Dark Souls III – 7 năm là một quãng thời gian dài dằng dặc. Trong ngần ấy năm, đã có những tựa game mới ra đời, đã có những cái tên chìm vào quên lãng, đã có những trào lưu thời thượng nở rộ trong ngành công nghiệp game.
Và cũng có những huyền thoại tạo nên ánh lửa huy hoàng của chính mình, chỉ trong vòng 7 năm.
Có lẽ, rất nhiều người đã từng đặt ra câu hỏi: Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu như FromSoftware không mang Demon’s Souls đến với thị trường phương Tây vào năm 2009, hoặc thậm chí là nếu Demon’s Souls mãi mãi chưa bao giờ tồn tại?
Nhưng thật may mắn bởi điều đó không trở thành sự thật.
7 năm cho 5 phiên bản của loạt game “Souls” (tính cả Bloodborne), thật là một điều kỳ diệu khi FromSoftware đã biến một trong những loạt game hành động – nhập vai kén người chơi, trở thành một thương hiệu được biết đến rộng rãi nhất trong làng game và sở hữu cho mình một cộng đồng người hâm mộ nhiệt huyết bậc nhất ở thời điểm hiện tại.
Thế nhưng, mọi cuộc chơi đều phải đi đến hồi kết, những ngọn lửa rồi cũng đến lúc phải tàn.
Dark Souls III có thể là tựa game cuối cùng trong dòng game Souls, nhưng dấu ấn mà loạt game này đã để lại hẳn sẽ không bao giờ phai mòn.
Dark Souls III ra đời với mục đích là đưa cuộc hành trình của ngọn lửa tới những trang giấy cuối cùng, và những gì mà trò chơi đã đạt được còn đáng khâm phục hơn thế nữa.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
LÀM CHỦ NGHỆ THUẬT “ĐÙA VỚI LỬA”
Có một điều mà rất nhiều người nhầm tưởng về Dark Souls, đó chính là độ khó đến mức “vô cùng tận”, và cũng là rào cản lớn nhất đối với những người mới chơi khi chập chững bước chân vào tựa game.
Thực sự, Dark Souls III, cũng giống như những tựa game tiền nhiệm, không bao giờ, và cũng chưa bao giờ sở hữu độ khó theo kiểu “bắt nạt” người chơi cho vui.
Chúng khó là bởi vì chúng không bao giờ giải thích mọi cơ chế, hướng dẫn cách chơi một cách cụ thể, chúng giấu đi những chiêu trò của mình và buộc người chơi phải tự mày mò lấy, bởi vì về căn bản, không có một quy luật nào mà bạn buộc phải tuân theo trong trò chơi, hay nói cho chính xác: Không có một cách “đúng” nào khi chơi Dark Souls III.
Có thể những kiểu xây dựng nhân vật theo phong cách mạo hiểm sẽ khiến người chơi gặp phải nhiều khó khăn trên con đường của mình, song phần lớn những nhân vật đi theo trường phái hỗn hợp (hybrid) hoặc thuần một chỉ số cụ thể (pure, trong trường hợp của người viết là pure STR) hẳn sẽ không bị “nấc cụt” tại bất kỳ thời điểm nào trong trò chơi.
Cơ chế mới mẻ đầu tiên của Dark Souls III là thanh FP (Focus Points).
Mỗi khi nhân vật thực hiện phép thuật hoặc các đòn đánh “đặc biệt” tùy loại vũ khí (Weapon Arts), lượng FP sẽ vơi dần và chỉ hồi lại khi người chơi nghỉ chân tại trại lửa hoặc “nốc” một bình Ashen Estus Flask được phân chia tỷ lệ với bình Estus Flask thông thường dùng để hồi máu.
Những đòn đánh sử dụng FP có thể tạo nên lợi thế không nhỏ cho người chơi, từ việc “buff” sát thương tạm thời (War Cry), rút máu địch thủ (Lifedrain) cho đến thi triển những cú đánh đầy uy lực (Stomp).
Weapon Arts cũng tạo điều kiện cho khiên có nhiều “đất diễn” hơn.
Đối với những chiếc khiên không có khả năng phản đòn, bạn có thể dùng chúng để tạo nên một cú đập “trời giáng” có thể khiến địch thủ ngã lăn quay, và thậm chí nếu sáng tạo hơn nữa, bạn cũng có thể chơi… hai tay hai khiên.
