Corsair 5000D – Kể từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021 này, Corsair đã liên tục “bận rộn” làm mới lại các dòng sản phẩm của mình với nhiều mẫu mã mới lạ và công nghệ hiện đại, phục vụ tối đa cho nhu cầu không ngừng thay đổi của cộng đồng game thủ.
Cách đây không lâu, Corsair đã cho ra mắt các dòng thùng máy phiên bản Corsair 4000 Series thay thế cho dòng sản phẩm Carbide 275R trong nhóm các dòng thùng máy cỡ trung Mid-Tower. Thì đầu năm nay, hãng lại tiếp tục cho ra mắt dải sản phẩm thùng máy cao cấp Corsair 5000 Series hướng đến thay thế cho nhóm sản phẩm cao cấp hơn như Obsidian Series 500D hướng đến nhóm người dùng “chịu chơi”, và “chịu chi” hơn cho các mẫu thùng máy chất lượng.
Cách đây không lâu, Vietgame.asia đã giới thiệu với bạn đọc phiên bản “thoáng gió” nhất của dòng sản phẩm này với tên gọi Corsair 5000D Airflow thì trong bài viết này, người viết sẽ giới thiệu nhanh cho bạn đọc phiên bản cơ bản nhất của dòng thùng máy cao cấp này với tên gọi Corsair 5000D Tempered Glass.
Liệu một phiên bản “cơ bản” có còn “ngon” như các phiên bản đặc biệt? Hãy cùng xem các bạn nhé!
CORSAIR 5000D – KHÔNG CHỈ LÀ MỘT MẪU THÙNG MÁY 4000D “PHÓNG TO”!
Trong một vài năm trở lại đây, Corsair đã rất “tiết kiệm” công sức khi sử dụng phương thức thiết kế “One type fit all”, hiểu nôm na là cho ra mắt một bộ khung tổng thể, rồi sau đó đắp lên “da thịt” để làm ra các phiên bản đặc biệt phục vụ cho các nhu cầu khác nhau, và dòng thùng máy Corsair 5000 Series cũng không ngoại lệ.
Mẫu thùng máy Corsair 5000D Tempered Glass có kích thước tương tự như phiên bản Airflow, khá lớn nếu so sánh với các dòng thùng máy Mid-Tower thông thường, thậm chí to… gấp rưỡi mẫu thùng máy Mid-Tower thuộc dòng sản phẩm gọn nhẹ (compact) do FSP sản xuất là FSP CMT340 người viết giới thiệu với bạn đọc gần đây, thậm chí gần bằng cả dòng thùng máy “cỡ lớn” thuộc phân khúc Full-Tower như MSI MPG SEKIRA 500X.
Điều đó có nghĩa là người dùng sẽ có rất nhiều không gian tự do bố trí linh kiện. Thậm chí bạn có thể thoải mái xếp đặt bộ giải nhiệt radiator của các tản nhiệt nước Tất cả trong một AIO (All-in-One) có kích cỡ 360mm như Corsair iCUE H150i RGB PRO XT 360mm với 6 quạt tản nhiệt theo phương thức 3 hút – 3 đẩy ở phía trên hay mặt trước mà không gặp phải bất kỳ vấn đề “cấn linh kiện” nào.
Trong khi đó, với hai mặt trước và mặt trên, thay vì được “bao bọc” bằng tấm kim loại “đục lỗ” giúp thông gió như phiên bản Airflow, phiên bản cơ bản chỉ sở hữu hai tấm chắn kim loại được sơn tĩnh điện thông thường mà thôi.
Hai tấm này cũng được bắt vào khung thùng máy thông qua một ngàm kẹp tiện dụng, dễ dàng tháo – lắp mà không cần bất kỳ công cụ hỗ trợ nào.
Cũng tương tự phiên bản Airflow, mặt hông thùng máy cũng sở hữu khe thoát khí có lưới lọc bụi, kết nối với khung thông qua một cơ chế kẹp tương tự như mặt trước và mặt trên.
