Age of Mythology: Extended Edition – Age of Empires đã từng là một định nghĩa thành công nhất về phạm trù game chiến lược thời gian thực (Real-Time Strategy), một phần cũng vì nó có bối cảnh gần gũi với đại chúng hơn các anh em cùng thể loại, chẳng hạn như WarCraft (thần thoại) và StarCraft (viễn tưởng).
Thậm chí mãi đến tận bây giờ, vẫn không hiếm các hội nhóm thường xuyên í ới gọi nhau đi đánh “Đế Chế” – một cái tên quá sức thân thuộc.
Cùng “song thân” (Microsoft & Ensemble Studios) với Age of Empires, còn có một dòng game chiến thuật khác sử dụng cùng ý tưởng gốc rễ về các thời đại, nhưng ít nổi tiếng bằng – một phần vì đề tài hơi… “xạo ke”, phần khác vì độ cân bằng khá kém, không thể làm game thi đấu eSports được.
Vâng, đó chính là Age of Mythology , một Age of Empire mà bối cảnh diễn ra ở thời đại thần thoại, nơi các vị thần đầy quyền uy ngự trị ba cõi.
Sau hơn 10 năm “im hơi lặng tiếng”, bỗng dưng có một hãng game “rảnh rỗi sinh nông nổi”, đã hồi sinh lại Age of Mythology với đồ họa đẹp hơn – cùng cái tên mới Age of Mythology: Extended Edition.
Liệu sau ngần ấy năm lãng quên trong ký ức của người đời, bóng dáng của những vị thần trong Age of Mythology: Extended Edition có thể làm dậy lên những đợt sóng đam mê một thuở?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Bản sắc văn hóa đặc thù
Không nhiều quốc gia như Age of Empires, Age of Mythology: Extended Edition (đã bao gồm luôn bản mở rộng Titans) chỉ xoay quanh bốn chủng tộc cho người chơi lựa chọn: Hy Lạp, Ai Cập, Bắc Âu và Atlantis.
Thay vào đó, sự đa dạng biến hóa lại đến từ 12 vị chủ thần (3 cho mỗi chủng tộc), mỗi vị lại có những quyền năng và lợi ích riêng.
Chơi Age of Mythology: Extended Edition, có thể nói rằng đồng thời người chơi cũng có dịp học hỏi về những nền văn minh vàng son một thuở, khi những đặc thù về sắc dân, văn hóa của từng chủng tộc được thể hiện hết sức tỉ mỉ.
Chẳng hạn, nếu người Hy Lạp nổi tiếng về quân chế có kỷ luật nghiêm ngặt thiện chiến nhất, người Ai Cập lại có nền tảng xã hội được xây bằng tầng lớp nô lệ, thì người Bắc Âu lại có tính cách hoang dã, hiếu chiến nhất.
Chủng tộc Atlantis được đưa vào sau cùng tuy có hẳn một chiến dịch dài, nhưng lại là chủng tộc mang ít nét đặc trưng nhất, phần vì họ vốn thoát ly từ liên minh Hy Lạp nên khó tránh khỏi những điểm tương đồng.
Rõ ràng các sắc dân và chủng tộc trong Age of Mythology: Extended Edition thảy đều có những nét rất riêng, mà người chơi sẽ có dịp “tận mục sở thị” qua phần chơi chiến dịch rất đặc sắc.
Nhưng điều riêng nhất, mà chỉ Age of Mythology: Extended Edition có, thì lại xoay quanh một loại tài nguyên thần bí: Ân huệ (Favor).
Ngoài ba loại tài nguyên chính thường gặp trong mọi game chiến thuật như thực phẩm, gỗ, vàng, thì trong Age of Mythology: Extended Edition, Favor là thứ làm nên sự khác biệt.
Tất cả các đơn vị thần thoại và những nâng cấp của các vị thần đều tiêu hao điểm Favor này, và lý thú thay là mỗi dân tộc lại có một cách “cày” Favor khác nhau.
