Quake 2 – Nếu phải xướng tên tựa game bắn súng góc nhìn người thứ nhất có tính ảnh hưởng nhất từ trước tới nay, Quake 2 thường là cái tên hay bị quên lãng nhất khi bị người anh em “cùng nhà” id Software – DOOM, lấn át ánh hào quang!
Bản thân là một bước nhảy vọt lớn về mặt công nghệ và thiết kế game, Quake 2 lại khiến cho người hâm mộ thời bấy giờ hoài nghi vì bối cảnh tách rời khỏi phần một, chưa kể lúc ấy đề tài kinh dị khoa học viễn tưởng bắt đầu rơi vào bão hòa, Quake 2 sau đó phải tạm “nhường sóng” cho những tựa game táo bạo hơn, mới mẻ hơn và thành công hơn như Half-Life, và thậm chí là chính đàn em: Quake 3: Arena.
Mặc dù vậy, Quake 2 vẫn là một cái tên không thể không nhắc tới mỗi khi luận bàn về sự phát triển của thể loại game bắn súng, và với nhiều fan của Quake 2 và cũng như Quake 4, sự ghẻ lạnh và lãng quên này cũng có đôi chút chạnh lòng.
Mãi cho tới thời gian gần đây, Quake 2 bắt đầu được quan tâm nhiều hơn khi tựa game được lựa chọn cho một bản demo công nghệ Ray-Tracing bởi NVIDIA, cũng như những động thái rục rịch về việc mang phiên bản Quake 2 64 lên các hệ máy hiện đại, và rõ ràng nhất là sự ra mắt bản mở rộng Call of the Machine mới toanh (do studio MachineGames thực hiện – NV) một cách đầy bất ngờ!
Tuy nhiên, những “tín đồ” Quake 2 vẫn không thể nào dự đoán được sự trở lại đầy ngoạn mục của game dưới tư cách một bản nâng cấp hoàn chỉnh, do id Software (hỗ trợ) và Nightdive Studios – phụ trách phát triển chính, cùng thực hiện.
Vậy còn chần chừ gì nữa? Hãy cùng Vietgame.asia quay trở về thiên hà xa xôi để “đá đít” bọn Strogg hiểm ác và mang lại hòa bình cho nhân loại!
BẠN SẼ THÍCH
Mãi mãi là huyền thoại!
Trước khi đi sâu vào những điểm mới mẻ mà phiên bản Quake 2 “tút lại” này mang lại, chúng ta hãy điểm qua tại sao bản thân Quake 2 lại đáng chơi như vậy.
Câu chuyện của Quake 2 xoay quanh một tương lai tăm tối vào năm 2066, khi một chủng loài ngoài hành tinh hiểm ác có tên là Strogg tấn công Trái Đất, đe dọa diệt vong nhân loại và biến con người trở thành một phần trong quân đoàn ghê tởm của chúng. Nhưng bè lũ Strogg này không là “xi nhê” gì cả, vì chẳng mấy chốc mà con người đã bắt đầu chiến dịch “Alien Overlord” và tổ chức một cuộc… xâm lăng toàn diện lên quê nhà của loài Strogg.
Game cho người chơi hóa thân thành một chiến binh tinh nhuệ, một mình “tả xung hữu đột” giữa hang ổ lũ Strogg. Với một bối cảnh đậm chất “vô tri” như vậy, Quake 2 đã rất mượt mà chuyển câu chuyện game muốn kể thành một tựa game hấp dẫn và vô cùng bùng nổ. Rất nhiều cơ chế từ Quake 1 như vũ khí, di chuyển đã được nâng cấp lên rất nhiều.
Số lượng vũ khí trong Quake 2 giờ đây là 10 so với 8 ở phần một. Những vũ khí này cũng phản ánh được nhịp độ game nhanh hơn và nặng về đấu tay đôi 1-1 với những kẻ thù mạnh về cả hỏa lực lẫn tốc độ.
Cơ chế di chuyển của người chơi cũng được làm “mướt” hơn, ví dụ như tăng tốc độ Circle-strafing (chạy ngang thành hình tròn), cũng như những “mánh lới” huyền thoại như “Bunny Hopping” giờ đây cũng dễ dàng thực hiện hơn.
