Skip to content

Thief – Đánh Giá Game

Thief

Thief – Trái ngược hoàn toàn với lịch sử về các anh hùng, Thief cho chúng ta cảm nhận trải nghiệm của một tên trộm huyền thoại.

Bị đùn đẩy bởi một số phận khắc nghiệt để rồi trở thành một “anh hùng” bất đắc dĩ.

Garrett, một bóng ma trên các nẻo đường của thành phố.

Hắn không chiến đấu vì lý tưởng nào hoặc cho ai, đồng tiền là thứ duy nhất hắn tin tưởng và cũng là động lực lớn lao nhất của hắn. 

“Khả năng phi thường luôn đi kèm với trách nhiệm cao cả” , Garrett sớm nhận ra điều đó khi sự sống còn của thành phố “vô tình” đặt lên đôi vai của hắn.

Garrett có thể trốn thoát bất kỳ cuộc truy đuổi nào của bất kỳ ai (cũng như cái gì).

Thế nhưng, hắn không thể trốn thoát khỏi số mệnh của mình khi mà cái chết của “đồng nghiệp” Erin đã thay đổi con người y.

Một năm sau cái ngày định mệnh ấy, Garrett trở lại thành phố và nhận ra rằng cái “môi trường” quen thuộc bấy lâu nay của hắn đã bị đảo lộn hoàn toàn.

Bệnh dịch tràn lan khắp nơi, người dân thì bị chèn ép bởi những kẻ, mà đáng ra phải bảo vệ họ.

Thành phố đang đứng trước bờ vực bị diệt vong, trong khi đó thì những kẻ cầm quyền thì lại đang cố gắng “vơ vét” để bảo vệ lợi ích bản thân.

Mọi thứ đang dần sụp đổ.

Garrett không còn lối thoát…

Chào mừng bạn đến với thế giới u ám của vua trộm Garrett của loạt game Thief lừng danh một thuở…

BẠN SẼ THÍCH

Trải nghiệm của một nghệ sĩ… trộm!

Phần chơi của Thief được chia ra làm hai mảng, những màn chơi chính với một cốt truyện tuyến tính và thế giới mở.

Ở những màn chơi chính, nhà phát triển đã khéo léo đặt ra các câu đố và tình huống rồi gợi ý cho người chơi bằng nhiều cách thức khác nhau, từ những mẩu hội thoại giữa các tên lính gác cho tới các lá thư và cả kết cấu kiến trúc của một tòa nhà.

Nếu người chơi có thể thu thập các thông tin đó và chịu khó suy nghĩ thì họ không chỉ dễ dàng vượt qua các cạm bẫy, lính gác mà còn tìm ra vô số các bí mật trong màn chơi.

Ví dụ điển hình nhất là màn chơi đi tìm nhà của tay kiến trúc sư.

Nhà của y đã bị vô số các tên lính gác bao vây.

Nếu tinh ý nghe lỏm được từ y về một lối đi bí mật mà lão cho xây lên, để phòng khi cần tẩu thoát.

Bạn có thể dùng lối đi bí mật đó mà tiếp cận căn phòng của y mà không cần phải đánh động bất kỳ ai.

Garrett cũng tự trang bị cho mình một bộ đồ nghề vô cùng độc đáo, đó chính là cây cung với nhiều tính năng đặc biệt.

Nếu muốn hoàn thành màn chơi một cách thầm lặng, hắn có thể qua mặt những lính canh bằng cách bắn một loại tên có dây nối giúp trèo đến những điểm cao hơn.

nhà phát triển đã khéo léo đặt ra các câu đố và tình huống rồi gợi ý cho người chơi bằng nhiều cách thức khác nhau

Người viết thích nhất là cây cung nước, có khả năng dập tắt những ngọn lửa từ đằng xa để tạo ra khoảng tối đủ giúp cho siêu trộm có thể luồn lách qua mà không ai biết!

Chưa hết, Thief còn mang đến cho bạn một thế giới mở để người chơi có thể tha hồ “quậy phá”.

Từ những khu ổ chuột hôi hám cho tới một bến cảng u ám, bạn có thể khám phá ra rất nhiều thứ có thể cuỗm đi được.

