Eiyuden Chronicle: Rising – Được khai sinh bởi Yoshitaka Murayama, Suidoken là một thương hiệu game nhập vai tiếng tăm một thời.
Tiếc thay, kể từ năm 2012, Suidoken dường như đã bị lãng quên bởi nhà phát hành Konami, với tựa game cuối cùng là Gensō Suikoden: Tsumugareshi Hyakunen no Toki.
Vào năm 2020, với quyết định làm “truyền nhân” cho dòng game Suidoken, ông Yoshitaka Murayama đã phát triển một trò chơi mới mang tên: Eiyuden Chronicle: Hundred Heroes.
Vì không còn là nhân viên trực thuộc Konami, Yoshitaka Murayama đã chọn cách mở trang Kickstarter để có kinh phí phát triển tựa game.
Đặt ra con số chỉ tiêu khá khiêm tốn là 413.000 USD, chắc hẳn Yoshitaka Murayama đã bất ngờ khi số tiền quyên góp lên đến gần… 3,7 triệu USD!
Thành công ngoài mong đợi với khoảng cách khá lớn, Yoshitaka Murayama đã quyết định ra mắt thêm một tựa game đi kèm với Hundred Heroes là Eiyuden Chronicle: Rising.
Eiyuden Chronicle: Rising là một trò chơi hành động kết hợp yếu tố RPG và xây dựng thành phố. Rising được định hình là một ngoại truyện, nhưng cũng là tiền truyện cho Hundred Heroes.
Tuy nhiên, khá là lạ, đó là Eiyuden Chronicle: Rising không được phát triển bởi nhóm của Yoshitaka Murayama, thay vào đó, trò chơi này được thực hiện bởi studio Natsume Atari.
Giờ đây, với việc Eiyuden Chronicle: Rising đã ra mắt trước, Vietgame.asia sẽ điểm qua tựa game này, nhằm khởi động cho “món ăn chính” là Hundred Heroes.
NỘI DUNG
Tại trị trấn New Nevaeh, thuộc vùng đất thần kì Allraan, một trận địa chấn lớn đã xảy ra. Trận địa chấn này không chỉ đánh sập thị trấn, nó cũng khiến cho một hang động bí ẩn lộ diện.
Hang động này đã thu hút sự chú ý của những nhà thám hiểm gần đó, họ tin rằng trong hang động có thể có kho báu.
CJ, nhân vật chính của chúng ta, cũng là một nhà thám hiểm. CJ tin rằng trong hang động đó chứa đựng Rune Len, một cổ vật quan trọng với gia đình của cô.
Trên hành trình của mình, CJ sẽ phải hợp tác với Garoo – một nhà thám hiểm khác – và Isha – thị trưởng của New Nevaeh. Cùng với nhau, cả ba sẽ thám hiểm vùng đất xung quanh New Nevaeh, cũng như gầy dựng lại thị trấn.
BẠN SẼ THÍCH
Cơ chế chiến đấu thú vị!
Điều đầu tiên mà có lẽ bạn nên quan tâm, đó là khác với Suidoken hay Eiyuden Chronicle: Hundred Heroes, Eiyuden Chronicle: Rising không sử dụng lối chơi đánh theo lượt, thay vào đó là hành động mang yếu tố RPG.
Khi bắt đầu, cơ chế chiến đấu của tựa game khá là đơn sơ. Nguyên nhân là vì số lượng đòn tấn công mà CJ có thể thực hiện ít ỏi, và kỹ năng riêng của cô cũng không đặc biệt.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi chúng ta được tiếp cận với người bạn đồng hành đầu tiên – Garoo.
Garoo mang trên mình một thanh kiếm khổng lồ (cái kiểu kiếm to bản mà Cloud dùng trong Final Fantasy VII – NV). Với thanh kiếm này, các đòn tấn công của Garoo nặng nề và đầy uy lực, tạo rõ sự khác biệt với nhân vật chú trọng tốc độ như CJ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà Garoo đưa đến cho người chơi, chính là cơ chế đồng đội.
Trong lúc chiến đấu, bạn có thể thay đổi luân phiên hai nhân vật chỉ bằng một nút bấm, và tiếp tục nhấn nút bấm đó để sử dụng đòn tấn công của nhân vật mình vừa đổi.
Giải thích rõ hơn, trên bàn phím, lúc điều khiển CJ, người chơi sẽ nhấn nút “Z” để cô tấn công. Khi nhấn nút “X”, người chơi sẽ đổi thành Garoo, và tiếp tục nhấn “X” để tấn công bằng anh.
