Wolfenstein: The New Order – 22 năm trước, id Software đã làm nên lịch sử khi cho ra đời “ông tổ của thể loại game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS)” Wolfenstein 3D, đánh dấu cho kỷ nguyên của một trong những thể loại game ăn khách nhất mọi thời đại.
Tuy vậy, “thời thế tạo anh hùng”, trong quãng đường lịch sử lâu đời của mình, thể loại FPS đã có nhiều biến chuyển để kịp thích nghi với thị hiếu của công chúng.
Kiểu game bắn súng cổ điển (run-n-gun) bắt đầu lui vào “cánh gà”, nhường lại sân chơi cho “người đàn em” bắn súng quân sự (millitary shooter), qua giai đoạn Thế chiến và hiện tại đang “thăng hoa” với bối cảnh hiện đại.
Sau phiên bản Wolfenstein 2009 của Raven Software nhận “gạch đá” thậm tệ từ người hâm mộ, cộng thêm đoạn demo đầu tiên được đánh giá là “nhạt” của Wolfenstein: The New Order tại hội chợ E3 2013, những tưởng cánh cửa đã hoàn toàn khép lại đối với tượng đài huyền thoại này.
Kể từ đó đến khi tựa game ra mắt, không có một chiến lược quảng bá rầm rộ, không hé lộ quá nhiều thông tin, động thái im lặng này càng khiến cho hoài nghi của cộng đồng dành cho tựa game ngày càng tăng lên…
Liệu những hoài nghi này có thực sự là điềm xấu dành cho Wolfenstein: The New Order hay không?
Liệu những cựu binh của Starbreeze Studios có thể tiếp tục giữ vững phong độ của mình dưới cái tên mới hay không?
Chính MachineGames đã đáp lại những dấu chấm hỏi đó bằng một màn trình diễn đầy sức thuyết phục của mình.
BẠN SẼ THÍCH
MỘT MẶT TRẬN MỚI, MỘT TRẬT TỰ MỚI
“Khi tôi ra đi, họ nhấn chìm thế giới này trong biển lửa. Đó không phải là một cuộc chiến nữa, đó là công cuộc tái tạo mọi thứ. Đã có nhiều sự mất mát không thể tránh khỏi, nhưng một số khác thì lại… không thể tưởng tượng được.
-William B.J Blazkowicz, Berlin, 1946
Giờ đây, họ đã tạo nên một thế giới mới. Những đội quân của kim loại hành quân bên dưới tiếng sấm chớp rầm trời. Họ đang viết lại lịch sử, nhưng họ cũng đã quên mất sự tồn tại của tôi.“
Câu chuyện của Wolfenstein: The New Order bắt đầu vào tháng 7 năm 1946, khi một tiểu đội thuộc lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ lãnh đạo bởi William B.J Blazkowicz tấn công vào pháo đài của trung tướng Willhelm “Deathshead” Strasse, đầu não của phe Phát Xít tại thành phố Berlin.
Nhiệm vụ đổ bể khi Blazkowicz và những người đồng đội mắc bẫy trong phòng thí nghiệm của Deathshead.
Trong lúc tẩu thoát, Blazkowicz bị chấn thương ở đầu, khiến cho anh hoàn toàn bất động.
Blazkowicz được đưa đến một bệnh viện tâm thần tại Ba Lan và sống thực vật trong suốt 14 năm dưới sự chăm sóc của y tá Anya Oliwa.
Một ngày nọ, quân Phát Xít phong tỏa bệnh viện và xử tử tất cả bệnh nhân tại đây.
Blazkowicz đột ngột tỉnh dậy, trốn thoát khỏi bệnh viện cùng Anya và ngay sau đó, anh nhận được hung tin: cuộc chiến đã kết thúc 12 năm trước, phe Phát Xít thắng trận, nước Mỹ đã đầu hàng.
Giờ đây, mục tiêu của Blazkowicz là tìm kiếm quân kháng chiến và tiêu diệt Phát Xít.
