Tính tới thời điển hiện tại, Tencent là công ty game lớn nhất thế giới. Tổng vốn chủ sở hữu của “ông kẹ” ngành game Trung Quốc hiện tại đang là 778 tỉ nhân dân tệ, tương ứng với 120 tỷ USD, nghĩa là gấp đôi Sony (tính tổng tất cả mọi thứ linh tinh mà Sony làm, không chỉ mỗi mảng game) và tương đuơng với toàn bộ vốn chủ sở hữu của Microsoft.
Nhiều tiền thì để làm gì chứ? Tất nhiên là Tencent sẽ đầu tư, và chỉ riêng từ đầu năm cho tới tháng 5 năm 2020, công ty này đã “chốt sổ” 51 thỏa thuận liên quan tới video game, gần gấp đôi số thỏa thuận mà hãng đã đạt được trong cả năm 2020, nghĩa là cứ trung bình hai ngày rưỡi là Tencent lại ký thêm một thỏa thuận mới!
Trước năm 2020, chiến lược của Tencent có vẻ tương đối bảo thủ, chỉ đầu tư vào những nơi “đảm bảo đầu ra”, với những studio đã từng làm ra được những tựa game chất lượng.
Tuy nhiên, sự thay đổi lớn đã diễn ra vào năm 2020, khi chiến lược đầu tư phát triển dựa trên những thay đổi của thị trường, và Tencent bắt đầu vung tiền đầu tư vào những nơi mạo hiểm hơn.
Một điều không thay đổi là Tencent lựa chọn đầu tư một cách “thầm lặng”, nghĩa là họ thường không “thay tên đổi họ” những công ty họ mua về, mà vẫn để họ làm những gì mà họ thích, và chúng ta hoàn toàn có thể gọi đây là tham vọng bá chủ ngành game toàn cầu trong thầm lặng của Tencent.
Vietgame.asia lược dịch bài viết sau của Niko Partners, mang đến một cái nhìn tổng quát về chiến lược của ông lớn Tencent đối với ngành game thế giới.
THÂU TÓM
Hãy cùng nhìn lại quá trình thâu tóm của Tencent trong năm 2021.
Tổng cộng, công ty này đã chốt 51 thương vụ liên quan tới game tính đến ngày 10 tháng 5 năm 2021, trong đó 39 công ty trong nước và 12 công ty nước ngoài.
5 trong số 12 công ty nước ngoài có trụ sở tại Hàn Quốc và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phát triển game PC và di động.
Cần lưu ý rằng, Tencent đã không đầu tư vào bất kỳ công ty nào có trụ sở tại Hoa Kỳ trong năm nay, điều này có thể do các vấn đề địa chính trị và việc Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đang xem xét cổ phần hiện tại của Tencent trong Riot Games và Epic Games.
gần một nửa trong số 51 khoản đầu tư trong năm 2021 của Tencent là vào các công ty nội địa có kinh nghiệm phát triển trò chơi PC và console
Trong khi khả năng Tencent buộc phải thoái vốn là rất thấp, công ty này đã tập trung đầu tư vào các công ty game có trụ sở tại châu Âu thay vì ở Mỹ. Tencent cũng nắm phần lớn cổ phần của Klei Entertainment ở Canada.
Mặt khác, gần một nửa trong số 51 khoản đầu tư trong năm 2021 của Tencent là vào các công ty nội địa có kinh nghiệm phát triển trò chơi PC và console.
Điều này cho thấy một sự xoay trục rõ rệt từ phía Tencent, do hầu hết những khoản đầu tư vào công ty nội địa trước năm 2020 của hãng này là vào mảng kinh doanh di động.
Những công ty Trung Quốc nổi bật được Tencent rót vốn bao gồm Game Science (Black Myth: Wukong), Surgical Scalpels (Project Boundary), UltiZero Games (Lost Soul Aside), Dark Star (Sinner).
Rõ ràng, những khoản đầu tư này sẽ giúp Tencent có được chỗ đứng trên thị trường game PC nội địa được dự báo là sẽ tăng trưởng rõ rệt trong năm 2022, cũng như trên thị trường PC và console toàn cầu.
Tencent cũng đã đặt mục tiêu sản xuất nhiều tựa game đa nền tảng, với tham vọng cạnh tranh trên nhiều thị trường khác nhau, và công ty này đã thể hiện tham vọng này bằng cách rót vốn vào nhiều công ty lớn nhỏ khác nhau như Fatshark, Dontnod Studios, Klei, v.v.
