẤT CẢ SUMMON MATERIA ĐỀU MÀU ĐỎ).
Thoạt nhìn thì có vẻ xa vời nhưng bạn không cần lo lắng, hãy tiếp tục nhiệm vụ của mình.
Trên đường đi, bạn sẽ dùng được một thang máy để đi tới cái thang cạnh cánh quạt lớn, để bạn trèo lên và lấy nó.
Những viên Summon Materia còn lại thì gắn liền với Chadley, một thiếu niên tầm 13-14 tuổi mà “giọng già hơn cả người viết”, người sẽ nhờ bạn thu thập các Báo cáo Chiến đấu bằng nhiều cách khác nhau.
Chadley có một chiếc kính thực tế ảo giúp bạn chiến đấu với một số vị thần, và nếu chiến thắng, bạn sẽ nhận được viên Materia để triệu hồi vị thần đó.
Lưu ý là mấy vị thần này đều rất mạnh và có những chiêu dễ dàng quét sạch cả đội, nên bạn không cần vội vã chiến đấu làm gì, cứ cày đủ cấp rồi chiến đấu cũng không muộn.
4. NHIỆM VỤ PHỤ
Đọc tới đây nhiều người chơi sẽ nói: “Trước giờ tôi có bao giờ làm nhiệm phụ đâu? Nhà bao việc! Còn bao nhiêu lò phản ứng cần đánh bom kia kìa.”
Tuy nhiên, có nhiều lý do người chơi nên làm những nhiệm vụ phụ trong Final Fantasy VII Remake, và hoàn thành chúng sẽ không lãng phí thời gian của bạn chút nào.
Thứ nhất, bạn sẽ có nhiều thời gian quý giá cùng với nàng Tifa xinh đẹp. Ai mà không muốn ở bên cạnh Tifa suốt ngày chứ?
Thứ hai, bạn sẽ đạt được nhiều viên Materia cực “ngon”, trang bị xịn và một đống tiền.
Một số nhiệm vụ phụ thì rải rác khắp nơi trong khu ổ chuột của Midgar, tuy nhiên bạn cần chú ý làm nhiệm vụ của nhân vật Chadley (đã đề cập ở phần trên).
Nhân vật này không chỉ cho bạn những Summon Materia quý giá mà còn cho bạn nhiều Materia các loại khác nhau, cũng như vật phẩm hiếm.
5. HỒI MÁU
Đừng ngại hoang phí bình máu và MP để hồi máu!
Các đòn đánh của quái trùm trong này là khá khó lường, và dàn nhân vật của bạn có thể bị quét sạch trong chớp mắt nếu bạn không trữ một thanh ATB để hồi máu hoặc dùng lông phượng hoàng để hồi sinh.
Một số quái trùm còn thi thoảng ngẫu nhiên giáng xuống một số đòn gây sát thương khủng khiếp, dễ dàng hạ nốc ao nhân vật còn tận… 3/4 thanh máu.
Do vậy, hãy luôn hồi máu khi có thể và đừng ngại tung ra mấy bình Potion mạnh nhất của mình.
Vật phẩm còn thì kiếm lại được sau, chứ thời gian cày lại từ điểm lưu gần nhất rõ là không thể lấy lại được.
Nhớ để ý vị trí của địch thủ, đừng để chúng ngăn chặn mình hồi máu, vừa mất ATB lại không được tác dụng gì cả.
6. KỸ NĂNG VŨ KHÍ
Xuyên suốt quá trình chơi, người dùng sẽ tiếp cận được với nhiều loại vũ khí với hình dáng khác nhau, mỗi vũ khí lại cung cấp một kỹ năng đặc biệt khi được trang bị, và đổi vũ khí cũng sẽ đổi luôn kỹ năng đặc biệt này.
Tuy nhiên, khi vào trình đơn trang bị, bạn sẽ thấy có một thanh nhỏ tên là Proficiency ở bên phải của trang bị.
Khi bạn chiến đấu và sử dụng vũ khí này, thanh Proficiency này sẽ dần dần tăng và khi đạt đỉnh, nhân vật sẽ học vĩnh viễn kỹ năng của vũ khí (nghĩa là, thay đổi vũ khí không làm nhân vật mất kỹ năng này).
Thanh này tăng thì chậm, nhưng hãy chú ý tới phần dưới của đoạn giới thiệu kỹ năng: Proficiency Bonus.
Nếu bạn thực hiện những hành động đúng với Proficiency Bonus này, thì thanh Proficiency sẽ tăng nhanh hơn nhiều.
Như vậy, ngoài việc cày cấp thì bạn có thể cày thêm Proficiency để học được nhiều kỹ năng nhất có thể, giúp chiến đấu trở nên tự do hơn và có nhiều lựa chọn hơn.
7. CHẾ ĐỘ CHIẾN ĐẤU
Lối chơi của Final Fantasy VII Remake là sự hòa quyện của lối chơi hành động thời gian thực và theo lượt (khi bạn đưa ra lệnh trong lúc thời gian chậm lại).
Nói tới game hành động, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng nhấn “tròn” (hay “vuông”) để thắng như một số tựa game khác.
Tuy nhiên, mặc dù làm thế có thể giúp bạn giết một số con quái vật cỡ nhỏ, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra quái trùm sẽ cho bạn “ăn hành” nếu bạn không tìm hiểu và tận dụng tối đa cơ chế chiến đấu của Final Fantasy VII Remake.
Điều đầu tiên cần chú ý là các chế độ chiến đấu của nhân vật, và bạn cần chuyển đổi giữa các chế độ lúc cần thiết, chứ không phải là cứ đâm đầu vào chém bừa.
Ví dụ như Cloud, có chế độ “Punishing” sẽ khiến anh di chuyển chậm hơn, nhưng tấn công mạnh hơn và tăng khả năng gây choáng địch.
Tuy nhiên bạn đôi khi sẽ cần chuyển sang chế độ “Operator”, để Cloud di chuyển nhanh hơn và tăng khả năng né đòn địch.
Chú ý tới các chế độ này sẽ giúp bạn có thời gian chiến đấu thoải mái hơn nhiều.
Hi vọng bài hướng dẫn Final Fantasy VII Remake này sẽ hữu ích trong việc giúp bạn hiểu rõ thêm một số cơ chế mà game “không muốn nói”, mang lại trải nghiệm chơi thoải mái hơn cho cuộc phiêu lưu của bạn!
Bạn có thủ thuật, mẹo nào muốn chia sẻ? Hãy bình luận bên dưới cùng Vietgame.asia nhé!
BÀI MỚI NHẤT
- Corsair RMx Series RM1000x – Trên tay và Đánh giá nhanh
- HoYoverse đã trình bày Zenless Zone Zero và Honkai: Star Rail tại TGA 2024 – Tin Game
- Naughty Dog công bố Intergalactic: The Heretic Prophet! – Tin Game
- Final Fantasy 7 Rebirth hé lộ cấu hình PC! – Tin Game
- Cyberpunk: Edgerunners công bố manga tiền truyện! – Tin Game
- The Last of Us: Part II Remastered trên PC vẫn được bán ở Việt Nam! – Tin Game