Liberte – Ngày nay, khi các công cụ phát triển game càng hoàn thiện và dễ sử dụng hơn, những studio “khởi nghiệp” dễ dàng tạo ra các tựa game của riêng mình, thế nhưng để khác biệt với các nhà phát triển game lớn có tiềm lực hùng hậu, các studio độc lập này thường phải tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh cho tựa game của mình.
Thế nên không ít những tựa game indie trở thành hiện thân cho sự sáng tạo này, có thể kể đến Stardew Valley, Cult of the Lamb hay gần đây nữa là hiện tượng Legendary Hoplite của một studio game indie tại Việt Nam đã đứng “Top 1 trên Steam” ngày 26/5 vừa qua.
Cũng đi theo công thức như vậy, một studio nhỏ, mới thành lập trong thời gian đại dịch COVID-19 tại Ba Lan, với tên gọi SuperStatic Studio, đã cho ra mắt một tựa game đầu tay – Liberte, lấy bối cảnh thế giới huyền huyễn tương quan với cuộc Cách mạng Pháp.
Ý tưởng về trò chơi khởi đầu với một cuộc trò chuyện phiếm giữa hai người bạn Daniel (chịu trách nhiệm thiết kế giao diện) và Kajetan (chuyên gia marketing) khi cùng nhau uống vài ly bia, những ý tưởng táo bạo được hình thành và từ đó thu hút thêm các thành viên khác để thành lập nên SuperStatic Studio.
Với một ý tưởng chớp nhoáng hiện ra và một thời gian hoàn thành tương đối nhanh chóng so với phần lớn các tựa game độc lập khác, liệu Liberte có thể chinh phục được cộng đồng game thủ?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Ý tưởng táo bạo!
Trên thực tế, cảm nhận đầu tiên của người viết với Liberte là… không quá ấn tượng, nhất là đoạn chơi “dạo đầu” đem đến trải nghiệm không khác Aluna: Sentinel of the Shards hay những tựa game “chặt chém” (hack and slash) tầm trung khác là bao, thế nhưng càng dấn thân vào sâu tìm hiểu tựa game, bạn sẽ càng khám phá ra được nhiều ý tưởng thú vị.
Trong phần chơi này, người chơi sẽ được vào vai một thành viên của quân kháng chiến, chiến đấu chống lại kẻ thù là quân đội của hoàng gia bằng những nhát chém thông qua điều hướng của chuột và những cú lướt (dash) theo phong cách các tựa game đi cảnh (platform) thường thấy, từ đó tấn công và hạ gục đối thủ từ các phương hướng bất ngờ.
Dĩ nhiên là khi lấy bối cảnh thời cận đại pha lẫn với thế giới huyễn tưởng, người chơi sẽ được sử dụng song song “vũ khí lạnh” (đao, kiếm, v.v.) và các loại “vũ khí nóng” (súng trường, súng lục, v.v.) thô sơ thời kỳ cận đại, đem lại hai trường phái tấn công cận chiến và tầm xa với những kỹ năng phối hợp tương ứng.
Hệ thống kỹ năng trong Liberte được xây dựng xung quanh những lá bài với mức “tiêu thụ” mana khác nhau để học tập, cũng chính những lá bài này cũng có thể được đốt cháy để đem lại nguồn mana cho bạn học tập những kỹ năng/phép thuật khác.
Trong khi đó, các vật phẩm “tiêu thụ” là những thẻ bài dùng ngay và không cần đến mana để kích hoạt.
Bạn cũng không thể kích hoạt các kỹ năng vô tội vạ bằng mana/MP, miễn là bạn có đủ các “bình thuốc” như rất nhiều các tựa game nhập vai theo phong cách truyền thống, hay chờ đợi các kỹ năng này hồi phục sau một thời gian “làm lạnh” (cooldown) trên các tựa game nhập vai hiện đại, mà chúng thông qua số lần người chơi dùng các đòn tấn công thông thường đánh trúng mục tiêu.
Cơ chế quản lý kỹ năng này khá thú vị, nó tương tự như “chiếc vòng kim cô” kìm kẹp game thủ vào các trận chiến với lượng kỹ năng hạn chế, khiến người chơi phải liên tục điều khiển nhân vật của mình chiến đấu và né đòn theo phong cách một tựa game hành động võ thuật hơn là một tựa game “hack and slash” theo kiểu truyền thống.
Trên thực tế, điều này cũng khiến cho những màn chiến đấu với các đối thủ thông thường cũng trở nên đầy bận rộn, bởi lẽ với mức máu và giáp yếu xìu như… tờ giấy thì bạn rất dễ “về thành dưỡng sức” khi ăn phải đòn phối hợp của hai ba con quái cùng một lúc.
Cơ chế hành động điên cuồng này thậm chí còn bị đẩy lên cao trào trong các màn đánh trùm khi bạn phải không ngừng vừa đánh quái, vừa né các chiêu thức diện rộng hệt như những tựa game thuộc thể loại “Vã đạn như mưa” (Bullet Hell), vừa tìm cách rúc rỉa cây máu dài ngoẵng của con trùm.
sự thu hút mạnh mẽ nhất của Liberte nằm trong lối chơi và cốt truyện thể hiện nhiều ý tưởng táo bạo chưa từng có
Do đó, nếu so sánh với các tựa game được đánh giá cao khác trong cùng thể loại như Wolcen: Lords of Mayhem hay Torchlight 2 thì Liberte đem lại những pha chiến đấu phức tạp và mệt mỏi hơn rất nhiều.
