Total War Saga: Troy – Trong một vài năm qua, Creative Assembly (CA) có thể xem như một trong số những cái tên ít ỏi còn “trụ” lại được với thể loại game chiến thuật, khi vẫn liên tục cho ra mắt các phiên bản game thuộc hàng “chất lượng” mỗi năm và nhận được đánh giá cao từ phía các chuyên gia phê bình game, lẫn những người mê game chiến thuật trên thế giới.
Thế nhưng trong một vài năm trở lại đây, hãng đã phân tách dòng game “ăn nên làm ra” của mình thành hai nhánh khác biệt, trong đó “nhánh lớn” Total War với các trò chơi sở hữu bối cảnh và cốt truyện hoàn toàn mới, trong khi đó, “nhánh nhỏ” Total War Saga sẽ phát triển các phần chơi độc lập với bối cảnh dựa trên những phiên bản Total War đã có, nhằm tận dụng tốt hơn các thiết kế bối cảnh và mô hình để tạo ra các trò chơi mới.
Sau hai phiên bản Total War: ATTILA và Total War Saga: Thrones of Britannia lần lượt “vắt sữa” bộ thiết kế “phe La Mã” và “phe Man rợ” (Barbarian) của Total War: Rome II không nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía cộng đồng người hâm mộ, CA lại tiếp tục tái sử dụng nốt các mô hình của “phe Hy Lạp” và khu vực lân cận để làm nên phiên bản Total War Saga: Troy.
Điểm khác biệt lớn nhất của lần ra mắt này chính là việc CA lần đầu tiên “chơi lớn”: phát miễn phí trò chơi trên nền tảng Epic Games Store trong 24 giờ đầu tiên sau khi ra mắt và độc quyền cho nền tảng này cho đến tận đầu năm 2021, biến phiên bản này thành một “của hời” với hơn… 7.5 triệu lượt tải chỉ trong ngày đầu “xuất trận”!
Liệu phiên bản “của hời” này có nối tiếp chuỗi game không được đánh giá cao kéo dài từ thời Total War: Rome II để lại hay không?
Hãy cùng Vietgame.asia theo dõi bài đánh giá các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
NHỮNG NÂNG CẤP VỀ HÌNH – ÂM
Mặc dù là một tựa game với quy mô nhỏ được ra mắt để “tận dụng” các nguồn tài nguyên sẵn có, thế nhưng phải nói rằng đội ngũ phát triển của Creative Assembly không đến nỗi vô trách nhiệm “bưng bê” nguyên vẹn tất cả những yếu tố từ phiên bản Total War: Rome II gốc ra đời cách đây ngót nghét 7 năm vào trong Total War Saga: Troy, mà lồng ghép chúng vào bên trong bộ engine vừa được nâng cấp qua phiên bản Total War: Three Kingdoms vừa được ra mắt vào năm ngoái.
Phải nói rằng, cả hai tựa game này đều chia sẻ chung một đặc điểm, đó là cả hai đều bước ra từ những “áng văn chương”.
Một bên là tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của tác giả La Quán Trung, còn bên kia là Trường ca Iliad của nhà thơ mù Homer, thế nên cả hai đều sở hữu một tông màu có phần khác biệt so với cách “tả thực” như trong các phiên bản game trước đây.
Cách phối màu này tạo ra những khung cảnh game có phần hơi… tươi sáng quá đà với những nhân vật được thiết kế “sạch sẽ”, tương tự với những dòng game dựa vào tiểu thuyết như Total War: Warhammer 2, khác hẳn phong cách hơi u ám, bụi bặm của các dòng game dựa trên lịch sử chính thống của Total War Saga: Thrones of Britannia hay Total War: Atilla trước đây.
Các mô hình nhân vật vẫn giữ được rất nhiều thiết kế “thuở ban đầu” trên phiên bản Total War: Rome II, thế nhưng tất cả đều được nâng cấp lên với nhiều đa giác hơn, vân bề mặt có độ phân giải cao hơn, cùng cách phối màu theo tông “sử thi”, làm cho trò chơi có vẻ mới mẻ và đẹp đẽ hơn.
Những yếu tố khác như địa hình, môi trường, và bản đồ cũng được thiết kế với độ chi tiết cao chưa từng có, chủ yếu là vì kích thước bản đồ tương đối nhỏ, chỉ gói gọn quanh khu vực bán đảo Hy Lạp và khu vực Tây Á lân cận mà thôi.
