Lotus Lantern: Rescue Mother – Trong khoảng 10 năm trở lại đây, cụm từ “Rogue-like” hẳn đã không còn xa lạ gì với đại bộ phận game thủ trên thế giới.
Về bản chất, “Rogue-like” không phải là một “thể loại game” (genre) mà nói chính xác hơn, nó là một phong cách thiết kế game cách tân và sáng tạo. Nếu các game truyền thống thường sẽ có lộ tuyến phát triển nhân vật rõ ràng, cốt truyện dẫn dắt mạch lạc, mọi thứ được dày công thiết kế sắp đặt – thì Rogue-like lại thực hiện gần như… 180 độ ngược lại, khi tất cả mọi yếu tố trong các game dạng này (đặc biệt là thiết kế màn chơi) có tính ngẫu nhiên rất cao.
Rogue-like thường nhấn mạnh vào khía cạnh nâng cao trải nghiệm của người chơi cho mỗi lần chơi lại. Có thể là cùng nhân vật đó nhưng với một cách xây dựng kỹ năng khác, một bố cục màn chơi khác, hoặc một lựa chọn khác với lượt chơi trước đó – thì trải nghiệm và kết quả có thể hoàn toàn khác biệt.
Rogue-like có thể được lồng ghép vào rất nhiều thể loại game khác nhau và đáng ngạc nhiên là thường có kết quả rất tích cực. Chẳng hạn như dạng xây dựng bộ bài theo lượt ta có Slay the Spire, chặt chém hành động thì có Hand of Fate, chiến thuật trên ô thì có Days of Doom, hoặc nhập vai hạnh động thì có Hades.
Nhắc đến Hades thì hầu như không thể bỏ qua những mỹ từ khen ngợi hào nhoáng như “game hành động nhịp độ nhanh”, “hệ thống chiến đấu đa dang”, “thử thách cao nhưng không nhàm chán”… Chính vì vậy nên cũng không ít các hãng game khác muốn học theo sự thành công này, dù đó là các hãng game Âu, Nhật hoặc thậm chí là các “pháp sư Trung Hoa” vốn đã quá nổi danh với kỹ năng “clone-jutsu” thần sầu.
Đến từ hãng Unstable Games, Lotus Lantern: Rescue Mother chính là một ví dụ cụ thể khi mà chỉ cần thoạt nhìn qua ta đã thấy rất rõ dáng dấp của Hades trong đó, dù game cố làm khác đi về nhiều mặt. Tuy vậy, bản thân Lotus Lantern: Rescue Mother cũng sở hữu nhiều điểm khác biệt rất thú vị, cho thấy sự đầu tư nhất định của hãng chứ không hẳn là “tắt não sao chép”.
Vậy thì Lotus Lantern: Rescue Mother có gì hay, giống và khác Hades ở điểm nào? Mời bạn đọc cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau.
(**) Người viết chủ động dịch một số tên nhân vật và khái niệm sang tiếng Hán Việt cho dễ hiểu và dễ liên tưởng.
BẠN SẼ THÍCH
Cốt truyện – bối cảnh thú vị!
Lotus Lantern: Rescue Mother lấy bối cảnh và cốt truyện từ bộ phim truyền hình dài tập Bảo Liên Đăng khá thịnh hành tại Việt Nam vào những năm 2000. Cốt truyện xoay quanh Trầm Hương, đứa con trai của Long Nữ và một phàm nhân – đây vốn là điều cấm kỵ của Thiên đình nên dù không muốn, anh trai của Long Nữ là Nhị Lang Thần Dương Tiễn vẫn phải giam cầm em gái mình trên đỉnh Hoa Sơn.
Khác một chút với cốt truyện nguyên bản, trong Lotus Lantern: Rescue Mother Trầm Hương được Bát Tiên cứu thoát, và sau đó được Tôn Ngộ Không (lúc này đã là Đại Thánh Đấu Chiến Thắng Phật) nhận làm đệ tử. Tu luyện dưới sự chỉ bảo của đại yêu hàng đầu, khi lớn lên Trầm Hương đã có đủ sức mạnh và nung nấu ý định giải cứu cho mẹ mình.
Với bảo bối Bảo Liên Đăng trong tay, Trầm Hương trải qua một hành trình gian nan khi phải đối đầu với sự cản trở của cả yêu tộc lẫn Thiên đình. Vẫn hơi khác so với nguyên tác, trong Lotus Lantern: Rescue Mother Trầm Hương nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các vị trong Bát Tiên như Hà Tiên Cô, Lữ Động Tân…
Với một cốt truyện quen thuộc, Lotus Lantern: Rescue Mother đã khéo léo thêm thắt khá nhiều “gia vị” mới, đồng thời cũng dày công lồng tiếng (Hoa ngữ) vào hầu hết các hội thoại trong game, khiến người chơi dễ dàng cảm thụ được bối cảnh độc đáo của Lotus Lantern: Rescue Mother.
