Skip to content

Sự kiện game 10-2024: Hãng phát triển Concord đóng cửa!

su-kien-game-10-2024-hang-phat-trien-concord-dong-cua

Sự kiện game 10-2024 – Việc một game AAA bị cộng đồng game thủ ghét là không có gì mới, nhưng rất hiếm khi chúng ta có thể thấy một tựa game nào thất bại ở một quy mô lớn như Concord.

Chỉ mới tháng 8 vừa qua, tựa game đã cho chúng ta chứng kiến một trong những màn ra mắt AAA tệ nhất trong lịch sử ngành giải trí điện tử và bây giờ khi tháng 10 đã khép lại, chúng ta lại được nhìn thấy hậu quả mà việc đó đã để lại cho hãng phát triển tựa game.

Từ việc Firewalk Studios bị đóng cửa đến việc Ubisoft bị kiện do chia sẻ thông tin người dùng trái phép, hãy cùng Vietgame.asia điểm qua 10 sự kiện game 10-2024 nhé!

1. FIREWALK STUDIOS, HÃNG PHÁT TRIỂN CONCORD, ĐÓNG CỬA

Trên trang web chính thức của mình, Sony cho biết hãng đã quyết định đóng cửa Firewalk Studios (hãng phát triển Concord) và Neon Koi (hãng phát triển game di động).

Hermen Hulst, CEO của PlayStation Studios, đã chia sẻ như sau trong bài viết:

“Chúng tôi thường xuyên đánh giá danh mục các trò chơi và trạng thái những dự án của mình nhằm đảm bảo chúng tôi đang đáp ứng đủ các ưu tiên kinh doanh gần và dài hạn. 

Là một phần trong nỗ lực củng cố hoạt động kinh doanh studio của SIE, chúng tôi đã phải đưa ra quyết định khó khăn liên quan đến 2 studio của mình – Neon Koi và Firewalk Studios.”

Hulst cho biết trong những tháng vừa qua, đội ngũ tại PlayStation đã cố gắng khám phá “mọi lựa chọn” liên quan đến Concord. Tuy nhiên, cuối cùng, hãng đã đưa ra quyết định đóng cửa studio và tựa game vĩnh viễn.

“Sau khi cân nhắc rất kỹ, chúng tôi đã quyết định con đường tốt nhất là đóng cửa vĩnh viễn tựa game và studio. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến toàn thể Firewalk vì sự khéo léo, tinh thần sáng tạo và sự tận tâm của họ.


Tôi biết đây không phải là tin vui, nhất đối với những đồng nghiệp và người quen rời khỏi SIE. Cả 2 quyết định đã được cân nhắc rất nghiêm túc và cuối cùng, chúng tôi nghĩ đây là 2 studio phù hợp để củng cố công ty.”

Concord ra mắt lần đầu vào tháng 08/2024, tựa game thu hút được ít hơn 1.000 người chơi trên Steam trong ngày phát hành và chỉ bán được tầm 25.000 bản trên toàn cầu. Sau khi tựa game bị đóng cửa (chỉ 2 tuần sau khi game ra mắt), có nhiều tin đồn cho rằng trò chơi sẽ quay trở lại trên thị trường dưới dạng một game “free-to-play”.

Tuy nhiên, giờ đây, điều này không những không xảy ra mà Sony còn quyết định đóng cửa hoàn toàn Firewalk Studios.

Theo thông tin từ Jason Schreier, quyết định đóng cửa Firewalk Studios và Neon Koi của Sony đã khiến cho 210 người bị thất nghiệp – với 172 người thuộc về Firewalk Studios và 38 người thuộc về Neon Koi.

2. GAME FREAK, HÃNG PHÁT TRIỂN POKEMON, BỊ LỘ 1TB DỮ LIỆU

Game Freak, một studio Nhật Bản được thành lập vào năm 1989 và nổi tiếng nhờ việc phát triển dòng game Pokemon, vừa qua đã bị dính một vụ “rò rỉ” dữ liệu vô cùng lớn.

