XCOM 2 – Trước mặt quầy bar bên trong căn cứ Avenger là một tấm bảng ghi lại tên của những người lính anh dũng đã ngã xuống.
Chiến tranh vẫn chưa kết thúc, nhưng liệu còn nghĩa lý gì khi vương vấn lại trong một cuộc chiến mà chúng ta gần như nắm chắc phần thua?
XCOM 2 khởi đầu bằng một hy vọng nhỏ nhoi.
Sau sự thất bại của XCOM 20 năm trước, giờ đây Trái Đất đã hoàn toàn bị đô hộ bởi lực lượng người ngoài hành tinh thông qua những kẻ cầm quyền “bù nhìn” thuộc ban lãnh đạo ADVENT.
XCOM giờ đây chỉ còn là cái tên tồn tại trong quá khứ, song lực lượng kháng chiến vẫn tiếp tục âm thầm theo đuổi cuộc cách mạng của mình bên trong pháo đài bay Avenger và tìm kiếm tất cả mọi nguồn lực hỗ trợ trên toàn thế giới.
Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc chiến tranh nữa, đây là cuộc chạy đua với thời gian, và chính bạn – chỉ huy của lực lượng XCOM thế hệ mới, đang nắm trong tay tương lai của toàn bộ nhân loại và của cả hành tinh này.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
TỔN THẤT CỦA CHIẾN TRANH
Cán cân chiến tuyến giờ đây đã thay đổi.
Trong XCOM 2, chiến tranh du kích (guerrilla warfare) sẽ chiếm gần như toàn bộ trọng tâm của trò chơi và chiến thuật tấn công nhanh gọn rồi tẩu thoát (“hit-n-run”) sẽ là tiền đề chính trong số 90% các trận chiến trong game.
Sức ép của thời gian khiến cho nhịp độ của XCOM 2 được đẩy lên cao hơn bằng nhiều yếu tố: ngoài việc hoàn thành các nhiệm vụ chính, liên lạc với lực lượng kháng chiến tại các quốc gia trên toàn thế giới, mà người chơi còn phải kìm hãm sự phát triển quy mô của công trình Avatar Project, nếu như không muốn nhận lấy thất bại cuối cùng.
Gần một nửa các trận đánh trong game được giới hạn bởi một số lượt nhất định, buộc người chơi phải triển khai chiến thuật và sắp đặt tấn công/phòng thủ một cách nhanh chóng.
Bằng sức ép của thời gian, nhịp độ của XCOM 2 được đẩy lên cực cao khi mà mọi tính toán của người chơi, cả trong lẫn ngoài chiến trường, đều có thể ảnh hưởng tới mọi nhân tố trong game, thế nên hoàn thành được một trận chiến mà các thành viên trong nhóm an toàn trở về và… dưỡng thương hết 2 tuần sau đó, vẫn hoàn toàn là một thành tích đáng nể dành cho bất kỳ chiến lược gia nào.
Chiến thuật theo lượt trong XCOM 2 vẫn mang tinh thần “thách thức” người chơi nếu đã lỡ gắn bó quá lâu với bất kỳ người lính nào.
Con số phần trăm là mức độ thành công (hoặc… thất bại thảm hại) của người chơi mà trong đó, một quyết định chính xác cộng với chút may mắn có thể mang lại thành công vang dội, hoặc một nước đi sơ hở cùng với độ… nhọ cấp cao sẽ khiến một vài chiếc bàn phím bị vất vào sọt rác không thương tiếc.
Quyết định khi nào tận dụng các “tuyệt chiêu” (abilities), sắp đặt chế độ “canh me” Overwatch như thế nào cho hợp lý hay di chuyển làm sao để tận dụng được địa hình mang lại lợi thế cho mình, tất cả đều mang lại những khoảnh khắc đầy nghẹt thở, thót tim cho đến khi tiềng gầm của sự mãn nguyện được rống lên sau khi chứng kiến chiến thuật của mình được thực hiện không thể nào hoàn hảo hơn!