Yếu tố mà Total War Saga: Troy ảnh hưởng rõ nét nhất từ phiên bản Total War: Three Kingdoms chính là các pha chiến đấu của tướng lĩnh và anh hùng được thể hiện “trau chuốt” thông qua các trận đấu võ “hoành tráng”, nhờ vào việc sử dụng công nghệ Ghi hình chuyển động (Motion Capture) trứ danh đã được ứng dụng từ lâu trong dòng game.
Phải nói rằng đội ngũ phát triển game đã rất chịu khó “nhặt nhạnh” các chất liệu trong Trường ca Iliad và một vài tư liệu vẫn còn mơ hồ trong lịch sử, để xây dựng nên hệ thống các anh hùng với những đặc điểm vô cùng ấn tượng, thể hiện rõ nét các nhân vật này với những chiêu thức riêng biệt và đặc trưng chiến đấu của thời kỳ này, chứ không “bê nguyên xi” những động tác từ các võ tướng trong phiên bản Three Kingdoms, với nhiều yếu tố đến từ võ thuật Trung Hoa.
Yếu tố mà Total War Saga: Troy ảnh hưởng rõ nét nhất từ phiên bản Total War: Three Kingdoms chính là các pha chiến đấu của tướng lĩnh và anh hùng
Đáng chú ý và cũng khá thú vị khi nhân vật hoàng tử Paris được thiết kế theo phong cách “đẹp trai mảnh mai”, khá giống diễn viên Orlando Bloom, người thủ vai nhân vật này trong bộ phim điện ảnh nổi tiếng cùng tên ra mắt vào năm 2004, trong khi các nhân vật khác đều được thiết kế theo phong cách tả thực có phần hơi “bặm trợn”, vô cùng quen thuộc với người hâm mộ của dòng game Total War từ trước đến nay.
Phần âm thanh vẫn do nhà soạn nhạc tài ba Richard Beddow làm đạo diễn và không hề khiến cho người chơi phải thất vọng với những bản nhạc được biên soạn công phu, mang âm hưởng thần thoại với những trường đoạn hào hùng đủ để làm người hoà nhập được vào không khí sử thi bi tráng của trò chơi.
Đây cũng không phải lần đầu tiên nhóm nhạc sĩ của Richard Beddow làm việc với thời kỳ sử thi này, thậm chí Jamie Christopherson, phó đạo diễn của nhóm cũng đã từng làm soạn nhạc chính cho tựa game “bom xịt” Warriors: Legends of Troy ra mắt hồi năm 2011.
Tuy nhiên, có lẽ do vẫn sử dụng các chất liệu âm nhạc phương Tây quen thuộc, thế nên phần “âm” của Total War Saga: Troy dù vẫn rất hay, rất “hợp game” và cũng rất lôi cuốn, thế nhưng thiếu đi đôi chút hiệu ứng “chấn động” như những gì mà nhóm đã thể hiện trên phiên bản Total War: Three Kingdoms.
Nhìn chung, dù tái sử dụng rất nhiều mô hình trên các phiên bản trước đây, thế nhưng đội ngũ phát triển game của CA đã nâng cấp đáng kể chất lượng hình ảnh trò chơi, tạo ra sự thoả mãn tương đối cho người chơi khi thưởng thức một bối cảnh hoàn toàn mới, mang đậm yếu tố sử thi, huyền thoại.
NHỮNG YẾU TỐ MỚI MẺ
Mặc dù vẫn “xồn xồn” ra mắt một phiên bản game mới hàng năm, thế nhưng không có nghĩa lối chơi của dòng game Total War bị “cố định trong khung” như những dòng game 4X – eXplore (thăm dò), eXpand (mở rộng), eXploit (khai thác) và eXterminate (triệt tiêu đối thủ), khác đang có mặt trên thị trường.
Gần như qua mỗi phiên bản của trò chơi, nhà phát triển game sẽ lại thêm thắt một số yếu tố nhỏ, không đủ sức làm thay đổi toàn diện lối chơi để khiến người hâm mộ quen thuộc cảm thấy lạ lẫm, nhưng cũng đủ để tạo ra cảm giác mới mẻ, hấp dẫn, đòi hỏi người chơi phải khám phá.
Total War Saga: Troy sở hữu một vài đổi mới mà người chơi cảm thấy khá hữu ích đối với dòng game.
