MSI B650M MORTAR WIFI – Khi AMD ra mắt thế hệ vi xử lý AMD Ryzen 7000 Series với kiến trúc Zen 4 với hiệu năng vượt trội so với thế hệ trước đó cũng như trước các đối thủ bên phía “đội xanh”, nhiều game thủ tỏ ra vô cùng hứng thú với việc nâng cấp lên nền tảng mới, thế nhưng mức giá của các bo mạch chủ X670 bị đẩy lên quá cao cộng với các mẫu bộ nhớ DDR5 đắt đỏ đã làm chùn tay không ít người dùng.
Đó là chưa kể đến bạn còn phải chi thêm cho các bộ tản nhiệt nước AIO hay các bộ nguồn mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện và tản nhiệt ngày càng tăng của các mẫu CPU hiện đại khiến cho “gánh nặng” chi phí nâng cấp hay ráp mới dàn máy trở nên cao hơn bao giờ hết.
Dòng bo mạch chủ sử dụng chipset B650 và các mẫu CPU AMD Ryzen 7000 Series “non X” ra mắt tại sự kiện CES 2023 vừa qua chính là câu trả lời của AMD dành cho vấn đề này.
Trong số các dòng bo mạch chủ sử dụng chipset B650 vừa ra mắt, MSI B650M MORTAR WIFI của nhà MSI có thể xem như một lựa chọn cân bằng về nhiều mặt để có thể phối hợp tốt với các mẫu CPU “non X” vừa ra mắt.
Liệu mẫu bo mạch chủ này có đủ “món ăn chơi” cho bạn chiến đấu với những cấu hình cao cấp? Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
MSI B650M MORTAR WIFI – ĐẦY ĐỦ CÁC TÍNH NĂNG
Trong cách sắp xếp của MSI hiện nay, dòng sản phẩm bo mạch chủ MAG thuộc về nhóm các sản phẩm dành cho người dùng thực dụng với những tính năng ở mức cơ bản, đủ để đáp ứng nhu cầu game thủ với thiết kế lấy ý tưởng từ các loại khí tài quân sự.
Vậy nên ngay từ cái tên “đậm mùi” vũ khí của mình, MSI B650M MORTAR WIFI cho thấy phong cách đơn giản, thực dụng của mình.
Ngay từ thiết kế vỏ hộp, có thể thấy mẫu bo mạch chủ mới của MSI đã có những thay đổi nhất định so với phiên bản MSI MAG B660M Mortar Wifi DDR4 ra mắt hồi đầu năm ngoái, trong khi đó, mặt sau vẫn theo “thông lệ” trưng bày hình dạng sản phẩm cùng một vài tính năng nổi bật.
Tiến hành “đập hộp”, có thể thấy bo mạch sở hữu kích thước mATX khá gọn gàng với thiết kế tản nhiệt cho ổ SSD khe M.2 Shield Frozr và tản nhiệt cho chipset được chia ra các khối riêng biệt, thiếu sự liền lạc, to bản như trên các bo mạch chủ cao cấp hơn thuộc dòng sản phẩm MPG như MSI MPG Z690 Carbon Wifi.
Khu vực Socket AM5 đã được thiết kế lại theo chuẩn LGA mới của AMD giúp người dùng dễ dàng lắp đặt hay tháo ra nâng cấp hơn mà không gây tổn hại đến CPU, nhưng bù lại, việc này lại “đẩy rủi ro” lên những bo mạch chủ và vì thế bạn cần phải cẩn thận hơn khi thao tác với các bo mạch chủ AM5.
Với triết lý người dùng có thể sử dụng một mẫu bo mạch chủ qua rất nhiều “đời” CPU, MSI B650M MORTAR WIFI cũng được trang bị một hệ thống cấp điện khá đồ sộ với kết cấu cấp điện kênh đôi 12+2+1 với 12 pha cấp điện cho CPU, đủ sức chịu tải dòng điện lên đến 80A cùng hai đầu cấp nguồn 8pin.
Kết cấu cấp điện này thậm chí còn “hạng nặng” hơn cả bo mạch chủ tầm trung MSI MPG X570 Gaming Edge WiFi của thế hệ trước, đủ sức đáp ứng yêu cầu năng lượng cho cả những vi xử lý “hạng nặng” có mức tiêu thụ điện năng tối đa trên 250W, hoàn toàn đủ sức “gánh” được cả những CPU đầu bảng thuộc dòng AMD Ryzen 7000 Series hiện nay.
Khác với các bo mạch chủ dòng X670 khác như MSI Pro X670-P Wifi với “dư giả” các lane PCIe, mẫu bo mạch chủ tầm trung chỉ được trang bị hai khe PCIe kích thước đầy đủ với cấu hình 16x, trong đó một khe chính được chế tạo vững chắc với lớp bọc thép và các mối hàng gia cố để gánh chịu trọng lượng của các card đồ họa có kích thước và khối lượng hàng đầu hiện nay như MSI RTX 4080 SUPRIM X mà không bị cong, vênh, hay hư hỏng chân cắm.
Cũng tương tự như với các khe PCIe 16x, mẫu bo mạch chủ này cũng chỉ sở hữu hai khe M.2 chuẩn NVMe sử dụng cấu hình PCIe 4.0 4x mà thôi.
