Skip to content

Visage – Đánh Giá Game

Visage

Visage – Khái niệm “đòn đánh tâm lý” đã không còn quá xa lạ trong các tựa game kinh dị, khi việc liên tục đưa ra các đòn tấn công khiến người chơi lộ ra sơ hở, sau đó chốt hạ bằng một màn hù dọa vẫn luôn được áp dụng rộng rãi (và thành công) cho đến hiện nay.

Điển hình cho phương pháp trên là một số cái tên như Outlast, Layers of Fear đã và đang tạo tiếng vang nhờ vào cách tiếp cận đặc trưng, trước khi tiến đến loạt cảnh “ú òa” người chơi!

Nhưng quay trở lại “nhân vật chính” của chúng ta, Visage vốn đã khá thành công từ thời điểm còn là một chiến dịch gây quỹ trên Kickstarter và trở thành tâm điểm chú ý của những người chơi yêu thích game kinh dị lúc bấy giờ nhờ vào lối chơi, bối cảnh được xây dựng dựa trên P.T. (phần nội dung mở rộng cho dự án Silent Hill mới) vốn đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phần đông người chơi.

Vậy liệu Visage có thể tạo nên một tiếng vang mới?

Hãy cùng Vietgame.asia “lượn” qua bài đánh giá sau nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Visage

NỖI SỢ DỒN NÉN

Ngay từ những giây phút đầu tiên khi bạn đặt tay lên phím và bắt đầu cuộc hành trình, Visage đã bộc lộ ngay sự “tàn bạo” của mình từ đoạn cắt cảnh đầu tiên, nơi người chơi sẽ được chứng kiến một loạt ảnh vô cùng “man rợ” của nhân vật chính.

Tất nhiên, đấy chỉ màn dạo đầu của trò chơi nhằm “dằn mặt” người chơi là chính, bởi càng lấn sâu vào cuộc hành trình, người viết càng có cơ hội để cảm nhận rõ hơn, dường như nhà sản xuất đã lồng ghép sẵn nhiều bí ẩn với mục tiêu là “nuốt chửng” và khiến người chơi… lăn ra khóc như một bé gái tám tuổi!

Nhưng bằng cách nào?

Đầu tiên, ta cần đề cập đến cơ chế “tỉnh táo” (sanity) mà Visage giới thiệu đến người chơi ngay từ đầu game, bạn cũng có thể xem đây là “thanh máu” của nhân vật.

Đại diện cho cơ chế này là hình một bộ não dưới góc trái màn hình, khi hình ảnh hiện càng rõ, tương ứng với mức tỉnh táo của nhân vật đang ở trạng thái “nguy kịch”!

Về sau, các hiện tượng siêu nhiên (góp phần làm giảm độ tỉnh táo của nhân vật) sẽ xuất hiện ngày một nhiều và thường xuyên hơn.

Visage

Cho đến đỉnh điểm, những bóng ma sẽ dần xuất hiện, đuổi theo và cuối cùng là kết liễu người chơi với một màn hù dọa (Jumpscare) rợn người.

Đáng chú ý, càng trải nghiệm thì người chơi sẽ dễ dàng nhận ra bầu không khí ảm đạm trước đó đang phai nhạt dần, mở lối cho những bí ẩn được giấu sau màn đêm.

Vì khi độ tỉnh táo của người chơi gần chạm mốc, thì cứ vài bước đi sẽ có một… bóng ma từ đâu đó nhảy ra hòng tóm lấy người chơi.

Nhưng không có nghĩa là trò chơi đang cố ép bạn vào thế bí.

Bởi người chơi luôn có thể tăng khả năng sống sót bằng cách thường xuyên đứng trong khu vực có ánh đèn để nâng độ tỉnh táo của nhân vật, đồng thời kết hợp việc tích trữ với các vật phẩm nhặt được như thuốc an thần, bật lửa…

Dần đà về sau, ánh đèn sẽ thưa đi, tài nguyên trở nên khan hiếm, ép buộc người chơi phải tự đặt mình vào những khu vực nguy hiểm để tìm kiếm tài nguyên và nhanh chóng khám phá những bí ẩn trước khi bị “nuốt chửng” hoàn toàn bởi một màn hù dọa nào đó.

càng trải nghiệm thì người chơi sẽ dễ dàng nhận ra bầu không khí ảm đạm trước đó đang phai nhạt dần, mở lối cho những bí ẩn được giấu sau màn đêm.


KHOẢNG KHÔNG TĂM TỐI

Visage làm rất tốt trong việc gầy dựng các yếu tố môi trường, cũng như xâu chuỗi chúng với nhau theo cách khá thông minh và thỏa đáng.

Điển hình, âm thanh trong game đóng vai trò là bạn đồng thời cũng là thù, bởi phần lớn thời gian điều khiển nhân vật, giữa một căn nhà rộng lớn bạn chỉ có thể nghe được mưa lách tách đi kèm tiếng cọ sát “cót két” rởn gai ốc của đồ vật.

Qua đó, các loại âm thanh vốn chỉ đóng vai “quần chúng” cho các bản nhạc nền, thì nay lại có khá nhiều “đất diễn” trong Visage.

