Agents of Mayhem – “KHI THẾ GIỚI LÂM NGUY, BẠN SẼ GỌI AI? THE THIRD STREET SA…” khoan đã, cái tên đó đã “chết” từ 4 năm trước rồi, kể từ khi Zinyak phá hủy vũ trụ và Johnny Gat tìm đường xuống địa ngục để bắn súng vào mặt Satan 2 năm sau đó.
Không rõ do vô ý hay cố tình mà Volition tự tay viết ra một mạch truyện đi vào ngõ cụt khiến cho họ “tiến không được, nhưng lùi cũng không xong”.
Thế là từ một thỉnh cầu của Johnny Gat khiến cho vũ trụ của Saints Row… khởi động lại nhưng không tự xóa sạch “file lưu game” của mình.
The Third Street Saints nhường chỗ cho những gương mặt mới, những kẻ đại diện cho công lý (họ cho là thế) hoạt động đằng sau sự hậu thuẫn của tập đoàn Ultor (!?) chiến đấu chống lại các “siêu phản diện” âm mưu phá hoại thế giới.
Agents of Mayhem không phải là Saints Row, không nói về bất kỳ câu chuyện băng đảng nào đã định hình nên cái tên Saints Row, bởi vì…. ừm, nó không phải là Saints Row, Volition đã “đóng chắc nịch” điều đó ngay trong chính những trailer của trò chơi, thế nên chúng ta hãy xem xét nó với tư cách là một tựa game riêng lẻ sở hữu vài nhân tố “kỷ niệm xưa”, mọi người đồng ý không nào?
BẠN SẼ GHÉT
CÁI TÊN MỚI, VẤN ĐỀ CŨ
Có một điều khiến người viết cảm thấy khá buồn cười đó là dù cho có kinh nghiệm sản xuất game thế giới mở trong vòng 11 năm, thế nhưng dường như Volition vẫn chưa tìm ra cách nào để biến thế giới mà mình tạo ra sở hữu vai trò lớn hơn là dành chỗ cho các con đường để người chơi lái xe.
Steelport trong Saints Row: The Third và Saints Row IV là một thành phố công nghiệp buồn tẻ với rất ít điểm nhấn và môi trường thiếu đa dạng. Seoul trong Agents of Mayhem sở hữu thiết kế kiến trúc tương lai ưa nhìn hơn, dịu mắt và dĩ nhiên là mang đậm dáng dấp châu Á hơn, song nó vẫn sở hữu cảm giác trống trải của Steelport.
Người dân là “con rối di động” không hơn không kém dẫu cho sở hữu vẻ ngoài ít lặp lại (có cả robot nữa cơ mà!), không có radio hay đài phát thanh, đa số khu vực trong game được trám đầy bởi NPC cho có lệ và… hết, sự tương tác từ người chơi và phản ứng của họ là rất hạn chế khi so sánh với các tựa game khác cùng thể loại.
Agents of Mayhem cũng một lần nữa lặp lại một khuyết điểm kỳ quặc từ Saints Row IV: thừa lượng, thiếu chất.
Các hoạt động phụ như Blazin, Mech Suit Mayhem và Vehicle Mayhem của Saints Row IV khá thú vị, nhưng sai lầm lớn nhất của Volition đó là ứng dụng chúng vào… mạch truyện chính của trò chơi, kết quả là chúng ta sở hữu một lượng lớn nhiệm vụ cả chính lẫn phụ của các Homie với mô-típ lặp lại.
Agents of Mayhem sở hữu hơn 50 nhiệm vụ (được gọi là Operation) bao gồm mạch truyện chính đưa ra mục tiêu đập đổ 7 nhân vật phản diện cộng với 16 nhiệm vụ riêng của các Agent.
