Skip to content

Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game

Dragon Age: The Veilguard

Dragon Age: The Veilguard – Nếu phải làm một danh sách những game RPG phương Tây hay nhất từ trước tới nay, nhiều người chơi sẽ có nhiều lựa chọn khác nhau qua nhiều thời kỳ khác nhau của thể loại này, nhưng chắc chắn sẽ có một tựa game BioWare trong đó.

Từ Baldur’s Gate tới Jade Empire, từ Knights of the Old Republic tới Neverwinter Nights, và đặc biệt là Dragon Age Mass Effect, đội ngũ BioWare và phong cách làm game nhập vai chỉn chu, sâu sắc với những tuyến nhân vật khó quên đã tạo nên một lượng người hâm mộ trung thành, cũng như là nguồn cảm hứng lớn của nhiều studio khác để họ “biến hóa” những công thức RPG truyền thống thành những sản phẩm thú vị, sâu sắc và chất lượng hơn, như trường hợp studio Larian với loạt game Divinity: Original Sin (trước khi họ “bùng nổ” với Baldur’s Gate 3).

Nhưng khi giới làm game RPG phương Tây ngày càng tiến lên về khoản chất lượng và nội dung, thì BioWare lại có dấu hiệu giậm chân tại chỗ. Hàng loạt các khủng hoảng nội bộ dẫn tới sự “thay máu” nghiêm trọng các thành viên cốt cán của studio, rồi những tranh cãi xung quanh cái kết của Mass Effect 3 và chất lượng của Mass Effect: Andromeda càng khiến cho người hâm mộ hoài nghi với khả năng hiện tại của BioWare.

Chính vì thế, Dragon Age: The Veilguard phải là một “con bài tẩy”, cơ hội cuối cùng của BioWare để khẳng định lại vị thế của mình, cũng như lấy lại uy tín với cả người chơi game lẫn giới phê bình. Nhưng trước khi game ra mắt, lại có quá nhiều tranh cãi và sóng gió liên quan tới game, từ những chỉ trích của game thủ về phong cách nghệ nhật nhân vật của game, cho tới đội ngũ “cốt cán” của BioWare rời hãng giữa quá trình phát triển, cho tới thất bại ê chề của Anthem khiến cho hướng đi của game thay đổi đột ngột.

Vậy liệu “con bài tẩy” này của BioWare có thật sự xứng đáng với thời gian phát triển dài đằng đẵng? Hay BioWare sẽ tiếp tục trượt dài không lối thoát?

Hãy cùng Vietgame.asia bước chân trở lại vùng đất Thedas cùng những gương mặt quen thuộc để tìm hiểu nhé!

BẠN SẼ THÍCH

Chỉn chu và giàu kinh nghiệm

Với một quá trình phát triển đầy những sóng gió như vậy, có lẽ điều bất ngờ nhất về Dragon Age: The Veilguard là… sự chỉn chu của game.

Hướng đi nghệ thuật của game giờ đây chi tiết hơn, tập trung vào những công trình phức tạp và những cấu trúc đầy kỳ ảo, nhưng vẫn vô cùng đẹp mắt- có thể là những khu di tích hoang tàng, im lìm trước những sóng gió lịch sử, các thành phố nhộn nhịp, đầy sức sống, những khu rừng tươi xanh và vô số chiều không gian phi thường khác, tất cả đều bật lên trước mắt người chơi một cách vô cùng cuốn hút và đẹp mắt!

Nối tiếp truyền thống của BioWare – Thedas của The Veilguard rất khác với Thedas của Origins, Dragon Age IIInquisition, chính điều này khiến cho người chơi sẽ có động lực thám hiểm các vùng đất mới, những sức mạnh mới và thậm chí là về lại những địa điểm quen thuộc trong các phần trước, để rồi choáng ngợp bởi chất lượng đồ họa cao và hướng đi nghệ thuật tuyệt đẹp của game.

Các cơ chế chơi của game cũng được cải tiến rõ rệt, đặc biệt là với hệ thống chiến đấu. Giờ đây, nhân vật chính Rook của game ra đòn nhanh hơn, chính xác hơn với những cơ chế đỡ đòn, né đòn và phản đò đầy trơn tru và tức thời, cùng những tuyệt chiêu đẹp mắt và đầy sức nặng, không những thế, người chơi hoàn toàn có thể kích hoạt kỹ năng của đồng đội một cách nhanh chóng và tiện lợi, khác với cơ chế “xếp lượt” có phần rườm rà của các bản Dragon Age trước – điều này khiến cho trải nghiệm chiến đấu của Dragon Age: The Veilguard có cảm giác giống như các bản God of War mới, dù thiếu đi rất nhiều chiều sâu so với hai tựa game đó.

