AMD Ryzen 5 5600G – Trong hai năm trở lại đây, khi cơn đại dịch kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử tăng cao, sự gia tăng giá trị của tiền số và cuộc khủng hoảng chip bán dẫn khiến cho các game thủ trên hệ máy PC đều điêu đứng vì rất nhiều card màn hình đều “đội nón ra đồng”, còn các cửa hàng thì luôn thiếu hàng để bán, hoặc chăng có hàng thì mức giá cũng ở tầm mức cao ngất ngưỡng quá sức chịu đựng của hầu hết người dùng.
Thế nên khi có nhu cầu lắp mới dàn máy của mình, một số game thủ phải ngậm ngùi “săn lùng” những mẫu card màn hình GTX 1050 Ti hay thậm chí GTX 1030 đã “có tuổi” trên thị trường hiện nay để … dùng đỡ cho qua ngày đoạn tháng.
Thế nhưng thay vì chọn một mẫu card màn hình cũ kỹ có thể “tạch” bất cứ lúc nào, tại sao bạn lại không chọn một mẫu APU thế hệ mới dòng AMD Ryzen 5000 G-Series với giải pháp đồ hoạ tích hợp mạnh mẽ cho dàn máy chơi game của mình trong lúc chờ đợi giá card đồ hoạ trở nên dễ chấp nhận hơn.
Với sự hỗ trợ từ AMD Việt Nam, Vietgame.asia đã có dịp thử nghiệm mẫu APU AMD Ryzen 5 5600G vô cùng hấp dẫn hiện nay để giới thiệu với bạn đọc những thông tin chi tiết nhất cũng như khả năng “chiến game” của mẫu APU tầm trung này với bạn đọc.
Với sức mạnh được nâng cấp, liệu mẫu APU này có thể đánh đổ định kiến của người dùng về giải pháp đồ hoạ tích hợp?
Hãy cùng người viết tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
AMD RYZEN 5 5600G – SỨC MẠNH ẤN TƯỢNG
Cách đây hơn 1 năm, nhóm thử nghiệm phần cứng của Vietgame.asia đã có dịp giới thiệu đến bạn đọc mẫu APU AMD Ryzen 5 3400G như “trái tim” của hệ thống PC chơi game giá rẻ, thế nhưng đến với phiên bản AMD Ryzen 5 5600G, bạn có thể dễ dàng thấy được “đội đỏ” đã thay đổi cách đặt tên sản phẩm nhằm “ngụ ý” rằng giờ đây các APU đã được “nâng tầm” gần ngang tầm với các mẫu vi xử lý AMD Ryzen 5 5600x của AMD hiện đang có mặt trên thị trường.
Thật vậy, những thông số của hai mẫu vi xử lý này khá là tương đồng với nhau, cùng sở hữu kiến trúc Zen 3, cùng có 6 nhân 12 luồng xử lý, mức xung mặc định của phiên bản APU nhỉnh hơn đôi chút, đạt mức 3.9GHz so với mức mặc định chỉ 3.6GHz trên phiên bản CPU.
Điểm khác biệt lớn nhất là AMD Ryzen 5 5600G chỉ sở hữu 16MB bộ nhớ đệm L3 trong khi phiên bản AMD Ryzen 5 5600x sở hữu đến 32MB.
Với bộ nhớ đệm L3 chỉ có một nửa, chắc chắn sức mạnh xử lý của phiên bản APU sẽ thua sút ít nhiều đàn anh CPU tầm trung ra mắt hồi năm ngoái.
Bên cạnh đó, với mức nhiệt thiết kế TDP chỉ 65W, cả hai mẫu vi xử lý đều có khả năng hoạt động với quạt tản nhiệt AMD Wraith Stealth đi kèm theo trong hộp CPU, tuy nhiên, người dùng có thể sử dụng các mẫu tản nhiệt nước AIO thế hệ mới hiện nay để vi xử lý có thể duy trì xung Boost trong thời gian dài.
Trên thực tế, với bộ nhớ L3 bị cắt giảm đi chỉ còn một nửa, AMD Ryzen 5 5600G cho kết quả thua sút phiên bản đồng nhiệm từ 10% đến 20% tuỳ theo phép thử.
Kết quả này là vô cùng khả quan với một mẫu APU tầm trung với sức mạnh vượt qua cả phiên bản Intel Core i5 10600K hay AMD Ryzen 5 3600XT mới ra mắt hồi năm ngoái.
Phải biết rằng từ khi được giới thiệu lần đầu tiên ra mắt hồi năm 2011 cho đến tận thế hệ trước đây, các APU luôn được AMD định hướng trở thành một mẫu vi xử lý tổng hợp dành cho người dùng phổ thông, cần đến một hệ thống đơn giản, giá rẻ.
Thế nên những kết quả thử nghiệm này là điều rất đáng ngạc nhiên khi mẫu APU tầm trung thế hệ mới đủ sức để người dùng sử dụng với các chương trình làm việc chuyên nghiệp, hay ghép đôi với các card đồ hoạ “hạng nặng” như AMD RX 6800 hay thậm chí là AMD RX 6800 XT để chơi các tựa game AAA mà không gặp phải hiện tượng nghẽn cổ chai.
Bên cạnh đó, yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của các APU không đến từ chính xức mạnh xử lý, mà phần lớn lại đến từ các giải pháp đồ hoạ tích hợp.