Tuy nhiên, đây không phải là nhiệm vụ của riêng Blazkowicz, mà nó còn là cuộc chiến của toàn nhân loại thoát khỏi áp bức dưới trật tự thế giới mới của Đức Quốc Xã, một trật tự mà trong đó, màu đỏ của máu, của sự diệt vong, của cái ác tàn độc bao trùm trên khắp nẻo đường.
Có lẽ, điểm ấn tượng đầu tiên của Wolfenstein: The New Order là yếu tố mà không có ai mong đợi ở một tựa game mang tên Wolfenstein, đó chính là cốt truyện.
Vẫn xào nấu lại đề tài thay đổi lịch sử (“alternative history”), thế nhưng Wolfenstein: The New Order lại sở hữu lối kể chuyện tài tình, cuốn hút, và đặc biệt nhất là nhịp độ trong game không bao giờ bị ngắt quãng.
Điều đặc biệt nhất mà bất cứ người hâm mộ Wolfenstein nào cũng mong chờ cuối cùng cũng đã đến: B.J Blazkowicz không chỉ là một gã người Mỹ luôn xả súng vào bất cứ thứ gì nói tiếng Đức nữa.
Blazko giờ đây là một người bình thường (với một chút sức mạnh “siêu phàm”), có tình cảm và lý trí của riêng mình.
Blazko không phải là một nhân vật có quá khứ phức tạp, hay bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì, mà giống như Fergus Reid đã từng nói rằng, anh ta “được sinh ra để tiêu diệt Phát Xít”.
Blazko là một cỗ máy chiến đấu hoàn hảo, và ẩn sau lớp mặt nạ đó là một tính cách rất đời thường, rất chân thật của một người lính.
Đó là khi Blazko hội ngộ cùng với người đồng đội cũ ở phe kháng chiến Kreisau Circle mà tưởng chừng như đã tử nạn 14 năm trước.
Đó là cảm giác lạnh lẽo một cách đáng sợ khi đang lặn ngụp giữa những đường hầm bên dưới Berlin.
điểm ấn tượng đầu tiên của Wolfenstein: The New Order là yếu tố mà không có ai mong đợi ở một tựa game mang tên Wolfenstein, đó chính là cốt truyện
Đó là tình cảm chân thật nhưng đôi lúc kỳ quặc của Anya dành cho Blazko, nhưng Blazko cho rằng điều đó sẽ không tồn tại mãi mãi.
Đó là khi Blazko tự nghi vấn mình khi con quay Spindly Torque đang xé nát cây cầu Gilbraltar, biến nơi đây trở thành bình địa.
Hình tượng William B.J Blazkowicz đã tồn tại trong 22 năm, nhưng có lẽ chỉ có MachineGames mới có thể tạo nên hình ảnh Blazkowicz đầy sức thuyết phục như vậy.
Ngoài ra, phe phản diện trong Wolfenstein: The New Order cũng được khắc họa rõ nét hơn: tàn bạo, thâm độc, điên loạn.
Cái tên Willhelm “Deathshead” Strasse chả còn lạ gì đối với những người đã từng kinh qua các phiên bản Wolfenstein trước, ấy vậy mà cũng giống như B.J Blazkowicz, khi vào tay MachineGames, gã tướng man rợ này cũng sở hữu một bộ mặt hoàn toàn mới.
Khoảnh khắc đầu tiên khi mà người chơi bước vào phòng thí nghiệm của Deathshead cũng giống như trải nghiệm một bộ phim kinh dị: xác các vật thí nghiệm loang lổ được đặt bên dưới những chiếc khoan, âm thanh nặng nề đến mức khó chịu.
Và rồi khi hắn xuất hiện, cái cảm giác kinh sợ lẫn căm ghét cũng đồng thời lên đến đỉnh điểm.
Những cỗ máy mà Deathshead tạo nên có lẽ không đáng sợ bằng cái nhìn coi con người như một thứ cỏ rác và chỉ đáng làm vật thí nghiệm của hắn, hay lý tưởng đưa Phát Xít trở thành “đấng tối cao” ở Trái Đất.
Không chỉ có mỗi Deathshead gây ấn tượng mạnh đối với người chơi, mà ngay cả những tên tay sai của hắn cũng góp phần khắc họa hình ảnh tàn độc của phe Phát Xít.
