Yakuza Kiwami – Vào năm 2015, để kỉ niệm 10 năm dòng game Yakuza, RGG Studio đã ra mắt trò chơi Yakuza 0. Lấy bối cảnh vào năm 1988, Yakuza 0 là tiền truyện cho cả thương hiệu.
Mục tiêu của trò chơi này là đưa đến cho người hâm mộ lâu năm một cái nhìn về thời tuổi trẻ của nhân vật chính Kiryu Kazuma, trước khi ra mắt chương cuối cùng trong câu chuyện của anh là Yakuza 6.
Tuy nhiên, vì là tiền truyện của thương hiệu, Yakuza 0 đã cũng đã trở thành xuất phát điểm của nhiều người hâm mộ mới, vì họ không cần phải chơi các tựa game trước để hiểu câu chuyện phần này.
Nhận thấy điều này, RGG Studio đã quyết định làm lại phần game Yakuza đầu tiên, vốn là một sản phẩm của thế hệ PS2.
Mục tiêu của họ là mong muốn fan mới có thể tiếp tục câu chuyện của Kiryu một cách trơn tru nhất có thể.
Bản làm lại đã được đặt tên là Yakuza Kiwami, và với việc trò chơi chơi đã được đưa lên dịch vụ PS Plus Extra / Premium, người viết đã quyết định nhân cơ hội này để xem bản làm lại vượt trội hơn bản gốc ở điểm nào… Tất nhiên là bên cạnh mặt đồ họa.
Nội dung
6 năm sau sự kiện của Yakuza 0, Kiryu Kazuma đã trở thành một thành viên có vai vế trong gia đình tội phạm Dojima, một tổ chức thuộc Gia Tộc Tojo. Danh tiếng của anh lớn đến mức giới tội phạm đã đặt cho anh biệt danh là “Mãnh Long nhà Dojima”. Thậm chí, Kiryu còn được sắp xếp để lãnh đạo một tổ chức nhỏ của riêng mình.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi Kiryu quyết định vào tù thay người bạn thân Nishiki, sau khi Nishiki giết gia trưởng Dojima. Nguyên nhân là do Dojima đã có ý định cưỡng dâm Yumi, một người quan trọng với Kiryu lẫn Nishiki.
Buộc phải lãnh án tù 10 năm, Kiryu hy vọng rằng sự hy sinh của anh sẽ giúp được hai người bạn thân. Tiếc thay, biến cố không dừng lại đó, khi một ngày nọ, Kiryu nhận được tin rằng Yumi đã mất tích không rõ nguyên nhân.
10 năm tù trôi qua và dù được trả tự do, Kiryu phải nhận thêm một tin buồn khác. Nishiki người bạn thân, người anh em kết nghĩa đã không còn như xưa, trở thành một con người mưu mô hơn, thủ đoạn hơn, tàn độc hơn.
Mọi chuyện còn phức tạp hơn, khi trong quá trình điều tra về sự mất tích của Yumi, Kiryu gặp gỡ một bé gái là Haruka. Haruka tự xưng là cháu của Yumi và không biết vì lí do gì, cô bé đang là mục tiêu săn đuổi của các băng đảng.
Yumi đang ở đâu, và tại sao cháu của cô lại bị săn đuổi là những câu hỏi mà Kiryu chỉ có thể trả lời bằng việc trở lại với giới xã hội đen.
BẠN SẼ THÍCH
Những bổ sung mới cho câu chuyện
Yakuza Kiwami không chỉ đơn thuần là một bản “remake” (làm lại) 1:1 của tựa game gốc, tựa game đã có nhiều bổ sung cho câu chuyện.
Bổ sung lớn nhất, chính là ở Nishiki. Nếu như ở trò chơi gốc, động lực khiến Nishiki trở thành kẻ xấu chưa được xây dựng tốt, chỉ ở mức trung bình thì trong Yakuza Kiwami, điều này đã được khắc phục.
Thông qua những đoạn phim cắt cảnh mới, tập trung vào khoảng thời gian của Nishiki khi Kiryu trong tù, chúng ta đã được thấy bi kịch của Nishiki, khi anh từng bước sa ngã, từ một gã yakuza có danh dự trở thành một tay trùm máu lạnh.
Nishiki đã cố gắng hết sức để trở thành một yakuza được nhiều người tôn trọng như Kiryu, song hết lần này đến lần khác, những biến cố của cuộc đời đã đùn đẩy anh phải thành một con người tàn độc.
Kết hợp điều này với những khoảnh khắc đậm tình anh em của Nishiki và Kiryu trong Yakuza 0, cái chúng ta có là một kẻ phản diện đáng thương, dù cho hành động của anh khó mà tha thứ.
