AORUS B550 Master – Có một điều tương đối khác biệt đối với AMD, đó chính là khi ra mắt các thế hệ vi xử lý Ryzen 3000 Series trong sự kiện Computex 2019 năm ngoái, hãng chỉ giới thiệu duy nhất một dòng chipset X570 cao cấp nhất, điều này gây khó khăn cho không ít người dùng khi giá của các bo mạch chủ sử dụng chipset này đều thuộc hàng… cao ngất.
Mãi cho đến gần đây, hãng mới tung ra phiên bản chipset giá rẻ B550, thổi một luồng gió mới cho phân khúc tầm trung bằng những công nghệ tiên tiến hàng đầu hiện nay. Mặc dù vậy, có vẻ như các hãng sản xuất cũng không đi theo “công thức” truyền thống của các năm trước khi cho ra mắt các phiên bản được “vũ trang hạng nặng” chứ không chỉ đơn thuần là các phiên bản “giá mềm” như thông lệ mọi năm.
Chẳng hạn như Gigabyte đã cho ra mắt mẫu sản phẩm AORUS B550 Master, mang “đẳng cấp” của dòng sản phẩm cao cấp này xuống với dòng chipset tầm trung B550. Chắc chắn nhiều người dùng sẽ tò mò xem chất lượng của mẫu sản phẩm bo mạch chủ này sẽ như thế nào khi được “vũ trang” với tiêu chuẩn thiết kế cao cấp? – Vietgame.asia sẽ cùng bạn đập hộp mẫu bo mạch chủ đời mới này.
AORUS B550 MASTER – MANG CHẤT LƯỢNG “MASTER” XUỐNG PHÂN KHÚC TẦM TRUNG
AORUS B550 Master là một sản phẩm khá đặc biệt bởi nó mang trong mình chipset tầm trung B550 của AMD, nhưng lại được thiết kế theo “đẳng cấp” của dòng bo mạch chủ Master cao cấp của Gigabyte, nên ngay từ thiết kế vỏ hộp, hãng đã chọn phong cách vô cùng đặc trưng của dòng sản phẩm này với logo “đại bàng” AORUS và tông màu tím – cam.
Mặt sau vỏ hộp vẫn là các thông tin vô cùng quen thuộc làm nổi bật các tính năng đáng chú ý của sản phẩm, có thể kể đến thiết kế cấp điện với 16 phase chất lượng cao, cổng mạng LAN 2.5G và Wifi 6, khá tương đồng với các mẫu sản phẩm dòng Master gần đây.
Tiến hành “đập hộp” sản phẩm, có thể dễ dàng thấy được AORUS B550 Master có thiết kế khá gần so với đàn anh sử dụng chipset X570 bởi sở hữu thiết kế tản nhiệt khu vực dành cho các ổ cứng thể rắn dạng thẻ M.2 rời rạc chứ không “nguyên khối” như trên sản phẩm Z490 AORUS Master được ra mắt gần đây.
Theo ý kiến chủ quan của người viết thì thiết kế với các tấm tản nhiệt rời ổn thoả hơn rất nhiều so với tản nhiệt “nguyên tấm”, bởi các ổ cứng tốc độ cao hàng đầu hiện nay thường được trang bị tản nhiệt tích hợp, chẳng hạn như mẫu AORUS NVMe Gen4 SSD cũng do Gigabyte sản xuất, hay mẫu WD Black SN750 Gaming with Heatsink cũng rất phổ biến trong giới game thủ hiện nay.
Mặt sau của bo mạch vẫn được bảo vệ bằng lớp giáp dày nặng, riêng khu vực chân socket cũng được hãng “gia cố” bằng một lớp giáp lưng bằng thép chắc chắn, giúp bảo vệ chịu lực cho bo mạch chủ nếu người dùng sử dụng các giải pháp tản nhiệt khí cỡ lớn.
Đi sâu vào chi tiết, có thể thấy các khe cắm RAM đều được “bọc giáp” như truyền thống, tuy nhiên, nếu so sánh với phiên bản AORUS X570 MASTER hay Z490 AORUS Master gần đây, phiên bản bo mạch chủ sử dụng chipset B550 chỉ sở hữu duy nhất một khe PCI Express 16x chính “bọc giáp” thay vì tất cả các khe như trước. Điều này cũng tương đối hợp lý vì chỉ duy nhất khe này cung cấp đầy đủ tốc độ 16x trong khi 2 khe còn lại dành cho phụ kiện với băng thông hạn chế hơn.
[su_quote]có thể dễ dàng thấy được AORUS B550 Master có thiết kế khá gần so với đàn anh sử dụng chipset X570 bởi sở hữu thiết kế tản nhiệt khu vực dành cho các ổ cứng thể rắn dạng thẻ M.2 rời rạc[/su_quote]Điều này cũng dễ hiểu khi chipset B550 chỉ là một chipset tầm trung với số luồng PCIe ít hơn so với những chipset tầm cao cấp như X570 hay Z490.
