Far Cry Primal – Nói về Far Cry, chúng ta nên bắt đầu từ đâu nhỉ… từ hòn đảo nhiệt đới Micronesia tại châu Đại Dương đóng chiếm bởi lính đánh thuê và… quái vật, sa mạc lửa tại châu Phi bị dày xé bởi “kim cương máu”, đảo Rook của những tên hải tặc khát máu, cho đến đất nước Kyrat tọa lạc tại dãy Himalayas tuyệt đẹp bị nhấn chìm bởi nội chiến, bối cảnh tương lai hậu thảm họa hạt nhân năm 2007…
Quả là những vẻ đẹp đầy mỉa mai đậm chất Far Cry.
Ubisoft đã chứng tỏ rằng họ là một trong những người nghệ sỹ tài ba trong việc tạo nên những thế giới lộng lẫy bậc nhất trong ngành công nghiệp game ở thời điểm hiện tại, và Far Cry Primal lại là minh chứng cho điều đó.
Bởi vì có ai nghĩ rằng thế quái nào mà một thương hiệu được gây dựng nên bởi tiếng súng lại mang người chơi quay trở về… thời tiền sử được cơ chứ?
Vậy đó, Far Cry Primal là bước đi không những “xa thật là xa” trong bối cảnh của loạt game, mà còn đi chệch sang một phong cách mới trong cốt lõi của trò chơi.
Nhưng, “mới” mà có “lạ” hay không, đó là điều mà chúng ta cần phải đi tìm câu trả lời.
BẠN SẼ THÍCH
“Rửa mắt” cùng kỷ nguyên đồ đá
Nếu như bạn muốn thưởng lãm trọn vẹn nét đẹp của vùng đất Oros trong Far Cry Primal, cũng như muốn trải nghiệm trò chơi theo phong cách “đồ đá” nhất có thể, hãy tắt hết tất cả giao diện người dùng hỗn tạp trên màn hình.
Có rất nhiều thứ có thể cuốn bạn vào bầu không khí cực kỳ sống động của Oros, đó có thể là những khu rừng rậm phản phất ánh nắng chiếu xuống đồng cỏ bao la, hay ngay trên những cánh đồng hoa khoe sắc bên cạnh dòng nước là hàng đàn muông thú rảo chạy khỏi nhau.
Lại một lần nữa, Far Cry Primal lại bộc lộ đúng bản chất của loạt game khi thể hiện cái sự trái khoáy trong thế giới của mình: đằng sau vẻ đẹp thiên nhiên khiến người ta phải ngỡ ngàng, đó là thông điệp về bạo lực được đặc tả bằng những giọt máu đang đổ xuống, những gã thổ dân ăn thịt người tàn bạo, những tiếng kêu thét gầm trời của lũ thú dữ háu đói đang xé xác con mồi…
Bạn, Takkar, cũng chỉ là một gã thổ dân cố gắng tồn tại bằng bạo lực.
Bạn không hề ngần ngại lấy da của 4 con lợn chỉ để làm một cái… bao đựng mũi tên, bạn chả quan tâm đến số phận của con hổ nanh kiếm quý hiếm vì da của nó có thể được dùng để làm áo giữ ấm, và dĩ nhiên, lũ thổ dân Udam là cái thá gì đối với bạn chứ! Cho chúng vài mũi tên vào mặt, vài phát dao xuyên tim và cuối cùng, Oros bớt đi vài “kẻ xấu”.
Có rất nhiều thứ có thể cuốn bạn vào bầu không khí cực kỳ sống động của Oros
Và sẽ là một lời dối trá bẩn thỉu nếu người viết nói rằng những hoạt động đó không… hay ho, bởi vì thực sự trải nghiệm khiến người viết thích thú nhất là khi cùng đồng hành với chú sói trắng dạo quanh những khu rừng già, đi săn bắn cùng chiếc cung tên và vài ngọn lao, thỉnh thoảng ngẫu nhiên… xiên một vài tên Udam nào đó.