Chiến thuật trong XCOM 2 cực kỳ đa dạng, bởi sự ngẫu nhiên mà không bao giờ khiến người chơi cảm thấy không công bằng.
Trò chơi không cho phép bất kỳ chiến thuật được “tái sử dụng” nào, mà buộc bạn phải thích nghi với từng tình huống mà mình đối mặt trong mọi trận chiến.
Tập trung toàn bộ hỏa lực vào con Sectopod, hay tạm thời vô hiệu hóa nó trong hai lượt và xử lý đám “lâu la” bên cạnh nó trước?
Chủ động tổng tiến công vào mục tiêu, hay chờ đợi quân địch bước vào khu vực đã được sắp đặt Overwatch trước đó?
Triệt hạ hết lực lượng ADVENT đang đóng chiếm xung quanh mục tiêu trước rồi mới thực hiện nhiệm vụ, hay tìm đường kín vào mục tiêu rồi nhanh chóng rút chạy, hạn chế giao tranh với kẻ địch?
[su_quote]Trong XCOM 2, chiến tranh du kích (guerrilla warfare) sẽ chiếm gần như toàn bộ trọng tâm của trò chơi[/su_quote]Trong mọi tình huống như vậy, lựa chọn của người chơi càng ảnh hưởng nặng nề hơn tới kết quả cuối cùng của nhiệm vụ, bởi vì nếu như lực lượng XCOM gặp phải tổn thất nặng nề thì nó càng tồi tệ hơn cả nhiệm vụ thất bại!
Tuy nhiên, không phải bất kỳ lựa chọn nào cũng đều thuận theo ý của người chơi, bởi vì kết quả của con xúc xắc nó thỉnh thoảng… chỉa ngón tay giữa về phía mình và bật cười rồi nói rằng “That’s XCOM, baby!” vậy.
Đối với những người mới chơi, có lẽ việc chứng kiến cú bắn có tỷ lệ thành công 90%… hụt cả thước hẳn sẽ cực kỳ nực cười và vô lý, nhưng hãy nghĩ như thế này: đừng nhìn vào con số 90% thành công, bởi vì luôn có con số 10% thất bại luôn đồng hành với nó, và tỷ lệ để 10% thất bại xuất hiện là… 50/50.
Nghe qua thì có vẻ kỳ quặc, nhưng một khi đã quen với những con số mang tính chất sinh tử trong XCOM 2, thì bạn sẽ nhận ra rằng đó là một phần tất yếu của trò chơi, và chúng ta buộc phải thích nghi với nó, dù nó có bất hợp lý đến mức nào đi chăng nữa.
Đó cũng là điều tách biệt “tay mơ” và các chiến lược gia khôn ngoan: luôn luôn thủ sẵn cho mình kế hoạch B mỗi khi thực hiện bất kỳ quyết định mạo hiểm nào.
Đó là lý do vì sao mà người chơi luôn luôn phải tìm ra những “kẽ hở” và dùng chúng để tạo nên lợi thế cho mình.
Nhưng nếu không tìm ra được chúng thì sao?
Quá đơn giản, hãy tự mình tạo ra chúng!
Với việc cơ chế phá hủy môi trường góp mặt trong XCOM 2, “không nơi nào an toàn” giờ đây là khái niệm chính xác nhất được dùng để miêu tả mọi trận chiến trong trò chơi.
Đừng quá lệ thuộc vào khẩu súng trên tay mình, hãy tận dụng mọi chất nổ mà mình có, từ lựu đạn gây nổ loại thường cho đến Acid, Plasma, hay súng phóng lựu của Exo Suit, tất cả đều sẵn sàng để đưa bất kỳ công trình kiên cố nào trở thành bình địa.
Chúng không chỉ có tác dụng phá tan khu vực ẩn nấp của địch thủ, mà còn có thể tạo nên sự cân bằng trên mặt trận khi khiến những tên lính đang cắm cọc ở vị trí “tử thần trên không trung” (Death from Above) tiếp đất nhẹ nhàng.
