Skip to content

Dead Island 2 – Đánh Giá Game

Dead Island 2

Dead Island 2 – Khi nhắc đến Dead Island 2, điều đầu tiên mà phần lớn người chơi có thể nghĩ ngay đến là đây là một trong số trò chơi bị kẹt trong dòng đời phát triển lâu nhất (Development Hell), bởi trailer đầu tiên của trò chơi đã được trình diện người chơi từ năm… 2014, nhưng đến nay, năm 2023, người chơi mới được chạm tay vào trò chơi.

Trò chơi là phần hậu bản của Dead Island ra mắt năm 2011 và đã “qua tay” khá nhiều nhóm phát triển khác nhau xuyên suốt quá trình phát triển, mở đầu với Techland, nhóm phát triển Dying Light, cho đến Yager vào những năm 2015, Sumo Digital vào năm 2016.

Cuối cùng, vào năm 2019, trò chơi mới được tiết lộ do Dambuster Studios phát triển và được ra mắt vào 21/04/2023 mới đây.

Và với hành trình phát triển đầy gian nan và “tai tiếng” như vậy, liệu Dead Island 2 có thực sự đáng để trải nghiệm?

Hãy cùng Vietgame.asia khám phá qua bài đánh giá sau nhé!

BẠN SẼ THÍCH

MỘT L.A ĐẦY SẮC MÀU!

Dead Island 2 lấy bối cảnh khoảng 10 năm sau sự kiện của Dead Island 1, nơi người chơi lúc này sẽ được đưa đến thành phố Los Angeles rộng lớn, nơi vừa bị phong tỏa do một đợt đại dịch zombie vừa bùng nổ.

Người chơi sẽ được chọn một trong sáu nhân vật chính (Slayer) bao gồm: Bruno, Carla, Dani, Ryan, Amy và Jacob để bắt đầu chuyến hành trình thoát khỏi L.A.

Một điểm mà phía Dambuster Studios đầu tư khá tốt đó chính là phần lồng tiếng cho các Slayer. Trong cùng một đoạn cắt cảnh, câu thoại của từng tên Slayer cũng sẽ khác nhau. Nhờ thế mà phần cá tính của mỗi Slayer cũng được truyền tải tốt hơn thay vì im lặng xuyên suốt trò chơi.

Tuy phần lớn các cuộc trò chuyện này chủ yếu là độc thoại, nhưng nhìn chung thì vẫn đủ cho người chơi cảm giác mới lạ khi trải nghiệm các Slayer khác nhau trong Dead Island 2.

Ngược lại với tông màu ảm đạm, u tối của các tựa game lấy đề tài xác sống hiện nay như Dying Light 2 hay dòng Resident Evil với bản mới nhất – Resident Evil 4, Dead Island 2 lại đem đến cho người chơi một thành phố L.A với màu sắc khá vui tươi, với phần lớn nhân vật phụ được xây dựng một cách ngờ nghệch, vô tư, với những câu thoại chủ yếu để “tấu hài” là chính.

Nhưng cũng không thể phủ nhận là game cài cắm một vài nhân vật tưởng chừng như “chỉ để làm nền” nhưng lại được phát triển khá tốt về sau.

Điển hình như tay trợ lý Michael Anders, tuy có tính cách khá nhút nhát, nhưng anh vẫn luôn hết mình giúp đỡ và bảo vệ cô diễn viên Emma Jaunt. Hay Patton, một cựu phi công kỳ quái, bị ám ảnh bởi quá khứ, nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ những người gặp nạn.

Chính nhờ cách xây dựng khá chăm chút này, mỗi nhân vật trong game đều có những khía cạnh đáng để người chơi khai thác và khám phá, đặc biệt là thông qua các nhiệm vụ phụ được “mở khóa” về sau.

mỗi nhân vật trong game đều có những khía cạnh đáng để người chơi khai thác và khám phá, đặc biệt là thông qua các nhiệm vụ phụ được mở khóa về sau.


TRẢI NGHIỆM “XỬ” ZOMBIE… ĐÃ TAY!

Cơ chế “ăn tiền” nhất của Dead Island 2 không gì khác ngoài mảng chiến đấu của trò chơi.

Hệ thống vật lý cùng mô hình nhân vật của game được xây dựng vô cùng tỉ mỉ, những đòn tấn công đủ mạnh lên kẻ địch có thể dễ dàng khiến chúng “rơi hàm răng, bay não” theo đúng nghĩa đen!

