Resident Evil 4: Separate Ways – Thường thì với các bản nội dung tải thêm về DLC (Downloadable Contents), Vietgame.asia rất ít khi nào lên một bài đánh giá riêng biệt, bởi lẽ hầu hết các bản DLC đều chỉ là một phần “cơm thêm” vô thưởng, vô phạt với rất ít những thay đổi mang tính chất quyết định tới cốt truyện và lối chơi của phần game chính.
Tất nhiên là cũng có một vài ngoại lệ, đặc biệt là khi những bản DLC này quá xuất sắc như The Witcher 3: Wild Hunt – Blood and Wine, hay thậm chí còn vượt qua cả phiên bản chính thức trước đây như Cyberpunk 2077: Phantom Liberty.
Cũng tương tự như hai ví dụ vừa nêu ở trên, gần đây, Capcom đã cho ra mắt phiên bản DLC Resident Evil 4: Separate Ways, một phần chơi mở rộng cho cốt truyện của Resident Evil 4 Remake với nhân vật chính là cô nàng điệp viên Ada Wong tương tự như với phần game nguyên bản ra mắt hồi năm 2005, nhưng với một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và đầy ấn tượng, gần như “lật đổ” mọi trải nghiệm trong phần chơi chính trước đây để đi theo một lối diễn dịch hoàn toàn mới những nội dung đã cũ.
Vậy Capcom đã làm gì để tạo ra sự cuốn hút cho một DLC đến như vậy?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau, các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Một trải nghiệm rất khác!
Trên thực tế, ý tưởng đưa Ada Wong vào một phần chơi của riêng mình không phải là mới. Lần đầu tiên cô nàng xuất hiện dưới dạng nhân vật chơi được (Playable Character) là trên phiên bản Resident Evil 2 ra mắt hồi năm 1998 trong phần chơi (đĩa chơi) của nhân vật Leon và sau đó là màn “tái xuất” The Separate Ways trên phiên bản Resident Evil 4 cũ ra mắt năm 2005.
Đó cũng là một cách mà Capcom “tận dụng” các mô hình và khung cảnh để kéo dài thời lượng của trò chơi và đem đến cho game thủ một góc nhìn khác về những sự kiện khó thể hiện dưới góc nhìn nhân vật chính, một kho tàng tiềm năng cho các “lore thủ” đào bới thông tin để xây dựng nên thế giới trong game theo một cách chi tiết và logic nhất.
Mặt khác, cũng bởi đây chỉ là những màn chơi “cơm thêm”, mà cảm nhận của người viết đối với chúng là khá nhạt nhòa dù là ở trong lần chơi đầu tiên. Một phần bởi vì chúng không có khác biệt gì nhiều so với phần chơi chính từ cách hành động, chiến đấu, cho đến giải các câu đố.
Một phần khác đến từ thời lượng của phần chơi này thật sự ngắn, thường chỉ trong khoảng 1 đến 2 giờ đồng hồ mò mẫm là bạn đã có thể hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ của trò chơi. Điều này cũng khiến cho nhân vật phụ như Ada Wong trở nên nhạt nhòa và chưa kịp đem đến các tác động về mặt cảm xúc đối với người chơi.
Thế nhưng với phiên bản DLC Resident Evil 4: Separate Ways mới ra mắt gần đây, đội ngũ phát triển game của Capcom đã đem đến một phần chơi khác biệt hoàn toàn với phiên bản gốc hồi năm 2005, thậm chí là có sự thay đổi về phong cách đáng kể so với phiên bản chính ra mắt hồi đầu năm nay.
Ngay từ phần mở đâu, DLC chào đón bạn với một màn “giải cứu con tin” đậm chất điện ảnh của Ada Wong cùng một con “trùm phụ” (mini boss) Black Robe với khả năng tạo ra các bóng mờ làm nhiễu loạn mục tiêu tác xạ của bạn, và sau đó, là một màn chơi “gián điệp” vô cùng đặc sắc chưa từng thấy trong dòng game từ trước đến giờ.