Phía trong lớp vỏ này vẫn là “cánh cửa” được “khớp” bằng bản lề với khung máy, “bảo vệ kép” cho dây nhợ phía sau bảng mạch cũng như đảm bảo tính thẩm mỹ cho hệ thống.
Bên trong vẫn là cách bố trí đi dây bằng máng và các dây dán velcro quen thuộc trên các mẫu thùng máy của Corsair, điều “đáng mừng” là bộ điều khiển quạt – đèn cao cấp hệt như trên phiên bản Corsair 4000X RGB vẫn được giữ nguyên trên phiên bản cơ bản này, chỉ “chờ” bạn sắp xếp hệ thống tản nhiệt cho thùng máy sao cho vừa ý.
[su_quote]điều “đáng mừng” là bộ điều khiển quạt – đèn cao cấp hệt như trên phiên bản Corsair 4000X RGB vẫn được giữ nguyên[/su_quote]Ở mặt trước, thùng máy vẫn được trang bị tấm kính cường lực dày 4mm quen thuộc giúp người dùng “show hàng” các linh kiện bên trong. Mặt kính này cũng có ngàm giữ cố định dạng kẹp như ba mặt còn lại, nhưng không có bộ phận đỡ mặt dưới như mẫu thùng máy FSP CMT340.
Điều này rất dễ làm người dùng trượt tay khi tháo ráp nếu dùng lực mạnh để kéo thẳng tấm kính ra khỏi khung, thế nên bản thân người viết cũng khá… run tay khi thao tác bộ phận này.
“Nội thất” bên trong vẫn được làm gọn gàng, chỉn chu như phong cách của Corsair từ trước đến nay với những khu vực đi dây được “chừa chỗ” vô cùng thuận tiện, các khu vực luồn dây chính đều được bọc đệm cao su vô cùng “êm ái” với các dây điện.
Mặt sau của case được thiết kế khá quy chuẩn, các khe trống cho thiết bị dùng cổng PCI-E được bắt vào khung bằng ốc vặn, chứ không phải dập từ nguyên tấm lớn như một vài thùng máy giá mềm khác, điều này đem lại độ chắc chắn cho linh kiện cũng như tính thẩm mỹ cao cho thùng máy khi bạn có thể dễ dàng gắn lại các cổng không sử dụng đến.
Ngoài ra, Corsair 5000D Tempered Glass cũng được trang bị vị trí cho phép người dùng sử dụng bộ chuyển đổi “dựng đứng” card đồ hoạ theo phong cách thời thượng. Đây cũng là một chi tiết cao cấp mà các dòng thùng máy Mid-Tower giá mềm như FSP CMT340 không sở hữu.
TỔNG QUAN
Về tổng thể, phiên bản Corsair 5000D Tempered Glass vẫn kế thừa rất nhiều ngôn ngữ thiết kế của dòng sản phẩm Corsair 4000 Series, nhưng với rất nhiều không gian rộng rãi cho linh kiện và những thêm thắt mới mẻ, người dùng sẽ cảm thấy những giá trị tăng thêm mang lại vô cùng xứng đáng với một mẫu thùng máy cao cấp.
Có thể nói rằng, dù chỉ là phiên bản cơ bản nhất trong dòng thùng máy Corsair 5000 Series, thế nhưng phiên bản Tempered Glass vẫn toát ra được giá trị của mình trong thiết kế, chế tạo và trình bày sản phẩm.
BÀI MỚI NHẤT
- Black Myth: Wukong sẽ có thêm vài “bất ngờ” mới vào cuối năm nay! – Tin Game
- STALKER 2: Heart of Chornobyl vượt mốc 1 triệu bản tiêu thụ! – Tin Game
- Virtua Fighter 5 R.E.V.O. được công bố cho Steam! – Tin Game
- Star Wars Outlaws ra mắt bản mở rộng Wild Card! – Tin Game
- Heart Machine, hãng phát triển Hyper Light Breaker, sa thải hàng loạt! – Tin Game
- Black Myth: Wukong thắng Ultimate Game of the Year tại Golden Joystick Awards – Tin Game