Ấn tượng nhất đối với người viết là cuộc gặp gỡ Frau Engel trên chuyến tàu tới Berlin: một khẩu súng và hai lá bài định mệnh, giống như lời cảnh báo rằng đó sẽ là chuyến tàu một chiều tới địa ngục.
LỐI CHƠI HẤP DẪN, ĐẦY TINH TẾ!
Điều đầu tiên B.J Blazkowicz làm sau 14 năm sống thực vật là gì?
Mò mẫm dưới sàn nhà, chân tay rã rời?
Kêu cứu hoặc chờ người tới giúp?
Không, Blazko sẽ hạ một tên Phát Xít bằng con dao bếp, nhặt lấy khẩu súng lục và bắt đầu cuộc hành trình “diệt Phát Xít” đầy máu lửa của mình.
Không bắt người chơi phải chờ đợi lâu, Wolfenstein: The New Order đã thể hiện lối chơi hành động gần như hoàn hảo, xen kẽ với những yếu tố “cũ mà quen”, cùng với những “món ăn thêm” đầy thú vị.
Có lẽ đã từ lâu lắm rồi, người viết mới có lại cảm giác bắn súng thật “đã” như trong Wolfenstein: The New Order.
Vũ khí trong game có độ giật rất thấp, thậm chí người chơi chả cần phải nhấn chuột phải để nhắm (cá nhân người viết… gỡ hoàn toàn nút ngắm bắn luôn), thế nhưng mỗi phát bắn đến từ bất kỳ khẩu súng nào cũng đều tạo nên cảm giác giật lùi rất “mạnh mẽ”, cộng với tiếng súng “đã tai” giúp tạo nên cảm giác cực kỳ phấn khích, mặc dù những trận đấu súng trong game rất ít khi có cháy nổ tưng bừng.
Có lẽ đã từ lâu lắm rồi, người viết mới có lại cảm giác bắn súng thật “đã” như trong Wolfenstein: The New Order
Số lượng vũ khí trong Wolfenstein: The New Order không nhiều, nhưng chúng đủ đa dạng để người chơi có thêm nhiều lựa chọn “hành hạ” những tên Phát Xít tội nghiệp đứng trước họng súng của Blazkowicz.
Từ khẩu Assault Rifle cơ động ở cả tầm xa lẫn tầm gần, được trang bị thêm phóng lựu giúp bắn “banh xác” những tên lính thường hoặc phá giáp trụ của đám siêu chiến binh Über-Soldaten; hay khẩu AR Marksman vừa là súng tỉa, vừa là súng… laser.
Cá nhân người viết ưa thích nhất khẩu Automatic Shotgun, không những sở hữu sát thương cao và cảm giác “thụt” bá cháy, những ai đã từng một thời lỡ “yêu” khẩu Flak Cannon bắn đạn nẩy (ricochet round) trong Unreal Tournament 2004, hẳn sẽ cực kỳ vui sướng khi lại được nhìn thấy “biến thể” của nó qua cơ chế bắn thứ hai của khẩu Automatic Shotgun.
Ngoài yếu tố “cầm súng lên và bắn” thông thường, Wolfenstein: The New Order có sở hữu chút bất ngờ nào không?
Dĩ nhiên là có!
Ngoại trừ khẩu súng năng lượng LaserKraftWerk và MG60, tất cả các vũ khí trong game đều hỗ trợ phong cách… 2 tay 2 súng!
Yếu tố tiếp theo mà ắt hẳn ít người mong đợi ở một tựa game mang tên Wolfenstein là… hành động bí mật.
Cơ chế lén lút trong Wolfenstein: The New Order dĩ nhiên không thể nào bì được với các “anh tài” của thể loại hành động bí mật, nhưng nó được thực hiện một cách vừa phải, giúp người chơi có thêm nhiều lựa chọn trong phong cách chơi của mình.