Vụ “rò rỉ” này có vẻ đã diễn ra từ tháng 8 vừa qua, nhưng mãi tới bây giờ thì những dữ liệu mới được chia sẻ trên mạng.

Dựa theo thông tin từ Nintendo Life, Game Freak được ước tính là bị lộ tầm 1TB dữ liệu – tức khiến cho hàng trăm tài liệu mật bị lộ trên cộng đồng mạng. Đặc biệt, bản thân Game Freak cũng đã lên tiếng để xác nhận rằng hệ thống an ninh của hãng đã bị tấn công với tầm 2.606 nhân viên bị ảnh hưởng.

Hãng nhấn mạnh là lỗ hổng an ninh dẫn đến đợt “rò rỉ” đã được “lấp lại”, nhưng những dữ liệu bị lộ thì vẫn đang được chia sẻ liên tục trên mạng và không hề có cách để thay đổi điều này.

Một trong những thông tin thú vị nhất từ đợt “rò rỉ” này liên quan đến thế hệ tiếp theo của những game Pokemon. Trong những dữ liệu bị lộ, thế hệ mới sẽ có tên gọi là “Gaia” (bao gồm hai phiên bản mang tên “K” và “N”).

Thêm vào đó, còn có một dự án tên là “Synapse”, tức được nhiều cá nhân trên mạng phỏng đoán là một game Pokemon MMO đang được phát triển cùng với một studio khác.

Ngoài ra, những fan lâu năm của thương hiệu này đồng thời cũng đang phân tích chuyên sâu mã nguồn của những game Pokemon cũ như Black & White 2HeartGold & SoulSilver.

Điều này khiến cho nhiều người hâm mộ phát hiện ra hàng loạt hình ảnh và nội dung bị cắt – bao gồm hình vẽ lên ý tưởng cho những Pokemon đầu game, cùng với hình ảnh của một số nhân vật mà đã bị hủy trước khi game phát hành.

Nếu có nhu cầu tìm hiểu thêm về những hình ảnh nhân vật bị “rò rỉ”, bạn có thể truy cập vào trang Reddit chuyên bàn về chủ đề này.

3. UBISOFT BỊ KIỆN VÌ CHIA SẺ TRÁI PHÉP DỮ LIỆU NGƯỜI DÙNG CHO META

Ubisoft đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể (Class Action Lawsuit) do bị tố là đã chia sẻ dữ liệu người dùng trái phép.

Dựa theo thông tin từ Bloomberg Law, hãng phát triển Assassin’s Creed đã bị tố là đã chia sẻ trái phép những thông tin định dạng cá nhân (Personally Identifiable Information – gọi tắt là PII) của những người dùng với Meta (công ty sở hữu Facebook).

Cụ thể, đơn kiện cho biết là bất kỳ người dùng nào sử dụng trang web của Ubisoft để mua game thông qua Ubisoft Store hoặc dùng nó để đăng ký dịch vụ Ubisoft+ đều gặp phải tình trạng thông tin cá nhân của họ bị gửi qua Meta bằng Pixel – một phần mềm theo dõi người dùng.

“Bên bị cáo không hề tiết lộ trên trang web của họ rằng thông tin định dạng cá nhân của người dùng sẽ bị thu lại bởi phần mềm Pixel rồi sau đó được gửi qua Meta, khiến cho bất kỳ cá nhân có kỹ năng kỹ thuật thông thường nào cũng có thể truy cập vào những thông tin đó.


Chính sách chia sẻ dữ liệu của một dịch vụ là một nhân tố vô cùng quan trọng để mỗi cá nhân quyết định có nên cung cấp thông tin của họ cho dịch vụ đó hay không.”

Đơn kiện cho rằng hành vi này vi phạm Đạo luật Bảo vệ Quyền riêng tư về Video (Video Privacy Protection Act), tức được ban hành vào năm 1988 để ngăn các cửa hàng cho thuê video chia sẻ thông tin định dạng cá nhân của khách hàng, bởi vì nó có thể “gắn chặt danh tính của một cá nhân” với lịch sử mua hàng của họ.