Chơi đùa cùng chiếc cung mà không có hồng tâm khiến mỗi phát bắn mang nhiều ý nghĩa hơn, và những mũi lao, bất ngờ thay, lại tạo nên cảm giác cực kỳ “đã tay” khi bạn phóng thẳng vào một tên Udam xấu số, khiến hắn bật ngửa ra đằng sau như một con thú nhồi bông vậy!
BẠN SẼ GHÉT
Những mối nguy vô hình
Người viết luôn luôn sử dụng những chiếc bánh Hamburger để miêu tả loạt game Far Cry thời kỳ hậu-Far Cry 3: hình ảnh quảng cáo rất bắt mắt, bỏ vào mồm lần đầu thấy rất ngon đến nỗi phải đập bàn và nói “Ngon tuyệt!”, nhưng chỉ thấy ngon thật khi cứ cách 7 ngày mới ăn một lần.
Trong khi Far Cry 2 từng khiến người viết phải “toát mồ hôi” trong khi hòa mình vào vùng sa mạc châu Phi đầy khắc nghiệt trong đơn độc, thì Far Cry 3 và Far Cry 4 lại “ném” người chơi vào những nhà banh dành cho thiếu nhi cực kỳ bắt mắt, dễ “quẩy” và dĩ nhiên là cực kỳ giải trí!
Nhưng vấn đề ở đây là Far Cry 3 và 4, mặc dù ngớ ngẩn và vô lý, nhưng cả hai tựa game lại mang đến trải nghiệm giải trí cao độ.
Còn Far Cry Primal?
Nó ngớ ngẩn và vô lý một cách nực cười.
Với Far Cry Primal, Ubisoft có lẽ cố gắng mang lại một trải nghiệm nằm đâu đó ở giữa hai thái cực trên, và họ… thất bại thảm hại.
À mà khoan, nếu như ta xét các cơ chế cũ mèm tạo nên thương hiệu Far Cry thì thật ra chúng cực kỳ thích hợp trong bối cảnh của trò chơi đấy chứ!
Bạn là một gã thổ dân ăn lông ở lỗ, bạn phải thu thập những mảnh đá để chế cây chùy phòng vệ: hợp lý!
Bạn phải lấy da động vật để làm bao đựng mũi tên: hợp lý!
Bạn phải ăn thịt sống và thảo dược để hồi máu và làm lành vết thương: hợp lý quá luôn ấy chứ!
Mỗi tội đây là lần thứ bao nhiêu mà chúng ta lại thực hiện những điều này trong một tựa game mang tên Far Cry?
Ba.
Far Cry Primal là tựa game thứ ba vận dụng lại công thức này, nhưng những cơ chế đó đã quá cũ kỹ, lặp đi lặp lại và kéo dài quá đáng.
Nhưng đây là một tựa game Far Cry, sẽ không phải là Far Cry nếu nó không có yếu tố nhập vai, cây kỹ năng, thu lượm, chế đồ (crafting).
Có lẽ vào đúng thời điểm này, Ubisoft chả cần quan tâm đến việc cách tân hay đổi mới dòng game nữa, cứ “dán” chúng vào một bối cảnh thích hợp là xong.
Đến với Far Cry Primal, bạn sẽ trở thành một gã thổ dân thật sự, bởi vì 80% thời lượng trong game, mọi hoạt động mà bạn thực hiện đều liên quan đến chế đồ.
Bạn phải liên tục chế mũi tên, lao và toàn bộ mọi loại vũ khí, trên đường đi bạn phải luôn luôn giữ nút E để lấy nguyên liệu để tiếp tục chế đồ, bạn thực hiện các nhiệm vụ phụ do NPC đề ra chỉ để… chế tiếp các món đồ có hiệu quả mạnh hơn, 6 cây kỹ năng trong game luôn luôn có ít nhất một kỹ năng liên quan đến chế đồ, và dĩ nhiên bạn – với vai trò là tộc trưởng, sẽ phải gây dựng ngôi làng của mình, THÔNG QUA CHẾ ĐỒ!
