AMD vừa qua tại ngày Phân tích tài chính đã công bố những nét chính trong chiến lược của hãng nhằm chen chân vào thị trường PC hiệu suất cao và các Giải pháp điện toán đáp ứng có giá trị 300 tỷ USD hiện nay với các khách hàng chính là các trung tâm dữ liệu, giải pháp nhúng và cả thị trường game rộng lớn.
Cụ thể hơn, đối với chiến lược này, AMD đã vạch ra hàng loạt các kiến trúc sẽ ra mắt trong tương lai trong cả hai mảng CPU và GPU dành cho PC hiệu suất cao và các giải pháp điện toán đáp ứng như sau:
Kiến trúc “Zen 4” ra mắt trong năm nay sẽ là các dòng CPU đầu tiên chế tạo trên tiến trình 5nm với hiệu suất chỉ lệnh trên mỗi xung (Instruction Per Clock – IPC) cao hơn từ 8% đến 10% so với thế hệ trước, trong khi hiệu năng sức mạnh trên mỗi Watt năng lượng được tăng thêm đến 25%, đem đến mức tăng tổng thể đến 35% về sức mạnh so với thế hệ Zen 3 trước đó.
Kiến trúc “Zen 5” dự kiến ra mắt vào năm 2024 sẽ tiếp tục tối ưu về sức mạnh lẫn hiệu năng sử dụng năng lượng, đồng thời, AMD cũng sẽ tập trung vào các tác vụ AI và máy học.
Kiến trúc đồ họa RDNA 3 là một sự kết hợp giữa các công nghệ sản xuất chiplet, công nghệ Infinity Cache cũng như được chế tạo trên tiến trình 5nm tiên tiến, hứa hẹn mang đến sức mạnh cao hơn 50% so với thế hệ hiện tại.
Kiến trúc Infinity thế hệ thứ 4 tăng cường vị thế dẫn đầu của AMD trong ngành sản xuất SoC khi củng cố sức mạnh cho các kết nối nội mạch, giúp tăng tính tương thích của chip với các sản phẩm từ bên thứ ba và đem tới sức mạnh hàng đầu cho thiết bị.
Kiến trúc CDNA™ 3 là một sự kết hợp giữa thiết kế chiplet, bộ nhớ băng thông siêu rộng HBM, công nghệ AMD Infinity Cache™ giúp đem đến hiệu suất sử dụng năng lượng gấp 5 lần so với thế hệ thứ 2 trong các tác vụ huấn luyện AI.
Kiến trúc XDNA là kiến trúc nền tảng mà AMD thừa hưởng từ thương vụ mua lại Xilinx trong lĩnh vực chip xử lý tùy biến FPGA và AI Engine. AMD sẽ tích hợp kiến trúc này vào trong các kiến trúc khác, bao gồm cả các dòng vi xử lý Ryzen trong tương lai.
Ngoài ra, hãng còn hướng đến dẫn đầu trong lĩnh vực Điện toán hiệu suất cao, bao gồm các dòng sản phẩm như dòng vi xử lý EPYC thế hệ thứ 4 sử dụng các nhân Zen 4 và Zen 4c, bộ tăng tốc Instinct™ MI300 dành cho các trung tâm dữ liệu lớn sử dụng kết hợp nhân xử lý Zen 4 và kiến trúc CDNA 3.
Bên cạnh đó, hãng cũng thêm một lần nữa đi xa hơn trong thị trường máy chơi game console khi thành công kết hợp cùng Steam để phát triển máy chơi game SteamDeck sở hữu APU chế tạo riêng biệt với CPU Zen 2 và giải pháp đồ họa RDNA 2.
Từ năm 2022 trở đi, mảng xử lý đồ họa sẽ có nhiều tiềm năng phát triển với sự bùng nổ của thế giới Meta, của các nội dung game và phim 3D mới cũng như các dịch vụ chơi game qua mạng (trên mây).