Space Marine 2 – “Họ là những chiến binh tinh nhuệ của ta, những kẻ nguyện dâng hiến bản thân cho ta. Từ đất sét, ta tạo ra họ, và lò lửa chiến tranh sẽ rèn giũa họ. Họ sẽ có một ý chí sắt đá và một cơ thể đanh thép. Được mặc những bộ chiến giáp tốt nhất, trang bị những vũ khí mạnh mẽ nhất, họ sẽ trở nên bất bại trước thương tích hoặc dịch bệnh. Họ chiến đấu theo những chiến thuật tinh vi, hành quân cùng những cỗ máy chiến tranh mà không kẻ thù nào có thể đánh bại. Họ sẽ là bức tường vững chãi nhất của Nhân loại chống lại bọn Hỗn Mang. Họ là những Space Marine của ta, họ không bao giờ biết đến sự sợ hãi.” – Hoàng Đế Nhân Loại.
Thấm thoắt đã 13 năm kể từ ngày người hâm mộ lần đầu tiên được “xỏ chân” vào những bộ giáp của các siêu chiến binh trong Warhammer 40,000: Space Marine ra mắt vào năm 2011, những tưởng lần đầu tiên đó cũng là lần cuối khi Relic Entertainment tuyên bố phá sản…
Tuy nhiên, như tuyên ngôn của các Space Marine (hay còn gọi là Adeptus Astartes): “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu chừng nào còn thở!” – Space Marine một lần nữa trỗi dậy trong Warhammer 40,000: Space Marine 2 để những “thần dân” của Đế chế Nhân loại lại được hóa thân vào những Thiên Thần của Hoàng Đế Nhân Loại trong biên niên sử hào hùng của vũ trụ Warhammer 40,000.
Liệu với sự chuyển giao thương hiệu đến với Saber Interactive – một nhà phát triển không quá nổi tiếng khi chỉ mới có với một vài thương hiệu “ăn theo phim”, thì có đảm bảo được trải nghiệm tuyệt vời nhất như Relic đã từng làm?
Câu trả lời về chất lượng có lẽ chẳng cần Vietgame.asia phải chứng minh nữa, khi ngay trong ngày đầu phát hành đã có đến hơn 2 triệu game thủ “tham chiến” Warhammer 40,000: Space Marine 2 đã là quá đủ.
BẠN SẼ THÍCH
CHỈ CÓ CHIẾN TRANH!
Mặc dù vấp phải quá trình phát triển rất đỗi gian nan, lại còn bị “lộ” một phiên bản “chơi được” trước ngày ra mắt tận một năm, nhưng có lẽ những lời hứa hẹn của Saber Interactive không hề là “một lời nói suông”, bởi những trải nghiệm mà phiên bản chính thức mang lại sẽ vô cùng chất lượng!
Bản thân người viết từng là một fan cuồng nhiệt của Relic Entertainment, với bộ sưu tập đầy đủ tất cả các phiên bản Warhammer 40,000: Dawn of War (dòng game chiến thuật) và đặc biệt là cả phiên bản nhập vai hành động Space Marine (ra mắt vào năm 2011), nên sự kỳ vọng cao cho Space Marine 2 là điều dễ khiến người viết “rơi vào đáy vực” thất vọng nếu chất lượng phiên bản này chỉ ở mức “làng nhàng”.
Space Marine 2 đã từ chối sự nghi hoặc này, giẫm đế giày lên “xu thế woke” đang làm vấy bẩn ngành game và đưa người chơi đến những cuộc chiến bất tận và hoành tráng đến mức điên rồ mà thiết nghĩ chỉ những cảm từ thể hiện cảm xúc tột đỉnh như “epic”, “không tưởng”, “tráng lệ”, “điện ảnh”… mới có thể thể hiện được hết những trầm trồ của người chơi trong xuyên suốt quá trình trải nghiệm mục chơi đơn của Space Marine 2.
Sự hoành tráng đỉnh nóc này như “vồ” lấy người chơi chỉ sau 15 phút bước chân vào game, làm sống dậy những cảm xúc hào hùng nhất của 13 năm trước. Điều này có được phần nhiều là nhờ đến nền đồ họa tân tiến dựng trên Swarm Engine, đã từng được ứng dụng cho World War Z.
