WHERE’S SAMANTHA? – Sự ra đời của nền tảng Steam đã tạo ra nhiều cơ hội cho những nhà phát triển độc lập (indie) mang sản phẩm của mình tới công chúng. Ori and the Blind Forest, Cup Head, Hollow Knights… thật là không thể kể xiết những sản phẩm game indie đã thành công vang dội trên Steam.
Tuy nhiên, đôi khi ánh hào quang từ sự thành công của những sản phẩm game indie được truyền thông ca ngợi có thể làm ta quên mất rằng: đa số các sản phẩm indie đều như “hành”.
Do vậy, nếu một ngày đẹp trời, bạn có nhã hứng trải nghiệm một thứ gì đó nhạt nhẽo để trân trọng hơn những tựa game độc lập đã thành công thì hãy để Vietgame.asia giới thiệu tới bạn Where’s Samantha? đến từ hãng phát hành ROKiT Games nhé!
BẠN SẼ GHÉT
CƠ CHẾ CHƠI NHẠT TOẸT
Chỉ chơi 30 phút mà cũng đủ hiểu thấu 3 tiếng, âu đó cũng là cái điểm nhấn mà nhà sản xuất của Where’s Samantha? đã thành công xây dựng.
Nôm na cơ chế chơi là bạn sẽ điều khiển các nhân vật (giống những cục len!?), vượt qua những thử thách giải đố để đi từ đầu màn chơi tới cuối màn.
Cơ chế đặc thù của game cho phép bạn tách nhân vật mình đang điều khiển ra thành các phần, các nhân vật nhỏ khác và luân chuyển điều khiển giữa họ, làm sao để có thể khéo léo bố trí các nhân vật này vượt các chướng ngại vật trong màn chơi.
Những màu sắc ở các bục nhảy, các nút bấm, các đòn bẩy sẽ là gợi ý khá lớn cho bạn về việc nên sử dụng nhân vật nào hay kết hợp như thế nào.
Nhìn chung, đây là một cơ chế đơn giản và khá thú vị… nếu trò chơi kéo dài 30 phút.
Nhưng không!
Nhà sản xuất đã tạo nên một tựa game dài lê thê, với rất nhiều câu đố na ná giống nhau, quen thuộc và cực kì dễ dàng với mục đích kéo dài vô tội vạ thời gian chơi. Do vậy, trải nghiệm chưa tới nửa game cũng sẽ khiến bạn phát ngán!
Hơn thế nữa, để có một màn chơi hoàn hảo, bạn cần thu thập các chữ cái rải rác trong game.
Đây là một phần khá quan trọng của trò chơi bởi nhiều chướng ngại vật đòi hỏi bạn phải tính toán hơn để thu thập đủ chữ cái.
Tuy nhiên, ngoài cái thông báo máy móc là bạn đã thu thập mọi thứ trong màn chơi thì tựa game chẳng thưởng cho bạn điều gì ý nghĩa cả.
trải nghiệm chưa tới nửa game cũng sẽ khiến bạn phát ngán!
Chưa hết, không rõ cách mà nhà phát triển đã lập trình tựa game này như thế nào nhưng nhiều lúc trò chơi có thể khiến bạn phát bực về mặt trải nghiệm.
Ví dụ, đôi khi nhân vật của bạn đang di chuyển sẽ tự dưng đứng khựng lại rất khó chịu, hay bạn muốn nhảy lên một đồ vật (như cuộn len) mà lại đẩy nó đi mất.
Điểm cộng lớn nhất trong cơ chế chơi có lẽ là ở việc nhà sản xuất đã thiết kế những điểm hồi sinh lại khá khoa học để bạn không phải đi lại quá nhiều khi thua cuộc.
Tuy nhiên, nhìn chung, đừng nói là game PC… dù là một game mobile, nó cũng chẳng bỏ công sức bạn dành ra để trải nghiệm!