Tản nhiệt dành cho chipset trên AORUS B550 Master nhờ đó cũng có kích thước nhỏ hơn so với phiên bản X570 nhờ không cần phải tích hợp quạt tản nhiệt ngoài, nhờ đó mà main hoạt động “yên ắng” hơn, người dùng không cần phải tìm đến phiên bản AORUS X570 XTREME với mức giá vô cùng đắt đỏ để … tránh xa tiếng ồn từ quạt tản nhiệt chipset.
“Đối mặt” với các mẫu CPU ngày càng tiêu tốn nhiều năng lượng, mẫu bo mạch chủ sử dụng chipset tầm trung của chúng ta được “nâng cấp” với cấu hình cấp điện lên đến 16 phase thực với khả năng cho qua dòng điện lên đến 70A theo kết cấu 14 + 2, đảm bảo “tải” được cả những mẫu CPU “nặng ký” như AMD Ryzen 9 3950X hiện nay.
Được trang bị một cấu hình cấp điện “hạng nặng” như vậy, thế nhưng tấm tản nhiệt của AORUS B550 Master dành cho các phase cấp điện thậm chí có phần nhỏ hơn đôi chút so với phiên bản X570, chứ đừng nói đến mẫu bo mạch “trùm cuối” như TRX40 AORUS MASTER dùng đến các ống dẫn nhiệt.
Để làm được điều này, bộ lưới tản nhiệt tích hợp được Gigabyte thiết kế theo dạng vảy cá, tăng diện tích tiếp xúc với luồng gió hơn, chưa kể đến lớp đáy của các tản nhiệt này được thiết kế dạng phẳng tiếp xúc trực tiếp với các phase điện, giúp “vớt nhiệt” hiệu quả hơn so với thiết kế tản nhiệt trước đây, nhờ đó mà kích thước của tản nhiệt không “phình” lên mà còn được thu nhỏ đi đôi chút, giúp cho phần ốp bảo vệ trở nên gọn gàng hơn hẳn.
Ngoài ra, về mặt kết nối, AORUS B550 Master vẫn sở hữu những kết nối tốc độ cao hàng đầu hiện nay như mạng LAN 2.5G hay Wi-fi 6 tích hợp, lượng kết nối USB vẫn được giữ nguyên so với phiên bản X570, nên gần như người dùng có yêu cầu cao với số lượng cổng kết nối này cũng không cảm thấy “thiếu thốn” dù chỉ sử dụng chipset tầm trung như B550.
Một điểm nhấn đáng chú ý trên mẫu bo mạch này chính là tính năng Amp-Up Audio. Tính năng này khá mới, chỉ được Gigabyte áp dụng trong thời gian gần đây cho các mẫu bo mạch chủ cao cấp với khả năng cung cấp năng lượng cao hơn cho các headphones “xịn sò” sở hữu điện trở lớn. Nhờ khả năng này mà người dùng không cần đến card âm thanh mở rộng hay DAC/Amp gắn ngoài mà vẫn có thể “chiến đấu” bằng mẫu tai nghe yêu thích của mình.
Điểm đáng tiếc nho nhỏ là chip giải mã âm thanh và DSP vẫn chỉ là mẫu ALC1220-VB do Realtek sản xuất chứ không phải chip DAC ESS SABRE HiFi 9118 do ESSTech sản xuất vốn được đánh giá cao hơn trong khả năng thể hiện âm nhạc như trên phiên bản X570. Tuy nhiên, có vẻ như với các sản phẩm gần đây, hãng đang “định hướng” lại các giải pháp âm thanh khi cho ra mắt giải pháp âm thanh cao cấp gắn ngoài ESS SABRE USB DAC dành cho game thủ.
Hiện giải pháp này chỉ được tặng kèm với mẫu bo mạch chủ Z490 AORUS ULTRA G2 chứ chưa được bán ra phổ biến rộng rãi.
TỔNG QUAN
Nhìn chung, mặc dù sử dụng chipset tầm trung B550 của AMD, thế nhưng Gigabyte vẫn gần như “bê nguyên xi” kết cấu cao cấp của phiên bản AORUS X570 Master xuống cho thiết kế của AORUS B550 Master. Điều này có một cái lợi, đó là người dùng cao cấp vẫn có thể tận dụng được hết sức mạnh của mẫu bo mạch chủ này, thế nhưng ngược lại, cũng làm “đội giá” của dòng bo mạch chủ này lên khá nhiều.
Hiện với mức giá chỉ gần 8 triệu đồng, rẻ hơn 2 triệu đồng so với phiên bản sử dụng chipset cao cấp X570, đây vẫn là một mẫu bo mạch đáng cân nhắc đối với người dùng có nhu cầu cao cấp.
BÀI MỚI NHẤT
- Hãng phát triển Unknown 9: Awakening cắt giảm 18% nguồn nhân lực! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard và Silent Hill 2 Remake “ế ẩm” tại Châu Âu – Tin Game
- Tổng hợp đánh giá STALKER 2: Heart of Chornobyl: Bất đồng ý kiến! – Tin Game
- Square Enix công bố Final Fantasy XIV Mobile – Tin Game
- Farming Simulator 25 đã bán được 2 triệu bản trong tuần đầu tiên! – Tin Game
- Starfield đã thu hút được 15 triệu người chơi! – Tin Game