Hàng đàn Tyranid với số lượng lên đến… hàng chục nghìn cá thể, liên tục tràn vào chiến trường chỉ trong một khung hình với đầy đủ cháy nổ rung trời, đạn bắn xối xả và những dòng máu tung tóe vấy lên hết giáp khi người chơi “vung cưa”, quả thực quá ấn tượng!
Độ chi tiết trong các phân cảnh chiến đấu từ những con Tyranid nhỏ cho đến những con trùm khổng lồ với số lượng rất lớn, cứ ùa vào chiến trường là cực kỳ đáng kinh ngạc! Ngay cả khi bật chế độ photo-mode để có những góc camera cận cảnh hơn thì phải khẳng định rằng nền đồ họa của Space Marine 2 là không một tì vết. Những bộ giáp bóng bẩy của quân đoàn Adeptus Astartes ngày càng lỗ chỗ nhiều hơn những vết đạn, đến những nếp nhăn hằn lên khuôn mặt từng trải của nhân vật chính Titus, càng khắc họa sắc nét sự khốc liệt của chiến trường!
Hay đỉnh nhất, có lẽ là phân màn người chơi được tham chiến trên hành tinh Avarax – công xưởng của Đế chế Nhân loại. Khi đặt chân đến đây, người viết cam đoan bạn đọc sẽ phải bỡ ngỡ trước một thành phố tráng lệ đang ngập chìm trong khói lửa bởi bầy đàn Tyranid; quả thực khiến người viết không thể thốt nên lời bởi nó quá đẹp, quá bi tráng và cũng quá khốc liệt!
Space Marine 2 bày ra cho người chơi rất nhiều chiến trường trải khắp ba hành tinh, với sự hoành tráng không những không thuyên giảm mà ngày càng điên rồ hơn, ấn tượng hơn và còn tôn vinh lại những khoảnh khắc “biểu tượng” của Warhammer 40,000, như màn dựng cờ tập hợp binh lực tử thủ trước hằng sa số kẻ thù, túa ra từ cổng dịch chuyển.
Space Marine 2 bày ra cho người chơi rất nhiều chiến trường trải khắp ba hành tinh, với sự hoành tráng không những không thuyên giảm mà ngày càng điên rồ hơn, ấn tượng hơn
Điều đáng khen là với chất lượng đồ họa cực cao của mình, Warhammer 40,000: Space Marine 2 lại hoạt động vô cùng mượt mà mà không hề gặp các tình trạng giật lắc, trồi sụt khung hình liên tục, có phần còn nhẹ hơn cả Black Myth: Wukong đang “làm mưa,làm gió” thời gian vừa qua.
Chỉ với một cấu hình tầm trung với chip xử lý Core i5 12th và card đồ họa tầm Nvidia RTX 3060 Ti hoặc AMD 6700XT trở lên, là người chơi đã có thể “phà phà” ở thiết lập cao ở độ phân giải “Full HD”. Còn nếu với chuẩn 4K HDR thì có lẽ bạn đọc cần nâng cấp lên RTX 4070 hoặc 7800XT.
Cũng cần nói thêm, rằng những diễn biến trong cốt truyện của Warhammer 40,000: Space Marine 1 & 2 không phải là “canon”, nghĩa là chúng hoàn toàn không diễn ra trong mạch truyện chính của thế giới Warhammer 40,000 chính thống, mà chỉ là phiên bản “fanfiction” được hư cấu dựa trên nền tảng thế giới của Warhammer 40,000. Do đó, tính đúng đắn trong bối cảnh của Space Marine 2 không nhất thiết phải quá bám sát các truyền thuyết (lore) từ Game Workshop.
SUPEME-ULTRA-OMEGA-GIGACHAD!
Thành công tiếp theo mà Saber Interactive làm được với Space Marine 2 chính là cảm giác hóa thân thành một Space Marine hầm hố, nay đã trở nên chân thực hơn bao giờ hết. Với sự trợ giúp của nền đồ họa tân tiến, những bộ giáp dày cộp của các Adeptus Astartes (tên gọi khác của Space Marine) nay đã có sức nặng rất rõ ràng trên từng bước chân, trong từng nhát chém hay những pha kết liễu tàn bạo.