Bạn đang nghĩ rằng Far Cry Primal đang biến thành Minecraft?
Không, nó còn tồi tệ hơn cả Minecraft, bởi vì trò chơi buộc bạn phải đi theo một lối mòn định sẵn, mọi thứ mà bạn có thể chế tác được đều nằm trong phạm vi của trò chơi.
Far Cry Primal chỉ muốn bạn tiếp tục thu lượm mãi, chế tác mãi, đánh nhau mãi
Bạn không thể kết hợp các loại thảo dược để tạo nên loại thuốc mạnh hơn hay có tác dụng phụ, mà chỉ có thể nhai thịt hoặc thảo dược do game chỉ định sẵn, bạn không thể “ém” một loại đá sắt nhọn nên mũi lao của mình để khiến nó gây sát thương cao hơn, hay thậm chí, ngay cả công đoạn “nâng cấp” ngôi làng của mình cũng đi theo một quy trình tuyến tính nhất định.
Muốn “nâng cấp” ngôi làng, thì bạn phải thu thập đủ số lượng nguyên liệu rồi quay về, giữ nút E để nâng cấp, và… một đoạn cắt cảnh nhỏ hiện lên, bùm, những túp lều đã được dựng lên.
Far Cry Primal không cho bạn bất kỳ một lựa chọn nào, bạn muốn đi sang bên trái, nhưng nó sẽ tóm tóc bạn và chỉ sang bên tay phải.
Bạn không có quyền tự tay xây dựng như trong Fallout 4, ảnh hưởng của ngôi làng đối với bạn chỉ là mở rộng cây kỹ năng, nhiệm vụ mới, trang bị mới…
Chúng chỉ luôn xoay quanh bạn, ảnh hưởng đến bạn, còn đối với thế giới bên ngoài thì chúng hoàn toàn vô nghĩa.
Bạn chả cần phải nhọc công lo lắng về sự an toàn của ngôi làng và người dân, bạn chả cần phải lo toan về việc thiếu lương thực hay chỗ ở, bạn chả cần đoái hoài gì đến cơn thịnh nộ của thiên nhiên giáng xuống đầu người dân.
Nó rất vô nghĩa, nó được tạo ra chỉ để làm “bước đệm” buộc người chơi phải tiếp tục công việc thu lượm và chế đồ, sự ảnh hưởng của nó đến cốt lõi của lối chơi và thế giới trong game là con số không tròn trĩnh.
Chả có một ràng buộc gì khiến người chơi phải nương lại nơi đây, chả có điều gì khiến người viết phải có trách nhiệm với bộ tộc của mình.
Far Cry Primal chỉ muốn bạn tiếp tục thu lượm mãi, chế tác mãi, đánh nhau mãi.
Mỗi vết chân của bạn đều để lại máu đổ và sự tàn phá, còn công cuộc gầy dựng nên một xã hội mà tại đó, con người đồng lòng chung sống cùng nhau và đối mặt với những thử thách bên ngoài, giống như thông điệp mà phần đầu của game bộc lộ thì sao?
Thật sự người viết không hề cảm thấy được điều đó, bởi nó gắn liền với một cơ chế chế đồ được thiết kế sơ sài, trơ trọi, ngu xuẩn một cách khốn cùng.
Chính bản thân con người trong Far Cry Primal cũng tương tự như vậy.
Có lẽ Ubisoft quá mê mẩn với khuôn mẫu nhân vật kỳ quặc từ hai phiên bản trước, khiến cho những con người mà bạn gặp gỡ trên cuộc hành trình của mình trông giống như bước ra từ… bệnh viện tâm thần và bạn – Takkar, cũng chả khác gì một kẻ… khát máu tốt bụng!