Kể từ khi mọi thứ trong cuộc sống càng phát triển theo hướng điện tử, đạo luật này đã được cập nhật vào năm 2013 để cho phép những dịch vụ như Netflix quyền chia sẻ thông tin định dạng cá nhân của khách hàng với những trang mạng xã hội – với điều kiện là được khách hàng cho phép.

Đơn kiện cho biết bởi vì Ubisoft không hề thông báo với những người dùng là hãng sẽ chia sẻ dữ liệu cá nhân với Meta, nên hãng đã vi phạm đạo luật về quyền riêng tư này.

“Bên bị cáo cố tình triển khai và sử dụng Pixel, tức theo dõi hoạt động của người dùng trên trang web và tiết lộ thông tin đó cho Facebook để thu thập dữ liệu marketing.


Pixel không thể được cài vào một trang web mà không có những bước được thực hiện trực tiếp bởi bên bị cáo hoặc thay mặt bên bị cáo (ví dụ như người quản lý trang web). Pixel không thể được cài vào trang web bởi Facebook mà không có sự hiểu biết hoặc sự hợp tác bởi bên bị cáo.


Bên bị cáo không hề tìm đến hay nhận được sự đồng ý từ những người dùng để sử dụng Pixel để theo dõi, chia sẻ và trao đổi thông tin định dạng cá nhân của họ với Facebook.”

Hiện tại, Ubisoft vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào cho những lời cáo buộc về việc chia sẻ trái phép dữ liệu người dùng với Meta.

4. UBISOFT ÂM THẦM RA MẮT GAME… NFT

Ubisoft vừa qua đã âm thầm cho ra mắt Champion Tactics: Grimoria Chronicles, một tựa game “nhập vai theo lượt cạnh tranh sử dụng công nghệ Web3″.

Đặc biệt, tựa game được ra mắt chỉ 2 năm sau khi Ubisoft bị cộng đồng mạng “ném đá” do cố gắng theo đuổi NFT.

Trong Champion Tactics: Grimoria Chronicles, người chơi sẽ cần phải thành lập một nhóm gồm 3 nhân vật để đối đầu với những kẻ địch trong các trận chiến theo lượt. Tính năng Web3 của trò chơi nằm ở việc những nhân vật mà bạn có thể chiêu mộ hoạt động như một NFT, có thể được mua bằng tiền trong game hoặc “cryptocurrency”.

Điều đáng ngạc nhiên chính là cách Ubisoft đặt mức giá cho từng nhân vật. Nhân vật đắt tiền nhất ở thời điểm hiện tại là Inquisitor Swift Zealot với mức giá… 63.372,19 USD (đã quy đổi ra từ tiền mã hóa).

Ngoài ra, tựa game còn có nhiều nhân vật khác (có tổng cộng 2732 nhân vật), và những nhân vật này cũng tốn tiền không kém. Một ví dụ điển hình là Glowing Beast với mức giá 25.443,43 USD, những nhân vật còn lại thì tốn đâu đó từ 5.000 USD trở xuống.

Nếu có nhu cầu xác thực những mức giá này, bạn có thể tham khảo trang bán hàng của Champion Tactics: Grimoria Chronicles.

Mặc dù bạn không cần phải bỏ tiền để tải game, bạn vẫn bắt buộc phải có ví blockchain hợp lệ để chơi game – kể cả khi bạn không có ý định dùng tiền mã hóa.

ubisoft-am-tham-ra-mat-mot-game-nft-tin-game-1

Trước đó, Ubisoft đã cố giới thiệu tính năng Web3 vào những tựa game của hãng thông qua Ubisoft Quartz – một nền tảng NFT mà có khả năng thưởng cho game thủ những vật phẩm mà họ có thể trao đổi hoặc bán trên thị trường.

Hiện tại, bạn đã có thể tải miễn phí Champion Tactics: Grimoria Chronicles trên PC.

