Kena: Bridge of Spirits – Studio Ember Lab, một đội ngũ trẻ trung với nòng cốt chỉ 15 thành viên đặt trụ sở tại Los Angeles là cái tên còn rất đỗi xa lạ với làng game.
Nhưng thực tế họ đã từng gặt hái được nhiều thành công với các tác phẩm điện ảnh hoạt hình và phim ngắn chuyển thể từ loạt game Zelda đình đám.
Nên việc tiến tới trở thành một studio làm game đúng nghĩa là bước chuyển mình tiếp theo và rất nhiều tham vọng đã được họ gửi gắm vào “đứa con tinh thần” đầu tiên của mình mang tên Kena: Bridge of Spirits.
Tựa game bất ngờ được giới thiệu vào giữa năm 2020 trong màn sự kiện quy mô của Sony công bố các sản phẩm chủ lực chào đón thế hệ Playstation thứ 5, đã để lại không ít ấn tượng cho người xem với phong cách đồ hoạ gợi nhớ những siêu phẩm hoạt hình lừng lẫy của Pixar kết hợp với lối chơi “hack ‘n’slash” có tiết tấu nhanh và hấp dẫn.
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu xem Ember Lab sẽ làm được những gì với sản phẩm tham vọng Kena: Bridge of Spirits.
BẠN SẼ THÍCH
Một thế giới cổ tích đẹp như tranh vẽ
Tựa như nữ hiệp bước ra từ phim hoạt hình của Disney, nhân vật chính Kena được khắc hoạ hết sức đáng yêu và chiếm trọn thiện cảm của người viết ngay từ “những ánh nhìn đầu tiên”.
Cô bé mang trên mình trọng tránh dẫn đường cho các linh hồn siêu thoát khỏi chốn nhân gian.
Nhưng đâu đó cũng tồn tại những linh hồn còn vương vấn chứa đựng sự hận thù và căm phẫn mãnh liệt đến mức bị tha hóa làm biến dạng vạn vật xung quanh.
Khi ấy Kena phải lên đường truy tìm căn nguyên để “thanh tẩy” trả lại sự bình yên cho chúng.
Cô sẽ cần tới sự giúp sức từ các tinh linh bé xinh gọi chung là Rot ẩn cư trong rừng thiêng mà người chơi sẽ dần thu thập được xuyên suốt cuộc hành trình.
Các chú Rot tí hon và rất “nhoi” này không chỉ góp phần chỉ lối cho Kena những khi “bí đường” mà còn đóng vai trò quan trọng và then chốt trong các cơ chế giải đố (puzzle) và chiến đấu.
Chúng có thể mang vác vật nặng, leo cao nhảy xa hay thậm chí chuyển hóa thành hình dạng vũ khí và là công cụ đắc lực nhất để vượt qua các trở ngại trong game.
Dưới bàn tay của các họa sĩ vốn dày dặn kinh nghiệm thì chất lượng diễn hoạt (animation) và mặt hình ảnh của Kena: Bridge of Spirits là không có chỗ nào để chê.
tuyến nhân vật dí dỏm cùng thế giới tâm linh đầy sắc màu này của Kena: Bridge of Spirits dễ làm người viết liên tưởng đến bộ phim Spirited Away đình đám một thời
Từng biểu cảm và thần thái của Kena cùng các nhân vật khác hay phản diện đều rất sinh động và ấn tượng. Âm nhạc cũng là gia vị không thể thiếu và được thể hiện rất tốt với sự kết hợp giữa các đạo cụ dân gian hòa cùng giai điệu du dương tạo ra một bầu không khí rất riêng và huyền bí.
Cũng có thể nói, tuyến nhân vật dí dỏm cùng thế giới tâm linh đầy sắc màu này của Kena: Bridge of Spirits dễ làm người viết liên tưởng đến bộ phim Spirited Away đình đám một thời của studio Ghibli.
Tối giản nhưng không hề đơn giản
Lối chơi của Kena: Bridge of Spirits là sự kết hợp một thế giới bán mở không cần màn hình nạp game (loading screen), với lối đi màn truyền thống của dòng game Zelda kinh điển.
Ngoài cách tấn công bằng hai nút Light/Heavy thường thấy, Kena cũng có thể nhào lộn, đỡ (blocking) và phản đòn (parry) linh động cộng với khả năng thi triển tuyệt chiêu và các phép hỗ trợ của binh đoàn Rot thông qua một cây năng lượng.
Các tính năng “next-gen” như Haptic Feedback hay Adaptive Trigger trên tay cầm Dualsense cũng được khai thác triệt để, nhất là cảm nhận lực căng khi kéo cung rất đã. Và cũng không thiếu các màn leo trèo, bơi lội và giải đố thú vị.