Tương tự như Hades, ngay từ đầu người chơi đã nắm rõ hành trình và kết cục của Lotus Lantern: Rescue Mother – điều khác biệt chẳng qua là làm sao để đi từ A đến B, và những tao ngộ gì sẽ xuất hiện giữa đường mà thôi.
Với một cốt truyện quen thuộc, Lotus Lantern: Rescue Mother đã khéo léo thêm thắt khá nhiều “gia vị” mới
Trải nghiệm Rogue-like chất lượng!
Tương tự như Hades, hành trình của Trầm Hương trong Lotus Lantern: Rescue Mother luôn bắt đầu từ cung điện của Tôn Ngộ Không và trải qua hàng loạt các màn chơi với bối cảnh khác nhau như bìa rừng, yêu cung, hồ ngàn đảo, thiên giới…
Tuy vậy, do đặc thù Rogue-like nên mỗi lần chơi lại, bố cục các màn chơi sẽ có khác biệt đôi chút – và chủ yếu vẫn là lựa chọn “phòng kế tiếp” sẽ chứa cái gì. Đó có thể là bí kíp để cường hóa loại võ công Trầm Hương đang dùng, có thêm pháp bảo mới, hoặc thêm thuộc tính nguyên tố cho các đòn đánh…
Đầu mỗi lượt chơi, người chơi có thể chọn sử dụng một loại võ công sẽ đi theo xuyên suốt lượt chơi đó. Ban đầu Trầm Hương chỉ có thể chọn Vạn Kiếm Quy Tông với lối chơi chặt chém cận chiến (với hàng chục thanh kiếm khi bay tán loạn xung quanh) hoặc Bảo Bình Ấn với phong cách chiến đấu tầm xa điều khiển các quả cầu phép. Về sau người chơi sẽ có thể mở khóa thêm nhiều loại võ công mới, đa dạng hóa trải nghiệm và chọn cho mình tác phong chiến đấu phù hợp nhất.
Chính vì tính ngẫu nhiên và đa dạng cao như vậy, hầu như mỗi lần chơi lại với người chơi đều là một trải nghiệm mới mẻ
Ngoài võ công, Trầm Hương còn có thể chọn mang theo một loại pháp bảo trong một danh sách khá dài. Pháp bảo vừa cung cấp những nội tại hữu ích (giảm thời gian hồi chiêu, tăng sát thương…), vừa có thể kích hoạt những công năng đặc biệt (gây sát thương, tăng tốc độ…), vì vậy chọn pháp bảo nào cho phù hợp với dạng võ công cũng là một kiến thức phải trau dồi.
Chính vì tính ngẫu nhiên và đa dạng cao như vậy, hầu như mỗi lần chơi lại với người chơi đều là một trải nghiệm mới mẻ. Ngoài các tài nguyên tạm thời sẽ mất khi bị “GAME OVER”, Lotus Lantern: Rescue Mother còn có các loại tài nguyên cố định có thể mang về được. Chúng chủ yếu là các loại bảo thạch hoặc linh khí dùng để nâng cấp các bổ trợ vĩnh viên (tăng chỉ số, giảm sát thương phải chịu…) trong Bảo Liên Đăng, hoặc mở khóa các pháp bảo và võ công mới.
Nhịp độ chiến đấu hấp dẫn!
Tương tự như Hades, Lotus Lantern: Rescue Mother cũng cố gắng cô đọng khâu điều khiển của mình gói gọn trong các thao tác đánh thường (chuột trái), dùng tuyệt chiêu của võ công đang chọn (chuột phải), kích hoạt pháp bảo (1, 2, 3, 4) và lướt (Spacebar).
Tùy vào dạng võ công đang chọn là đánh xa hay cận chiến, tốc độ nhanh hay chậm, thuộc dạng phải “spam chuột” hay nhắm kỹ càng… mà người chơi Lotus Lantern: Rescue Mother phải thích ứng cho phù hợp. Tuy độ khó trong Lotus Lantern: Rescue Mother không cao như Hades do thiếu vắng các loại sát thương từ môi trường như biển dung nham hay cạm bẫy, nhưng rõ ràng game vẫn không dành cho các game thủ “lơ tơ mơ” với phản xạ chậm chạp.
Lotus Lantern: Rescue Mother nhấn mạnh yếu tố tiên hiệp của mình bằng việc sử dụng rất nhiều hiệu ứng chiến đấu mãn nhãn, chẳng hạn như mỗi nhát chém sẽ sinh ra một thanh kiếm khí tự bay và tấn công kẻ địch. Khi số kiếm khí đạt đến một mật độ nhất định, người chơi có thể “ngự kiếm” điều khiển chúng tập trung bay vèo vèo vào một kẻ địch chỉ định, hoặc tán xạ ra tứ phía rất đẹp mắt.
Kẻ địch trong Lotus Lantern: Rescue Mother cũng tương đối đa dạng, từ những con yêu quái ù lì cục mịch nhưng đấm phát nào đau phát đó, cho đến bọn tiểu yêu nhanh nhẹn vừa chạy vừa ném bom cực kỳ khó chịu. Những con trùm màn như Yêu Thố hoặc Hổ Vương cũng được thiết kế rất chỉn chu, vừa phù hợp với đặc tính của loại yêu quái đó, vừa tạo ra nhiều thử thách khiến người chơi phải tập trung học thuộc đường lối ra đòn của chúng.