Tới đây bạn hẳn sẽ thắc mắc: “Khoan, 15 + 7 đâu có bằng… 50?” Chính xác, mỗi Operation trong game thực ra được chia ra thành hai hoặc ba phần nhỏ lẻ rồi kết thúc bằng một Operation “cao trào” cuối. Điều này sẽ không phải là vấn đề lớn nếu như các nhiệm vụ của Agents of Mayhem có mô-típ quá giống nhau: tới điểm A, tiêu diệt hết lính tráng của LEGION, hack máy tính B, kíck hoạt máy C, tiêu diệt lính LEGION, phá hủy quân trang trong phòng D, có thể là đánh một con boss ở khu vực cuối rồi tẩu thoát, lặp lại vô số lần trong toàn bộ chiều dài của trò chơi.
Số lượng Operation nghe qua có vẻ nhiều, nhưng mỗi Operation thực chất sở hữu độ dài khá khiêm tốn và cấu trúc nhiệm vụ chỉ thực sự bắt đầu trở nên đa dạng ở phần cuối của game.
Như “xát muối vào vết thương”, trò chơi sở hữu số lượng bố cục được dùng trong các khu vực LEGION Lair có thể được… đếm trên đầu ngón tay. Các LEGION Lair được tạo ra bằng thuật toán nối những căn phòng được dựng sẵn theo trình tự ngẫu nhiên, tuy nhiên về mặt hình ảnh, chúng trông quá giống nhau, kém đa dạng và bố cục lặp lại quá nhiều lần, khiến cho cảm giác “Deja Vu” ập lấy người chơi trong lúc trải nghiệm là điều khó tránh khỏi.
Nếu phải tìm ra điểm khiến LEGION Lair ít ra còn có thể tạm tha thứ được, thì đó là chúng sở hữu khá nhiều hòm đồ giúp người chơi “cày” nguyên liệu và trang phục cho Agent dễ dàng hơn so với trong thế giới mở.
Về cốt truyện… ừ thì Agents of Mayhem có cốt truyện đấy, nó cũng sở hữu rất nhiều nhân vật hay ho mặc dù nhại lại mô-típ ca sỹ kiêm phản diện hơi nhiều lần. Adriadne có thể là một trong số những nhân vật phản diện khá khẩm nhất trong các sản phẩm của Volition, và kẻ gần-chủ-mưu Dr. Babylon (những ai “cầm trịch” Reinhardt trong Overwatch có thể sẽ cảm thấy quen thuộc khi nghe giọng nói của y) là điểm sáng lớn trong mạch truyện của Agents of Mayhem, nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa đủ để cứu lại tuyến truyện với khá ít điểm nhấn và cuối cùng kết thúc một cách lững lờ.
Agents of Mayhem cũng một lần nữa lặp lại một khuyết điểm kỳ quặc từ Saints Row IV: thừa lượng, thiếu chất
BẠN SẼ THÍCH
NHỮNG GƯƠNG MẶT MỚI ĐÁNG NHỚ
Cốt truyện có thể chưa được như mong đợi, thế nhưng Volition vẫn chứng tỏ thành công rằng họ chưa bao giờ trượt ngã trong việc viết nên những nhân vật có hồn trong các tựa game của mình.
Loạt game Saints Row mang đậm bản sắc riêng một phần nhờ vào dàn nhân vật cá tính và đáng nhớ xuất hiện xuyên suốt dòng game (không phải ngẫu nhiên Johnny Gat và Shaundi có nhiều người hâm mộ đến thế), và Agents of Mayhem không hề nằm ngoài quy luật này.
Tổ đội của Mayhem trực thuộc pháo đài bay Ark tập hợp những nhân tố… kỳ quặc và sở hữu tính cách chẳng ăn nhập gì với nhau tới mức khó hiểu, thế nhưng một khi chính thức bắt tay chiến đấu chống lại kẻ thù chung, họ ăn ý và bỗng dưng đồng điệu với nhau một cách ngạc nhiên thông qua cái cách mà mỗi người phản hồi trong từng phân đoạn, cũng như những đoạn hội thoại xuyên tổ đội mang đậm chất Bioware.