5. 343 INDUSTRIES ĐỔI TÊN THÀNH HALO STUDIOS

343 Industries vừa cho biết hãng sẽ đổi tên thành Halo Studios và các bản tiếp theo trong dòng game Halo sẽ sử dụng khung phần mềm Unreal Engine 5.

Vào đầu năm nay, có nhiều báo cáo cho rằng 343 Industries có ý định đổi từ Slipstream Engine sang Unreal Engine cho các phần Halo sau này. Tuy nhiên tại thời điểm đó, Microsoft không hề đưa ra bất kỳ bình luận nào để khẳng định hay phủ nhận điều này.

Đến giờ, 343 Industries đã tung ra một đoạn video ngắn dài 6 phút để xác nhận là hãng sẽ bỏ Slipstream Engine để sử dụng Unreal Engine 5, đồng thời công bố luôn là hãng đã đổi tên thành Halo Studios.

Ngoài việc chia sẻ hai thông tin quan trọng này, chúng ta còn được chứng kiến một vài hình ảnh về các môi trường, hành tinh, vũ khí cũng như vài nhân vật của vũ trụ Halo được xây dựng bằng Unreal Engine 5.

Halo Infinite là những hình ảnh cuối cùng về cách chúng tôi làm game Halo trong quá khứ. Đó chính là công thức lúc đó của chúng tôi và bây giờ, chúng tôi sẽ thay đổi nó.” – Pierre Hintze, người đứng đầu Halo Studios

Bên cạnh đó, Halo Studios còn cho biết đang cần chiêu mộ nhân tài cho dự án tiếp theo của mình. 

Trên trang web của Microsoft, chúng ta có thể thấy những vị trí trống gồm có Đạo diễn Sáng tạo (Creative Director), Trưởng Thiết kế Hệ thống Game (Lead Game Systems Designer), Nhà Thiết kế Kỹ thuật Cấp cao (Senior Technical Designer), Họa sĩ Bề mặt cứng (Hard Surface Artist), Họa sĩ Kỹ thuật (Technical Artist) và Nhà Thiết kế Trải nghiệm Người dùng Cấp cao (Senior UX Designer).

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết dự án tiếp theo đến từ Halo Studios sẽ ra mắt vào lúc nào.

6. HÃNG PHÁT TRIỂN THE DAY BEFORE HỦY KICKSTARTER CHO GAME MỚI, CÔNG BỐ GAME KHÁC

Fntastic, hãng phát triển The Day Before, vừa qua đã hủy chiến dịch kêu gọi vốn cho Escape Factory trên Kickstarter để… công bố game khác.

Sau khi hứa hẹn với cộng đồng game thủ là hãng đã thay đổi vào tháng 9, Fntastic đã tổ chức một chiến dịch trên Kickstarter để kêu gọi vốn cho một tựa game mới mang tên Escape Factory.

Đây là một game “online” mà bạn phải chạy thoát ra khỏi một nhà máy đáng sợ cùng với những người chơi khác. Tuy nhiên, có vẻ chúng ta sẽ không bao giờ được chứng kiến tựa game chính thức phát hành bởi vì chiến dịch Kickstarter là một sự thất bại lớn.

Trong suốt quá trình kêu gọi vốn, Escape Factory đã thu được tầm 3.000 SGD với mục tiêu 20.000 SGD.

Trong một bài đăng trên Twitter, Fntastic đã chính thức hủy tựa game chỉ để… công bố một game khác trong cùng bài viết. Theo lời của hãng, dự án mới này “chính là thứ mà bạn mong chờ”.

Cụ thể, tựa game mới của hãng là một game hành động kinh dị đi săn tìm đồ vật (Prop Hunt) mang tên ITEMS. Điều này cũng khá là thú vị bởi vì trước khi phát triển The Day Before, Fntastic đã phát triển một tựa game “prop hunt” khác mang tên Propnight – tựa game giờ đã bị đóng cửa.

Không bất ngờ gì, việc Fntastic hủy Escape Factory để công bố một game khác đã được đón nhận bởi sự thờ ơ từ phía cộng đồng game thủ – với nhiều người thậm chí còn khuyến khích hãng nên dừng lại game.

