Thương vụ “bạc tỷ” giữa Microsoft và Activision Blizzard đã chính thức được duyệt, điều này cũng có nghĩa là Ubisoft đã được cấp quyền phát trực tuyến đám mây cho dòng Call of Duty cũng như tất sản phẩm đã và sắp ra mắt của Activision trong 15 năm tới.
Thỏa thuận để cấp bản quyền cho Ubisoft chính là một nhân tố quyết định để Microsoft đưa thương vụ với hãng phát hành Call of Duty qua “vạch đích”.
Ubisoft giờ đây sẽ có quyền kiểm soát sự hiện diện của Call of Duty và toàn bộ kho game của Activision trên các dịch vụ đám mây, thỏa thuận này không có hiệu lực ở các quốc gia thuộc khu vực EU cũng như không có hiệu lực đối với những thỏa thuận mà Microsoft đã ký trước đó với những dịch vụ đám mây khác.
Nếu đang sống ở trong khu vực kinh tế châu Âu (European Economic Area, gọi tắt là EEA) – tức bao gồm những nước EU, Iceland, Liechtenstein và Na Uy – bạn sẽ được cấp giấy phép miễn phí để chơi những game của Activision Blizzard mà bạn đã mua (trên PC lẫn console) thông qua “bất kỳ dịch vụ đám mây nào mà bạn muốn”.
Nếu sống ở ngoài khu vực EEA thì Ubisoft sẽ có quyền quyết định dịch vụ đám mây nào được phép phát game của Activision, hãng đồng thời cũng có khả năng cấp bản quyền lại cho Microsoft để đưa kho game của Activision lên Game Pass.
Về mặt lý thuyết, Ubisoft hoàn toàn có thể từ chối cấp quyền cho Microsoft và ngăn không cho các tựa game chuẩn bị ra mắt sắp tới của Activision đặt chân lên Game Pass. Tuy nhiên, trong thực tế, tỷ lệ điều này xảy ra là vô cùng thấp.
Không những thể, Ubisoft còn có thể ký thỏa thuận độc quyền với một số dịch vụ đám mây để đảm bảo rằng thư viện game của Activision sẽ chỉ có mặt trên các dịch vụ đó và không đâu khác.
Tất nhiên, khả năng điều này xảy ở trên thực tiễn thì cũng vô cùng thấp.
TẠI SAO LẠI CHỌN UBISOFT?
Rất nhiều công ty muốn có được quyền phát trực tuyến đám mây cho kho game của Activision và để có được nó, họ phải giãi bày lý do của mình trước Cơ quan Chống Độc quyền Anh (Competitions and Markets Authority, gọi tắt là CMA).
Quá trình này đảm bảo rằng CMA có thể chọn những công ty mà họ tin rằng có thể giải quyết những lo ngại của họ về mảng dịch vụ đám mây. Sau khi CMA tìm ra được những đối tượng phù hợp, Microsoft sẽ có quyền chọn công ty mà họ muốn để chỉnh lại thỏa thuận của mình.
Chris Early, Phó Chủ tịch Cấp cao cho mảng Đối tác Chiến lược và Phát triển Kinh doanh (Senior Vice President of Strategic Partnership and Business Development), cho biết lý do vì sao Ubisoft được chọn trong bài đăng trên web của hãng.
“Chúng tôi đã hoạt động trong lĩnh vực phát nội dung trực tuyến từ rất lâu và đó cũng chính là một trong những lý do đưa Microsoft đến với chúng tôi; chúng tôi là studio đầu tiên hợp tác với Google để thực hiện Stadia; chúng tôi là công ty đầu tiên hợp tác với Amazon để thực hiện Luna; và chúng tôi đã hợp tác với NVIDIA GeForce Now được nhiều năm rồi.
Từ góc nhìn của Microsoft, việc chọn chúng tôi là vô cùng hợp lý bởi vì chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng này và hiểu được giá trị của điều này đối với mảng phát nội dung trực tuyến.”
UBISOFT+
Thỏa thuận giữa Ubisoft với Microsoft đồng thời cũng có nghĩa rằng toàn bộ kho game của Activision Blizzard sẽ có mặt trên Ubisoft+, dịch vụ chơi game qua đám mây của hãng.
Đặc biệt, mọi bên đã bắt đầu hợp tác để đưa game của Activision lên dịch vụ của Ubisoft nhưng chúng ta chưa biết khi nào cộng đồng người chơi có thể thấy chúng trên Ubisoft+.
Tuy thỏa thuận kéo dài 15 năm, giấy cấp phép bản quyền là vĩnh viễn. Điều này có nghĩa là kể cả sau khi thời hạn 15 năm kết thúc, Ubisoft vẫn có thể phát game của Activision Blizzard trên dịch vụ của mình cũng như cho phép các dịch vụ đám mây trên toàn thế giới (ngoại trừ khu vực EEA) phát kho game của Activision.
“Kỳ vọng của chúng tôi là chúng sẽ có mặt trên Ubisoft+, và sau đó chúng tôi sẽ có thể cấp bản quyền riêng lẻ của từng game đến cho các công ty khác.
Có thể đang có một công ty nào đó trên thế giới muốn được cấp bản quyền để đưa những tựa game đó vào dịch vụ mà họ đang có hoặc họ đang cố thiết lập nên một dịch vụ đám mây mới, và tôi nghĩ đây sẽ là một khía cạnh khá là thú vị về cách mảng dịch vụ đám mây phát triển trong 15 năm tới.”