Skip to content

ASUS Dual RX 6600 – Đánh Giá Gaming Gear

ASUS Dual RX 6600 – Hai năm vừa qua chứng kiến sự vật vã của các game thủ chính hiệu trong cơn sốt tiền số, khiến giá card đồ họa tăng cao đến khủng khiếp và thậm chí khi có tiền bạn cũng chưa chắc cạnh tranh lại được các “coin thủ” sẵn sàng mua card đồ họa theo… tá, “phỗng tay trên” các gamer chân chính.

Sau khi cơn sốt coin qua đi, nguồn cung dư thừa và mức giá mềm hơn rất nhiều đã khiến cho game thủ có nhiều sự lựa chọn để nâng cấp sức mạnh đồ họa cho hệ thống của mình đón đầu làn sóng các tựa game thế hệ mới với đòi hỏi sức mạnh xử lý ngày càng mạnh mẽ.

Trong số đó, AMD RX 6600 có thể xem như một lựa chọn nổi bật bởi mức giá dễ chấp nhận cũng như độ “mới” và sức mạnh vượt trội của nó so với dòng card đồ họa tầm trung đang có độ phổ biến bậc nhất trên thị trường hiện nay của “đội xanh” NVIDIARTX 2060.

Trong khi hầu hết các hãng vẫn đang dè chừng với mức giá card đồ họa lao dốc không phanh, ASUS vẫn đem đến cho người dùng Việt Nam nguồn cung card đồ họa khá dồi dào, trong đó phiên bản ASUS Dual RX 6600 là phiên bản hướng tới người dùng chủ yếu quan tâm đến hiệu năng.

Vậy mẫu card đồ họa này có xứng đáng để bạn “xuống tiền” ở thời điểm này?

Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bạn nhé!

BẠN SẼ THÍCH

ASUS Dual RX 6600 - Đánh Giá Gaming Gear

ASUS DUAL RX 6600 – TỐI GIẢN, ĐẦY SỨC MẠNH

Trong cách phân loại sản phẩm của mình, ASUS định vị dòng sản phẩm Dual nằm ở vị trí thấp nhất, hướng đến người dùng thực dụng với một thiết kế tối giản cả về các chi tiết trang trí lẫn sức mạnh tản nhiệt chứ không quá “màu mè” với đầy đủ các hiệu ứng đen LED RGB như các sản phẩm dòng Strix hay “nồi đồng cối đá” như các sản phẩm dòng TUF.

Rất dễ thấy điều này khi từ khâu đóng gói vỏ hộp, ASUS Dual RX 6600 sở hữu thiết kế bên ngoài màu đen trơn với mẫu card đồ họa khá đơn giản, không được thể hiện bằng quá nhiều màu sắc như “đàn em” ASUS Strix RX 6650 XT.

ASUS Dual RX 6600 - Đánh Giá Gaming Gear

Mặt sau cũng là một số thông tin kỹ thuật không thể nào cơ bản hơn như sở hữu hai quạt hướng trục, giáp bảo vệ lưng hay phần mềm GPU Tweak II chứ không “ngồn ngộn” các tính năng cao cấp như với dòng sản phẩm Strix.

Tiến hành đập hộp sản phẩm, dòng sản phẩm Dual cũng tương tự như cái tên của mình, thường được ASUS trang bị bộ tản nhiệt hạng nhẹ với hai quạt tản nhiệt hướng trục chiếm gần hết mặt trước cùng thiết kế mặt nạ có phần đơn giản, không có quá nhiều mảng cắt xẻ trang trí chi tiết như trên hai phiên bản còn lại.

ASUS Dual RX 6600 - Đánh Giá Gaming Gear

Ấn tượng đầu tiên của người viết đối với ASUS Dual RX 6600 chính là mẫu card này khá nhẹ.