Họ đeo những chiếc tai xẻo được từ xác chết hoặc vỏ sò và coi chúng là chiến lợi phẩm (đúng kiểu man rợ thời hồng hoang mà), họ nhảy dựng lên và kêu khè khè như lũ linh trưởng mặc cho đã tiến hóa thành người tối cổ và đang bắt đầu giao tiếp bằng ngôn ngữ, lũ Udam thì không hiểu vì sao mà lại có khuôn mặt trông như người Neanderthal (một giống dân khổng lồ thuộc chi của Người Hiện Đại đã bị tuyệt duyệt), NPC thì lại gán cho bạn biệt danh như “Piss Man” không vì lý do gì cả.
Đâu rồi những nhân vật phản diện đầy nguy hiểm và bí ẩn như The Jackal trước kia?
Đâu rồi cái sự điên khùng tưng tửng và đầy hiểm ác của Pagan Min?
Tạo sao mọi nhân vật trong game đều khó ưa như vậy?
Người viết hoàn toàn thán phục Ubisoft khi đã cất công tạo nên một bộ ngôn ngữ riêng dành cho Far Cry Primal, nhưng với cái cách xây dựng nhân vật thiếu hấp dẫn trong game, cái ấn tượng đáng quên mà họ để lại đối với Takkar, thì thật sự người viết thà “tự kỷ” một mình mới chú chó sói nuôi còn hơn là giao du với những người mà mình chả buồn để tâm đến!
Thế giới trong Far Cry Primal luôn tồn tại những mối nguy chực chờ “xơi tái” người chơi, thế nhưng khi tạo nên một thế giới có quá nhiều sự đối lập với những cơ chế trong lối chơi, thì kết quả mà người chơi nhận được lại là một trải nghiệm nửa vời.
Thay vì khiến người chơi phải “Ôi đệt, có con ma-mút kìa, té ngay không nó húc chết bây giờ!!!” thì thực chất lại là “Ôi đệt, có con ma-mút kìa, thịt nó ngay không nó chạy thoát bây giờ!”.
Thậm chí, nếu bạn có “tử nạn” khi đi săn thì cũng chả phải lo, vì bạn có mất mát cái quái gì đâu cơ chứ, cứ hồi sinh tại trại lửa rồi cứ “đường ta ta đi” thôi.
Huấn luyện thú dữ cũng chỉ gói gọn trong việc mở kỹ năng, dùng thịt dụ thú và… giữ nút E là chúng ngoan ngoãn để bạn xoa đầu!
Bạn không được đặt tên cho thú cưng của mình, bạn không thể rèn luyện chỉ số của nó, bạn không thể “nựng nịu” nó mà không cho nó một miếng thịt, nếu nó tử nạn thì bạn chỉ cần tốn ít lá cây đỏ là chúng sẽ “hô biến” ngay bên cạnh bạn.
Bạn có ràng buộc gì với con thú của mình như những Buddy trong Far Cry 2 không?
Không.
Sự “xuống cấp” trầm trọng của kho vũ khí trong game cũng đáng bàn đến.
Dạo chơi cùng cây cung và mũi lao rất hay ho, cho đến khi game cho bạn thêm hai… cây cung khác, một cây ná và vài mảnh đá vỡ dùng để ném.
Hai chiếc cung có thể hơi khác biệt chút khi một chiếc hữu dụng lúc hạ thủ địch ở xa, chiếc khác có thể hạ hai tên địch cùng lúc, còn cây ná và mảnh đá vỡ thì khác gì mũi lao và dùi cui trong khi chúng cũng có công dụng là dùng để ném?
Bạn cũng đừng nên thử đánh cận chiến bằng dùi cui và lao, bởi vì không những động tác cực kỳ thô kệch, mà cách sử dụng chúng cũng cực kỳ “tiền sử”: bạn chỉ có thể đánh mạnh hoặc nhẹ, không thể đỡ đòn, không thể nhảy né đòn ra đằng sau hoặc sang hai bên, và cái cảm giác khi cây dùi cui chạm vào đối thủ giống như… đập nắp bồn cầu trong nhà vệ sinh vậy.