Trái ngược với yếu tố “đì đoàng” trên, XCOM 2 giới thiệu đến người chơi cơ chế mới mẻ nhưng cực kỳ quan trọng đối với khái niệm chiến tranh du kích – Concealment (ẩn nấp).
Trong các lượt đi đầu tiên, người chơi có thể chỉ đạo các thành viên trong tổ đội di chuyển ngoài tầm nhìn của lính tuần tra mà không gây báo động.
[su_quote]điều tách biệt “tay mơ” và các chiến lược gia khôn ngoan: Luôn luôn thủ sẵn cho mình kế hoạch B mỗi khi thực hiện bất kỳ quyết định mạo hiểm nào[/su_quote]Cơ chế Concealment vừa giúp ích, vừa buộc người chơi phải mạo hiểm trong những lượt đầu, bởi nó vừa là quãng thời gian tuyệt vời để sắp đặt Overwatch, nhưng người chơi cũng sẽ phải cần đến do thám để xác định vị trí của địch và lùa (hoặc qua mặt) chúng trong trường hợp không có Scanning Protocol của lớp nhân vật Specialist.
Nếu như thành công, người chơi sẽ chứng kiến một khoảnh khắc tuyệt đẹp khi địch thủ bị chốt hạ trong lúc quay chậm không thể nào sảng khoái hơn.
Và dĩ nhiên, sau mỗi lượt Overwatch là lúc người chơi phải xác định những kẻ địch nào còn sống sót, bởi một số đơn vị quân có thể gây ra tổn thất không nhỏ hay thậm chí là lay chuyển tình thế chỉ trong một lượt đi.
CUỘC ĐẤU CỦA NHỮNG CÁI ĐẦU LẠNH
Khác với XCOM: Enemy Unknown, người chơi sẽ không xây dựng thêm bất kỳ căn cứ nào trong XCOM 2, mà giờ đây, mọi hoạt động bên ngoài các trận chiến đều được thực hiện bên trong pháo đài di động Avenger và trên bản đồ thế giới.
Khởi đầu tại một quốc gia ngẫu nhiên, người chơi sẽ phải bay tới các khu vực khác trên bản đồ, tìm kiếm tài nguyên (supply), khảo sát thông tin (intel), liên lạc với các phiến quân trên toàn thế giới.
Mọi chuyện ban đầu trông khá suôn sẻ, nhưng càng về sau khu người chơi mở rộng địa bàn càng nhiều, phá hoại các doanh trại và khu vực quan trọng của ADVENT, thì chúng cũng bắt đầu đáp trả bằng các hoạt động “Dark Event” với mục đích gây khó dễ cho lực lượng XCOM.
Ví dụ như tăng cường quân tiếp viện, cắt đứt nguồn viện tài nguyên hay đẩy nhanh hoạt động của Avatar Project.
Bên phía người chơi, bởi vì lực lượng XCOM không thể nào mọc “3 đầu 6 tay” và giải quyết mọi vấn đề trong cùng lúc, thế nên lựa chọn của người chơi, từ việc mở rộng các khu vực mới bên trong Avenger theo trình tự nào, ưu tiên cho các vấn đề trọng yếu đang diễn ra bên ngoài tổng hành dinh XCOM ra sao, đều mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ với sự ảnh hưởng đối với ADVENT, mà còn phải có lợi cho chính XCOM nữa.
Người chơi luôn phải tìm cách đi trước ADVENT một bước, và chiến thắng sẽ dành cho bên nào về nhất trong cuộc chạy đua với thời gian.
Hệ thống tùy biến nhân vật là điểm sáng tiếp theo của XCOM 2.
Mặc dù không chi tiết đến mức cho phép chỉnh sửa “dung nhan” như nhiều tựa game nhập vai, không cho phép chọn dáng người, và một số kiểu mũ và kính đeo vẫn còn khá hạn chế, nhưng chúng vẫn ở mức “đủ dùng”, thay đổi tên họ và vẻ ngoài của các nhân vật rồi tạo nên một tiểu đoàn hoặc “không giống ai” (hoặc có ý nghĩa gì đó đối với bạn) hẳn sẽ tạo nên cái nhìn mới đối với các thành viên trong nhóm.