Những yếu tố này chủ yếu “biến tấu” và thoát thai từ cốt truyện chính của Iliad, khiến người viết cảm thấy những yếu tố mới mẻ này xuất hiện vô cùng tự nhiên và dễ dàng chấp nhận.
Chẳng hạn như hệ thống tài nguyên với nhiều yếu tố khác nhau đã tồn tại từ phiên bản Total War: Shogun 2 ra mắt từ năm 2011, nhưng đến nay đã được “lượng hoá” bằng những con số cụ thể.
Những loại tài nguyên này không còn đơn giản chỉ là một “điều kiện cần có” để nghiên cứu một công nghệ, hay xây dựng một công trình, một đơn vị lính, mà người chơi có thể dùng chúng cho nhiều mục đích khác nhau.
Chẳng hạn như lương thực không đơn thuần được dùng để duy trì chỉ số hạnh phúc của người dân, mà nó còn có thể được sử dụng để thờ cúng cho thần linh để đổi lại, bạn sẽ nhận được sự “phù hộ” của chư thần cho những ưu thế kinh tế và quân sự trên toàn bộ lãnh thổ.
Những yếu tố “thần thánh” này có tác dụng nhiều hơn bạn có thể tưởng tượng và thậm chí có khi khiến bạn phải “dở khóc, dở cười”!
Có lần người viết “bỏ bê” nữ thần sắc đẹp Aphrodite mà bà “trù ếm” cho vợ tướng lĩnh của người chơi… đi ngoại tình, khiến cho vị tướng này chẳng còn tâm trạng đâu mà đi đánh đấm, kết quả là chỉ số morale bị trừ khá thảm hại!
Người chơi cũng có dịp được điều khiển một số đơn vị quân “thần thoại” được “phàm tục hoá” dưới dạng các đơn vị quân có khả năng đặc biệt, chẳng hạn như Minotaur thực ra là một chiến binh cao lớn đội mũ sừng bò có sức khoẻ “cân” cả một đạo quân, hay Centaur là những chiến binh du mục… ở trần nhưng vẫn thuộc nhóm kỵ binh hạng nặng.
Những đơn vị đặc biệt này thường chỉ xuất hiện khi người chơi thờ cúng đến một mức độ nhất định vị thần mà mình lựa chọn và chỉ có thể được sản xuất giới hạn trong game, thế nên nó không mang nhiều ý nghĩa chiến thuật cho lắm.
Hệ thống mục tiêu chiến thắng cũng trở nên đa dạng hơn, không bị bó buộc trong các mục tiêu chiến tranh như các phiên bản Total War trước đây.
Với Total War Saga: Troy, bên cạnh những chiến thắng nhờ vào chinh phạt như truyền thống, người chơi cũng có thể hoàn thành loạt nhiệm vụ cốt truyện mà nhà sản xuất gọi đó là “Homeric Victory”.
Hệ thống nhiệm vụ vô cùng phong phú với nhiều nhiệm vụ thậm chí vô cùng oái oăm, chẳng hạn như nếu bạn vào phe Hector of Troy, trò chơi sẽ có nhiệm vụ cho bạn làm hài lòng vua cha Priam, đi gả em gái cho hoàng tử Ai Cập, hay thậm chí có nhiệm vụ cho bạn “làm thịt” Achilles để kết thúc trò chơi…
Mặc dù vậy, với đặc trưng của riêng mình thiên về những trận đánh tổng lực, thế nên dù cho nhà sản xuất đã cố gắng tạo ra những yếu tố mới mẻ giúp người chơi không khỏi nhàm chán với mô tuýp “chinh chiến” cũ kỹ duy trì xuyên suốt sự tồn tại của cả dòng game, Total War Saga: Troy vẫn rất khó “đi gần” với một game 4X truyền thống sở hữu nhiều loại chiến thắng khác nhau như Sid Meier’s Civilization VI.
Người chơi cũng có thể hoàn thành loạt nhiệm vụ cốt truyện mà nhà sản xuất gọi đó là “Homeric Victory”
Mặc dù đã thêm thắt rất nhiều yếu tố làm cho trò chơi trở nên rườm rà, khiến người chơi bận rộn hơn, nhưng nói cho cùng, nhóm phát triển game tại CA cũng không “nhẫn tâm” như những gì mà Kube Games đã làm với Imperiums: Greek Wars khi bắt người chơi phải quan tâm đến mọi vấn đề: từ “bé như cây kim sợi chỉ” đến lớn như cả một công trình, hệ thống “trợ lý” quen thuộc có thế hỗ trợ bạn khá nhiều thao tác đơn giản, khiến bạn có thể tập trung hơn vào các trận chiến.