Sự xuống cấp trầm trọng của đồ họa
Trong 3 tiếng đồng hồ đầu tiên, người viết cam đoan rằng Far Cry Primal sẽ khiến bạn “wow” khi thưởng lãm những khung hình thiên nhiên đầy màu nhiệm.
Sau đó thì sao?
Trò chơi để lộ ra yếu điểm quá lớn của mình.
Môi trường trong game lặp lại quá nhiều và cố gắng “qua mặt” người chơi bằng cách thay đổi tông màu, nhưng thực chất chúng vẫn chỉ là những khu rừng nối liền nhau, những ngọn đồi nằm san sát nhau được kẻ xuyên qua bằng sông ngòi.
Những loại cây cỏ, thực vật làm người chơi dịu mắt trong đầu game thì lại gần như biến mất hoàn toàn về sau, không có cây ăn thịt hay thực vật mang độc tố, không có những địa danh đáng nhớ, mọi hang động đều là những dãy hành lang nối tiếp hành lang, thế giới trong Far Cry Primal không bao giờ có mưa, không có những ánh sao lấp ló trên bầu trời vào buổi đêm, tuyết chỉ xuất hiện ở những khu vực nhất định.
Thế giới trong Far Cry Primal không đáng để khám phá, bởi mọi thứ đều được đánh dấu trên bản đồ.
Không có những khu vực kỳ vĩ cao hun hút khiến bạn muốn leo lên đó, không có cảm giác quan ngại khi bạn cố gắng vượt qua một con sông và sợ rằng cá sấu sẽ tạp nát chân của mình.
Môi trường trong game lặp lại quá nhiều và cố gắng “qua mặt” người chơi bằng cách thay đổi tông màu
Không những thế, về mặt kỹ thuật, không rõ là bộ engine đồ họa Dunia đang biểu hiện “tuổi tác” của mình hay là do phong cách mỹ thuật tệ hại, mà những khung hình trong Far Cry Primal bị “che mắt” ở tầm xa và cực kỳ thô kệch ở tầm gần.
Còn nhớ hiệu ứng lửa cháy trong Far Cry 2 từng khiến làng game phải trầm trồ vào năm 2008 thì giờ đây, trông nó giống như một mảng màu 2D “bị rách” khi lan tỏa vào cây cỏ.
Bề mặt vật thể quá thô kệch, nhơ nhác, đầy góc cạnh và thiếu chi tiết, đặc biệt khi so sánh với Far Cry 4.
Trò chơi quá lạm dụng đổ bóng, hiệu ứng AO kém cỏi khiến ánh sáng trong môi trường mất cân bằng, thậm chí game còn không có nổi chế độ khử răng cưa nào khác ngoài FXAA và SMAA!
Thật sự, mặc dù game hoạt động rất trơn tru, song khi so sánh phần nhìn với game tiền nhiệm, thì Far Cry Primal lại mang đến những khung hình chói mắt và kém chỉnh chu, trong khi Far Cry 4 thật sắc nét và trông chả khác nào sản phẩm từ nhiếp ảnh cả.
THÔNG TIN
- Sản xuất: Ubisoft
- Phát hành: Ubisoft
- Thể loại: Hành động
- Ngày ra mắt: 1/3/2015
- Hệ máy: PC, PS4, Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7, Windows 8.1, Windows 10 (64-bit)
- CPU: Intel Core i3-550 | AMD Phenom II X4 955
- RAM: 4 GB
- VGA: NVIDIA GeForce GTX 460 (1GB VRAM) | AMD Radeon HD 5770 (1GB VRAM)
- HDD: 20 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen 5 1600 3.7Ghz
- RAM: 16GB
- VGA: GTX 1070 8GB
- SSD: Crucial BX500 960GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UBISOFT – CHƠI TRÊN HỆ PC