Agents of Mayhem cũng từ bỏ phong cách “hài dơ” của Saints Row: The Third, dĩ nhiên đây không phải là trò chơi dành cho trẻ em, nhất là khi trong nhóm Mayhem có một tay cựu diễn viên phim người lớn và một gã người Nga đóng băng toàn bộ cơ thể, bao gồm cả bộ phận mà-ai-cũng-biết-là-bộ-phận-nào-đấy.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa trò chơi cũng từ bỏ luôn phong cách xây dựng dàn nhân vật chính đầy đáng nhớ mang thương hiệu Saints Row.
Volition vẫn chứng tỏ thành công rằng họ chưa bao giờ trượt ngã trong việc viết nên những nhân vật có hồn trong các tựa game của mình
HỆ THỐNG CHIẾN ĐẤU CÓ CHIỀU SÂU, CÓ TRỌNG LƯỢNG
Phiên bản Saints Row phổ biến nhất và thành công nhất – Saints Row: The Third, oái oăm thay thực chất lại sở hữu cơ chế chiến đấu… tồi nhất trong cả loạt game với phương thức bắn súng góc nhìn thứ ba cổ lổ sĩ, vũ khí có cảm giác như súng đồ chơi cũng như địch thủ không hiểu vì lý do gì mà có thể ăn đạn nhiều quá mức cần thiết. Saints Row IV “đánh bóng” lối chơi của Saints Row: The Third và nâng nó lên cấp 11, giới thiệu các siêu năng lực khiến cho chiến đấu trở nên đa dạng và hẳn nhiên thú vị hơn rất nhiều so với việc phải dính chặt với kho vũ khí tệ hại tới mức khó tin của Saints Row: The Third. Với Agents of Mayhem, Volition thoải mái trình diễn một cơ chế chiến đấu mới không những xuất sắc bậc nhất trong toàn bộ loạt game, mà còn có khả năng “đá đít” bất kỳ tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba nào khác trên thị trường hiện nay.
Volition đã định hình Agents of Mayhem ngay từ đầu rằng trò chơi sẽ rất nặng tính chất chiến đấu, và đây là điểm khiến cho người viết khó có thể khuyên bạn rằng nó có đáng mua hay không, bởi giá trị của trò chơi sẽ được định hình bằng mức độ mà bạn thích thú với cơ chế chiến đấu của trò chơi tới đâu.
13 Agent trong game sở hữu phong cách chơi khác nhau, một vũ khí riêng, một năng lực riêng và một tuyệt chiêu Mayhem (biến thể của Ultimate thông thường), bạn có cảm thấy quen thuộc không? Agents of Mayhem cho phép người chơi mang theo mình ba Agent trong một đội có thể luân chuyển qua nhau chỉ bằng một cú lăn chuột, và cái hay đầu tiên trong hệ thống chiến đấu bắt đầu lộ ra từ đây: mấu chốt của chiến đấu trong Agents of Mayhem là khả năng kết hợp và bổ trợ lẫn nhau giữa ba Agent mà bạn mang theo mình.
Mỗi người đều có một vai trò và khả năng riêng. Oni có thể sử dụng phát bắn đặc biệt áp hiệu ứng sợ hãi lên mục tiêu khiến chúng tháo chạy trong vài giây, cực kỳ hữu hiệu trong lúc cần sắp đặt cho một Agent khác có thể gây nhiều sát thương trong thời gian ngắn hơn như Scheherazade chẳng hạn.
Teleharpoon của Hardtack kéo mục tiêu tới trước mặt, Oleg/Yeti gây choáng diện rộng xung quanh mình, Pierce/Kingpin sở hữu nâng cấp giúp gây thêm sát thương đối với kẻ địch dính phải hiệu ứng “debuff”, một số Agent có khả năng tàng hình giúp tháo chạy khi có biến, và còn nhiều hơn nữa.