Đây là một cơ chế đơn giản, nhưng nó lại khiến người viết thích vì khả năng sử dụng nó để tạo ra các chuỗi đòn phối hợp giữa các nhân vật.
Trò chơi cũng khuyến khích điều này thông qua cơ chế “Link Attack”. Bằng cách đổi nhân vật ở thời điểm thích hợp trong lúc tấn công, đòn thế của nhân vật tiếp theo sẽ mạnh hơn, tạo nhưng hiệu ứng đẹp mắt dễ khiến người chơi thích thú.
Sau khi hoàn thành khoản 1/3 tựa game, CJ sẽ có người bạn đồng hành thứ hai là Isha. Sử dụng phép thuật, Isha là lựa chọn tấn công tầm xa của nhóm và dĩ nhiên, sự tham gia của cô cũng khiến các đòn Link Attack thêm phần đặc sắc.
Một điều bên lề khiến người viết thích cơ chế đổi và điều khiển đồng đội chỉ bằng một nút bấm của trò chơi, đó là nó khiến cho người viết cảm thấy rằng mình đang điều khiển cả đội như một cá thể, không phải chỉ đơn thuần là những con người riêng biệt đi cùng nhau.
Bên cạnh đồng đội, chiều sâu trong cơ chế chiến đấu của Eiyuden Chronicle: Rising cũng tăng khi chúng ta mở được cửa hàng vũ khí và áo giáp.
Thông qua việc mua vũ khí và giáp mới, các nhân vật sẽ có thêm kĩ năng tấn công cũng như phòng thủ.
Và dĩ nhiên, khi bộ kĩ năng của các nhân vật rộng hơn, việc hoán đổi họ trong giữa trận đấu lại càng thêm thú vị.
Bằng cách đổi nhân vật ở thời điểm thích hợp trong lúc tấn công, đòn thế của nhân vật tiếp theo sẽ mạnh hơn, tạo nhưng hiệu ứng đẹp mắt dễ khiến người chơi thích thú.
BẠN SẼ GHÉT
Fetch Quest, Fetch Quest và Fetch Quest!
Trong trò chơi điện tử, “Fetch Quest” có nghĩa là những nhiệm vụ mang tính chất… sai vặt, khi bạn phải đến một địa điểm nhất định, thu thập các vật phẩm được yêu cầu để đổi lấy điểm kinh nghiệm và tiền bạc.
Đây là điều mà bạn sẽ giành phần lớn thời gian để làm trong Eiyuden Chronicle: Rising. Hoặc ít nhất, trong vòng 5 tiếng đồng hồ đầu tiên của trò chơi.
Những nhiệm vụ người chơi được giao khá là nhàm chán, nào là “Đi vào rừng, tìm con mèo của một bé gái”, “Đi vào rừng, đốn số lượng x củi”, “Đi vào hầm mỏ, nhặt số lượng y quặng kim loại”, “Đến hồ nước, câu số lượng z cá”…
Kết hợp với việc ở giai đoạn đầu, các số lượng kỹ thuật chiến đấu còn bị hạn chế, cái chúng ta có là một trải nghiệm lặp đi lặp lại, cứ như “đi cày” vậy.
Yếu tố khác tăng thêm sự tẻ nhạt, đó chính là số lượng địa điểm mà người chơi được đến cũng ít.
Ở giai đoạn đầu tiên, người chơi mở được hai địa điểm: hầm mỏ và rừng xanh. Hai địa điểm này được thiết kế khá đẹp mắt, và đây là một trong những yếu tố đáng khen của Eiyuden Chronicle: Rising…
Tuy nhiên sau khi đi ra, đi vào hai địa điểm này hơn chục lần, người viết chỉ mong rằng trò chơi sớm có nhiệm vụ quan trọng với cốt truyện, để có thể được nhìn khung cảnh mới.
Đa số các nhiệm vụ sai vặt sẽ dẫn tới sự phục hồi của thị trấn (chẳng hạn như xây dựng lại cửa hàng vũ khí, áo giáp…), mở ra thêm những tùy chọn nâng cấp vũ khí, áo giáp hoặc mua vật phẩm.
Điều này phần nào khiến cho hành động của người chơi có ý nghĩa và cũng đúng với tinh thần “xây dựng lại thị trấn” của trò chơi.
Dù là thế, việc số lượng nhiệm vụ “Fetch Quest” cao hơn hẳn những nhiệm vụ tiến triển cốt truyện chính đã khiến cho người chơi ngán ngẩm.
Việc số lượng nhiệm vụ “Fetch Quest” cao hơn hẳn những nhiệm vụ tiến triển cốt truyện chính đã khiến cho người chơi ngán ngẩm.