Sự tùy biến trong việc lựa chọn trang bị của người chơi trong Dark Souls III đa dạng đến mức khó tin, nhất là khi người chơi lấy được các vũ khí được tạo ra từ linh hồn của những con trùm bởi không những sở hữu vẻ ngoài và chỉ số vượt trội so với các vũ khí thông thường, chúng còn có các đòn đánh đặc biệt “có một không hai”, được lấy từ chính các kỹ năng của những con trùm đó.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng luôn sử dụng linh hồn đúng cách, đừng… tạo nhẫn thay vì lấy cây búa của Vordt như người viết nhé.
[su_quote]Không có một cách “đúng” nào khi chơi Dark Souls III[/su_quote]Người chơi được trang bị “tận răng” trong bộ đồ nghề, thế nên để cân bằng lại cán cân sức mạnh, kẻ thù trong Dark Souls III dĩ nhiên sẽ không đời nào để người chơi mài kiếm dễ dàng như Shakespeare làm thơ được.
Chúng chơi theo bầy đàn nhiều hơn, đánh cũng… đau hơn, chộp giật từ các góc kín nhiều hơn, giả bộ “ngoan hiền” rồi ôm hôn người chơi cũng lắm.
Còn lũ AI Invader, có lẽ cái duy nhất tách biệt chúng so với những người chơi khác là yếu tố… lag, bởi vì giờ đây chúng đánh nhau khéo và “lầy” chả khác gì người thật cả.
Đấu trùm vẫn là hương vị không thể thiếu trong Dark Souls III. Vẫn với lối thiết kế cổ điển với từng con trùm sở hữu hai giai đoạn (phase) tăng tốc lối đánh và gia tăng độ nguy hiểm, buộc người chơi phải thay đổi chiến thuật ngay giữa cuộc đấu.
Một số con trùm cũng sở hữu nhiều điểm yếu, như Yhorm the Giant có thể ngã xuống chỉ trong 4 phát đánh nếu như người chơi sử dụng đòn đánh đặc biệt với một loại vũ khí nhất định.
Không phải toàn bộ mọi con trùm trong Dark Souls III đều “ngang hàng” trong độ hứng thú khi giao chiến.
Mặc dù loạt game luôn được biết đến với những con trùm có kích cỡ bằng những… ngọn núi, song người viết thật sự không cảm thấy những trận chiến đối đầu với Curse-rotted Greatwood hay High Lord Wolnir thực sự cuốn hút, đặc biệt với Wolnir khi mà bạn phải đợi một cách thụ động để tấn công chiếc vòng tay của y.
May mắn thay, số lượng trùm thử thách kỹ năng của người chơi vẫn thuộc số đông, và nếu như có cơ hội, người viết sẽ tiếp tục các phần chơi mới chỉ để đánh lại với Abyss Watchers, Pontiff, The Nameless King và Dancer of the Boreal Valley.
ĐỪNG SỢ HÃI BÓNG ĐÊM…
Dark Souls II từng vấp phải rất nhiều lời chỉ trích trong thiết kế màn chơi đầy… vớ vẩn của mình, và may mắn thay Dark Souls III không lặp lại sai lầm đó.
Sau khi hoàn thành phần mở đầu khá tuyến tính của game, người chơi sẽ một lần nữa thưởng ngoạn những nơi mà mình sẽ có cơ hội khám phá: từ góc nhìn xa tít tắp rồi chìm sâu vào những cung đường đầy hiểm nguy được kết nối với nhau bằng hàng tá đường tắt, bí mật, những bức tường ảo ảnh và những lối đi nhỏ.
Dark Souls III luôn khiến người viết tò mò trước và kể cả trong khi bước chân vào những khu vực lạ lẫm.
Vừa bước ra khỏi Undead Settlement, đi thẳng hay là lên trên đây? Ồ khoan, cống ngầm trước mặt lại dẫn về một trại lửa ở trước đó, trong cống ngầm lại có một khu vực nhỏ khác dẫn xuống một cái hố bự chảng ở phía dưới.
[su_quote]Có một cảm giác thích thú đến mức kỳ lạ mà người viết khó có thể diễn tả thành lời khi đặt chân đến những vùng đất trong Dark Souls III[/su_quote]Thật bất ngờ, bởi đây là những thứ mà chúng ta dễ dàng bỏ sót nếu không chú ý kỹ, và có lẽ cái cảm giác thích thú khi với tay và chạm vào những khoảng tối, chỉ có những tựa game “cày hầm ngục” (dungeon-crawler) mới mang lại trải nghiệm khám phá đầy thích thú đến như vậy!