“Dừng lại đi mấy ông ơi”

7. NETFLIX ĐÓNG CỬA HÃNG GAME AAA Ở CALIFORNIA

Theo lời Stephen Totilo (thuộc GameFile), Netflix vừa qua đã đóng cửa một hãng phát triển game AAA của hãng tại California chỉ 2 năm sau khi thành lập nên studio.

Được thành lập vào năm 2022, mặc dù studio này không có tên gọi chính thức, hãng có tên gọi biệt danh là Team Blue. Hãng cùng với nhiều công ty tương tự được thành lập trong giai đoạn mà Netflix còn đang cố gắng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, có vẻ như hãng không thể đặt chân một cách vững chắc vào ngành game. 

Một điều đáng chú ý chính là Team Blue đã thuê khá nhiều nhân tài nổi tiếng trong ngành game trong thời gian qua, thậm chí là còn ám chỉ đến một vài dự án liên quan đến phần cứng lẫn phần mềm (game) chuẩn bị ra mắt trong tương lai.

Với những cái tên lớn như Joseph Staten (Giám đốc Sáng tạo cho dòng Halo), Chacko Sonny (Giám đốc Sản xuất cho Overwatch), Rafael Grassetti (Giám đốc Nghệ thuật cho Santa Monica Studio),… nhiều người nghĩ Netflix sẽ có thể dễ dàng tạo ra chỗ đứng cho bản thân trong ngành game.

Tuy nhiên, giờ đây, hãng đã đóng cửa Team Blue cũng như sa thải toàn thể đội ngũ làm việc ở đây. Đặc biệt, tất cả điều này cũng đã được xác nhận bởi một đại diện của công ty khi nói chuyện với Stephen Totilo.

Hiện tại, chúng ta không biết liệu Netflix có ý định tiếp tục theo đuổi ngành game hay sẽ chuyển sự tập trung sang lĩnh vực khác.

8. RIOT GAMES CẮT GIẢM NHÂN SỰ, HƠN 30 NGƯỜI BỊ ẢNH HƯỞNG

Sau khi thực hiện một đợt sa thải lớn vào đầu năm nay, Riot Games vừa cho biết hãng đã cắt giảm thêm 32 vị trí nữa.

Phần lớn những người bị ảnh hưởng bởi đợt cắt giảm này nằm ở đội phát triển League of Legends với 27 nhân viên bị mất việc làm, 5 người nữa bị ảnh hưởng là nằm trong mảng phát hành.

Trong lời bình luận được gửi đến trang Eurogamer, Riot Games đã chia sẻ như sau:

“Những nhân viên bị ảnh hưởng sẽ có thể sử dụng bảng việc làm nội bộ để ứng tuyển vào bất kỳ vị trí trống nào trong công ty.”

Như đã nói ở trên, đây là lần thứ 2 trong năm 2024 mà Riot phải thực hiện cắt giảm nhân sự.

Lần đầu, diễn ra vào tháng 1 năm nay, đã khiến cho tầm 530 nhân viên khắp mọi chi nhánh bị mất việc làm – tức tương đương 11% tổng nguồn nhân lực của hãng.

Hiện tại, Riot vẫn đang tiếp tục thực hiện các bản cập nhật cho League of LegendsValorant cũng như đang phát triển 2XKO – một tựa game đối kháng lấy bối cảnh trong vũ trụ của League of Legends.

Farhan Noor, một nhà làm game, đã theo dõi và ghi nhận các trường hợp nhân viên bị mất việc làm trong khắp ngành game. Thông số từ trang web của anh ta cho thấy năm 2024 này đã có tầm 13.000 người bị sa thải trên toàn cầu – cao hơn con số 10.500 người của năm 2023.

9. METAPHOR: REFANTAZIO LÀ GAME BÁN CHẠY NHẤT LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG CỦA ATLUS

Kể từ khi mới ra mắt, Metaphor: ReFantazio đã trở thành tựa game bán chạy nhất lịch sử hoạt động của Atlus – bán được 1 triệu bản trên mọi hệ máy chỉ trong ngày đầu tiên.