Nhưng cũng chính những chi tiết tưởng chừng như “vô hại” này lại có thể thường xuyên tạo nên cảm giác bất bình, “chill” đến lạnh sóng lưng cho người chơi!

Và khi thời điểm bản nhạc nền bất chợt vang lên, thì chính là lúc… một bóng ma đang bám theo sau người chơi.

Nên nếu bạn đang có “ý tưởng” tắt tiếng của game để chơi cho đỡ sợ thì chỉ đang vô tình tăng độ khó của game!

Ngoài ra, Visage một trong số ít tựa game sử dụng ánh sáng làm yếu tố chủ chốt và vận dụng rất tốt các hiệu ứng này.

Trong một số phân đoạn, bạn sẽ không thể sử dụng các món đồ chiếu sáng như bật lửa, máy ảnh hay đèn pin, khiến cho manh mối duy nhất của người chơi là những ánh đèn yếu nhớt trải dài khắp hành lang.

Nhưng ngay dưới những ngọn đèn đôi lúc là nơi ẩn náu của một sinh vật kì dị đang tiến về phía người chơi, kết hợp bản nhạc nền hỗn loạn, những tiếng rên rỉ, la hét như đang “đấm” vào lồng ngực người chơi.

không gian tưởng chừng như bình thường này lại có thể xây dựng nên một khung cảnh đặc sắc, ma mị chỉ bằng màn đêm và một ánh đèn chiếu đúng chỗ.

Chưa kể, các khu vực trong Visage phần lớn là không gian chật chội, bao xung quanh là những bức tường ọp ẹp, đôi khi được trang trí bằng những bức tranh thất thường khiến bạn luôn thắc mắc về gu thẩm mỹ lạ đời của ông chủ nhà.

Nhưng chính không gian tưởng chừng như bình thường này lại có thể xây dựng nên một khung cảnh đặc sắc, ma mị chỉ bằng màn đêm và một ánh đèn chiếu đúng chỗ.


Visage

CÂU ĐỐ KHÔNG LỜI GIẢI

Visage sở hữu cho mình ba chương lớn là “Lucy”, “Rakan” và “Dolores” kèm một chương nhỏ (chỉ xuất hiện khi người thu thập được các món đồ nhất định).

Mỗi chương trong game sở hữu cách tiếp cận rất đặc trưng nhưng cũng không kém phần “rối não”, thậm chí có màn còn đưa người chơi đến một khu vực khác hoàn toàn.

Song song đó, câu truyện của game được dẫn dắt khá tốt và có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng để tránh tiết lộ nội dung, người viết sẽ không bàn sâu về chi tiết này.

Tùy vào mỗi chương, một số trang bị của người chơi sẽ bị vô hiệu hóa, hoặc có lúc sẽ bị “tịch thu” sạch đồ để đổi lấy một chiếc đèn pin, lúc này cơ chế quản lý tài nguyên sẽ ít được chú trọng hơn.

Theo đó, Visage sẽ liên tục đẩy người chơi vào nhiều tình huống khác nhau giúp bạn có trải nghiệm mới mẻ, cũng như tránh việc phụ thuộc vào các món đồ có sẵn.

Visage

Mạch truyện càng đen tối, các pha “máu dồn lên não” càng nhiều, chưa kể đến hàng loạt các điểm “nóng” có thể kích hoạt bóng ma đuổi theo người chơi.

Vì vậy mà từng pha hù dọa trong game đều được tung ra khá chuẩn xác, đặc biệt là ngay những lúc người chơi đang ở trạng thái căng thẳng nhất!

từng pha hù dọa trong game đều được tung ra khá chuẩn xác, đặc biệt là ngay những lúc người chơi đang ở trạng thái căng thẳng nhất.


THÔNG TIN

  • Sản xuất: SadSquare Studio
  • Phát hành: SadSquare Studio
  • Thể loại: Kinh dị, sinh tồn
  • Ngày ra mắt: 30/10/2020
  • Hệ máy: PC, PlayStation 4, Xbox One

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows 7, 8, 8.1,10
  • CPU: Intel® Core™ i3 hoặc AMD Ryzen™ 3
  • RAM: 6 GB
  • VGA: NVIDIA® GeForce® GTX 950 hoặc AMD Radeon™ R7 370
  • HDD: 10 GB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10 Home 64-bit
  • CPU: Intel Core i5-9300h 2.4GHz
  • RAM: 16 GB
  • VGA: Nvidia Geforce GTX 1660ti 6 GB 
  • SSD: 512 GB SSD NVMe M.2 PCle Gen 3×2

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI SADSQUARECHƠI TRÊN HỆ PC

Vàng 9.0

Visage sở hữu lối tiếp cận khá tàn bạo khi gieo rắc đồng thời nỗi sợ, sự căng thẳng và hỗn loạn lên người chơi.
Hơn nữa, câu truyện trong game cũng là yếu tố được nhà phát triển chăm chút để có thể khám phá dưới nhiều góc độ khác nhau, ép buộc bạn phải đặt chân vào "bóng tối" để tìm ra "ánh sáng".