Nhưng, đó chỉ là những thay đổi và cải tiến mới của Quake 2 gốc thời bấy giờ.
Ra mắt vào năm 1997, như đã đề cập, Quake 2 là “điểm giao thoa” của thể loại game bắn súng góc nhìn người thứ nhất, kể cả về mặt công nghệ lẫn thiết kế. Ngoài những thiết kế di chuyển và vũ khí mượt mà hơn, các cải tiến quan trọng nhất của Quake 2 đến từ thiết kế môi trường và kể chuyện.
Quake 2 rũ bỏ công thức “màn chơi” thường thấy ở các game bắn súng cũ hơn, khi màn chơi này kết thúc thì sẽ qua màn chơi mới, địa điểm cũ không thể quay lại được nữa trong game.
Thay vào đó, những màn chơi của Quake 2 có sự kết nối nhất định với nhau, với những phân đoạn kết nối nho nhỏ và các nhiệm vụ phụ yêu cầu người chơi quay lại những địa điểm đã đi qua, tạo nên một trải nghiệm gần như là trơn tru xuyên suốt game, điều mà các tựa game kinh điển khác thời bấy giờ nhanh chóng học hỏi và… làm tốt hơn cả Quake 2 như Half-Life hay Unreal, nhưng đó là… chuyện xưa mất rồi!
Dù bị lu mờ như vậy, nhưng chất lượng của Quake 2 là không thể bàn cãi. Đội ngũ id Software đã tung hết bài vở thu thập được trong suốt nửa thập kỉ phát triển và học hỏi để tạo ra tựa game với dàn vũ khí toàn diện nhất, thiết kế kẻ thù ấn tượng nhất và màn chơi chặt chẽ nhất thời đại bắn súng kinh điển những năm 90!
Điều này khiến cho việc “làm lại” Quake 2 với đội ngũ Nightdive Studios và Id Software vô tình lại rất dễ dàng, khi họ không cần thay đổi quá nhiều tựa game gốc.
Nhưng điều đó không có nghĩa là những bổ sung mà Quake 2 mang lại là “không đáng đồng tiền bát gạo!”
Ngoài những thiết kế di chuyển và vũ khí mượt mà hơn, các cải tiến quan trọng nhất của Quake 2 đến từ thiết kế môi trường và kể chuyện
Nâng tầm, nâng cấp!
Trong phiên bản “tút lại” (Remastered) lần này, Quake 2 chạy trên một engine hoàn toàn mới chứ không phải là engine kinh điển “ngày xưa ấy”, điều này khiến cho nhiều công nghệ đồ họa mới như khử răng cưa (Anti-Aliasing), Texture Filtering, những kĩ thuật chiếu sáng hiện đại mới cùng bầu trời độ phân giải cao đã được áp dụng lên một bộ khung game cũ kỹ đã 25 năm tuổi!
Điều này nghe có vẻ… thừa thãi nhưng những công nghệ này không hề được áp dụng một cách bừa bãi lên game, mà được tinh chỉnh tỉ mỉ sao cho phong cách đồ họa của game nổi bật lên một cách rõ ràng nhất.
Thế giới của Quake 2 trở nên đẹp hơn bao giờ hết, những góc chắp vá vội vã được tinh tế giấu đi, trong khi những nguồn sáng mới được sắp xếp khéo léo sao cho các điểm nhìn đẹp và hoa mỹ nhất của game được phô ra đầy đủ. Kẻ thù trong game cũng như một số yếu tố đồ họa nhất định được nâng cấp một cách tỉ mỉ, để làm phai mờ đi “dấu vết thời gian”.
Tuy nhiên, nâng cấp đồ họa cũng không dừng lại trong game, mà những đoạn cắt cảnh (cutscene), phim cinematic của Quake 2 cũng được nâng độ phân giải lên và làm lại hoàn toàn dưới định dạng “Full HD”!