Lotus Lantern: Rescue Mother nhấn mạnh yếu tố tiên hiệp của mình bằng việc sử dụng rất nhiều hiệu ứng chiến đấu mãn nhãn
BẠN SẼ GHÉT
Độ khó không cao
Tuy nghe có vẻ hơi “sai sai”, nhưng độ khó trung bình trong Lotus Lantern: Rescue Mother thật sự không quá cao. Một người chơi “cứng tay” có thể dễ dàng qua ải đầu tiên (Yêu Thố) chỉ trong một lần chơi – điều này nghe có vẻ cũng không to tát gì, nhưng nếu xét đến đặc tính cố hữu của dạng Rogue-like là thiết kế để khiến người chơi phải thua trên dưới ba lần mới qua nổi ải đầu; thì đây lại không ổn chút nào.
Kẻ địch trong Lotus Lantern: Rescue Mother tuy đa dạng, nhưng đại khái cũng chỉ loanh quanh trong hai dạng đánh xa và cận chiến. Chúng cũng không có nhiều chiêu trò gì đáng kể, nên hầu như chỉ cần để ý né được đòn đánh đầu tiên là người chơi có thể thong thả “làm cỏ” cả lũ mà chẳng phải dính lấy một đòn nào.
Việc thiếu vắng các cạm bẫy hay môi trường nguy hiểm, cũng như kết cấu một màn chơi khá trống trải cũng là yếu tố khiến độ khó của Lotus Lantern: Rescue Mother giảm mạnh. Người chơi hầu như luôn có rất nhiều không gian để di chuyển và né tránh – điều này khiến cho các loại võ công đánh xa đặc biệt hiệu quả khi người chơi luôn có khoảng cách an toàn và thoải mái “xả chiêu” không cần suy nghĩ.
Lotus Lantern: Rescue Mother cũng không có nhiều những thử thách kiểu “tăng độ khó, tăng phần thưởng” như trong Hades. Điều này khiến cho việc lựa chọn phòng kế tiếp là cái gì cũng không quan trọng mấy, vì hầu như người chơi không bao giờ phải hối hận vì chọn sai đường cả.
Việc thiếu vắng các cạm bẫy hay môi trường nguy hiểm, cũng như kết cấu một màn chơi khá trống trải cũng là yếu tố khiến độ khó của Lotus Lantern: Rescue Mother giảm mạnh
Nhiều sạn khó chịu!
Một vấn đề muôn thuở của game do hãng Trung Quốc làm, đó là khi chuyển ngữ sang tiếng Anh thì hầu như họ không bao giờ căn chỉnh lại về bố cục và dàn khung. Do kích thước Hán tự thường rất nhỏ, nên nhiều khi một câu rất ngắn của họ lúc dịch qua định dạng Alphabet lại dài ra gấp 2, 3 lần.
Điều này thể hiện rất rõ trong Lotus Lantern: Rescue Mother, đặc biệt là trong các khung hiển thị tên của đồ vật hoặc kỹ năng. Bảo Liên Đăng trong Hán tự chỉ có ba chữ vuông vuông, nhưng dịch ra tiếng Anh thành Lotus Lantern thì kích thước sẽ phình ra gấp đôi. Việc này khiến cho tình trạng chữ bị tràn ra khỏi khung hoặc các đoạn hội thoại không hiển thị hết chữ là “như cơm bữa” trong Lotus Lantern: Rescue Mother.
Đồ họa trong Lotus Lantern: Rescue Mother cũng hơi bị “lệch pha”, khi mà các phần 2D như hình ảnh nhân vật đều rất trau chuốt và tỉ mỉ (các nhân vật nữ đặc biệt “mlem”) thì mảng 3D, đặc biệt là màn chơi và các công trình lại… thô sơ và nghèo nàn đến kỳ lạ. Nhiều chỗ nhìn các cột trụ hay đá tảng giống như là đem thẳng một khối cơ bản “thảy” vào trong màn luôn chứ không thèm gắn vân bề mặt hay chạm trổ chi tiết gì.
Ngoài ra thì môi trường và cảnh trí trong Lotus Lantern: Rescue Mother cũng khá nhàm chán, khi mà quanh quẩn lại chỉ toàn là vườn đào, thác hồ, hang núi… với mật độ tái sử dụng khá nhiều.
Có thể nói hầu như chúng chỉ có giá trị để xây dựng màn chơi và đường đi, chứ hoàn toàn chẳng ai quan tâm đến việc tái hiện bối cảnh hay thiết kế cảnh quan có tính thẩm mỹ hay nghệ thuật gì ráo.
môi trường và cảnh trí trong Lotus Lantern: Rescue Mother cũng khá nhàm chán, khi mà quanh quẩn lại chỉ toàn là vườn đào, thác hồ, hang núi… với mật độ tái sử dụng khá nhiều