Điều đáng ngạc nhiên là AMD Ryzen 5 5600G chỉ được trang bị giải pháp đồ hoạ tích hợp RX Vega 7 với 7 nhân xử lý, ít hơn 4 nhân so với giải pháp RX Vega 11 được trang bị trên AMD Ryzen 5 3400G trước đây.
Tuy nhiên, AMD vẫn đảm bảo rằng sức mạnh đồ hoạ của mẫu APU mới mạnh hơn nhờ những tiến bộ trong việc khai thác bộ nhớ cũng như tối ưu được kiến trúc giúp đẩy tốc độ từ 1400MHz lên mức 1900MHz.
Điều đáng ngạc nhiên là AMD Ryzen 5 5600G chỉ được trang bị giải pháp đồ hoạ tích hợp RX Vega 7 với 7 nhân xử lý
Thật vậy, với phép thử 3DMark FireStrike, hệ thống đạt mức điểm số 3,935 tăng gần 19% so với mức 3,311 trên AMD Ryzen 5 3400G thế hệ trước.
Sức mạnh này khá ấn tượng với một giải pháp đồ hoạ tích hợp, có thể giúp người chơi thử sức hầu hết các tựa game nặng hiện nay với mức thiết lập phù hợp.
Cụ thể hơn, khi thử nghiệm với tựa game Borderlands 3 với mức thiết lập thấp nhất ở độ phân giải 1080p, hệ thống chạy khá ổn định và mượt mà khi đạt mức trung bình khoảng 38fps, tăng đáng kể so với mức “nguy hiểm” 28fps khi thử nghiệm trên mẫu APU tầm trung thế hệ trước.
Với tựa game bom tấn Resident Evil Village ra mắt gần đây, bạn thậm chí có thể đẩy một vài thiết lập như vân bề mặt (texture) lên mức trung bình nhưng hệ thống vẫn đạt được khả năng chơi ổn định với tốc độ trung bình 36fps ở độ phân giải 1080p.
Hay như tựa game hành động điên cuồng DOOM Eternal vẫn có thể chạy ổn định ở thiết lập thấp nhất và độ phân giải 1080p với tốc độ trung bình 31fps ở các phân đoạn nhiều quái vật.
Tuy vậy, với một số tựa game thật sự “khó nhằn” như Horizon Zero Dawn hay Shadow of the Tomb Raider, người chơi cần hạ độ phân giải xuống mức 1600×900 để có thể đạt tốc độ trung bình game trên 30fps ở mức thiết lập hình ảnh thấp nhất.
Còn với các tựa game thể thao điện tử eSports đòi hỏi cấu hình nhẹ hơn như Liên minh huyền thoại (League of Legends) hay Counter Strike: Global Offensive, bạn hoàn toàn có thể chơi mượt các tựa game này ở mức thiết lập cao và độ phân giải 1080p mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Nhìn chung, trong thời buổi “thóc cao gạo kém” như hiện nay, mẫu APU AMD Ryzen 5 5600G hoàn toàn có thể thoả mãn bạn cả về sức mạnh xử lý lẫn sức mạnh của giải pháp đồ hoạ tích hợp. Ít nhất là đủ để bạn có thể “cầm cự” trong một thời gian dài trước khi mức giá card màn hình trở nên hợp lý hơn.
BẠN SẼ GHÉT
AMD RYZEN 5 5600G – MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN CÂN NHẮC
Mạnh mẽ, “ăn ít” điện năng, thế nhưng AMD Ryzen 5 5600G lại sở hữu một vài vấn đề mà bạn cần phải cân nhắc trước khi quyết định “xuống tiền” cho mẫu APU đặc sắc này.
Đầu tiên, mặc dù sở hữu kiến trúc xử lý Zen 3 tiên tiến, tương tự như các mẫu vi xử lý dòng AMD Ryzen 5000 Series trên thị trường hiện nay, thế nhưng mẫu APU này lại chỉ sở hữu chuẩn kết nối PCIe 3.0 cũ kỹ.
Điều này chắc chắn gây khó khăn cho những mẫu card đồ hoạ tầm trung vừa ra mắt của AMD như AMD RX 6600 và AMD RX 6600 XT khi hai mẫu card đồ hoạ này chỉ sử dụng có 8 làn PCIe, có khả năng bị nghẽn băng thông trong những tựa game cần phải tải lượng lớn dữ liệu vân bề mặt.
Yếu tố thứ hai đến từ cách “định giá” của AMD đối với mẫu sản phẩm này ở mức xấp xỉ 7 triệu đồng, chênh lệch chỉ khoảng 10% so với phiên bản AMD Ryzen 5 5600x mạnh mẽ hơn, khá ít nếu so sánh sức mạnh xử lý giữa hai phiên bản.
Ở mức định giá này, chắc chắn không ít người dùng phải “lăn tăn” khi móc hầu bao bởi với phần lớn người dùng là game thủ, giải pháp đồ hoạ tích hợp chỉ là một giải pháp tạm bợ trong khi chờ đợi card đồ hoạ rời mạnh mẽ.
Khi đó, giải pháp đồ hoạ tích hợp sẽ không còn “đất dụng võ” nếu như người dùng “tậu” được card đồ hoạ “sau cơn vật vã, khi đó, người dùng sẽ quan tâm nhiều hơn đến sức mạnh xử lý đơn thuần của vi xử lý.
GIÁ THAM KHẢO
6,990,000đ