Có một cảm giác kỳ thú đến mức lạ lùng mà người viết khó có thể diễn tả thành lời khi đặt chân đến những vùng đất trong Dark Souls III.
Nó rộng lớn đến mức khiến cho ta cảm thấy khó thở, nó “đẹp” một cách lạnh lùng, nó toát lên bầu sinh khí đầy tội lỗi nhưng cũng thật choáng ngợp.
Đứng trên tường thành Lothric, xung quanh là những lâu đài, thành trì, đầm lầy và chỉ tay về phía chúng: “Đó là nơi mà chúng ta sẽ đặt chân đến”.
Và đúng như vậy, một khi bước ra khỏi căn hầm ngục Carthus, nếu như bạn vẫn còn chút ít gì đó gọi là “nhân tính” thì toàn bộ quang cảnh tại Irithyll dường như có thể làm sống dậy bất kỳ linh hồn bị tổn thương nào.
ĐỪNG LẺ LOI TRONG CHUYẾN ĐI NÀY…
Câu chuyện của loạt game Dark Souls luôn luôn được gói gọn trong những ẩn ý, và có lẽ với vai trò là tựa game khép lại toàn bộ loạt game, thay vì đặt ra thêm nhiều câu hỏi thì Dark Souls III dùng phần lớn thời gian của mình để tìm kiếm những lời giải.
Mạch truyện của trò chơi vẫn đặt nặng tính mơ hồ và có thể khiến người chơi mất phương hướng nếu không để ý, nhưng mặt khác trò chơi cũng giải đáp những dấu chấm hỏi xung quanh nhiều sự kiện trước đây, thậm chí là hé lộ chút ít về cội nguồn của thế giới trước đây.
Chính bản thân dòng game Souls từng là một bí ẩn lớn, bởi vì đó chính là bản chất của dòng game, không những chỉ nằm trong câu chuyện, lịch sử, sự hình thành thế giới và những sự kiện đã xảy ra, mà còn thể hiện trong chính cốt lõi lối chơi.
Dark Souls giống như một chiếc máy Enigma, nó tạo nên những ẩn số và chứa đựng lời giải trong chính nó, và một phần của Dark Souls III chính là mật mã cho những ẩn số đó.
Và thật đáng ngạc nhiên, bởi 7 năm cho những câu chuyện đầy mông lung và những ký ức mù mờ không rõ ràng, thì Dark Souls III “gồng gánh” trên mình một cuốn sử sách với nhiệm vụ viết tiếp những trang giấy cuối cùng một cách hoàn thiện, và trò chơi cũng không quên khiến người chơi phải “bối rối” thêm đôi chút nữa (Untended Graves, đừng kinh sợ khi không nhìn thấy ánh lửa nhé).
[su_quote]thay vì đặt ra thêm nhiều câu hỏi thì Dark Souls III dùng phần lớn thời gian của mình để tìm kiếm những lời giải[/su_quote]Dĩ nhiên, ít mong lung và lạc lối hơn câu chuyện chính là những dòng nhiệm vụ phụ đến từ các NPC trong Dark Souls III.
Lại thêm một lần nữa, người viết lại phải thốt lên “thật kỳ lạ”, bởi trong cái thế giới mà cái chết rảo bước tại gần như ở mọi nẻo đường, thì cái sinh khí toát lên từ sự sống là thứ thật khác lạ, nhưng cũng đầy thân thuộc.
Có thể họ đang lạc nhau trong một căn hầm ngục to tổ chảng, đang… ngồi dưới đáy giếng vì chả biết thằng mèo nào lấy cắp bộ giáp của mình, hay triệu hồi bạn để giải quyết “ân oán cá nhân”, rồi cuối cùng phần thưởng là bạn nhận được là những động tác cử chỉ (gesture) như… ngồi bệt xuống đất, hay một vài vật phẩm khác nhau.
Bạn không cần họ phải song hành cùng mình mọi lúc mọi nơi, bạn không cần phải liên tục quay về và nói chuyện với họ để biết rằng mình không muốn ai phải bỏ mạng, bởi vì có lẽ ngọn lửa phát ra từ sự sống của con người, nó là thứ mà chẳng có linh hồn nào có thể đánh đổi được.