Tinh thần không khoan nhượng, không đầu hàng như được đặc tả trong từng nhát búa sấm sét (Thunder Hammer) “long trời, lở đất” được Titus giáng xuống kẻ thù từ trên không, nhờ bộ động cơ đẩy phản lực trứ danh; Hay những phát đạn bắn như xuyên thủng cả không gian, biến kẻ thù trở về với hư không từ một khẩu Melta phải nói là sướng đến… run cả người!
Đó cũng là lý do mà người viết khuyến cáo bạn đọc nên chơi Space Marine 2 bằng một chiếc tay cầm có hệ thống rung giả lập tốt, nó sẽ mang đến một trải nghiệm nhập vai hành động sướng nhất có thể!
Để giữ được mạch hành động liên tục và mạnh bạo nhất, game luôn khuyến khích người chơi nhảy vào “băm xả” kẻ thù, bởi chỉ như vậy người chơi mới có thể đẩy những đơn vị lính tinh nhuệ của kẻ địch rơi vào trạng thái “thoi thóp” và triển khai đòn kết liễu. Với những đòn kết liễu này, người chơi không chỉ hồi được một lượng giáp đáng kể, mà còn hồi luôn cả một lượng “máu trắng” đã mất trong quá trình tả xung hữu đột.
Lượng “máu trắng” này sẽ chỉ tụt xuống sau tầm 3 giây sau khi trúng đòn, vừa tạo động lực thúc đẩy người chơi tiếp tục chiến đấu để hồi máu, vừa đẩy nhịp chiến đấu lên kịch nóc.
Ngoài ra, tùy vào loại vũ khí mà người chơi trang bị từ cận chiến (búa, kiếm, dao…) đến tầm xa (súng ngắn, súng trường, súng “thụt”…) mà cách người chơi “bán hành” cho kẻ thù cũng trở nên đa dạng hơn, không bắt buộc phải dính chặt với một phong cách chơi nhất định.
Người viết khá vừa ý với sự cân bằng trong cách phân bố thử thách để người chơi vừa phải cận chiến, vừa phải rút súng để “tỉa tót” kẻ thù mà không có một sự khiên cưỡng nào.
Kẻ thù cũng không phải là những “túi máu di động” để người chơi tập chém, chúng có số lượng rất đông và có thể chôn vùi người chơi bằng số lượng và độ hỗn loạn trong quá trình chiến đấu.
Nên nếu người chơi nghĩa rằng chỉ cần “spam” nút chém hay đơn giản là “xả đạn” thì chắc chắn là một ý tồi. Đó là lúc những cơ chế hỗ trợ mang tính then chốt như đỡ đòn, nhào lộn cơ bản lên tiếng.
Các đòn thế từ kẻ thù sẽ chỉ dừng lại ở hai loại ở quy mô cận chiến, gồm đòn đánh thường và đòn chí mạng.
Đòn đánh thường sẽ được biểu thị báo trước bằng một biểu tượng màu xanh và hoàn toàn có thể đỡ hoặc phản đòn nếu được căn chỉnh đúng lúc, còn với đòn chí mạng bắt buộc người chơi phải nhào lộn, né tránh liên tục. Đừng quá khinh địch, bởi cơ chế hỗ trợ hồi sức từ đồng đội chỉ có giới hạn và bạn có thể sẽ phải trả giá cho sự tự đắc của bản thân đấy!
Bên cạnh đó, trải nghiệm nhập vai chiến đấu trong bộ giáp Space Marine sẽ không chỉ được gói gọn trong chế độ chơi đơn dài tầm 10 tiếng, Space Marine 2 còn đó thêm hai chế độ chơi “dài hơi” khác để “chiêu đãi” người chơi gồm: Operations và Eternal War.
Với “Operations Mode”, người chơi có thể “solo” hoặc cộng tác cùng bạn bè bất kỳ lúc nào mà không cần phải hoàn thành chế độ chiến dịch, tương tự như huyền thoại Left 4 Dead. Những màn chơi trong Operations Mode sẽ là “bãi cày” để người chơi khám phá sâu hơn hệ thống “nhập-vai” của Space Marine 2.