Đặc biệt hơn, người chơi còn có thể lưu trữ các nhân vật mà mình chỉnh sửa vào trong “Character pool” và có thể chia sẻ hoặc dùng lại cho nhân vật khác, thậm chí trò chơi còn cho phép chỉ định nhân vật vào vai mục tiêu trong các nhiệm vụ ám sát hoặc giải cứu VIP.
[su_quote]Người chơi luôn phải tìm cách đi trước ADVENT một bước, và chiến thắng sẽ dành cho bên nào về nhất trong cuộc chạy đua với thời gian[/su_quote]Tùy biến nhân vật sẽ chỉ là một cơ chế “gimmick” nhỏ nhặt không hơn không kém, trừ phi người chơi có một cái nhìn “cá nhân” hơn đối với với những người lính.
Đối với người viết, nó không chỉ là dõi theo họ từng bước hoàn thành nhiệm vụ và đạt đến cấp độ cao hơn, mà còn thuộc lòng cả loại trang bị, giáp trụ của họ, vị trí của họ trước khi tham chiến.
Trên chiến trường, ta không những mong muốn hoàn thành nhiệm vụ, mà còn hy vọng rằng họ quay trở về lành lặn.
Những kẻ “già gân” phải luôn có khả năng thực hiện hoàn hảo vai trò của mình, những “lính mới” phải tìm cách chứng tỏ thực lực của mình, người đội trưởng luôn phải đặt ở trung tâm và dẫn dắt đồng đội, kẻ đi đầu luôn luôn sẵn sàng “nhả đạn” khi thấy bóng quân thù, người hỗ trợ đi sau phải luôn kề vai cạnh nhau, những người ngã xuống không bao giờ bị bỏ lại.
Câu chuyện của XCOM 2 không chỉ dừng lại ở những nhiệm vụ của lực lượng XCOM, mà nó còn hiện hữu bên trong chiến trường, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng một đường kẻ mong manh.
Trong lúc Avenger bị mắc kẹt tại Brazil và toàn bộ lực lượng XCOM phải chống đỡ trước sự tấn công ồ ạt của ADVENT, người viết chưa bao giờ được chứng kiến 30 phút đầy “thót tim” như vậy từ trước đến giờ.
Toàn bộ 12 chiến sỹ cố thủ trước pháo đài Avenger và đánh lạc hướng kẻ địch trong lúc thiếu tá Clara “Tapper” McGregor tìm đường phá tan chiếc nam châm từ trường đang vô hiệu hóa Avenger.
Đến lượt thứ 15, nhiệm vụ hoàn thành, song Tapper bị kẹt dưới chân một cây cầu nhỏ bao vây bởi hai con ADVENT MEC.
Cả 12 người đã sẵn sàng rút quân, nhưng hạ sỹ Chen Li quyết định tiếp cận một con MEC và hạ nó chỉ bằng một đường kiếm, và con còn lại bị hạ bởi xạ thủ đang đứng ở vị trí rút quân.
Tapper tháo chạy an toàn, xong Chen Li bị bắn hạ bởi một tên ADVENT Officer ở gần đó trong chế độ Overwatch.
Xóa sổ số địch thủ còn lại, trung sỹ Connor “Butcher” Kennedy ra khỏi vị trí, đưa xác Chen Li quay về và toàn bộ lực lượng XCOM trở về an toàn, ngoại trừ một người.
Đó chỉ là một trong số hàng chục nhiệm vụ ngẫu nhiên trong XCOM 2, và có lẽ chỉ có mỗi chúng ta – những người chỉ huy trên mặt trận, mới có thể cảm nhận được điều đó.
Mỗi cái lắc đầu khi mất đi một thành viên lại là một lời nhắc nhở rằng: trong chiến tranh, mất mát là điều tất yếu, nhưng liệu chúng ta có thể chấp nhận nó và tiếp tục tiến bước hay không, đó cũng là một trong vô vàn quyết định khó khăn trong trò chơi mà người chơi phải thực hiện lấy.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
NHỮNG VẤN ĐỀ KỸ THUẬT QUÁI GỞ!