Những yếu tố này thật ra không hề mới, hay không muốn nói là đã quá “quen mặt” khi được khai thác nhiều bấy lâu nay. Nhưng khi các tính năng được kết hợp lại nhuần nhuyễn và chỉn chu thì đó vẫn là những giá trị cốt lõi giữ chân người chơi.
Ví như một tính năng rất “phổ thông” thôi là chụp ảnh Photo Mode cũng được Ember Lab sáng tạo và nâng tầm độc đáo.
Kena: Bridge of Spirits mạnh dạn phá vỡ rào cản của “bức tường thứ tư” cho những nhân vật trong game tương tác trực tiếp trước ống kính như đang trực chờ đợi người chơi bấm máy vậy. Để cho ra lò những bức ảnh tâm đắc, bạn sẽ có quyền điều khiển các NPC hay cả Kena tạo dáng đủ kiểu cách hay “say cheese” theo ý muốn!
khi các tính năng được kết hợp lại nhuần nhuyễn và chỉn chu thì đó vẫn là những giá trị cốt lõi giữ chân người chơi
Thử thách lớn mang lại cảm giác thỏa mãn!
Nếu thế giới lung linh đầy sắc màu cùng các nhân vật hóm hỉnh dễ thương làm bạn nghĩ Kena: Bridge of Spirits sẽ rất “chill” và thư giãn thì bạn đã… lầm, vì độ khó của game rất cao và có phần khá “hardcore”.
Ngay cả ở mức Normal đầu game, người viết đã luôn phải tập trung cao độ và mài dũa các kỹ năng phòng ngự thật nhuần nhuyễn nếu không muốn thấy cây máu của Kena bay sạch chỉ trong… vài cú đánh, cả khi đối đầu với những con quái hạng xoàng.
Đó là chưa kể game không hề có bất kỳ vật phẩm hồi máu thông thường nào mà bạn phải tự tìm đến những bông hoa rừng trong màn chơi và nhờ các Rot hỗ trợ hút lấy chúng để bơm máu, mà số lượng hoa thì cực kì hạn chế, chỉ dùng được khi đầy cây năng lượng và chỉ sử dụng được một lần duy nhất thôi.
bạn nghĩ Kena: Bridge of Spirits sẽ rất “chill” và thư giãn thì bạn đã… lầm, vì độ khó của game rất cao và có phần khá “hardcore”
Tuy nhiên chính những trải nghiệm này đã mang lại cho người chơi những màn quyết đấu căng thẳng, hồi hộp và cảm giác không thể nào sướng hơn khi vượt qua được những con trùm đáng gờm và các đội quân phiền toái của chúng.
Nhưng nếu là một tín đồ sưu tầm trophy (Playstation) hay achievement (PC) thì để mở khóa hết, bạn sẽ phải hoàn thành ít nhất hai lần chơi để xử luôn độ khó cao nhất – Expert Spirit Guide, của game đấy nhé.
BẠN SẼ GHÉT
Khởi đầu game quá chậm!
Có thể nói giai đoạn đầu của Kena: Bridge of Spirits lại chính là trở ngại lớn nhất khi người chơi chỉ có độc nhất một món vũ khí cận chiến là gậy phép (cũng là… vũ khí duy nhất cho tới hết game) cộng thêm các đối thủ xuất hiện chưa nhiều, thiếu đa dạng, khiến phần chiến đấu khá là nhạt nhòa.
Nhịp game cũng rất chậm rãi với nhiều tình tiết hơi hướng tới đối tượng người chơi là trẻ em.
Chỉ sau nhiều giờ đi sâu vào game, khi Kena đã có những nâng cấp “xịn sò” cho gậy phép như bắn tên bom, cùng nhiều chiêu thức đặc sắc thì người viết mới bắt đầu cảm thấy game thật sự lôi cuốn và hấp dẫn.
giai đoạn đầu của Kena: Bridge of Spirits lại chính là trở ngại lớn nhất khi người chơi chỉ có độc nhất một món vũ khí cận chiến
Nhiều khía cạnh chưa đủ “chín”
Ngoài giao diện bị tinh giản đến mức gần như tối thiểu thì game cũng không có bất kì tùy chọn nào về trang bị hay cả thay “skin” cho nhân vật chính.
Gần như thứ duy nhất có thể thay đổi và sưu tầm được trên đường là các chiếc mũ rất “ku-te” và cá tính cho các chú tinh linh Rot mà thôi.
Góc nhìn camera cũng là một hạn chế khi game không có nút xoay người hay đổi hướng nhanh khiến người chơi rất dễ bị đặt vào các tình thế hiểm nghèo nếu không quan sát kỹ mọi thứ xung quanh.
Và hơi tiếc là Kena: Bridge of Spirits có độ dài rất khiêm tốn, cũng như không có quá nhiều thứ để người chơi mày mò khám phá sau khi hoàn thành game.
Kena: Bridge of Spirits có độ dài rất khiêm tốn, cũng như không có quá nhiều thứ để người chơi mày mò khám phá sau khi hoàn thành game