Bạn không nghe nhầm đâu, game có một hệ thống nhập vai tương đối đơn giản, với một loạt các nâng cấp về mặt trang bị với cây kỹ năng riêng cho từng-món-vũ-khí một, chia theo từng cấp độ với mỗi cấp độ hay mỗi nâng cấp theo các nhánh khác nhau sẽ mang đến một ngoại hình “lung linh” hơn.
Tương tự với giáp trụ hay các thiết bị hỗ trợ như Jetpack, khiên, cờ hiệu… Với giáp trụ, tuy chủ yếu chỉ mang tính chất trang trí là nhiều, nhưng với rất nhiều tùy chọn trải dài từ rất nhiều binh đoàn, lớp nhân vật chia đều cho cả hai phe là Thousand Sons và Space Marine, nên rất ư là thỏa mãn những game thủ yêu “thời trang”.
Bạn nghĩ sao nếu mình được hóa thân thành một Black Templar siêu cấp trong bộ giáp đen trắng điểm vàng cực ngầu, với những trang bị cấp cao của một Chapter Master và cả một Relic rực sáng phía sau lưng, trên tay thì lăm lăm chiếc Thunder Hammer phiên bản Supreme hơn 9000 điểm sức mạnh? – Những nâng cấp này không chỉ “để cho vui”, bởi riêng với các thiết bị hỗ trợ có chỉ số sẽ không chỉ cho đẹp mà thực sự cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham chiến vào một đấu trường online hay PvE.
Trong Operations Mode này, số lượng màn chơi hiện tại chỉ đang dừng lại ở con số 6, tuy vậy vẫn là quá đủ để game thủ có thể “ngụp lặn” cùng hội anh em với những thử thách rất cao, đòi hỏi sự phối hợp không ngừng nghỉ. Mỗi người chơi sẽ phải chọn cho mình một lớp nhân vật nhất định trong tổng số 6 lớp gồm Tactical, Assualt, Vanguard, Bulwark, Sniper hay Heavy. Mỗi lớp nhân vật như đúng cái tên của chúng sẽ có những trang bị riêng, kho vũ khí riêng, kỹ năng đặc biệt riêng và phong cách chiến đấu cũng hoàn toàn tách biệt.
Thành công tiếp theo mà Saber Interactive làm được với Space Marine 2 chính là cảm giác hóa thân thành một Space Marine hầm hố, nay đã trở nên chân thực hơn bao giờ hết
Bối cảnh các màn chơi của Operations Mode cũng rất thú vị, khi những màn chơi này chính là một khu vực khác của cùng một mặt trận trong chế độ chiến dịch, diễn ra đồng thời và bạn sẽ là người nhận lệnh trực tiếp từ cấp trên chính là… Titus (hoặc bộ chỉ huy cấp cao hơn).
Đặc biệt, những thử thách trong các màn chơi này là ngẫu nhiên, nghĩa là mỗi lần quay lại sẽ đều là một trải nghiệm mới mẻ hơn lần chơi trước đó. Tuyệt phải không? – Vậy nên con số 6 màn chơi chưa chắc là quá ít đâu.
Còn nếu chừng đấy vẫn là chưa đủ, thì còn đấy chế độ “Eternal War” – đấu trường trực tuyến 6v6 của các Adeptus Astartes trên khắp thế giới. Eternal War có ba chế độ chơi cơ bản gồm: Annihilation – đơn giản là 2 team thi nhau điểm tiêu diệt; Sieze Ground – Chiếm điểm di động; Capture and Control – Chiếm điểm cố định.
Chế độ này không quá đặc sắc nhưng đủ để người hâm mộ tha hồ “cày cuốc” và tỉ thí trong suốt thời gian chờ đợi các DLC sắp ra mắt.
BẠN SẼ GHÉT
SẼ HAY HƠN NẾU…
Space Marine 2 ra mắt với vô vàn lời tán dương, không chỉ đến từ những fan lâu năm mà còn đến từ những người chơi mới biết đến vũ trụ Warhammer 40,000.
Tuy vậy, những đánh giá tích cực là rất nhiều nhưng những điểm yếu của game không phải là không có, dù không ảnh hưởng quá lớn đến tổng thể trải nghiệm của người chơi.