Trên trang web chính thức của mình, Atlus đã cho biết “tổng số lượng bản bán được (bản vật lý cộng với lại bản điện tử) đã vượt mốc 1 triệu bản”. Để ăn mừng thành tích này, hãng đã nhờ họa sĩ Shigenori Soejima phác họa một bức tranh về Gallica – nhân vật đại diện cho tựa game.

metaphor-refantazio-la-game-ban-chay-nhat-lich-su-hoat-dong-cua-atlus-tin-game-1

Vào đầu năm nay, Atlus cho biết Persona 3 Reload là sản phẩm bán chạy nhất của hãng với 1 triệu bản tiêu thụ trong vòng 1 tuần. Về phía Metaphor, tựa game đã thực hiện được điều này chỉ trong 1 ngày duy nhất – đồng nghĩa với việc giờ đây nó chính là sản phẩm “cháy hàng” nhất suốt lịch sử hoạt động của Atlus.

Tựa game được nhiều người ca ngợi đến mức, phần lớn các bài đánh giá của giới phê bình từ trước khi nó ra mắt đều cho nó toàn điểm 9 và 10.

Hiện tại, Metaphor: ReFantazio đã có mặt trên PS4, PS5, Xbox Series X/S và PC (thông qua Steam) vào ngày 11/10 năm nay ở mức giá 70 USD.

Để nắm bắt thêm thông tin về tựa game, bạn có thể truy cập vào trang web chính thức của sản phẩm.

10. FROMSOFTWARE SẼ TĂNG MỨC LƯƠNG TRUNG BÌNH CỦA NHÂN VIÊN LÊN TẦM 12%

Trong lúc nhiều công ty khác trong ngành game đang thực hiện các đợt sa thải nhân sự và đóng cửa studio thì FromSoftware – hãng phát triển dòng Dark SoulsElden Ring – cho biết hãng sẽ tăng mức lương trung bình của nhân viên.

Theo thông tin từ thông cáo báo chí, kể từ tháng 04/2025 trở đi, mức lương trung bình của mọi nhân viên làm việc tại đây sẽ tăng lên 11,8%.

Thêm vào đó, mức lương khởi điểm cho những sinh viên mới tốt nghiệp cũng sẽ tăng từ 260.000 Yên (tương đương 1.774 USD) lên 300.000 Yên (tương đương 2.050 USD) – nói cách khác là tăng lên tầm 15%.

“Tại FromSoftware, chúng tôi nỗ lực tạo nên những tựa game đầy cảm xúc, tạo ra giá trị và mang đến sự vui vẻ.

Để thực hiện được mục tiêu này, chúng tôi đang hướng tới việc tạo nên sự ổn định về thu nhập cũng như tạo nên một môi trường làm việc mà những nhân viên của chúng tôi có thể cống hiến hết mình. Việc tăng mức lương cơ bản cũng như lương khởi điểm chính là một cách để chúng tôi thực hiện chính sách này.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển game với mục tiêu truyền cảm hứng cho những người chơi và mang lại thứ gì đó có giá trị.”

Sản phẩm gần đây nhất của FromSoftware chính là Shadow of the Erdtree vào tháng 21/06 năm nay – một bản mở rộng cho Elden Ring (tức được ra mắt lần đầu vào năm 2022).

Theo lời của hãng, tính tới thời điểm bản mở rộng chính thức được đưa vào thị trường, Elden Ring đã bán được hơn 25 triệu bản. Thêm vào đó, bản thân Shadow of the Erdtree cũng đã nhanh chóng bán được 5 triệu bản chỉ trong vòng 3 ngày đầu tiên.


Như vậy chúng ta vừa điểm qua 10 sự kiện game 10-2024 đáng chú ý nhất của tháng qua.

Liệu còn sự kiện game 10-2024 nào mà Vietgame.asia đã bỏ lỡ?

Hãy góp ý qua bình luận bên dưới đây để bài viết hoàn thiện thêm, bạn nhé!