Garrett, với khả năng đặc biệt của mình có thể nhận ra được những thứ quan trọng trong màn chơi.

Những cửa sổ chưa được chốt, các túi tiền nặng trĩu của người đi đường và cả của những tay lính gác.

BẠN SẼ GHÉT

Nhiều chi tiết gây ức chế!

Xuyên suốt cả game, người chơi sẽ nhận ra rất nhiều điểm tuy nhỏ nhưng sẽ gây ức chế.

Dù chúng không hề ảnh hưởng đến cốt truyện hay bối cảnh, nhưng lại khiến cho trải nghiệm của bạn bị khựng lại rất nhiều lần.

Những lần đầu bạn bắt gặp chúng thì sẽ dễ dàng bỏ qua, nhưng điều tệ nhất là nhà phát triển đã cho chúng lập lại liên tục cho đến khi “ảnh hưởng” trở nên khá nghiêm trọng.

Có thể ví dụ: cách chuyển cảnh trong một màn chơi.

Phải đến hơn 20 lần, người chơi phải trải nghiệm cùng một cách chuyển cảnh và cũng có thể gọi là “duy nhất” của game.

Đó chính là lúc Garrett phải cố luồn qua một khe hở bị chặn bởi một khúc gỗ để đi qua phần tiếp theo của màn chơi.

Chính việc lập lại quá nhiều lần hình thức chuyển cảnh đó, đã làm người chơi phải ức chế và đặt ra câu hỏi về “sự sáng tạo” của nhà làm game.

Chưa dừng lại ở đó, mỗi khi nhân vật của chúng ta đặt chân vào thành phố (The City), đó cũng là lúc mà người chơi sẽ có trải nghiệm về yếu tố phi tuyến tính của Thief.

Hãng phát triển đã quá “lạm dụng” duy nhất một cách thức đột nhập.

Bằng cách thiết kế các cửa sổ có thể dùng đòn bẩy để bẻ khóa, người chơi đã liên tiếp phải thực hiện động tác đó hơn… vài chục lần.

Điều này làm cho cách chơi phi tuyến tính của Thief quá nhàm chán và phần nào khiến cho người chơi từ bỏ ý định khám phá thành phố!

Những hạn sạn của game được lập lại liên tục cho đến khi ảnh hưởng của chúng trở nên khá nghiêm trọng


Thief

Thực thi lối chơi quá tệ!

Đây có lẽ là một điểm tệ đến “chết người” của game do Thief có một cốt truyện tương đối thu hút người chơi.

Ngay ở đầu game, đã có rất nhiều các tình tiết được đặt ra và làm người chơi rất tò mò.

Thế nhưng, càng đi sâu vào game, bạn lại càng bị mất hứng.

Đó là do cách dẫn truyện cực kỳ thô kệch, những đoạn cắt cảnh quá ngắn và có chất lượng rất tệ.

Chúng chỉ dừng lại ở mức “vừa đủ” để chỉ ra kết thúc cho một sự việc, mà không hề có dẫn chứng từ nguyên nhân cho tới hậu quả của sự việc đó.

Bên cạnh đó, một số màn chơi đã tạo cho người viết một ấn tượng ban đầu rất mạnh mẽ, thế nhưng thiết kế màn chơi lại cực kỳ thô và thiếu sự chi tiết, cũng như khả năng vận dụng lối chơi của game. 

Thief

Một ví dụ điển hình nhất chính là màn chơi đột nhập vào Tòa Tháp (The Keep), Garrett phải đột nhập vào một tòa tháp cao nhất trong game để cứu một người bạn. 

Với hình tượng một tòa tháp cao chọc trời, người viết đã đoán là sẽ có các màn leo trèo hóc búa, những cạm bẫy chết người cho tới các kho báu quý giá đang được canh gác cẩn mật.

Tất cả chỉ là ảo vọng!

Chỉ sau… 15 phút hoàn tất màn chơi.

Không hề có những màn leo trèo, không hề có những câu đố hóc búa để mở ra các kho báu đầy ma mị, không hề có những cạm bẫy chết người rùng rợn.