Với người Hy Lạp, chỉ cần cho nông dân… quỳ lạy như “tế sao” trước đền thờ là Favor sẽ tăng vùn vụt, càng nhiều người lạy càng tốt.
Người Ai Cập thì có một hình thức thể hiện lòng thành kính trực quan hơn: xây các tượng thần – tượng thần càng xịn, càng nguy nga, càng… đắt tiền thì Favor tăng càng lẹ.
Chơi Age of Mythology: Extended Edition, có thể nói rằng đồng thời người chơi cũng có dịp học hỏi về những nền văn minh vàng son một thuở
Người Bắc Âu rõ ràng không hề che giấu bản tính ưa… đánh lộn của mình, khi có cách tăng Favor cực kỳ “bạo lực”: càng đánh nhau nhiều, Favor tăng càng lẹ.
Nếu không đánh nhau thì chỉ cần mua nhiều các tộc trưởng cũng giúp Favor tăng luôn.
Sau cùng, người Atlantis chắc chắn là chủng tộc có kiểu tạo Favor “sang chảnh” nhất: càng nhiều nhà chính, Favor càng tăng – và dĩ nhiên xây nhà chính không rẻ, vừa tốn tiền vừa đòi hỏi phải có nền móng sẵn trong bản đồ.
Người viết đặc biệt ấn tượng với chủng người Ai Cập, bởi vì khi chơi họ thì hầu hết các công trình thiết yếu như nhà xưởng, nhà dân… đều miễn phí.
Quân lính Ai Cập cũng rất rẻ, bù lại thì phục trang của chúng cũng hơi… nghèo, và dĩ nhiên là chỉ số cũng “chuối hột” nhất.
Ai bảo xài toàn nô lệ “đói rách” làm chi?
Lối chơi chiến thuật sâu sắc
Có thể nói, cốt lõi của tính chiến thuật trong Age of Mythology: Extended Edition xoay quanh tam giác sức mạnh: lính thường, thần thú, và anh hùng.
Ba đỉnh của tam giác này tạo thành một cơ chế “tương sinh tương khắc” kiểu kéo – búa – bao hết sức rõ ràng: các anh hùng rất mạnh khi đánh với thần thú, thần thú là mối đe dọa kinh khiếp của lính thường, và lính thường thì… đập anh hùng “ra bã”!
Không chỉ dừng lại ở đó, mà ngay trong các đơn vị lính thường vẫn tồn tại các nguyên lý sinh – khắc vi diệu khác, chẳng hạn lính giáo (Hoplite) chuyên chống kỵ binh, cung thủ (Toxote) lại chống bộ binh cực tốt.
Mỗi một chủng tộc lại sở hữu các binh chủng đặc thù, khiến cho tư duy chiến thuật của người chơi phải cực kỳ nhạy bén và tinh tế.
Nếu chỉ có vậy, thì đỡ quá – nhưng tiếc thay trong Age of Mythology: Extended Edition, thường thường các trận chiến lại quyết định bởi các vị chủ thần, cùng “một lô một lốc” các thứ thần qua từng thời đại.
Người chơi chọn chủng tộc, chọn một trong ba chủ thần từ đầu game – và sau đó cứ mỗi khi “lên đời” (Classical Age – Heroic Age – Mythical Age – Titanic Age) lại phải chọn tiếp một trong hai vị thứ thần khác.
Chính điều này đã tạo nên một lối chơi hết sức đột phá, “không đụng hàng” của Age of Mythology: Extended Edition.
Với những ai đam mê thần thoại, đặc biệt là thần thoại Hy Lạp, thì Age of Mythology: Extended Edition đúng là cơ hội bằng vàng để có thể ôn lại các pho sử thi hoành tráng, không những được “diện kiến” mà còn được đích thân điều khiển các anh hùng uy danh lừng lẫy, những thần thú oai vệ như Pegasus, Hekagigantes, Kraken…
Còn gì thú vị hơn khi có thể “thay mặt” các thần linh mà “hô phong hoán vũ” qua các quyền năng đáng sợ như mưa thiên thạch, động đất, lốc xoáy?