Điều này đến từ việc bộ tản nhiệt này chỉ được trang bị duy nhất ba ống dẫn nhiệt tiếp xúc trực tiếp với nhân xử lý, đó là chưa kể bộ tản nhiệt cũng khá ngắn với các lá tản nhiệt bằng nhôm xếp có phần thưa hơn tản nhiệt “hạng nặng” như phiên bản “đàn em” RX 6650 XT.

ASUS Dual RX 6600 - Đánh Giá Gaming Gear

Mặt sau cũng được trang bị một giáp lưng liền khối, bọc lấy một tản nhiệt có chiều dài vừa vặn với kích thước tương đương bảng mạch PCB mà không có lỗ thoát khí đẩy luồng gió nóng ra phía sau theo phong cách “thời thượng” như các card đồ họa ra mắt gần đây.

Mặc dù đây chỉ là một bộ tản nhiệt “hạng lông”, thế nhưng khi sử dụng để tản nhiệt cho một chip xử lý đồ họa tầm trung như AMD RX 6600 thì đã quá thừa thãi sức mạnh.

Trên thực tế, khi stress test mẫu card đồ họa này với phần mềm Furmark, nhiệt độ tối đa của chip xử lý cũng chỉ ở mức 65 độ C mà thôi.

Mức nhiệt này thậm chí còn thấp hơn khá nhiều phiên bản ASUS RX 5700 TUF Gaming X3 8GB ở thế hệ trước cũng do chính ASUS sản xuất dù đã được trang bị tới 3 quạt và một bộ tản nhiệt “hạng nặng” hơn rất nhiều.

ASUS Dual RX 6600 - Đánh Giá Gaming Gear

Tiến hành thử nghiệm trên thực tế, có thể thấy với tư cách là phiên bản cơ bản nhất, ASUS giữ nguyên thông số cơ bản của ASUS Dual RX 6600 với mức xung nhân chỉ 2044MHz trong khi xung boost 2491MHz mà không có bất kỳ thao tác ép xung sẵn nào từ nhà máy như với các dòng card đồ họa Strix.

Vậy nên sức mạnh của mẫu card đồ họa này được dự đoán cũng chỉ tương đương với phiên bản tham chiếu đến từ AMD.

Mặc dù điều này có thể làm cho mẫu card đồ họa tầm trung của chúng ta bị các phiên bản AMD RX 6600 XT được ép xung sẵn vượt qua khá nhiều về mặt sức mạnh, nhưng đổi lại, bạn hoàn toàn có thể vận hành mẫu card đồ họa này với các dàn máy tầm phổ thông hay nâng cấp sức mạnh đồ họa cho hệ thống PC chơi game “có tuổi” của mình khi chỉ trang bị bộ nguồn có công suất vừa phải 500W.

Trên thực tế, kết quả thử nghiệm cho thấy ASUS Dual RX 6600 đem đến cho game thủ sức mạnh có thể so sánh với phiên bản NVIDIA RTX 2060 Super cả về sức mạnh xử lý thông thường lẫn khả năng dựng hình với công nghệ dò tia Ray Tracing.

Ở phép thử 3DMark FireStrike, mẫu card đồ họa của ASUS cho mức điểm số Graphics ở mức 23,784, chênh lệch không đáng kể với mức 23,048 của NVIDIA RTX 2060 Super.

Trong khi đó, với phép thử 3DMark Time Spy cho phép dựng hình ở DirectX12, mặc dù khoảng cách điểm được kéo dãn ra đôi chút so với phép dựng hình thông thường với mức 9% khi mẫu card từ ASUS cho 8,287 điểm, trong khi đối thủ đến từ “đội xanh” có mức điểm số lên đến 9,038.

Khi thử nghiệm trên các tựa game thực tế, ASUS Dual RX 6600 vẫn đem đến kết quả tốt khi có thể chơi được hầu hết các tựa game có chất lượng đồ họa tốt nhất hiện nay ở độ phân giải 1080p và mức thiết lập tối đa.