Đối với những tên lính thường, hạ sát lặng lẽ bằng cận chiến, phi dao hoặc khẩu súng lục giảm thanh khá đơn giản, nhưng khi đối đầu với các đối thủ “đồ sộ” hơn thì chỉ có súng hạng nặng mới có thể “trị” được chúng (đây cũng là cách để người chơi không quá lạm dụng hành động bí mật).
Trong một số trường hợp, người chơi có thể âm thầm hạ thủ những tên chỉ huy (commander), cũng là những đối thủ duy nhất có khả năng gọi tiếp viện, giúp cho những cuộc đấu súng trở nên “dễ thở” hơn nhiều.
Yếu tố ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi cả giá trị cũ lẫn mới là cách thức hoạt động của hệ thống máu (HP).
Trong Wolfenstein: The New Order, Blazkowicz sẽ tự hồi máu, nếu như lượng HP cách hai mức giới hạn 20 đơn vị.
Ví dụ nếu HP tụt xuống 15 thì mức tự hồi tối đa là 20, hoặc nếu HP từ 100 tụt xuống 90 thì nó sẽ tự quay về mức 100, còn nếu như nó tụt xuống mức 65 thì sẽ chỉ về mức 70 mà thôi.
Như vậy, làm thế nào để giữ mức HP luôn ở chỉ số ổn định?
Chơi theo kiểu “cổ điển”, nhặt những bình máu và giáp được đặt ở khắp các ngõ ngách trong màn chơi.
Ngoài ra, Wolfenstein: The New Order còn mang trở về cơ chế “Overcharge”, cho phép “buff” lượng máu trong một khoảng thời gian nhất định.
Lúc này, chỉ số HP sẽ nhảy lên tận… 200 và bắt đầu giảm dần xuống 160, giúp người chơi có thêm cơ hội đối phó với địch lâu hơn.
Điểm mới mẻ cuối cùng trong lối chơi của Wolfenstein: The New Order là hệ thống “Perk” (kỹ năng phụ trợ).
Nhắc đến đây thì có lẽ nhiều người đang liên tưởng đến hệ thống tương tự khiến nhân vật trở thành “siêu nhân” trong Call of Duty.
Tuy nhiên, Perk trong Wolfenstein: The New Order không khiến cho game trở nên dễ đi, mà chúng có thể được coi như là các “achievement” (thành tựu) nho nhỏ, cùng với vài tác động thú vị vào phong cách chơi của từng người.
Perk trong game chia thành bốn cột tương ứng với bốn phong cách chơi: Stealth (hành động bí mật), Tactical (di chuyển, dùng súng linh hoạt), Assault (càn quét bằng súng đạn) và Demolition (sử dụng chất nổ).
Để “mở khóa” (unlock) các Perk, người chơi chỉ cần thực hiện các yêu cầu khá đơn giản như hạ địch 3 lần bằng phi dao, hay hạ 5 tên địch trong 10 giây bằng khẩu MG60…
Điểm đặc biệt nằm ở chỗ, Wolfenstein: The New Order không hề bắt ép người chơi đi theo phong cách nào cả.
Người chơi hoàn toàn có thể “mở khóa” tất cả các kỹ năng của 4 nhánh chỉ trong vài ba màn đầu tiên, thế nên người chơi hoàn toàn tự do trong việc tiếp cận từng màn chơi.
Nhờ vào lối thiết kế màn chơi rộng rãi và sở hữu nhiều lối đi phụ, giá trị chơi lại của Wolfenstein: The New Order cũng được nâng lên khá nhiều.
Khác với phiên bản Wolfenstein 2009, Wolfenstein: The New Order không có chợ đen để người chơi mua các phụ kiện cho vũ khí, mà chúng chỉ có thể được tìm thấy trong khắp các màn chơi.
Một số được giấu khá kỹ trong những góc khuất, số khác thì lại buộc người chơi phải khám phá, tìm ra lối đi phụ được giấu kín, hoặc thỉnh thoảng là phần thưởng sau một trò giải đố đơn giản.
Wolfenstein: The New Order cũng sở hữu rất nhiều vật phẩm mang tính sưu tầm (collectibles) như đồ vật làm bằng vàng, những lá thư của dân thường… Nhưng đáng kể nhất là bộ đĩa nhạc (sẽ nhắc đến ở phần sau) và bộ mã Enigma.