Vậy thì câu hỏi đặt ra: tạo nên một tòa tháp kiên cố cao trọc trời để làm gì?

Thief

Chưa dừng lại ở đó, ngay cả ở trong màn chơi The Keep, cách dẫn truyện lại không đưa ra bất kỳ giải thích cho sự việc tại sao người bạn lại bị bắt?

Đã khó khăn cho một siêu trộm để đột nhập vào, thì làm sao một tên béo đang bị thương lại có thể trốn thoát khỏi tòa tháp dễ dàng?

Một tòa tháp ấn tượng như thế thì nó đóng vai trò gì trong cốt truyện của game, v.v.

Tất cả các điều đó hoàn toàn không có và người chơi chỉ được cho xem một đoạn phim cắt cảnh chưa tới… 10 giây!

Đầu game, đã có rất nhiều các tình tiết được đặt ra và làm người chơi rất tò mò. Thế nhưng, càng đi sâu vào game, bạn lại càng bị mất hứng

Thief cung cấp cho người chơi nhiều sự lựa trọn trong cách thức thực hiện nhiệm vụ, thế nhưng dù bạn có làm nhiệm vụ đó theo kiểu nào thì kết quả đều xảy ra theo một nội dung đã được sắp đặt trước.

Vậy thì việc gì chúng ta phải chật vật mò mẫm cho ra các cách thức hoàn thành game?

Nhắc đến cách thức hoàn thành game thì chúng ta cũng nên đề cập tới bảng đánh giá hành động ở cuối các màn chơi.

Có ba cách đánh giá hành động của người chơi trong một nhiệm vụ: Predator (Thợ Săn) – Hạ thủ càng nhiều đối phương càng tốt; Ghost (Bóng Ma) – Vượt qua màn chơi mà không để bị phát hiện; Opportunist (Kẻ Cơ Hội) – Ăn cắp càng nhiều càng tốt.

Ba cách đánh giá này rất mâu thuẫn với nhau.

Chẳng hạn, bạn vượt qua màn chơi mà không bị phát hiện và kiếm được nhiều tiền thì vẫn bị liệt vào mức độ “kẻ cơ hội” thay vì là “bóng ma”!

Thật khó hiểu!


THÔNG TIN

  • Sản xuất: Eidos Montreal
  • Phát hành: Eidos Montreal
  • Thể loại: Hành động
  • Ngày ra mắt: 25/02/2014
  • Hệ máy: PC, PS4, Xbox One, Xbox 360, PS3

CẤU HÌNH TỐI THIỂU

  • OS: Windows Vista SP2 | 7 SP1 | 8
  • CPU: Intel Pentium Core 2 Duo 3.00GHz
  • RAM: 2GB
  • VGA: VRAM 256MB
  • HDD: 500 MB

CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM

  • OS: Windows 10
  • CPU: AMD Ryzen 5 3600x 3.2Ghz
  • RAM: 32GB
  • VGA: Red Devil VEGA 56
  • SSD: 250GB

GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI EIDOS MONTREAL – CHƠI TRÊN HỆ PC

6.5

Sở hữu một lối chơi cuốn hút và một cốt truyện có nhiều tình tiết gây tò mò cho người chơi, Thief đã có thể là một game tuyệt hảo bởi những khả năng không thể chối cãi. Thế nhưng, Thief nhanh chóng bộc lộ những điểm yếu “chết người” bởi cách dẫn dắt tình tiết quá dở và thiếu tính chuyên nghiệm.



Bên cạnh đó, Thief còn có vô số lỗi vụn vặt khiến cho trải nghiệm của người chơi gián đoạn và thậm chí còn gây bực tức!



Đã có rất nhiều người mong trờ sự trở lại của Thief như là “đối thủ nặng ký” với Dishonored vì sự tương đồng trong lối chơi cũng như bối cảnh của hai game.



Nhưng có lẽ, sau 5 năm phát triển với quá nhiều thay đổi và những “cải tiến” không phù hợp, “vua trộm” Garrett đã bị chính nơi khai sinh ra gã, “cuỗm” đi mất những thứ quý báu vốn dĩ làm cho gã trở thành “huyền thoại”!