Bên cạnh việc xây dựng Nishiki, Yakuza Kiwami cũng thêm thắt một số một số phân cảnh và các đoạn đối thoại nhỏ khác, giúp tạo nên một câu chuyện chặt chẽ hơn và tăng ý nghĩa cho nhiều khoảnh khắc.
Sự thêm thắt này khá liền mạch, đủ để người viết tin rằng nếu bạn chưa chơi bản gốc, bạn sẽ khó mà nhận ra câu chuyện đã được bổ sung điểm nào.
Yakuza Kiwami không chỉ đơn thuần là một bản “remake” (làm lại) 1:1 của tựa game gốc, tựa game đã có nhiều bổ sung cho câu chuyện
Các trận đấu đã tay!
Để đối đầu với những thế lực thù địch trên hành trình tìm kiếm sự thật, cũng như những tên côn đồ đường phố, Kiryu Kazuma sử dụng bốn phong cách đánh là Brawler, Rush, Beast và Dragon of Dojima.
Brawler là phong cách mang sự cân bằng giữa tốc độ và sức mạnh, với những đòn thế thô bạo của một tay đấm đường phố.
Rush thì thiên về tốc độ, cho phép Kiryu né đòn của kẻ địch và tung ra các kỹ thuật chuẩn xác như một võ sĩ chuyên nghiệp.
Beast là khi Kiryu “bỏ quên” việc sử dụng kỹ thuật, thay vào đó là vận dụng toàn bộ sức mạnh cơ bắp để áp đảo kẻ địch và biến mọi thứ xung quanh thành vũ khí.
Cuối cùng là Dragon of Dojima (gọi tắt là Dragon), khi Kiryu kết hợp các yếu tố từ ba phong cách trên để tạo một lối đánh riêng biệt. Đây là lối đánh quen thuộc với những fan lâu năm.
Thoạt nhìn ban đầu, Yakuza Kiwami có vẻ như là bê nguyên xi cơ chế chiến đấu của Yakuza 0. Nếu có sử dụng lại hoàn toàn, thì đó cũng không hẳn là một điều xấu, vì trò chơi đã đưa đến một cơ chế đánh đấm khá là đã tay với số lượng đòn thế đa dạng.
Tuy nhiên, RGG Studio cũng đã đưa đến một số cải thiện, tạo ra một trải nghiệm tốt hơn nữa.
Thông qua một số kỹ thuật được bổ sung vào hệ thống nâng cấp, Kiryu sẽ có thể chuyển đổi giữa bốn lối đánh một cách trơn tru và liền mạch. Sự thêm thắt này khuyến khích người chơi kết hợp các phong cách với nhau để tạo ra những chuỗi đòn đẹp mắt.
Các phong cách cũng được cân bằng hơn về mặt tốc độ và sát thương, điều này khiến chúng ta không quá lệ thuộc và một phong cách nhất định cho hầu hết các cuộc giao tranh.
Mảng chiến đấu của trò chơi có hai điểm trừ. Thứ nhất, đó là dường như RGG Studio mong đợi rằng chúng ta đã chơi Yakuza 0 trước, nên mảng hướng dẫn được thực hiện sơ sài.
Thứ hai, đó là phong cách Dragon khá là… vô dụng suốt 2/3 game, và đây là điều mà người viết sẽ đi sâu thêm sau.
Thoạt nhìn ban đầu, Yakuza Kiwami có vẻ như là sử dụng lại cơ chế chiến đấu của Yakuza 0. Tuy nhiên, RGG Studio cũng đã đưa đến một số cải thiện, tạo ra một trải nghiệm tốt hơn nữa
Hàng loạt các hoạt động phụ
Yakuza đã luôn được biết đến là dòng game có nhiều hoạt động phụ, và Kiwami cũng không phải là ngoại lệ.
Khu phố Kamurocho rất nhỏ khi chúng ta so với những tựa game thế giới mở khác, nhưng bù lại là một sự “dày đặc” đáng kể.
Hầu như ở mỗi góc phố, chúng ta đều có hoạt động để làm, ví dụ như chơi Bowling, đánh bóng chày, đua xe đồ chơi, hát karaoke… hay thậm chí là đánh võ đài của thế giới ngầm để rèn giũa kỹ năng đánh boss.
Bên cạnh những minigame, Kamurocho cũng chứa đầy những con người cần sự giúp đỡ của Kiryu, và đi kèm với họ là những câu chuyện vừa hài hước, vừa xúc động.