Điều không mấy hay ho lắm là việc các NPC này có thể chết “bất đắc kỳ tử” hoặc trở thành kẻ thù của bạn, nếu như bạn làm sai điều gì đó trong tuyến nhiệm vụ phụ của họ.
Dõi theo quá trình nhiệm vụ trong Dark Souls III khá khó khăn vì game chả có cuốn nhật ký hành trình nào đánh dấu lại những gì mà bạn đang làm cả.
Nhưng có lẽ đó cũng là cái giá của cái chết, và những sự kiện ảnh hưởng đến kết cục của trò chơi hẳn sẽ là lý do chính đáng để người chơi bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới (New Game+).
Miễn sao là bạn đừng làm gì có lỗi với Fire Keeper là được…
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
LỖI KỸ THUẬT TRÊN PC
Đây là phiên bản Dark Souls cuối cùng của loạt game, thế nên cũng có thể tạm hiểu là phiên bản cuối cùng ra mắt trên PC (dĩ nhiên trừ phi FromSoftware tiếp tục phát triển game “Souls” và đưa chúng lên PC), và người viết cũng hy vọng rằng đây là lần cuối mình nhìn thấy một trò chơi chỉ toàn hiện lên nút bấm cho tay cầm Xbox One thay vì nút của bàn phím.
Vâng, Dark Souls III luôn luôn nên được trải nghiệm bằng tay cầm, người viết biết điều đó, nhưng khi mang tựa game lên hệ máy PC thì người dùng sẽ sở hữu nhiều lựa chọn hơn về phần cứng cũng như “đồ nghề” chơi game, thế nên sẽ rất rất rất rất rất tốt nếu như các nhà làm game Nhật Bản đừng “chơi khăm” những người dùng bàn phím và chuột như thế này nữa.
Thậm chí trong phần tùy chọn của game đã có sẵn biểu tượng và tên các nút bấm cơ mà, đưa chúng vào thẳng trong game chẳng lẽ khó đến mức đó sao?
Nhược điểm cuối cùng Dark Souls III có lẽ lại là vấn đề bị văng game (crash) muôn thuở.
[su_quote]người viết cũng hy vọng rằng đây là lần cuối mình nhìn thấy một trò chơi chỉ toàn hiện lên nút bấm cho tay cầm Xbox One thay vì nút của bàn phím[/su_quote]May mắn hơn nhiều người chơi khác, người viết chưa từng bị văng game ngay trong lúc chơi, mà chỉ gặp phải khi đang nạp game hoặc Alt + Tab ở ngoài màn hình Desktop.
Một vấn đề nhỏ nhặt khác cũng liên quan đến phần điều khiển là thỉnh thoảng nhân vật sẽ tự động chạy thẳng tới một hướng nào đó không theo lệnh của người chơi, hoặc camera dính chặt vào một hướng trong lúc chiến đấu.
Vấn đề “hơi hơi” lớn hơn chút nữa là việc địch thủ vẫn có khả năng đâm chém hoặc ném thương… xuyên tường và dễ khiến người chơi chầu trời theo cung cách vớ vẩn nhất có thể.
THÔNG TIN
- Sản xuất: FromSoftware
- Phát hành: BANDAI NAMCO Entertainment
- Thể loại: Hành động, Nhập vai
- Ngày ra mắt: 12/04/2016
- Hệ máy: PC, PS4, Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 SP1 64bit, Windows 8.1 64bit Windows 10 64bit
- CPU: Intel Core i7-3770 / AMD® FX-8350
- RAM: 8 GB
- VGA: NVIDIA® GeForce GTX 970 / ATI Radeon R9
- HDD: 25 GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Intel Core i9-9900K @3.6 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA: ASUS ROG Strix RTX 2080 OC 8GB
- SSD: Samsung EVO 970 MVMe 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI BANDAI NAMCO
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PS4 & PC
BÀI MỚI NHẤT
- STALKER 2: Heart of Chornobyl công bố kế hoạch ra mắt bản cập nhật! – Tin Game
- Kadokawa, công ty mẹ của FromSoftware, xác nhận Sony có ý định mua lại tập đoàn! – Tin Game
- Hãng phát triển Unknown 9: Awakening cắt giảm 18% nguồn nhân lực! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard và Silent Hill 2 Remake “ế ẩm” tại Châu Âu – Tin Game
- Tổng hợp đánh giá STALKER 2: Heart of Chornobyl: Bất đồng ý kiến! – Tin Game
- Square Enix công bố Final Fantasy XIV Mobile – Tin Game