Âm thanh trong game cũng được nâng cấp lên đáng kể khi hiệu ứng âm thanh, môi trường được giải nén và làm lại tương đối nhiều, nhưng vẫn giữ được cái “hồn” kinh điển của game. Nhưng nâng cấp quan trọng nhất của Quake 2 là các bản nhạc (soundtrack) kinh điển, cực đỉnh của nghệ sĩ Sonic Mayhem (nghệ danh của Sascha Dikiciyan, một nhà soạn nhạc kiêm sản xuất và sáng tạo âm thanh người Đức – NV) giờ đây có thể được thưởng thức với chất lượng vô cùng cao cấp!
Nghe, nhìn còn chưa đủ, Quake 2 bản “tút lại” còn được chỉn chu lại lối chơi thêm chút đỉnh, khi các lựa chọn hỗ trợ khiếm khuyết thị lực và thính lực được cung cấp thêm, cũng như các yếu tố trải nghiệm người dùng dù nhỏ nhưng hết sức đắc lực như “hit marker”, kim chỉ nam và bánh xe trang bị cũng được thêm vào game, và hoàn toàn có thể bỏ đi nếu người chơi thích một trải nghiệm thuần túy và kinh điển hơn.
Game thậm chí còn phục hồi những cơ chế A.I (trí thông minh nhân tạo) tiên tiến hơn để áp dụng cho kẻ thù, cũng như cho người chơi mở độ khó cao nhất ngay từ đầu, khiến cho trải nghiệm và thử thách của Quake 2 hào hứng và tự do hơn!
Nghe, nhìn, hỗ trợ trải nghiệm còn… chưa đủ! Quake 2 bản “tút lại” còn mang lại cho người chơi không chỉ một, hai mà tận ba bản mở rộng cho game, kèm theo đó là phiên bản Nintendo 64 hết sức đặc biệt giờ đây dược đưa lên các hệ máy hiện đại!
Về các bản mở rộng, hai bản mở rộng gốc của game là Reckoning và Ground Zero đều được nâng cấp một cách tỉ mỉ, nhưng vì đội ngũ phát triển trung thành với phiên bản cũ nên những vấn đề của hai bản mở rộng này vẫn hiện hữu trong game, đặc biệt là Ground Zero với thiết kế màn chơi trùng lặp và kẻ thù nhàm chán!
Tuy nhiên, Call of the Machine lại là một câu chuyện hoàn toàn khác! Đây là một bản mở rộng mới hoàn toàn, được nhào nặn bởi Machine Games – đội ngũ đằng sau các tựa game Wolfenstein mới, và là một bản mở rộng hết sức xuất sắc!
Call of the Machine tận dụng tối đa công nghệ mà engine mới mang lại, khi mang đến những môi trường thú vị và độc lạ nhất trên nền tảng Quake 2, cũng như một lượng kẻ thù vô cùng đông và hung hãn để người chơi thẳng tay “xả stress”!
Còn về phía Quake 2 64, mặc dù được gọi là một bản “port” (chuyển hệ) nhưng thực ra đây là một tựa game hoàn toàn mới, với những màn chơi được thiết kế cô đặc hơn để hệ máy Nintendo 64 kham nổi. Điều này dẫn tới việc Quake 2 64 vẫn bám theo mô hình màn chơi cũ và thậm chí là chạy trên engine… Quake 1.
Việc đưa Quake 2 64 lên các hệ máy hiện đại là một quá trình khó khăn, nhưng đội ngũ phát triển vẫn làm khá tốt và nhìn chung là vẫn giữ được cái hồn của game, nhưng công nghệ mới vẫn không thể “cứu” được một số hạn chế về mặt kĩ thuật của game như A.I kẻ thù đơn giản hay hiệu ứng băng “giả trân”.
Nếu bằng một cách nào đó, tận bốn trải nghiệm Quake 2 kia vẫn chưa làm đã “cơn khát” của các fan cứng, thì game còn có một bí mật cuối cùng: cho phép người chơi vào id Vault để đọc những thông tin bên lề vô cùng thú vị về quá trình phát triển game!
Quake 2 bản “tút lại” còn mang lại cho người chơi không chỉ một, hai mà tận ba bản mở rộng cho game, kèm theo đó là phiên bản Nintendo 64 hết sức đặc biệt