TRUYỀN TẢI CỐT TRUYỆN NHẠT NHẼO…
Tựa game theo chân nhân vật chính George trong chuyến hành trình đi tìm người tình nhân Samantha…
Nói thật là tất cả những gì bạn cần biết chỉ có vậy, bởi không những cốt truyện chẳng liên quan gì tới trải nghiệm chơi mà nó còn được truyền tải theo cách nhạt nhẽo nhất mà bạn có thể nghĩ ra: tựa game để một trang sách trước mặt bạn, lật lật một đống chữ cái, và có giọng kể đọc cả đoạn chữ đó lên.
Nếu như câu chuyện được kể một mạch bởi cùng giọng dẫn thì có lẽ sẽ tạo nên một dòng chảy nhất định với sức hút riêng. Hoặc nếu câu chuyện được kể giữa những màn chơi dài hơi, khó nhằn thì sẽ như những quãng nghỉ, giúp người chơi vừa hòa mình vào câu truyện, vừa thư giãn.
Nhưng không!
Những màn chơi của Where’s Samantha? chỉ kéo dài khoảng 10-15 phút, chẳng đủ khó để tạo nên thử thách, và lại được bố trí xen kẽ giữa những đoạn truyện liên tiếp.
Điều này khiến cốt truyện cũng như việc truyền tải nó trở nên khá thừa thãi, và cứ khoảng 10-15 phút chơi lại có một giọng kể lải nhải cái gì đó vừa chẳng liên quan tới trải nghiệm chơi, vừa nhạt nhẽo tới trầm cảm.
Nếu bạn là người chơi vì cốt truyện thì bất kỳ tiểu thuyết trực quan nào cũng đủ có cốt truyện hay cách truyền tải khá khẩm hơn tựa game này.
cốt truyện cũng như việc truyền tải nó trở nên khá thừa thãi
HỌA ÂM CŨNG NHẠT LUÔN
Đồ họa có thể nói là điểm đặc sắc nhất của game, nhưng kỳ diệu thay, nhà sản xuất cũng tìm được cách… phá hoại nó.
Thế giới của Where’s Samantha? được phác họa trên nền vải vóc và mang bóng dáng những vật dụng quen thuộc. Những sự vật quen thuộc như chiếc lược, cây kim, cuộn len được nhà phát triển hình tương hóa và biến chúng thành những thử thách của trò chơi.
Thực sự cách thiết kế đồ họa của Where’s Samantha? là có điểm nhấn. Tuy nhiên nhà sản xuất lại quá “lười” trong việc thay đổi khung cảnh, khiến đa số các màn chơi có tông màu, không khí giống y hệt nhau.
Do vậy, cả một tựa game dài lê thê với cảnh sắc không đổi sẽ khiến sự nhạt nhẽo như ứa tràn tới cổ bạn.
Âm thanh thực sự là không có gì quá nổi bật, mà nếu có đi chăng nữa thì nó cũng bị tất cả những yếu tố còn lại của game dìm xuống cho nhạt mà thôi.
Giọng kể chuyện đã có thể là một điểm nhấn của game, và rất có thể nếu tựa game thay đổi cách kể chuyện thì chất giọng này sẽ tạo nên sự màu nhiệm và cuốn hút.
nhà sản xuất lại quá “lười” trong việc thay đổi khung cảnh, khiến đa số các màn chơi có tông màu, không khí giống y hệt nhau
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, cách mà game truyền tải cốt truyện vừa nhàm vừa chẳng liên quan gì tới cơ chế chơi đã khiến cho việc giọng kể nói trên trở thành một sự lải nhải thừa thãi.
Tóm lại, Where’s Samantha? là một tưa game nhạt toẹt.
Cái sai lớn nhất của nó là chẳng có điểm nhấn đáng kể nào, trải nghiệm nó chẳng mang lại cảm xúc gì cả, trừ có lẽ là sự trầm cảm.