Khác với các khe M.2 trên những bo mạch chủ dòng cao cấp như MSI MEG X670E ACE sử dụng thiết kế khóa bấm phức tạp nhưng tiện lợi thì mẫu bo mạch chủ tầm trung này chỉ sở hữu thiết kế sử dụng ốc truyền thống, điều đáng an ủi là MSI vẫn duy trì cơ chế khóa xoay tương tự như trên MSI MPG Z590 GAMING CARBON WIFI để giữ chặt ổ cứng SSD thay vì cần đến các con ốc kích thước nhỏ giúp người dùng có thể dễ dàng lắp đặt ổ cứng.
Bên cạnh đó, mẫu bo mạch chủ này cũng được trang bị module Wifi-6E tiên tiến lắp sẵn trên một khe M.2 đặc biệt với khả năng kết nối không dây tốc độ cao độ trễ thấp và ít bị nhiễu tín hiệu so với các thế hệ trước đó, đem lại ưu thế cho game thủ.
Hệ thống RAM DDR5 cũng được trang bị công nghệ Core Boost và Memory Try It! độc quyền của MSI, cho phép người dùng ép xung cho các thanh bộ nhớ DDR5 với tốc độ tối đa lên đến 6400MHz.
Cuối cùng, mẫu bo mạch chủ dòng MAG này cũng sở hữu cổng USB Type C chuẩn USB 3.2 Gen2x2 ở mặt sau cho tốc độ kết nối tối đa lên đến 20Gbps. Điều đó có nghĩa là bạn hoàn toàn có thể chơi game trên các ổ cứng thể rắn gắn ngoài tốc độ cao như KLEVV R1 Portable mà vẫn duy trì được tốc độ nạp game và tải dữ liệu siêu nhanh như khi cài đặt trên các ổ cứng gắn trong.
Về tổng thể, dù chỉ là một mẫu bo mạch chủ ở phân khúc tầm trung, thế nhưng MSI B650M MORTAR WIFI vẫn sở hữu đầy đủ những “món ăn chơi” tiên tiến mà người dùng cần để có thể xây dựng nên một dàn máy chơi game mạnh mẽ và tiện dụng, thậm chí sẵn sàng cho cả một vài thế hệ vi xử lý AMD Ryzen kế tiếp nếu bạn mong muốn nâng cấp hệ thống của mình về sau.
Thử nghiệm trên thực tế, người viết sử dụng mẫu CPU AMD Ryzen 7 7700 vừa ra mắt cách đây không lâu để xây dựng hệ thống máy chơi game cao cấp.
- CPU: AMD Ryzen 7 7700
- Mainboard: MSI B650M MORTAR WIFI
- Memory: G.Skill Trident Z5 Neo 32GB 6000MHz
- Cooler: Wraith Prism
Dễ dàng nhận thấy, mẫu bo mạch chủ của MSI dễ dàng bùng nổ toàn bộ sức mạnh cho mẫu vi xử lý dòng “non X” này khi duy trì ổn định tốc độ xung nhịp ở mức 4.8GHz, “ăn” khoảng 91W điện chỉ với giải pháp tản nhiệt khí Wraith Prism hoạt động trong thời gian dài.
Điều này cho thấy không cần đến các bo mạch chủ dòng cao cấp, mẫu bo mạch chủ tầm trung này của MSI hoàn toàn đủ sức làm nền tảng cho một hệ thống chơi game cao cấp của bạn và bùng nổ đầy đủ sức mạnh của nó trong thời gian dài.
BẠN SẼ GHÉT
MSI B650M MORTAR WIFI – MỘT VÀI HẠN CHẾ!
Là bo mạch chủ tầm trung dòng MAG, MSI B650M MORTAR WIFI không tránh được một số hạn chế của riêng mình.
Một trong số đó, có thể kể đến module Wifi-6E được thiết kế cắm trên một khe M.2 đặc biệt với cặp đôi ăng ten cứng đi kèm, từ đó dẫn đến việc vị trí của ăng ten wifi khá là phiền toái cho người dùng khi nó che chắn các khe USB liền kề nếu bạn dựng đứng ăng ten theo phương thức truyền thống.
Nó cũng tạo thành những vướng víu nhất định nếu bạn xoay ăng ten theo bất kỳ hướng nào khác, vì vậy bạn nên thay đổi loại ăng ten dây mềm với khả năng nối dài để có thể dễ dàng tiếp cận các cổng USB hơn.
Vấn đề thứ hai nằm ở chỗ mẫu bo mạch chủ này không hỗ trợ chuẩn PCIe 5.0 ở cả khe PCIe 16x hay khe M.2.
Điều này không gây ảnh hưởng đến người dùng hiện nay khi mà các card đồ họa cao cấp nhất vẫn đang sử dụng chuẩn PCIe 4.0, trong khi các mẫu SSD NVMe sử dụng chuẩn PCIe 5.0 cũng chỉ vừa ra mắt với mức giá đắt đỏ dành cho người dùng có nhu cầu cao và các hệ thống với cấu hình hàng đầu.
Thế nhưng điều này chắc chắn sẽ là trở ngại nho nhỏ cho người dùng nếu bạn cần nâng cấp với những thế hệ CPU sau này, khi mà chuẩn PCIe 5.0 được ứng dụng phổ biến hơn trên các ổ cứng và card đồ họa trong tương lai.