Đội ngũ biên kịch đã vô cùng trách nhiệm khi làm lại toàn bộ phần chơi có phần nhàm chán trong phiên bản gốc này bằng cách đẩy nhịp độ và không khí lên cao trào ngay từ những phút đầu game với đoạn cắt cảnh đầy chất điện ảnh, thể hiện rõ ràng cá tính có phần lông bông của Luis Sera, hay niềm yêu thích mạo hiểm nhưng vẫn giữ được “cái đầu lạnh” của Ada Wong.
Nối tiếp theo đó là một màn chơi rộng rãi với phong cách hành động lén lút đi xuyên qua cả toà lâu đài với hàng tá dân làng bị kiểm soát bởi ký sinh trùng với tiếng lầm bầm rợn người như thể luôn có một kẻ nào đó chực chờ nhảy xổ ra “làm thịt” bạn với một con dao hay một cây liềm bén nhọn.
Màn “khởi động” có phần ngoạn mục này gần như thay thế hoàn toàn cho sự khởi đầu chậm rãi khi Ada Wong bước vào ngôi làng từ một hướng khác, dễ dàng xuyên qua những khu vực vắng vẻ rồi đi… rung chuông giải cứu cho Leon trong tình cảnh đang bị đám dân làng bao vây và bị tên Chainsaw Man (Người Cưa) truy đuổi, và cũng từ đó, cảm xúc của người chơi cũng bị “thao túng” theo đúng phong cách một tựa game kinh dị, điều mà Capcom đã làm rất tốt với những tựa game Resident Evil mà hãng cho ra mắt gần đây như Resident Evil 7: Biohazard hay Resident Evil Village.
Đội ngũ biên kịch đã vô cùng trách nhiệm khi làm lại toàn bộ phần chơi có phần nhàm chán trong phiên bản gốc này bằng cách đẩy nhịp độ và không khí lên cao trào ngay từ những phút đầu game
Khác với phiên bản gốc ra mắt hồi năm 2005 với một Ada Wong thậm chí còn “Rambo” hơn cả Leon, càn quét tất cả những kẻ cản đường bằng vũ khí hạng nặng, thì đến với phiên bản Resident Evil 4: Separate Ways ra mắt lần này, cô nàng Ada Wong được thiết kế đúng chất điệp viên hơn, với các màn chơi được đội ngũ làm game thiết kế vô cùng tài tình để “ép” game thủ phải đi theo hướng hành động lén lút.
Trên thực tế, đây vẫn là những màn chơi cũ đầy quen thuộc trong phần chơi chính, nơi mà Leon vẫn chạy loanh quanh, bắn đì đùng với kẻ thù của mình, nhưng đã được thiết kế lại cả về bố trí, đối thủ, cũng như các loại vũ khí để ủng hộ tối đa cho lối chơi hành động lén lút của Ada Wong.
Chẳng hạn như khẩu súng móc câu bất ly thân của Ada không chỉ được dùng để vượt qua một vài khu vực được sắp đặt sẵn như trong phiên bản gốc, mà nó còn có thể được dùng để “bắt” đối thủ từ xa, để đu bám thoát khỏi các cuộc truy đuổi, hay để giúp bạn leo lên các vị trí cao hơn, giúp quan sát màn chơi dễ dàng hơn.
Dĩ nhiên là nếu muốn Rambo, bạn vẫn có thể hoàn toàn làm được, thế nhưng trò chơi sẽ trở thành “địa ngục” ngay cả với chế độ dễ nhất khi hàng tá kẻ thù bao vây càn quét bạn từ mọi hướng, cùng với máy bắn đá cứ liên tục “nã đạn” vào đầu bạn đem đến mức sát thương hàng khủng, buộc bạn phải tải lại phần lưu với chỉ 2 phát đạn mà thôi.
Điều này “ép” bạn phải quan sát cẩn thận toàn bộ màn chơi từ vị trí trên cao bằng ống nhòm, phân tích cẩn thận quy luật “đổi ca” của các con quái để có thể “xử êm” chúng và đạt đến mục tiêu theo cách đơn giản nhất trong một bầu không khí ngột ngạt và có phần đặc quánh với những tiếng rên rền rĩ của một tựa game kinh dị.