Cũng phải thôi, vì Dragon Age: The Veilguard là một game “nặng” tính nhập vai và tinh chỉnh kỹ năng hơn kia mà. Hệ thống chiến đấu của game cân bằng giữa ba lớp nhân vật chính (Warrior, Rogue, Mage), với mỗi lớp nhân vật có thêm ba nhánh đặc thù, với mỗi nhánh gắn liền với một phe phát nhất định hoạt động ở Thedas, ví dụ như nhánh Duelist của lớp Rogue với khả năng di chuyển linh hoạt và ra đòn tốc độ cao sẽ gắn với tổ chức Antivan Crows, hay nhánh Champion “trâu bò” sẽ gắn với phe Grey Wardens.

Việc tinh chỉnh và nâng cấp các lớp nhân vật này để có thể tối ưu hóa mức độ hiệu quả trong game, hoặc đơn giản là ra đòn… đã tay và đẹp mắt hơn là điều Dragon Age: The Veilguard làm rất tốt trong suốt thời lượng của mình.

Với việc thiết kế môi trường đẹp mắt, âm thanh đã tai và cơ chế chiến đấu trơn tru, đầy thỏa mãn như vậy, những màn đấu trùm của game thực sự là ấn tượng!

Từ những gã pháp sư hắc ám… nhỏ mà có võ, tung ra những phép thuật nguy hiểm rợp trời cho đến những màn “săn rồng” đầy kịch tính và hoành tráng, hầu hết các màn đấu trùm trong Dragon Age: The Veilguard đều là những “cao trào” đầy thỏa mãn cho người chơi, những màn trao đổi chiêu thức chết người nhưng đầy đẹp mắt.

Dù đã trải qua một năm 2024 với rất nhiều màn “nghinh chiến” khó quên với bè lũ rồng như Bayle the Dread trong Elden Ring: Shadows of the Erdtree hay Cang Kim Long trong Black Myth Wukong, nhưng khi mặt nước trong game rung lên vì những tia điện và sải cánh rợp trời xanh của Katanranda the Stormrider vẫn là một cuộc đụng độ thật sự khó quên mà Dragon Age: The Veilguard mang tới!

thiết kế môi trường đẹp mắt, âm thanh đã tai và cơ chế chiến đấu trơn tru, đầy thỏa mãn như vậy, những màn đấu trùm của game thực sự là ấn tượng!

BẠN SẼ GHÉT

Không Gì Lắng Đọng…

Mặc dù với lối chơi, chất lượng đồ họa và phong cách hình ảnh môi trường chất lượng cao như vậy, thì tất cả những yếu tố còn lại của Dragon Age: The Veilguard chắc chắn sẽ mang lại một cảm giác… tương đối thất vọng cho người chơi.

Nếu có thể gói gọn cốt truyện và nội dung của game lại vào bốn chữ, thì đó sẽ là “phí phạm tiềm năng!”

Lấy bối cảnh không lâu sau những sự kiện của Dragon Age: Inquisition, The Veilguard cho người chơi theo chân Rook cùng các nhân vật quen thuộc (Varric, Harding và Neve) đến ngăn chặn một nghi lễ đầy nguy hiểm của Solas, nhưng lại vô tình triệu hồi hai vị thần Elven xấu xa, hắc ám và thả chúng tự do hoành hành, phá phách thế giới. Solas giờ đây bị mắc kẹt trong The Fade, thế nên hắn đã lập một khế ước máu với Rook, để thay hắn ngăn chặn hai vị thần kia.

Vốn dĩ đây là một hướng đi khá thú vị cho bất cứ người chơi “kỳ cựu” nào của dòng game Dragon Age, vì xuyên suốt chuyến hành trình này người chơi sẽ học được rất nhiều điều mới mẻ, thú vị về các nhân vật quan trọng trong thần thoại Elvish như Solas hay Mythal, cũng như được khám phá thêm những địa điểm vừa quen vừa lạ như Rivain và Telvinter.

Dragon Age: The Veilguard

Nhưng đây là điểm làm cho người viết cảm thấy khó hiểu nhất, vì dường như Dragon Age: The Veilguard vừa cố gắng làm hài lòng những người chơi kì cựu của game, vừa cố gắng tạo ra một sản phẩm hướng đến một tệp người chơi mới.

Game mở đầu bằng những nhân vật yêu cầu người chơi phải chơi qua ít nhất là Inquisition để có thể “quen” được với nội dung game, nhưng lại bỏ ngang giữa chừng những nhân vật như Varric và Solas để giới thiệu những tuyến nhân vật mới… không thực sự thú vị, những nhân vật cũ như Morran và Inqui được giới thiệu với nhiều “ẩn ý” và hứa hẹn, nhưng lại xuất hiện một cách hời hợt và có phần dị hợm.