Khi thu thập đủ bộ mã, người chơi có thể “mở khóa” thêm 4 chế độ chơi mới, mặc định độ khó “I Am Death Incarnate” hoặc “Über”.
Ngoại trừ 999 Mode ra thì điểm chung của ba chế độ còn lại là chống chỉ định với người… dễ bị khủng hoảng tâm lý!
Người viết đã thử qua IRONMAN Mode (chỉ có một mạng duy nhất, không có checkpoint, nếu chết thì quay lại màn đầu tiên) nhưng rốt cuộc cũng phải chào thua khi ngậm ngùi thoát game với một ấn tượng khó phai đậm chất… Dark Souls.
HÌNH ỔN THỎA – ÂM XUẤT SẮC
Nếu so với những tựa game FPS đình đám như Call of Duty: Advanced Warfare, Far Cry 4 hay Destiny, phần nhìn của Wolfenstein: The New Order thật sự không thể so bì được ở phần kỹ thuật.
Ở thiết lập đồ họa cao nhất, bề mặt vật thể và hiệu ứng đổ bóng trong game vẫn chỉ ở mức tạm được.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở đồ họa của Wolfenstein: The New Order nằm ở cách MachineGames trộn hai tông màu đỏ và đen với nhau tạo nên ấn tượng mạnh đối với thị giác.
Lối thiết kế nhân vật và xây dựng kiến trúc trong game cũng tạo nên nét độc đáo riêng, mô tả thời kỳ những cỗ máy bắt đầu lên ngôi.
Từ những con “chó máy” Panzerhund, chiếc “kiềng ba chân” Baltisches Auge cho đến con trùm “ngoại cỡ” London Monitor, chúng đều là những cỗ máy đầy gai góc được tạo nên từ sắt thép, với vẻ ngoài được chăm chút rất kỹ lưỡng.
Nhìn chung, phần đồ họa của Wolfenstein: The New Order gây ấn tượng mạnh ở phong cách nghệ thuật.
Tuy không thực sự đột phá so với RAGE – người anh em cùng nhà sử dụng chung “đồ hàng” id Tech 5, nhưng phần trình diễn hình ảnh của Wolfenstein: The New Order cũng đủ để đạt mức “mãn nhãn”.
Trái lại với phần nhìn, âm thanh trong Wolfenstein: The New Order chỉ có thể được diễn tả bằng một cụm từ duy nhất: Xuất sắc!
Phần lồng tiếng trong Wolfenstein: The New Order hoàn hảo ở mọi mặt, Brian Bloom thủ vai B.J Blazkowicz với chất giọng “gầm gừ” đúng chất một gã anh hùng kiểu Mỹ.
Ngoài ra, cũng không thể không khen ngợi MachineGames khi họ chú ý ở một tiểu tiết: Người Đức nói giọng Đức không thể nào chuẩn (và đáng sợ) hơn.
Trái lại với phần nhìn, âm thanh trong Wolfenstein: The New Order chỉ có thể được diễn tả bằng một cụm từ duy nhất: Xuất sắc!
Về phần hiệu ứng âm thanh, đôi ngũ phát triển vận dụng phương thức “distortion” (một dạng biến thể của hòa âm, mang âm hưởng điện tử) vào các hiệu ứng âm thanh và bài nhạc nền chủ đạo trong Wolfenstein: The New Order, tạo nên cảm giác thình thịch bên tai giống như tiếng giậm chân của cỗ máy, hay âm thanh chói tai giống như… phim kinh dị, mang lại sự hòa hợp với bầu không khí nặng nề trong game.
Chưa hết, người chơi còn có thể tìm được những bản thu âm tiếng Đức nhại lại những ca khúc “bất hủ” từ thập niên 60 đến từ công ty thu thu âm Neumond Records.
Một nỗ lực cực kỳ công phu của MachineGames!
Có lẽ, nếu như có một giải Grammy dành cho nhạc game thì bản tình ca “Berlin Boys and Stuttgart Girls” và khúc hòa tấu “House of the Rising Sun” ăn chắc hai giải cao nhất!
