Until Dawn – Là một tựa game kinh dị được ra mắt vào tháng 8 vừa qua. Ban đầu tựa game này được hãng Supermassive Games giới thiệu là được làm ra để ứng dụng cho thiết bị PlayStation Move (một thiết bị cảm ứng bắt chuyển động của người chơi tương tự như Wii U) dành cho hệ máy PS3 kết hợp cùng góc nhìn thứ nhất.
Nhưng sau đó tựa game chợt im hơi lặng tiếng trong một thời gian dài, và rồi bất ngờ trở lại vào tháng 8 năm 2014 cùng thông tin là độc quyền cho hệ máy PS4.
Tựa game gần như “lột xác” hoàn toàn so với phiên bản từng được trình diễn trước đó trên PS3.
Supermassive Games đã mạnh dạn từ bỏ PlayStation Move và chuyển qua áp dụng tay cầm chơi game của PS4, bỏ luôn góc nhìn thứ nhất và chuyển hẳn sang góc nhìn thứ ba cùng nền đồ họa khiến người chơi phải ngạc nhiên.
Until Dawn không những hấp dẫn hơn mà bản thân nó cũng chọn cho mình thể loại game phiêu lưu tương tác vốn rất kén chọn đối tượng chơi.
Vậy liệu Until Dawn có làm được điều kì diệu nào để giúp mình thoát khỏi những “cái bóng” đã quá thành công trong thể loại này trước đó như Heavy Rain, Beyond Two Souls, The Walking Dead hay gần đây nhất là Life is Strange hay không?
BẠN SẼ THÍCH
ĐỒ HỌA ĐẸP – ÂM THANH HẤP DẪN!
Để lột tả được khung cảnh huyền bí trong game, hãng Supermassive Games đã áp dụng cách đặt ánh sáng một cách khéo léo và đổ bóng vô cùng hợp lý, tạo nên chiều sâu cũng như lột tả được một bầu không khí lạnh lẽo, ghê rợn như mời gọi người chơi đi sâu hơn cùng game.
Điểm sáng thứ hai của đồ họa chắc chắn phải kể đến mô hình thiết kế của các nhân vật.
Nhờ có trong tay hàng loạt những diễn viên trẻ tuổi của Hollywood để dựng hình cho các nhân vật trong game, Until Dawn được thổi hồn hơn rất rất nhiều nhờ công nghệ “Motion Capture” (tạm dịch: Bắt Chuyển Động) để ghi hình lại được những cảm xúc phức tạp, cũng như đưa đồ họa của game lên một tầm cao mới, khiến cho chuyến hành trình đầy gai góc trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Until Dawn có thể nói là tựa game độc quyền có đồ họa chân thực và đẹp nhất nhì hiện nay dành cho PS4.
Và để góp phần thành công lớn cho game thì ta không thể nào không nhắc tới âm thanh, một điều không thể nào thiếu vắng trong bất kì tựa game kinh dị nào.
Với kĩ năng “tình trường” của nhạc sĩ Jason Graves với các tựa game nổi tiếng như: dòng Dead Space, F.E.A.R. 3, Tomb Raider (2013), The Order 1886… thì ta có thể đảm bảo được chất lượng âm thanh và các bản nhạc nền ghê rợn của Until Dawn sẽ ra sao rồi phải không?
Từ tiếng gió heo hút, tới các tiếng động bí ẩn, các bản nhạc nền thi thoảng vang lên khi cao trào của câu truyện đang dần tới, khiến người chơi đôi khi phải giật mình và thôi thúc theo dõi từng nhịp đập của cốt truyện, theo từng bước chân của nhân vật.
Và trải nghiệm sẽ hoàn hảo hơn nếu người chơi chơi Until Dawn vào ban đêm, phòng tắt đèn và đeo headphone xịn xịn một chút.
Người viết cam đoan bạn sẽ có những tiếng la thất thanh trong đêm đấy.