Sau cùng, dường như mỗi dân tộc lại có định nghĩa khác nhau cho phạm trù “anh hùng”.
Với Hy Lạp, người chơi sẽ cực dễ nắm bắt khi các anh hùng toàn là các tên tuổi “bá đạo” như Hercules, Achilles, Bellerophon, Perseus, Odysseus…
Còn với Ai Cập, “fan cuồng” của Yu-gi-oh chắc chắn sẽ “Like mạnh” khi biết anh hùng của xứ này chính là đức Pharaoh cùng các thầy tư tế.
Người Bắc Âu chuộng đập lộn thật, nhưng để làm anh hùng ở đây thì phải có tư cách… tù trưởng bộ lạc trở lên, bị cái oái oăm thay là cứ… có tiền thì muốn bao nhiêu tộc trưởng cũng được.
Riêng người Atlantis là “bá đạo” nhất, bộc lộ rõ thói “quan liêu, cửa quyền”, khi chỉ cần có… tiền thì ai cũng thành anh hùng được ráo, từ nông dân cho đến lính quèn!
Trong Age of Mythology: Extended Edition, thường thường các trận chiến lại quyết định bởi các vị chủ thần, cùng “một lô một lốc” các thứ thần qua từng thời đại
Cốt truyện tuyệt vời
Nếu một game chiến thuật thời gian thực làm nên điểm sáng nhờ mục chơi mạng, cũng chớ quên rằng thời trước đây – đa phần chúng cũng đều có phần chơi chiến dịch (campaign) với cốt truyện cực hay.
Những cái tên như StarCraft, WarCraft… đã sớm đi vào lòng người, không phải nhờ những vị anh hùng bước ra từ phần chơi chiến dịch như Sarah Kerrigan, Jim Raynor, hoàng tử Arthas… hay sao?
Với Age of Mythology: Extended Edition, phần chơi chiến dịch chỉ có thể gói gọn trong hai từ “tuyệt tác”.
Được kết hợp trọn bộ cả phần chiến dịch của bản mở rộng Titans trước đó, cốt truyện trong Age of Mythology: Extended Edition sẽ đưa người chơi sống lại một thời hào hùng – nơi mà thế giới vẫn còn chìm trong bóng tối hỗn mang, nơi mà con người vẫn còn e sợ cái quyền uy của các vị thần linh vĩ đại!
Với Age of Mythology: Extended Edition, phần chơi chiến dịch chỉ có thể gói gọn trong hai từ “tuyệt tác”
Câu chuyện bắt đầu với Arkantos, tướng lĩnh tài ba của xứ Atlantis.
Sau nhiều lần bị quấy rối bởi bọn hải tặc đen, cùng với việc những con thủy quái cũng “trở mặt”, hội đồng Atlantis cho rằng họ đã bị thần biển Poseidon bỏ rơi.
Để làm hài lòng Poseidon, Arkantos phải đến xứ Troy, cùng liên minh Hy Lạp công phá thành Troy, mang danh vọng về cho Atlantis.
Vốn có dự cảm bất lành, nhưng khó từ chối trước quyết định này, Arkantos dẫn quân rời đi, tham gia cuộc viễn chinh kéo dài gần mười năm tại Troy.
Kề vai sát cánh cùng các tên tuổi đương thời như Ajax và Odysseus quả là một vinh dự, nhưng Arkantos nhanh chóng nhận ra cuộc chiến ở Troy chỉ là khởi đầu cho một âm mưu cực kỳ đáng sợ.
Chuyến đi lên phương Bắc sau cùng cũng làm sáng tỏ mọi điều, khi Arkantos biết được rằng tất cả đều là âm mưu của một gã khổng lồ một mắt – con trai của Poseidon.
Người ta thường biết đến Hades luôn âm mưu lật đổ Zeus để làm bá chủ tam giới, chứ ít ai nghĩ đến vị thần biển phúc hậu tóc bạc Poseidon lại cũng có những toan tính riêng cho mình.
Trận chiến cuối cùng diễn ra trên chính quê nhà Atlantis, và Arkantos phải đối mặt với chính những người anh em, người đồng hương của mình đã bị Poseidon “tẩy não”.