Dragon Age: The Veilguard

Sự hời hợt còn đến từ cách BioWare khai thác các chủ đề trọng tâm của dòng game Dragon Age, với một số địa điểm như Tevinter dù trông tuyệt đẹp nhưng thiếu đi những “mỏ neo” dẫn truyện quan trọng như phép thuật máu hay vấn nạn lao động cưỡng bức, nô lệ.

Điều tương tự diễn ra khi người chơi đụng độ với phe Antivan Crows, khi bao nhiêu lịch sử của các tổ chức, địa danh chỉ gói gọn xuống những cuộc đụng độ một chiều, nông cạn với một kẻ phản diện xấu xa tới nực cười.

Điều này càng gây ức chế hơn khi đội ngũ BioWare hoàn toàn có thể tạo ra những màn chơi vô cùng thú vị, những nút thắt dẫn truyện thật sự ấn tượng và vượt xa những game tiền nhiệm, đặc biệt như màn “vượt ngục” ở nửa sau game, lẫn một màn cao trào kết game đầy ấn tượng và cảm xúc!

Dragon Age: The Veilguard

Và chính sự hời hợt trong tiểu tiết này khiến cho các tuyến nhân vật của Dragon Age: The Veilguard cũng “thua thiệt” đi rất nhiều so với những game tiền nhiệm. Game vẫn có những chuỗi nhiệm vụ phụ tương đối thú vị dành cho các người bạn đồng hành của người chơi, nhưng thiếu đi sự nhất quán trong dẫn truyện nếu so với các tựa game nhập vai “nặng” về đồng đội như Baldur’s Gate 3 hay các tựa game Atlus như Metaphor: ReFantazio Persona – thế nên các cao trào cảm xúc hay mối quan hệ lãng mạn trong game có cảm giác vô cùng nửa vời và thiếu sự lôi cuốn.

Nhân vật hời hợt, thiếu chiều sâu như vậy cuối cùng lại bị “dứt điểm” bởi những lựa chọn thiết kế ngoại hình và lời thoại nhân vật “tương đối khó hiểu” từ BioWare. Nhân vật trong Dragon Age: The Veilguard không thể gọi là “xấu”, nhưng những biểu cảm của họ có cảm giác có phần lố bịch và quá đỗi hoạt hình, cộng thêm những lời thoại khiên cưỡng, cồng kềnh, giải thích những khái niệm dường như bị “ép vô cho có” chứ không thực sự giúp tịnh tiến cốt truyện của game.

Dragon Age: The Veilguard

Và điều đáng buồn nhất với Dragon Age: The Veilguard là dù đây là tựa game chỉn chu, hoàn thiện nhất mà nhà BioWare ra mắt trong một thời gian dài, với chất lượng vượt xa Anthem Mass Effect: Andromeda, game, về bản chất, là một sản phẩm dù chỉn chu, hoàn thiện, nhưng tạo ra một cảm giác “vô cùng nửa vời” và đáng quên, đặc biệt là trong một năm đầy ấn tượng của làng game!

Nếu có thể gói gọn cốt truyện và nội dung của game lại vào bốn chữ, thì đó sẽ là “phí phạm tiềm năng!

7.0

Dragon Age: The Veilguard đúng ra sẽ là tựa game chỉn chu, hoàn thiện nhất của BioWare trong một thời gian dài, với lối chơi trơn tru, đồ họa ấn tượng, một cốt truyện chính... tạm chấp nhận được, nhưng lại thiếu chiều sâu nghiêm trọng ở nhiều mặt khác như lời thoại nhân vật, kịch bản - biến trò chơi trở thành một tựa game đặc biệt nhạt nhòa trong một năm 2024 đầy ấn tượng.

Thông tin

  • Dragon Age: The Veilguard
  • Nhà phát triển
    BioWare
  • Nhà phát hành
    EA
  • Thể loại
    Nhập vai
  • Ngày ra mắt
    31/10/2024
  • Nền tảng
    Windows, Xbox Series X | S, PlayStation 5

Cấu hình tối thiểu

  • Hệ điều hành
    Windows 10/11 64 Bit
  • CPU
    Intel Core i9-9900K / AMD Ryzen 7 3700X
  • RAM
    16GB
  • GPU
    NVIDIA RTX 2070 / AMD Radeon RX 5700XT
  • Lưu trữ
    100GB
  • Thiết bị
    N/A

Cấu hình thử nghiệm

  • Hệ điều hành
    Windows 11 Professional
  • CPU
    AMD Ryzen 7 7735HS
  • RAM
    32GB
  • GPU
    Nvidia RTX 4060
  • Lưu trữ
    Kingston A4000
  • Thiết bị
    N/A
Game được hỗ trợ bởi EA. Chơi trên PC.

Tác giả