Nếu so sánh với “đàn anh” AMD RX 6600 XT, mức chênh lệch sức mạnh vẫn có thể dễ dàng nhận ra được, nhưng không phải là quá lớn so với mức chênh lệch về giá của cả hai phiên bản.

ASUS Dual RX 6600 - Đánh Giá Gaming Gear

Những tựa game cần đến sức mạnh xử lý thuần túy như Borderlands 3 hay Horizon Zero Dawn PC cho thấy khuynh hướng này khá rõ nét, trong khi đó nếu so sánh với NVIDIA RTX 2060 Super, có thể thấy được sức mạnh gần tương đồng giữa hai mẫu card đồ họa này.

Các tựa game như Total War Saga: Troy được hưởng lợi vô cùng ấn tượng với dung lượng RAM lớn hoạt động ở tốc độ cao trên mẫu card đồ họa này, thế nên kết quả nhận được từ thử nghiệm này gần như tương đương với đàn anh xếp ở “chiếu trên”.

Có thể nói về tổng thể, ASUS Dual RX 6600 thể hiện rất tốt vai trò của mình trong phân khúc tầm trung dù chỉ sở hữu một thiết kế tối giản và mức xung nhịp cơ bản mà thôi.

BẠN SẼ GHÉT

ASUS DUAL RX 6600 – MỘT VÀI VẤN ĐỀ!

Sở hữu một thiết kế tối giản cùng sức mạnh ấn tượng trong phân khúc, thế nhưng ASUS Dual RX 6600 vẫn sở hữu nhược điểm của hầu hết các card đồ họa sử dụng kiến trúc RDNA 2 hiện nay.

ASUS Dual RX 6600 - Đánh Giá Gaming Gear

Trước hết, khả năng thể hiện dựng hình bằng công nghệ Ray Tracing của mẫu card đồ họa này không quá mạnh mẽ, thậm chí còn thua sút đôi chút so với phiên bản NVIDIA RTX 2060 của “đội xanh” ở thế hệ trước đó khi chỉ đạt 3,833 điểm trong phép thử 3DMark Port Royal so với mức 3,850 điểm của đối thủ dù sở hữu sức mạnh thô tương đương phiên bản cao cấp hơn là NVIDIA RTX 2060 Super.

Điều này cũng thể hiện rất rõ nét trong tựa game Shadow of the Tomb Raider có tốc độ khung hình giảm tới 40% khi mở tính năng đổ bóng bằng Ray Tracing.

Thậm chí với tựa game chuyển hệ mới ra mắt gần đây Marvel’s Spider-Man Remastered cũng được trang bị công nghệ thời thượng này, kéo tốc độ dựng hình của card đồ họa xuống rất thấp, chỉ loanh quanh 30fps dù đã sử dụng tới công nghệ tăng tốc AMD FidelityFX Super Resolution, khiến cho những game thủ yêu thích các công nghệ đồ họa cao cấp nhất phải cân nhắc thêm.

Cuối cùng, mức giá bán mới của ASUS Dual RX 6600 vì một lý do nào đó, vẫn còn khá cao so với đối thủ NVIDIA RTX 3060 của “đội xanh” trong khi sức mạnh lại không thể so sánh được, thế nên đây cũng là rào cản lớn nhất mà bạn phải cân nhắc khi muốn xuống tiền mua phiên bản card đồ họa này.

Bạc 8.0

ASUS Dual RX 6600 sở hữu thiết kế tối giản, chip xử lý ở mức thiết lập cơ bản nhưng lại có sức mạnh tốt, khả năng tản nhiệt tuyệt vời và khả năng tiết kiệm điện cao, phù hợp cho các dàn máy tầm trung và những người cần nâng cấp sức mạnh đồ họa cho các dàn máy chơi game cũ.

  • Tên sản phẩm
    ASUS Dual RX 6600
  • Nhà sản xuất
    ASUS
  • Xuất xứ
    Đài Loan
Sản phẩm được hỗ trợ bởi ASUS.