Với hàng tá các hoạt động và nhiệm vụ phụ, Yakuza Kiwami dễ khiến chúng ta dành hàng giờ đồng hồ chạy loanh quanh thành phố thay vì thực hiện cốt truyện chính.
Khu phố Kamurocho rất nhỏ khi chúng ta so với những tựa game thế giới mở khác, nhưng bù lại là một sự “dày đặc” đáng kể
BẠN SẼ GHÉT
Majima muôn nơi
Trong tựa game Yakuza gốc, Majima Goro chỉ là một nhân vật phụ mang tính chất “vật cản” trong hành trình của Kiryu, chỉ tiếp xúc với anh tổng cộng là ba lần, và đối đầu với nhau hai lần.
Trong hai lần đối đầu này, người viết luôn cảm thấy một sự phấn khích nhưng cũng căng thẳng.
Phấn khích là do ngay ở khoảnh khắc giới thiệu, trò chơi đã cho thấy Majima là một kẻ đáng gờm và nhá hàng rằng sớm hay muộn, chúng ta sẽ phải đối đầu với gã.
Căng thẳng do Majima là một con người khó lường, và với con dao trên tay, các đòn thế của gã chắc chắn là nguy hiểm.
Tuy nhiên, với việc Yakuza 0 đã biến Majima trở thành nhân vật được yêu thích, RGG Studio đã tạo ra một cơ chế mang tên “Majima Everywhere”, để anh có thêm đất diễn trong trò chơi này.
Giải thích đơn giản, “Majima Everywhere” xoay quanh việc Majima sẽ thách đấu với Kiryu ở bất kì nơi đâu trong khu phố Kamurocho, với mục tiêu là rèn giũa Kiryu thành một tay đấm giỏi hơn.
Và như thế, từ việc đối đầu với Majima chỉ hai lần, chúng ta sẽ phải giao đấu với anh… hàng chục lần xuyên suốt trò chơi. Điều này khiến cho trận đấu với Majima trong khoảnh khắc cốt truyện mất đi sự căng thẳng và phấn khích của nó, vì chúng ta đã quen với áp lực mà anh tạo ra.
Một vấn đề khác liên quan đến Majima Everywhere, đó là do sự phát triển của phong cách Dragon gắn liền với cơ chế này. Thông qua việc đánh nhau với Majima, các kỹ năng của Dragon sẽ dần được mở, thay vì sử dụng EXP.
Do ở mỗi chương của câu chuyện, số lần chúng ta đánh với Majima là cố định, nên phải đến hơn nửa game phong cách này mới thực sự đủ chiêu để “tỏa sáng”.
Cuối cùng (và đây là một điểm trừ nhỏ thôi), đó là vì cơ chế này, sẽ có một khoảnh khắc ngắn trong câu chuyện khiến Kiryu cư xử khác hoàn toàn với tính cách anh được xây dựng.
Tuy có lời chê, nhưng người viết cũng muốn nói rằng “Majima Everywhere” không phải là một cơ chế quá tệ.
Ở một số địa điểm đặc biệt, Kiryu và Majima sẽ có những cuộc trò chuyện cho chúng ta thấy một góc nhìn khác về nhân vật của họ, cũng như gợi nhớ lại các sự kiện đã xảy ra trong Yakuza 0. Đây là điều mà người viết thực sự thích.
Những khoảnh khắc này đã tăng chiều sâu cho Kiryu và Majima, ngay cả khi Majima không phải là nhân vật có thể điều khiển trong trò chơi này.
Tuy có lời chê, nhưng người viết cũng muốn nói rằng “Majima Everywhere” không phải là một cơ chế quá tệ.
Một số điểm trừ nhỏ khác
Dù đã có nhiều bổ sung để tạo ra một câu chuyện chặt chẽ hơn, Yakuza Kiwami vẫn tồn tại một số khuyết điểm từ phiên bản gốc.
Nhân vật Yumi, người bạn thân từ thời thơ ấu và cũng là người mà Kiryu yêu đã không được xây dựng tốt, và câu chuyện của cô cũng hơi thiếu logic. Bên cạnh đó, yếu tố tình cảm của Kiryu và Yumi vẫn chưa được khai thác.
Jingu, kẻ phản diện phụ của câu chuyện là một nhân vật “một màu”. Mục tiêu của hắn chỉ đơn giản là quyền lực, và tồn tại chỉ để cho người chơi thù ghét mà có động lực… đấm hắn!
Dù đã có nhiều bổ sung để tạo ra một câu chuyện chặt chẽ hơn, Yakuza Kiwami vẫn tồn tại một số khuyết điểm từ phiên bản gốc