Có thể nói phần hình và phần âm của Until Dawn gần như đạt tới ngưỡng hoàn hảo trên hệ PS4, và ta có thể miêu tả Until Dawn như một bức tranh kinh dị đầy ma mị và quyến rũ, nhưng cũng lắm gai góc và chết chóc.
phần hình và phần âm của Until Dawn gần như đạt tới ngưỡng hoàn hảo trên hệ PS4
LỐI CHƠI HẤP DẪN, CÓ CHIỀU SÂU
Thể loại game phiêu lưu tương tác vốn còn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng game, do người chơi như đang coi một bộ phim hơn là được chơi một cách thực thụ.
Vì vậy trước khi Until Dawn ra mắt cũng đã vướng nhiều luồng tranh cãi và nghi ngờ về độ thành công mà game hứa hẹn sẽ mang lại.
Và khi Until Dawn chính thức ra mắt, game đã đập tan dư luận bằng màn trình diễn lối chơi hay và có chiều sâu hơn cả mong đợi.
Về cơ bản Until Dawn sẽ không khác bao nhiêu so với các tựa game cùng thể loại như Heavy Rain hay The Walking Dead, tức là người chơi sẽ chơi theo cốt truyện, có những phân đoạn có thể điều khiển nhân vật đi lại để khám phá, tìm hiểu nhưng hầu hết người chơi sẽ phải theo dõi các đoạn cắt cảnh và đôi khi ở những trường đoạn gây cấn người chơi sẽ được đưa ra các lựa chọn cũng như các “QTE” (tạm dịch là bấm nút theo ngữ cảnh) để vượt qua một khung cảnh nào đó.
Tuy nhiên, Heavy Rain là tựa game mà Until Dawn có lối chơi giống nhất, vì 8 nhân vật của chúng ta có thể sống hoặc chết hoàn toàn là do người chơi nắm quyền điều khiển cũng như thông qua các lựa chọn.
Và khi một nhân vật nào đó chết, game sẽ lập tức tự động lưu game ngay tức thì, câu truyện vẫn tiếp tục diễn ra mà không bị ngắt quãng.
Các lựa chọn và các trường đoạn bấm nút theo ngữ cảnh của Until Dawn được thể hiện “gay gắt” hơn và đôi khi còn liên quan tới yếu tố thời gian, vì điều này cũng có thể ảnh hưởng tới cốt truyện và số phận của một nhân vật nào đó.
Từ đấy ta có thể thấy sơ khai hệ thống lựa chọn hay các trường đoạn bấm nút theo ngữ cảnh của Until Dawn là rất sâu sắc.
Nhưng các yếu tố lối chơi cũng như khả năng tương tác của Until Dawn còn sâu hơn hẳn các tựa game mà người viết nêu ở trên.
Lối chơi của game sẽ luôn xoay quanh “Butterfly Effect” (hiệu ứng cánh bướm), các “Totems” (vật tổ), “Clue” (manh mối) và mối quan hệ cũng như tính cách của các nhân vật với nhau.
Các lựa chọn và các trường đoạn bấm nút theo ngữ cảnh của Until Dawn được thể hiện “gay gắt” hơn và đôi khi còn liên quan tới yếu tố thời gian
Đầu tiên là hiệu ứng cánh bướm của Until Dawn, đây là một chức năng cho phép người chơi thấy được những hệ quả mà họ sẽ nhận được khi chọn một lựa chọn nào đó.
Từ đấy, ở lần chơi sau, người chơi sẽ có kinh nghiệm để thử chọn những lựa chọn khác và coi hệ quả của nó sẽ là gì.
Thứ hai là các tổ vật, được chia ra thành “Death” (Cái chết), “Guidance” (Hướng dẫn), “Loss” (Mất mát), “Danger” (Nguy hiểm) và “Fortune” (Vận may).
Mỗi tổ vật đều là một điềm báo dành cho người chơi về những gì sẽ diễn ra, nhưng không biết diễn ra khi nào và ở đâu (khá giống với ý tưởng phim kinh dị Final Destination nổi tiếng).
Ví như khi người chơi tìm được Loss, vật tổ này sẽ xuất hiện một phân cảnh nhỏ và ngắn của một nhân vật nào đó sẽ bị chết…
Thứ ba là các manh mối, đơn giản là giúp người chơi biết được những gì đang diễn ra trong câu chuyện, cũng như tạo tính tò mò hơn để kích thích người chơi khám phá về game nhiều hơn.