Cơ chế cắt chi này đã từng xuất hiện trong khá nhiều trò chơi kinh dị trước đó, nổi bật trong số đó là Dead Space hay Resident Evil 2 Remake, tuy nhiên, điểm đặc biệt của cơ chế này trong Dead Island 2 chính là gần như mọi tên zombie đều khá “mỏng manh”, có thể dễ dàng rơi mất một bộ phận chỉ với một cú “bonk” nhỏ nhẹ từ chiếc xà beng nhặt ven đường.

Nhờ thế mà mỗi đòn tấn công đều đem đến các hiệu ứng hình ảnh mãn nhãn và “đã tay”, có thể nói là mang đến tính giải trí rất cao!

Trò chơi cung cấp cho người chơi hai đòn đánh là “Light Attack” và “Charge Attack” trên tất cả các loại vũ khí cận chiến.

“Light Attack” có tốc độ tấn công rất nhanh khi dùng với những loại vũ khí sắc nhọn như dao, kiếm, ngược lại, “Charge Attack” khi dùng với các vũ khí cùn như búa, chùy sẽ cho phép người chơi dễ dàng xử lý bè lũ zombie như quả bong bóng!

Kèm theo đó thì trò chơi còn kèm theo cơ chế nâng cấp vũ khí, cho phép bạn áp các hiệu ứng như lửa, điện hay cả hóa chất bào mòn lên vũ khí.

Các hiệu ứng này kết hợp rất tốt với hiệu ứng môi trường, ví dụ như nhân vật có thể tấn công xác sống đứng trong vũng nước bằng vũ khí nhiễm điện để làm tê liệt chúng, hoặc kích nổ những bình xăng nằm rải rác trên đường để tạo nên các hiệu ứng cháy nổ đẹp mắt, rất hiệu quả trong việc… giải tán đám đông!

Ngoài cơ chế chỉnh sửa vũ khí, người chơi cũng có thể thay đổi cả kỹ năng nhân vật với các thẻ bài, có thể được “mở khóa” qua nhiệm vụ phụ hoặc mạch truyện chính.

Người chơi có thể lựa chọn giữa khá nhiều loại kỹ năng khác nhau, ví dụ như tuyệt kỹ “Drop Kick” cho phép người chơi đá bay tên xác sống trước mặt, hay “Dash Strike” để đẩy văng kẻ địch.

Về sau, hệ thống này sẽ mở ra nhiều kỹ năng diện rộng khá hữu dụng khi người chơi mở khóa được cơ chế “Fury”, cho phép nhân vật “hóa điên” trong một khoảng thời gian ngắn để tăng sát thương lẫn tốc độ tấn công.

Hệ thống vật lý cùng mô hình nhân vật của game được xây dựng vô cùng tỉ mỉ, những đòn tấn công đủ mạnh lên kẻ địch có thể dễ dàng khiến chúng “rơi hàm răng, bay não”


NHIỀU THỨ ĐỂ KHÁM PHÁ!

Bản đồ của Dead Island 2 được thiết kế theo mô hình bán mở (Semi open world), chia nhỏ cả thành phố L.A thành nhiều khu vực nhỏ.

Nếu bạn là một người chơi ưa thích “cày cuốc” hay giải đố thì sẽ không cần phải lo, bởi mỗi khu có khá nhiều thứ cho người chơi khám phá, điển hình là hệ thống nhiệm vụ phụ được rải rác khắp các khu vực để bạn “cày” điểm kinh nghiệm hoặc khám phá tuyến truyện của các nhân vật phụ.

Hoặc hơn nữa là trải nghiệm các nhiệm vụ “Lost & Found” theo mô hình giải đố, tìm kho báu để mở khóa những món vũ khí “Unique” hoặc “Legendary” cực kỳ hiếm.

BẠN SẼ GHÉT

NHỮNG CÚ “XOÁY” MẠCH TRUYỆN ĐAU ĐẦU!

Khác với lối chơi được xây dựng khá ổn thỏa, tuyến truyện chính của Dead Island 2 rất… lộn xộn, thiếu chiều sâu với những cú xoáy mạch truyện được dồn vào liên tục, khiến mạch truyện chính của trò chơi trở nên nhạt nhẽo và khó nắm bắt!

Một số trường đoạn đang được diễn giải thì lại bị lãng quên không lâu sau đó, khi người chơi di chuyển đến khu vực mới. Điển hình là khi người chơi tiến đến khu Ocean Avenue trở về sau.