Không chỉ có vậy, khi chẳng may gặp phải mất mạng lần đầu tiên, tựa game lại mở ra trước mắt bạn một bí mật hoàn toàn khác lạ biến đổi triệt để trải nghiệm của người chơi (bí mật là gì, cứ chơi đi rồi sẽ biết!), cho phép game thủ sử dụng nhiều nhân vật với các nhóm kỹ năng và lối chơi khác nhau để trải nghiệm thế giới trong game.
Từ đó, người chơi có thể xuyên qua thế giới phức tạp của thời kỳ cách mạng Pháp với bốn phe phái khác nhau không ngừng xung đột, nhằm khỏa lấp khoảng trống quyền lực sau biến cố đăng quang của hoàng tử.
Những mối quan hệ đan xen vừa bạn, vừa thù tạo ra các tuyến nhiệm vụ mà bạn có thể lựa chọn để tham gia và ủng hộ các thế lực, điều này dần dần đắp nặn nên một cốt truyện hoàn chỉnh với những “vòng xoắn cốt truyện” (plot twist) mới mẻ, tạo nên điểm nhấn cho tựa game.
Tất cả những yếu tố này đều được đội ngũ làm game tham khảo từ những cuộc cách mạng có thật trong lịch sử, bao gồm cả cuộc cách mạng Haiti để lấy ý tưởng xây dựng hai phe: Quốc hội và Bộ lạc.
Đó là chưa kể đến việc thay đổi các nhân vật với các loại vũ khí và kỹ năng khác nhau cũng buộc người chơi trải nghiệm nhiều mặt của tựa game và thay đổi phong cách chiến đấu liên tục, đem đến sự mới lạ cho người chơi.
Nhìn chung, sự thu hút mạnh mẽ nhất của Liberte nằm trong lối chơi và cốt truyện thể hiện nhiều ý tưởng táo bạo chưa từng có.
Nhờ đó mà tựa game tạo được điểm nhấn cho riêng mình, thoát ra khỏi cái bóng mờ làng nhàng của những tựa game tầm trung.
BẠN SẼ GHÉT
Cách thực hiện chưa “tới”!
Trên thực tế, trừ khi đủ kiên nhẫn đào sâu vào thế giới của Liberte, bạn sẽ rất dễ “dội game” ngay từ khi “khởi động game” bởi có quá nhiều vấn đề bất cập trong cách thể hiện của trò chơi.
Trước hết, mô hình trong game khá đơn giản và sơ sài, thậm chí có thể nói là khá thô sơ khi đặt cạnh các tựa game indie 3D ra mắt một vài năm trở lại đây.
Khó chịu nhất là thiết kế chuyển động cho các nhân vật không thực sự tốt, khiến cho chuyển động của các nhân vật, các con quái cứ gần như “lướt đi” trên không trung, thậm chí là các cử động của nhân vật hoàn toàn phi vật lý, chẳng hạn như bất kỳ đối tượng nào cũng có thể quay ngoắt người 180 độ và ra đòn mà không cần ra chiêu gì cả.
Điều này khiến cho việc điều khiển có phần rối loạn, thậm chí là có chút khó khăn khi chỉ nhìn vào động tác nhân vật để chiến đấu.
Không chỉ có vậy, phần A.I (trí thông minh nhân tạo) của đối thủ máy cũng chỉ ở mức sơ khai, đôi lúc gây nhàm chán cho người chơi.
Thoạt tiên, việc chiến đấu liên tục có vẻ là một ý tưởng hay, thế nhưng các đối thủ máy quá đần độn chỉ biết “ném skill” về phía nhân vật của bạn khiến cho các trận đánh dần trở nên nhàm chán.
Ngay cả với các trận đấu trùm trong Liberte dù thoạt nhìn diễn ra rất “hoành tráng” với các kỹ năng bay đầy khắp màn chơi, thế nhưng tất cả những gì bạn cần làm trên thực tế là đứng đúng chỗ và cho ra các đòn tấn công đúng lúc chứ không cần bất kỳ chiến thuật, kỹ năng hay khai thác địa hình để rồi “vỡ òa” trong sung sướng khi hạ gục được con trùm khó nhằn của một số tựa game thiên về hành động khác.
Cuối cùng, các chi tiết nhỏ đều không được để ý và chăm chút nhất định gây khó chịu cho người chơi.
Chẳng hạn như lễ đăng quang của hoàng tử được thể hiện chỉ bằng góc nhìn chiếu trực diện vào một… cửa vòm, cùng giọng lồng tiếng mô tả các sự kiện diễn ra đầy vô vị. Thậm chí chỉ cần một vài tranh tĩnh mô tả sự kiện như trong Age of Wonders 4 có lẽ tạo ra sức hút và giúp người chơi dễ theo dõi cốt truyện hơn.
Hay như việc bạn tha hồ đánh nhau và bắn súng đì đùng trên thành phố mà các cư dân… vẫn có thể sinh hoạt và trò chuyện như thường cũng là một biểu hiện đầy phi lí, cho thấy đội ngũ làm game không thật sự quan tâm đến những vấn đề này.
Về mặt này, việc đưa màn chơi vào các không gian hẹp và khung cảnh tối tăm như tựa game “Gearpunk” cũng lấy bối cảnh Cách mạng Pháp – Steelrising, có vẻ hợp lý hơn nhiều không gian quá tươi sáng trong game.
Chính vì những lý do kể trên mà Liberte có vẻ “khó nhằn” và thô ráp như một hòn đá, cần người chơi bỏ công tìm hiểu và khám phá “chất ngọc” bên trong.
trừ khi đủ kiên nhẫn đào sâu vào thế giới của Liberte, bạn sẽ rất dễ “dội game” ngay từ khi “khởi động game” bởi có quá nhiều vấn đề bất cập trong cách thể hiện của trò chơi