Chính vì thế mà chỉ cần một vài hướng dẫn sơ bộ, người chơi mới đã có thể bắt tay ngay vào “chinh chiến” mà không gặp phải bất cứ khó khăn nào.
Nhìn chung, Total War Saga: Troy thể hiện khá tốt với nhiều yếu tố mới mẻ, thú vị và đáng chơi, đáng để tìm tòi vọc phá hơn rất nhiều so với việc chỉ mò mẫm chiến tranh như trong phiên bản bị nhiều người chỉ trích: Total War Saga: Thrones of Britannia trước đây.
BẠN SẼ GHÉT
NỀN NGOẠI GIAO HỖN LOẠN, SỰ “ĐỘC QUYỀN” CỦA EPIC
Trên thực tế, mặc dù trò chơi chia các “phe” thành hai nhóm rõ rệt bao gồm “đồng minh Danaans” và “đồng minh Trojans”, thế nhưng các phe phái nhỏ trong Total War Saga: Troy có mối quan hệ vô cùng hỗn loạn và thậm chí hệ thống AI của trò chơi cũng không thể kiểm soát tốt được vấn đề này.
Trong mỗi lượt chơi, bạn sẽ nhận được hàng tá vấn đề ngoại giao từ phía cả đồng minh lẫn đối thủ về đủ mọi lĩnh vực như mua bán, tạo liên minh hay ký kết các hiệp định với những yêu cầu vụn vặt như trao đổi một ít sản vật này lấy một ít tài nguyên khác…
Đó là chưa kể có một số nhiệm vụ Epic chỉ được kích hoạt khi hoạt động ngoại giao giữa các phe đạt được đến một mức độ nhất định, cũng khiến bạn phải loay hoay mày mò nếu muốn đạt được chiến thắng Homeric.
Điều này khiến cho phần lớn thời gian của mỗi lượt chơi đều trải qua trong giải quyết “núi” thư ngoại giao hơn là tập trung cho vấn đề xây dựng, phát triển và chinh chiến để có thể tận hưởng trò chơi theo đúng cốt truyện.
Kết quả là người chơi thà “đâm đầu” đi giành chiến thắng chinh phục, thế nhưng kiểu chơi này càng về sau càng chán với bản đồ cỡ nhỏ và các phe phái cứ… từa tựa như nhau trong Total War Saga: Troy.
Bên cạnh đó, một vài vấn đề kỹ thuật của game cũng khiến cho người chơi khó chịu như bất ngờ văng game trong quá trình nạp màn, hay trong quá trình nạp các trận đánh.
Trong mỗi lượt chơi, bạn sẽ nhận được hàng tá vấn đề ngoại giao từ phía cả đồng minh lẫn đối thủ về đủ mọi lĩnh vực
Vấn đề này có vẻ như đã được CA tiếp cận rất nhanh và được sửa ngay trong bản hotfix, ra mắt chỉ vài ngày sau khi “xuất trận”.
Cho đến nay người viết cũng không gặp phải vấn đề này lần nào sau khi cập nhật lên phiên bản mới nhất của trò chơi.
Và cuối cùng, việc tựa game độc quyền cho Epic Games Store đến tận sang năm cũng là một vấn đề rất khó chấp nhận với nhiều người, nhất là khi “bộ sưu tập” các game dòng Total War của người viết đều đang “nằm chễm chệ” bên cửa hàng Steam.
Đây cũng là một “điểm trừ nhẹ” mà người viết thật sự không quá thích thú đối với trò chơi.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Creative Assembly
- Phát hành: SEGA
- Thể loại: Chiến thuật
- Ngày ra mắt: 13/08/2020
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 64-bit
- CPU: Intel i3-530 / AMD Athlon II X3 460
- RAM: 8GB
- VGA: Nvidia GTX 560 / Radeon HD 5850, 2GB
- HDD: 26GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Intel i7-8700
- RAM: 16 GB
- VGA: ASUS TUF RX 5600XT
- SSD: Samsung SSD 850 EVO 250GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI EPIC GAMES STORE – CHƠI TRÊN HỆ PC