BẠN SẼ GHÉT
MỘT SỐ LỖI VỤN VẶT
Những ai sử dụng card đồ họa AMD hẳn đã từng một phen “khốn đốn” với tựa game RAGE, do tình trạng bề mặt vật thể đồng bộ chậm (texture pop-in), tình trạng tương tự tái diễn trong Wolfenstein: The New Order.
Sau bản vá dung lượng 5GB vào ngày phát hành game, người viết nhận thấy tình trạng này đã được hạn chế chút ít, nhưng khi đẩy mức thiết lập đồ họa lên cao nhất, vấn đề này lại tái diễn.
Tuy chưa khiến người chơi phải đau đầu như RAGE, nhưng nếu tình trạng này vẫn tái diễn trong DOOM, hẳn id Software và id Tech sẽ mất điểm trầm trọng trong mắt nhiều người sử dụng card đồ họa AMD.
Cá nhân người viết cũng gặp một chút rắc rối với khung lựa chọn vũ khí (weapon wheel) với lối thiết kế tương tự Max Payne 3.
Do game “ném” hết vũ khí vào khung tùy chọn này, nên thao tác chuyển vũ khí bằng con lăn chuột đôi khi khá bất tiện.
Vấn đề cuối cùng của Wolfenstein: The New Order là game không cho phép bật khử răng cưa (Anti-Aliasing), người chơi chỉ có thể bật nó trong AMD Catalyst hay NVIDIA Control Panel mà thôi.
Thật lạ!
tình trạng bề mặt vật thể đồng bộ chậm (texture pop-in) tái diễn trong Wolfenstein: The New Order
BÊN LỀ
- Là phiên bản thứ 9 của loạt game Wolfenstein, và là lần thứ 3 tái khởi động (reboot) loạt game này. MachineGames cũng là nhà phát triển thứ 7 “nhúng tay” vào loạt game Wolfenstein.
- Là tựa game Wolfenstein đầu tiên loại bỏ yếu tố siêu nhiên và phần chơi mạng.
- Nếu lấy mốc thời gian năm 1960 trong game, tuổi của B.J Blazkowicz sẽ là 49, còn Deathshead là 100.
- Quân hàm của Deathshead không được tiết lộ trong Wolfenstein: The New Order.
Trong chương 13, game cho biết Deathshead là Bộ trưởng cục nghiên cứu khoa học nâng cao (Minister of Advanced Research) của phe Phát Xít, trong khi vẫn giữ chức vụ Trung Tướng (Obergruppenführer) từ phiên bản Wolfenstein 2009.
Đây có thể là lỗi của đội ngũ phát triển, tuy nhiên, có thể phỏng đoán rằng sau khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, lực lượng vũ trang Đức Quốc Xã (Wehrmacht) và đơn vị nghiên cứu siêu nhiên (SS Paranomal Division) hợp nhất với nhau tạo thành một tổ chức thống nhất.
Bộ quân phục Thống Soái (Field Marshall) được trao cho Deathshead, có lẽ là để tôn vinh quãng thời gian phục vụ lâu dài của y cho Phát Xít. - Hai nhân vật Tekla và J được thiết kế dựa trên hình tượng nhà khoa học Nikola Tesla và nhạc sỹ Jimmi Hendrix.
THÔNG TIN
- Sản xuất: MachineGames
- Phát hành: Bethesda Softworks
- Thể loại: Hành Động
- Ngày ra mắt: 19/5/2014
- Hệ máy: PC | PS3 | PS4 | Xbox 360 | Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: 64-bit Windows 7/Windows 8
- CPU: Intel Core i7
- RAM: 4GB
- VGA: GeForce 460, ATI Radeon HD 6850
- HDD: 50 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: 64-bit Windows 10
- CPU: Intel Core i3 4170 3.7Ghz
- RAM: 8 GB
- VGA: Sapphire AMD Radeon R7 260X 2GB OC Edition
- HDD: 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI VIETGAME.ASIA – CHƠI TRÊN HỆ PC