Công ty này cũng đã đầu tư vào 14 nhà phát triển trò chơi của các trò chơi theo phong cách anime, hoặc trò chơi dành cho phái nữ, hoặc sự kết hợp của cả hai.
Thực ra, trước đó hãng này cũng đã ra mắt một vài tựa game dựa trên bản quyền anime như Naruto và Dragon Ball, tuy nhiên hãng này chưa bao giờ đạt được thành công rực rỡ như Âm Dương Sư của NetEase hay Genshin Impact của miHoYo.
ĐỘNG CƠ?
Vậy có lý do gì để gã khổng lồ Trung Quốc đột ngột thay đổi chiến thuật?
1. Áp lực từ Alibaba và Bytedance
Tencent đã gặp nhiều áp lực từ hai ông lớn công nghệ từ Alibaba và Bytedance trong những năm gần đây.
Alibaba đã phát hành Three Kingdoms: Tactics, dựa trên Romance of the Three Kingdoms của Koei Tecmo, giúp họ trở thành nhà phát hành trò chơi di động đứng thứ tư tại Trung Quốc trong năm 2020.
Gã khổng lồ này đã chuyển mảng sản xuất trò chơi của mình thành một bộ phận độc lập, hoạt động song song với bộ phận giải trí của công ty và lăm le đe dọa trực tiếp tới vị thế của Tencent.
ByteDance cũng đã nhảy vào ngành công nghiệp trò chơi sau khi thành công với ứng dụng video ngắn TikTok, và công ty này đã thuê gần 3.000 nhân viên để làm việc về trò chơi và đã thành lập nhiều hãng phát hành khác nhau.
Tencent đã gặp nhiều áp lực từ hai ông lớn công nghệ từ Alibaba và Bytedance trong những năm gần đây
Vừa sản xuất game của riêng mình, ByteDance vừa gặt hái được nhiều thành công khi phát hành Ragnarok X: Next Generation (Gravity) ở Hồng Kông và Đài Bắc Trung Hoa, cũng như One Piece: The Voyage (CMGE / Shueisha) ở Trung Quốc đại lục.
ByteDance cũng mua lại Moonton (Mobile Legends) và C4 Games (Red Alert OL) để tăng cường khả năng phát triển nội bộ của mình.
2. Những nhà phát triển độc lập, và mối đe dọa từ thành công của họ
2020 là năm thành công đối với những nhà phát triển game cỡ vừa và nhỏ, đặc biệt là miHoyo, Lilith Game và QingCi Digital.
Genshin Impact của miHoYo “lên như diều gặp gió”, thu về hơn 1.5 tỉ USD xuyên suốt các nền tảng khác nhau, trong khi đó AFK Arena và Rise of Kingdoms của Lilith Games cũng thành công hơn nhiều những tựa game cùng thể loại do chính Tencent sản xuất.
Tencent rõ ràng đang cảm thấy áp lực từ những nhà phát triển cỡ vừa và nhỏ, và họ cần phải “đi tắt đón đầu” bằng cách đầu tư vào những hãng game nhỏ ngay khi mới thành lập, điều mà Tencent quả thực đã làm trong năm 2021 với 14 thương vụ vào những công ty vừa mới thành lập chưa đầy hai năm, thậm chí còn chưa có tựa game nào được hoàn thành.
Tencent rõ ràng đang cảm thấy áp lực từ những nhà phát triển cỡ vừa và nhỏ
3. Xu hướng toàn cầu hóa
Với 1.3 tỉ dân, Trung Quốc là thị trường game lớn nhất thế giới, khi 33% tổng doanh thu game PC và di động toàn cầu tới từ Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, tham vọng của Tencent là trở thành gã khổng lồ toàn cầu!
Công ty này tuyên bố rằng mục tiêu của họ là 50% lượng người chơi tới từ nước ngoài, mặc dù hiện nay mới chỉ có 21% tổng doanh thu trò chơi của họ vào năm 2020 là từ bên ngoài Trung Quốc.
Trong 21% tổng doanh thu này, phần lớn lại tới từ những tựa game Tencent sản xuất dựa trên bản quyền nhượng quyền, như PUBG Mobile hay Call of Duty Mobile.
Rõ ràng, Tencent hiểu rằng thị trường PC và console 70 tỉ USD ngoài kia là một mảnh đất màu mỡ cần được khai phá, và họ không chỉ rục rịch thành lập các studio nội bộ, mà còn thâu tóm những công ty đã có kinh nghiệm phát triển mảng PC và console, nhằm vừa nhanh chóng tìm chỗ đứng trong thị trường, vừa để lại kế hoạch lâu dài.
tham vọng của Tencent là trở thành gã khổng lồ toàn cầu!