Until Dawn có nội dung xoay quanh 8 nhân vật: Josh, Sam, Mike, Matt, Emily, Jessica, Chris và Ashley.
Họ cùng có mặt tại căn nhà của Josh trên một ngọn núi tuyết, để kỉ niệm một năm ngày mất của hai người chị em sinh đôi Hannah và Beth, nhưng họ không hề hay biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước.
Mỗi lựa chọn của người chơi đều ảnh hưởng tới các nhân vật, tới cốt truyện cũng như kể cả kết thúc của game. Tuy Until Dawn còn bị ảnh hưởng phong cách của những bộ phim kinh dị “hạng B”, nhưng người viết cam đoan rằng game có cốt truyện rất bất ngờ và vô cùng hấp dẫn đang chờ đón người chơi thưởng thức.
Người viết xin bật mí đôi chút rằng việc tìm các manh mối này rất là quan trọng và đóng góp một phần lớn trong cốt truyện, vì vậy người chơi nên mày mò và tìm mọi ngóc ngách trong Until Dawn nhé.
Và cuối cùng không thể không nhắc tới là hệ thống mối quan hệ và tính cách của các nhân vật. Until Dawn sẽ có những trường đoạn đối thoại, tuy được tối giản nhưng mọi lựa chọn của người chơi sẽ ảnh hưởng và có tương quan với nhau.
Từ một nhân vật khá… nhát gan, nhưng nhờ những lựa chọn khác nhau trong suốt quá trình chơi mà có khi cuối game nhân vật đó lại là người dũng cảm nhất; hay là nhân vật A có thể sẽ ghét nhân vật B cũng do người chơi lựa chọn, từ đó sẽ có những hệ quả khó lường xảy ra.
Với lối chơi độc đáo kể trên kết hợp với một cốt truyện kinh dị hay, hấp dẫn và bất ngờ, có thể nói Until Dawn đã làm khá tốt khi biết cải tiến và tạo nên độ sâu cho chính mình, chưa kể là hàng loạt những lựa chọn ảnh hưởng rõ rệt cho tới các pha hù thường thấy trong các phim kinh dị hạng B, nhưng vẫn vô cùng hiệu quả vì chúng hầu như rất bất ngờ và không lường trước được.
Until Dawn luôn biết tạo ra không khí kích thích người chơi lần mò sâu hơn và đưa họ đi từ bất ngờ ngày tới bất ngờ khác (ngay cả những trường đoạn bấm nút theo ngữ cảnh cũng ảnh hưởng tới game), thông qua nền tảng lối chơi khá tốt của mình.
Ngoài ra game còn có giá trị chơi lại rất cao do áp dụng “hiệu ứng cánh bướm” cùng thời lượng 9-10 tiếng cho một lần chơi.
BẠN SẼ GHÉT
CÒN ĐÓ NHỮNG HẠN CHẾ
Until Dawn vẫn còn đó những mặt hạn chế và hầu hết cũng đến từ việc rớt khung hình của game.
Supermassive Games không phải là một hãng con nổi tiếng của Sony, cũng như khả năng lập trình tối ưu đồ hoạ không thể nào bằng những studio tiếng tăm khác, nên việc khung hình trồi sụt thất thường là điều mà người chơi sẽ hay thấy trong game, nhất là trong các đoạn cắt cảnh.
Tuy đã được cập nhật sửa lỗi sau đó, hiện trạng rớt khung hình vẫn còn diễn ra nhưng không nhiều.
Một điểm trừ nữa chính là các lựa chọn của Until Dawn còn khá đơn giản ở một vài trường đoạn, như chỉ chọn A hay B thay vì có thêm các lựa chọn C hay D để tạo sự khác biệt cho người chơi (điều này được gỡ gạc bằng hệ thống nhân quả được làm rất tốt của game).
Nếu có cơ hội ra mắt phiên bản tiếp theo thì người viết mong Until Dawn sẽ có nhiều lựa chọn sâu sắc hơn.
Một điểm trừ nữa chính là các lựa chọn của Until Dawn còn khá đơn giản ở một vài trường đoạn, như chỉ chọn A hay B thay vì có thêm các lựa chọn C hay D để tạo sự khác biệt cho người chơi