Bạn hoàn toàn có thể chọn lựa các Agent có khả năng “một mình chống Mafia” hoàn hảo như Gat, Rama, Daisy hay Braddock miễn sao có đủ kinh nghiệm, nhưng khả năng thay đổi nhân vật dẫn đến tùy cơ ứng biến phù hợp trước mỗi tình huống mới là điểm sáng của Agents of Mayhem, và cũng thể hiện một phần chiều sâu của trò chơi.
Chiều sâu trong lối chơi của Agents of Mayhem tiếp tục được mở rộng qua cơ chế phát triển và xây dựng nhân vật được chỉn chu một cách kỹ càng.
Mỗi Agent sở hữu ba loại Gadget: Special Gadget thay đổi cách thức hoạt động của năng lực đặc biệt, Weapon Gadget “chỉnh chọt” cách thức hoạt động của vũ khí và Passive Gadget bổ trợ cho chính Agent, và từng nhân vật sẽ được xây dựng bằng cách kết hợp những phụ trợ mà bạn cho là cần thiết.
Các Special Gadget “đặc biệt” đúng như cái tên của nó bởi sự linh hoạt trong số lượng các Gadget phụ mà trò chơi lại, ví dụ như kỹ năng ném phi tiêu gây mù của Scheherazade có thể được đổi thành phi tiêu gây hiệu ứng rút máu theo thời gian, hoặc tạo nên một lỗ đen nhỏ hút toàn bộ kẻ thù ở gần vào một chỗ.
Bạn có thể tạo dựng Daisy theo hướng “xả đạn càng nhiều càng tốt” với Minigun bằng cách chọn lấy Gadget giảm độ tỏa đạn, tăng lượng nhiệt tối đa và giảm lượng nhiệt qua từng phát bắn, nhưng Daisy cũng có thể hoạt động theo hướng “trượt patin toàn phần” với Gadget tạo hiệu ứng Fortify (giảm sát thương nhận được) và Haste (tăng tốc độ di chuyển) khi sử dụng kỹ năng đặc biệt.
Braddock có thể luân chuyển khẩu súng trường của mình từ chế độ phá giáp bằng một phát bắn cho tới phóng lựu gây sát thương diện rộng, hoặc cho phép… nhìn và bắn xuyên tường.
Bốn nhánh nâng cấp vĩnh viễn (bao gồm một nâng cấp được áp dụng cho cả đội) cùng với ba nâng cấp “lõi” đơn giản hơn đôi chút khi chúng chủ yếu cộng thêm phần trăm vào chỉ số có sẵn của từng nhân vật, nhưng dù gì thì chúng vẫn đóng góp thêm cho cơ chế phát triển nhân vật mang tính thử nghiệm thú vị cao độ.
Cuối cùng, không thể không kể đến GREMLIN Tech, đơn giản là các món đồ chơi giới hạn số lượng mà người chơi có thể thu thập từ các rương hòm hoặc chế ra tại khu vực R+D trong Ark.
Dĩ nhiên bạn có thể hoàn thành Agents of Mayhem chỉ với kỹ năng mài súng của mình, nhưng sẽ thật quá uổng phí nếu như bạn bỏ qua toàn bộ 29 phụ kiện của Gremlin trải dài từ hữu ích cho tới… mạnh một cách quá quắt.
Nếu như bạn đã quen với sấm chớp hay những tia năng lượng bự chẳng phóng xuống mặt đất, tại sao không “đổi gió” chút và thả… bồ câu phát nổ xuống đầu kẻ thù? Một ụ súng phóng điện đang cản đường bạn? Nó sẽ là miếng “mồi” ngon dành cho một trái banh sắt bự tổ chảng sẵn sàng lăn theo hướng mà bạn chỉ định.
Bạn có thể không mạnh mẽ như The Boss trong Saints Row IV, nhưng điều đó không hề cản trở Gremlin cho phép bạn tiếp-đất-theo-phong-cách-siêu-anh-hùng.
13 Agent trong game sở hữu phong cách chơi khác nhau, một vũ khí riêng, một năng lực riêng và một tuyệt chiêu Mayhem (biến thể của Ultimate thông thường), bạn có cảm thấy quen thuộc không?