Trên góc độ của bản thân người viết, Space Marine 2 chắc chắn sẽ hay và tuyệt hơn rất nhiều nếu trong thời gian sắp tới (hoặc trong các phiên bản tiếp theo) Saber Interactive có thể cải thiện để xứng đáng hơn với tiềm năng mà thương hiệu này có thể mang lại.
Đầu tiên là phần các bản nhạc nền hào hùng vốn luôn là điểm nhấn để nâng cao cảm xúc của người chơi trong các trường đoạn kinh điển. Space Marine 2 vẫn có các bản nhạc nền chất lượng đấy nhưng cách mà nhà sản xuất tận dụng chúng thì lại hơi “non”.
Các bản giao hưởng nền từ đầu đến giữa game bị… nhạt, chưa tận dụng được sự hùng tráng và chưa lên nhạc đúng lúc để đẩy “adrenaline” trong người chơi lên cao. Một phần là bởi hệ thống mô phỏng âm thanh trong game cảm giác hơi “đục”, khó phân biệt được rõ các âm thanh môi trường đang diễn ra trong một không gian đang rất hỗn loạn, nên càng khó để người chơi nghe thấy những bản nhạc nền văng vẳng đằng sau.
Cho dù là bạn sử dụng với tai nghe hay loa ngoài đều có chung một cảm giác rằng: quá nhiều âm thanh tập trung vào dải trầm (bass). Có thể ban đầu nhập cuộc chiến trường nghe rất đã tai đấy, nhưng về sau hơi tù.
Tiếp đến là sự xuất hiện của các “pháp sư” không rõ đến từ “mặt trận” nào, nhưng số lượng thì đang ngày một gia tăng thì sớm hay muộn chế độ chơi mạng PvP của Space Marine 2 sẽ sớm bị người chơi chán ngán, nếu nhà phát hành không có biện pháp ngăn chặn. Chưa kể, đại đa số người chơi đang tập trung khá nhiều vào chế độ chơi Annihilation để so tài hơn là các mục chơi chiếm/giữ điểm nên sẽ hơi khó để tìm trận.
Một điểm yếu khác mà Saber Interactive có thể “cân nhắc” cải thiện chính là thiết lập nút bấm cho tay cầm điều khiển. Khác với phiên bản đầu tiên, giờ đây cách chơi của Space Marine 2 nặng tính cẩn trọng hơn, có chút “Souls” lấp ló đâu đây, nên việc bố trí lại nút trên tay cầm tương tự như với các dòng game này là điểu dễ hiểu, nhưng quả thực là rất ngớ ngẩn, bởi nó không có một trật tự thống nhất nào.
Chẳng hạn người chơi thay vì nhấn B để nhào lộn, thì lại phải nhấn A, trong khi B lại là nút ném lựu đạn; khi muốn đổi vũ khí thì phải ấn D-pad xuống thay vì trái phải như trên giao diện… Dẫu biết rằng hiệu ứng rung trên tay cầm mới mang lại trải nghiệm chân thực nhất trong quá trình hóa thân thành các Space Marine, nhưng người viết phải công nhận rằng chơi game bằng bàn phím và chuột đỡ bối rối và bấm sai liên tục.
Cuối cùng là phần cốt truyện. Đây không hẳn là một điều yếu, mà ngược lại chưa chắc fan của Warhammer 40,000 bận tâm đến điều này.
Cốt truyện của Space Marine 2 thuộc dạng “fanfic” nhưng chỉ dừng lại ở mức đơn giản, dù có sự xuất hiện của quân đoàn Thousand Sons khét tiếng cũng không tạo được nhiều điểm nhấn, các mâu thuẫn chỉ diễn ra ở mức độ cá nhân, nghi kị lẫn nhau một chút như phần một chứ chưa đem đến như cú ngoặc lớn hơn, đưa diễn biến đi theo một hướng hoàn toàn khác.
Cốt truyện của Space Marine 2 thuộc dạng “fanfic” nhưng chỉ dừng lại ở mức đơn giản, dù có sự xuất hiện của quân đoàn Thousand Sons khét tiếng cũng không tạo được nhiều điểm nhấn