Các mâu thuẫn trước đó chỉ đơn giản được giải quyết bằng một câu nói như “tôi xin lỗi!” hoặc “trước đó tôi nóng tính quá!” là hết. Bạn có thể quay về gặp họ để nói chuyện và giải quyết các nhiệm vụ “như chưa từng có chuyện gì xảy ra”.

Điều này ngày một trở nên tệ hơn vào các chương cuối của trò chơi, khi mạch truyện dần trở nên “đuối”, với những nội dung được diễn giải rất vụng về, khó hiểu, dẫn đến các “hạt sạn” ngày một chất đống, tạo cảm giác khá khó chịu cho người chơi.

Chưa kể là một số nhân vật được “nhồi thêm” vào ở giai đoạn cuối trò chơi cũng được xử lý khá tệ, động cơ mập mờ, ngày một khiến trò chơi trở nên rối tung một cách không cần thiết.

tuyến truyện chính của Dead Island 2 rất… lộn xộn, thiếu chiều sâu với những cú xoáy mạch truyện được dồn vào liên tục, khiến mạch truyện chính của trò chơi trở nên nhạt nhẽo và khó nắm bắt!


CÁC CƠ CHẾ TRÔNG NHƯ ĐƯỢC THÊM VÀO… CHO CÓ!

Nhóm phát triển Dead Island 2 có thể nói là đã thực sự tập trung làm khá tốt mảng vũ khí cận chiến, nhưng ngược lại thì trò chơi lại tồn đọng khá nhiều cơ chế trông như được thêm vào cho có và thậm chí có phần gây khó chịu cho người chơi.

Xuất hiện nhiều nhất là các trường đoạn QTE (Quick Time Event), khi lũ xác sống đang nắm lấy nhân vật chính, buộc bạn phải “đè” các phím được hiện trên màn hình để thoát ra.

Điểm gây khó chịu nhất của cơ chế này là người chơi luôn bị khóa góc nhìn theo lũ xác sống khi rơi vào QTE, khiến cho người chơi dễ dàng bị tấn công bởi kẻ địch xung quanh mà hoàn toàn không có cách nào khác để né đòn, ngoài việc nhấn nút thật nhanh để thoát QTE.

Có thể thấy, Dead Island 2 rất muốn người chơi sử dụng vũ khí cận chiến nhiều hơn, bởi các vũ khí tầm xa như súng ống chỉ bắt đầu xuất hiện gần giữa trò chơi và chúng thực sự… rất yếu!

Các loại súng trong game có mức sát thương khá thấp, cảm giác bắn không tốt và đặc biệt là đạn dược trong game cũng rất khan hiếm và khó tìm.

Chúng chỉ hữu dụng trong một số trường hợp cần tạo hiệu ứng môi trường từ xa như điện giật hoặc cháy nổ, ngoài điểm trên ra thì vũ khí cận chiến hoàn toàn làm tốt hơn súng về mọi mặt như giải quyết đám đông, hoặc thậm chí việc ném vũ khí cận chiến còn có thể gây nhiều sát thương hơn súng!

trò chơi lại tồn đọng khá nhiều cơ chế trông như được thêm vào cho có và thậm chí có phần gây khó chịu cho người chơi

7.0

Dead Island 2 sở hữu một mạch truyện chính lộn xộn với nhiều cơ chế trông như được thêm vào cho có, thiếu trau chuốt. Tuy nhiên, nếu bạn tạm thời quên đi hai yếu tố vừa nêu thì Dead Island 2 là một tựa game lấy đề tài zombie khá giải trí, vui nhộn khi trải nghiệm cùng đồng bọn nhờ vào cơ chế chặt chém đã tay, vô cùng chi tiết.

Thông tin

  • Dead Island 2
  • Nhà phát triển
    Dambuster Studios
  • Nhà phát hành
    Deep Silver
  • Thể loại
    Hành động, Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    21/04/2023
  • Nền tảng
    Windows, Xbox One, Xbox Series X | S, PlayStation 4, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10 64-bit
  • CPU
    AMD FX-9590 / Intel Core i7-7700HQ
  • RAM
    10GB
  • GPU
    Radeon R9 390X / GeForce GTX 1060
  • Lưu trữ
    70GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 11 64-bit
  • CPU
    Intel Core i5-9300h 2.4GHz
  • RAM
    16GB
  • GPU
    Nvidia Geforce GTX 1660ti 6 GB
  • Lưu trữ
    512GB SSD NVMe M.2 PCle Gen 3×2
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi Deep Silver. Chơi trên PC.