Điều này đẩy chất kinh dị của tựa game lên cao trào, vượt qua cả những tựa game hành động lén lút thuần tuý, thế nhưng cũng chính yếu tố “lén lút” này vẫn buộc người chơi phải giữ được “cái đầu lạnh” trong mọi trường hợp để có thể xử lý phù hợp.
Các câu đố cũng được thiết kế lại cho phù hợp với bối cảnh mới và lối chơi mới, vẫn rất thích hợp cho người chơi “động não”, nhưng lại cần thêm cả một chút nhanh tay lẹ mắt xử lý trong những tình huống cấp bách.
Chẳng hạn như câu đố đặt ra ngay từ đầu game thúc ép người chơi phải tìm cách đánh hạ cỗ máy bắn đá đang không ngừng nã đạn vào đầu bạn thông qua sử dụng các bố trí sẵn có ở hiện trường, đồng thời, phải tránh né hàng đàn hàng lũ kẻ địch hung mãnh và cả những luồng lửa đạn rời từ trên trời xuống.
Về mặt cốt truyện, rất nhiều yếu tố còn bỏ ngỏ trong phần chơi chính đã được “lấp hố” hoàn chỉnh với nhiều yếu tố được thêm thắt vô cùng phù hợp, đem đến nhiều “đất diễn” hơn cho cả Luis Sera và Ada Wong, thể hiện đầy đủ tính cách của hai nhân vật này.
Nhìn chung, sự đổi mới về căn bản trong lối chơi của Resident Evil 4: Separate Ways là vô cùng ấn tượng. Nó không chỉ khắc họa rõ nét nhân vật Ada Wong qua một trải nghiệm hoàn toàn mới, mà còn đem lại hứng thú cho game thủ, kể cả các game thủ kỳ cựu đã từng chơi qua phiên bản nguyên gốc hồi năm 2005, để khám phá một khía cạnh mới của tuyến cốt truyện chính theo một góc độ khác biệt.
BẠN SẼ GHÉT
Hơi ít các trận đấu kịch tính!
Nếu có một vấn đề mà người viết cảm thấy tiếc nuối với DLC Resident Evil 4: Separate Ways chính là người chơi có quá ít các trận đấu kịch tính.
Thật vậy, với lối chơi hầu hết là các màn hành động lén lút, bạn sẽ chẳng có quá nhiều cơ hội để có thể “khai hoả” các khẩu súng của mình, ngoại trừ các trận đánh trùm.
Thế nhưng trên thực tế, các con trùm lại có phần hơi… yếu đuối và thiếu đi một chút kịch tính. Có lẽ chủ yếu là do Ada phải để lại chúng cho Leon “xử lý” trong phần chơi chính chăng?
Chẳng hạn như con trùm Black Robe khá nhàm chán nếu như bạn tìm ra quy luật và bấm nút hợp lý, con trùm El-Gigante lại là một loạt những màn đu – nhảy, con trùm Test Subject chỉ là màn rượt đuổi đơn thuần, hay thậm chí con trùm U-3 vắng mặt trong phần chơi chính của Leon so với phiên bản gốc ra đời năm 2005 cũng có phần “dễ thở” với kho vũ khí có phần đồ sộ hơn của cô nàng Ada Wong.
Nếu nói về “khó nhằn”, họa may chỉ có “trùm cuối” Saddler thoả mãn phần nào được cảm giác “thèm chiến đấu” này.
Thế nhưng tựu chung lại, vấn đề này cũng khá nhỏ và không gây ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm tổng thể của bạn với Resident Evil 4: Separate Ways, dù đây chỉ là một DLC “cơm thêm” đơn thuần.
Nếu có một vấn đề mà người viết cảm thấy tiếc nuối với DLC Resident Evil 4: Separate Ways chính là người chơi có quá ít các trận đấu kịch tính