Với sự giúp sức của các anh hùng khác, cùng sức mạnh của Zeus, cuối cùng Arkantos cũng đánh bại được hóa thân của Poseidon, nhưng cái giá phải trả là lục địa Atlantis sẽ phải chìm sâu dưới lòng biển.
BẠN SẼ GHÉT
Đồ họa lỗi thời
Tuy được làm mới lại, nhưng có thể thấy rằng ngoài một số hiệu ứng thị giác, nhìn chung đồ họa của Age of Mythology: Extended Edition không khác gì phiên bản cũ cách đây hơn chục năm.
Nếu so với Fable Anniversary, một bản “làm lại” hoàn toàn về đồ họa, rõ ràng chúng ta có thể thấy SkyBox Labs không được… siêng cho lắm!
Ngoài hiệu ứng thay đổi ngày – đêm, hiệu ứng mặt nước, ánh sáng cùng một số nâng cấp nhẹ về phục trang, vũ khí quân lính – thì nhìn chung đồ họa của Age of Mythology: Extended Edition vẫn thể hiện rõ cái sự kém cỏi của một tựa game làm năm 2003.
Các mô hình nhân vật thô ráp, vuông thành sắc cạnh đầy răng cưa vẫn y nguyên, có chăng chỉ thay đổi một vài tiểu tiết như độ sáng bóng của áo giáp, độ nét của vũ khí.
Những mô hình nhà cửa, mỏ vàng, chiến thuyền… cũng không khá hơn, khi chúng vẫn rất thô sơ và cục mịch.
Với nâng cấp cho phép cuộn chuột “zoom” camera vào nhiều lần, cùng hiệu ứng ngày – đêm, thật sự đôi lúc tầm nhìn trong Age of Mythology: Extended Edition lại bị chính những thay đổi này làm hạn chế.
Nhìn chung đồ họa của Age of Mythology: Extended Edition vẫn thể hiện rõ cái sự kém cỏi của một tựa game làm năm 2003
Lắm lúc, người chơi chỉ “lỡ tay” lăn chuột lố một chút, và tầm nhìn của game bị phóng to quá mức, khiến việc quan sát hết sức khó khăn.
Hiệu ứng mặt nước tỏ ra là nâng cấp đáng giá nhất, khi các đợt sóng xô bờ, những rặng san hô ngầm, ánh nắng lăn tăn giỡn trên sóng… được thể hiện khá tốt.
Tuy nhiên, khi đặt lên đó những chiến thuyền đơn sơ, thô ráp thì sự tương phản ấy càng khiến người chơi “ngứa mắt”.
Đặc biệt, các bãi đánh cá giờ đây còn khó nhìn hơn do sự khúc xạ “quá tay” của mặt nước.
Tính cân bằng kém…
Đây là một nhược điểm cố hữu từ phiên bản gốc rồi, chứ không phải lỗi riêng của Age of Mythology: Extended Edition.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho Age of Mythology: Extended Edition, dù có rất nhiều điểm đặc sắc, khó thành một tựa game chiến thuật thời gian thực xứng tầm.
Nếu tạm gác yếu tố thần thánh qua một bên, thì bản thân các chủng tộc trong Age of Mythology: Extended Edition đã có những sự “lệch pha” đáng kể.
Có thể kể ngay đến quân lính Ai Cập, tuy rẻ tiền nhưng lại quá yếu, thường xuyên phải dựa dẫm vào các binh chủng “lính đánh thuê” với giá “cắt cổ” để thủ nhà.
Quân Bắc Âu tuy khá hiệu quả nhưng chỉ được vào thời kỳ đầu, bởi càng về sau các binh chủng cấp cuối như Jarl, Huskar khá là “thọt” nếu so với Chariot của Ai Cập hoặc Myrmidon của Hy Lạp.