Game mà quy mô càng lớn thì khả năng dính phải lỗi càng cao.
Với XCOM 2 trở thành tựa game độc quyền cho hệ máy PC, có lẽ việc tìm lỗi càng khó khăn hơn cho Firaxis, bởi vì trong suốt thời lượng 30 tiếng đồng hồ (đầu tiên), người viết đã gặp phải hàng tá lỗi từ bình thường cho đến… nhảm nhí.
Tại sao Ranger lại rất hay ra đòn cận chiến tấn công địch thủ xuyên tường?
Tại sao Stun Lancer có khả năng tấn công xuyên trần nhà?
Tại sao Sharpshooter rất hay… giơ không khí rồi bắn nhưng vẫn gây sát thương, hay lại cầm súng tỉa bằng… một tay như súng lục rồi bắn?
Chưa hết, đó mới chỉ là những lỗi về mặt hình ảnh và không ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm game, thế còn những quãng thời gian chậm trễ kỳ cục mà game tạo ra sau mỗi hành động của từng nhân vật thì sao?
Tại sao màn hình lại thỉnh thoảng đen xì khi tới lượt của địch thủ?
Rồi có lúc nhân vật kẹt cứng trong trạng thái tĩnh và di chuyển bằng cách… “teleport” tới vị trí nhất định, liệu có câu trả lời nào cho những vấn đề này?
[su_quote]điều nực cười nhất, quái đản nhất, vớ vẩn nhất, là tại sao khung hình trong căn cứ của Avenger chỉ còn có… 1/4 so với số khung hình trong trận chiến, và tại sao trên bản đồ thế giới có lúc game hoàn toàn đơ cứng trong vài giây?[/su_quote]Tuy vậy, những lỗi đấy thật sự không phải là câu hỏi lớn nhất đối với người viết, bởi XCOM 2 còn “tặng” cho người chơi vấn đề về khung hình quá ư là… kỳ cục mà đáng lẽ không bao giờ được xuất hiện trong một trò chơi được phát triển đặt trọng tâm trên hệ máy PC!
Vì một lý do nào đó, bất kỳ mức khử răng cưa nào kể cả FXAA đều sẽ “nhai” FPS như “nhai bánh” thậm chí trên các PC cấu hình “khủng”.
Và điều nực cười nhất, quái đản nhất, vớ vẩn nhất, là tại sao khung hình trong căn cứ của Avenger chỉ còn có… 1/4 so với số khung hình trong trận chiến, và tại sao trên bản đồ thế giới có lúc game hoàn toàn đơ cứng trong vài giây?
Chẳng lẽ XCOM 2 được lập trình dựa trên công nghệ tối mật của ADVENT, nên máy tính của loài người không có đủ “trình” để hoạt động ổn thỏa hay sao?
THÔNG TIN
- Sản xuất: Firaxis Games
- Phát hành: 2K Games
- Thể loại: Chiến thuật
- Ngày ra mắt: 5/2/2016
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows® 7, 64-bit
- CPU: 3GHz Quad Core
- RAM: 8 GB
- VGA: 2GB ATI Radeon HD 7970, 2GB NVIDIA GeForce GTX 770
- HDD: 45 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10
- CPU: AMD Ryzen 5 1600 3.2Ghz
- RAM: 16GB
- VGA: ASUS ROG STRIX RX 570 4GB
- SSD: 960GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI 2K GAMES
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- Final Fantasy 7 Rebirth sẽ không có DLC! – Tin Game
- STALKER 2: Heart of Chornobyl hé lộ thông tin về bản cập nhật đầu tiên! – Tin Game
- Assassin’s Creed Shadows chia sẻ thêm về cơ chế lén lút! – Tin Game
- Mythical Games công bố FIFA Rivals! – Tin Game
- Black Myth: Wukong sẽ có thêm vài “bất ngờ” mới vào cuối năm nay! – Tin Game
- STALKER 2: Heart of Chornobyl vượt mốc 1 triệu bản tiêu thụ! – Tin Game