Nếu tạm gác yếu tố thần thánh qua một bên, thì bản thân các chủng tộc trong Age of Mythology: Extended Edition đã có những sự “lệch pha” đáng kể
Thậm chí giữa các vị chủ thần đã có những sự chênh lệch không hề nhỏ, chẳng hạn như thờ Zeus thì người chơi luôn sở hữu các anh hùng “xịn” nhất như Hercules, Achilles… và có thể chọn thờ Hera ở kỷ nguyên Mythical.
Trong khi đó, thờ Set thì người chơi luôn có một lực lượng thần thú hùng hậu… miễn phí, rất “đông và hung hãn”.
Chủ thần đã vậy, đến thứ thần còn mệt hơn – rõ ràng chẳng ai muốn chọn thờ Hermes ở kỷ Classical cả, vì Athena lẫn Ares đều quá “trên cơ”!
Binh lính của Atlantis thật sự gây một vấn đề “nhức nhối”, chủ yếu do giá thành quá cao của chúng.
Tính năng biến lính thành anh hùng cũng khiến người chơi phải cân nhắc rất nhiều, bởi tuy thành thuộc tính anh hùng nhưng lại không mạnh bằng các anh hùng của Hy Lạp, cũng như không có các kỹ năng tất sát, buff sát thương…
Đồng thời trở thành anh hùng cũng đồng nghĩa với việc sẽ bị ăn “no đòn” từ các chủng lính thường.
Nếu xét thêm các vị thần vào, rõ ràng sự cân bằng của Age of Mythology: Extended Edition vốn đã mong manh, nay lại còn nát “bấy nhầy” ra hết.
Chắc chắn ai chơi Bắc Âu cũng muốn chọn Loki, vì chỉ có thờ Loki mới thờ được Hel ở kỷ Mythical – đồng nghĩa với việc sở hữu đến hai loại thần thú cực mạnh là Fire Giant và Frost Giant (chưa tính đến quyền năng của Hel là triệu tập con rồng quỷ Nidhogg cực kỳ “bá đạo”).
Hoặc ai chơi Atlantis cũng sẽ “ghiền” Gaia, chủ yếu do bà ta sở hữu các tuyến nâng cấp “ngon lành” nhất.
Ở kỷ Classical, chắc chắn Cyclops của Ares là vô địch, cả về máu, sát thương lẫn việc chúng có kỹ năng “đấm phát chết luôn” lính thường.
Họa hoằn lắm chỉ có Automaton của Leto là có thể so sánh, do chúng có thể tự sửa chữa và hồi sinh lẫn nhau.
Phải là một người cực kỳ “ấm đầu” mới chọn Hermes, vì đám Centaur của ông này khá là yếu – và cũng phải hơi… “tưng tưng” mới không chọn Theia ở kỷ Heroic, do con chim Stympharian Bird cực mạnh cùng cây thần có thể gọi ra năm con Dryad.
Bàn về các quyền năng, rõ ràng sự “trật chìa” lại còn đáng kể hơn nữa, khi có những quyền năng cấp thấp lại hữu ích hơn cấp cao.
Chẳng hạn như Healing Spring của Forseti là một khả năng cực kỳ quý báu, cho phép hồi máu cho nhiều quân lính cùng lúc – mà lại chỉ là cấp Classical, trong khi Locust Swarm là cấp Heroic mà chỉ dùng để quấy rối không cho địch sản xuất lương thực (với bán kính khá nhỏ).
THÔNG TIN
- Sản xuất: Ensemble Studios | SkyBox Labs
- Phát hành: Microsoft Studios
- Thể loại: Chiến thuật
- Ngày ra mắt: 8/05/2014
- Hệ máy: PC
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 | 8
- CPU: 2.6GHz
- RAM: 4GB RAM
- VGA: 512MB GeForce 9800GT | ATI Radeon 4850 trở lên
- HDD: 5GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- OS: Windows 10 Pro 64-bit
- CPU: Ryzen R7 1700 @ 3.7 GHz
- RAM: 16 GB
- VGA : Gigabyte Rx 560 OC 2GB
- HDD: Samsung 950 Pro 256GB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI VIETGAME.ASIA – CHƠI TRÊN HỆ PC