AMD – Lần cuối cùng AMD tổ chức ngày phần tích tài chính là vào năm 2017, thời điểm mà Ryzen đời đầu mới ra mắt và vẫn còn là một “chú cừu” mới mẻ, non nớt.
Vậy nhưng chỉ sau 3 năm, AMD Ryzen đã làm dậy sóng phân khúc người dùng phổ thông cực kì mạnh mẽ, khiến Intel chao đảo. Với doanh số gấp nhiều lần Intel, tới 13 lần tại Đức, AMD đang có tiềm năng thâu tóm thị trường cực kì lớn. Và việc Intel phải “bấu víu” vào kiến trúc 14nm “++++++++” bởi không xuất xưởng nổi CPU kiến trúc 10nm như đổ thêm dầu vào lửa.
Tuy nhiên, con đường AMD đi vẫn còn dài, đặc biệt là khi Intel vẫn nắm phần lớn thị trường CPU cho máy chủ, máy trạm và Nvidia vẫn “nhảy múa” với dòng GPU Turing.
Và ngày Phân tích tài chính 2020 của AMD là lời khẳng định với nhà đầu tư cũng như người dùng rằng công ty đang có những sản phẩm cực kì “khủng bố”, những kế hoạch dài hạn và những thay đổi cần thiết về đường lối.
Sau đây, Vietgame.asia xin tóm tắt một số thông tin quan trọng của ngày này cho bạn nhé.
ZEN 3
Với AMD, dòng CPU mang kiến trúc Zen 3 (CPU Ryzen 4000) sắp tới đây sẽ là điểm nhấn cực kì quan trọng.
AMD Ryzen 1000 và 2000 (mang kiến trúc Zen/Zen+) là bước đầu cho đội đỏ khẳng định lại tên tuổi đã mất sau 6 năm của mình vời người dùng. Tuy nó chưa thể đánh bại Intel về nhiều mặt, đặc biệt thua đáng kể ở mảng game, nhưng nhờ số lõi khổng lồ và thiết kế chiplet tân tiến, nó cũng đã tạo áp lực cực lớn trong việc mang lại những CPU đa tác vụ vừa rẻ vừa khỏe. Cũng do vậy mà Intel đã phải bắt đầu dừng “vắt sữa” người dùng với các CPU 4 lõi và cho ra mắt những CPU mạnh hơn, nhiều lõi hơn.
AMD Ryzen 3000 (kiến trúc Zen 2) hiện nay là một “cú đánh trời giáng” cực mạnh. Tuy ban đầu còn một số lỗi vặt, nhưng dần dần, Ryzen 3000 đã khẳng định được vị thé và đưa Intel vào thế bị động. Không những vậy, việc gặp vấn đề với công nghệ 10nm và các lỗ hổng bảo mật đã làm đội xanh “vã” hơn bao giờ hết.
Lên những trang web bán hàng nổi tiếng như Amazon và bạn sẽ thấy AMD đang gần như thống trị – một cảnh tưởng gần như không tưởng chỉ sau 3 năm.
Tuy nhiên, Intel vẫn còn đang có một số lợi thế nhất định, cụ thể là ở mảng game và CPU cho máy chủ, máy trạm.
Như vậy, coi Zen 2 là cú đánh trời giáng thì Zen 3, nếu thành công, sẽ là phát bắn kết liễu. Ở thị phần CPU cho người dùng phổ thông, Intel sẽ mất gần như toàn bộ ưu điểm, còn các dòng CPU cho máy chủ, máy trạm từ AMD sẽ được củng cố. Hiện tại, khi các ông lớn như Google hay Cloudflare đã chọn chơi với AMD thì một Zen 3 có thể nuốt kha khá thị trường máy chủ đó.
Theo lịch trình, dòng CPU AMD mang kiến trúc Zen 3 sẽ ra mắt vào cuối năm nay, nên rất có thể sẽ là vào cuối quý 3, đầu quý 4. Chắc chắn thông báo chính thức sẽ phải chờ sau rồi.
Một lưu ý nhỏ là sắp tới, AMD sẽ cho ra mắt dòng CPU Ryzen 4000 cho laptop. Ngược lại với Intel, khi có kiến trúc mới, AMD đầu tư cho CPU của desktop trước, rồi cho CPU của laptop sau. Như vậy, dòng CPU của laptop sẽ ra chậm vài tháng, và thường thì lúc đó đã sang năm mới rồi, nên AMD sẽ cộng 1000 cho tên của dòng CPU đó luôn.
Do vậy, dòng CPU 2000 laptop của AMD mang kiến trúc Zen đời đầu, dòng CPU 3000 laptop mang kiến trúc Zen+, và dòng CPU 4000 sắp tới đây sẽ mang kiến trúc Zen 2 hiện có trên thị trường desktop chứ không phải Zen 3. Nhưng dòng CPU 4000 laptop này được “đồn đoán” là sẽ làm “chấn động thị trường” đấy, với chiếc CPU 15W R7 4700U mạnh ngang ngửa i7 6700, còn iGPU xứng tầm Nvidia Mx 250. Đương nhiên, mọi thứ chỉ ngã ngũ khi sản phẩm thực sự ra mắt, nên chúng ta hãy chờ xem nhé.
NAVI 2X – RDNA 2
Trong khi Intel đang chật vật để đối đầu với AMD ở mảng CPU thì đội đỏ vẫn gặp khó ở mảng GPU.
Ở mảng desktop, với dòng sản phẩm mới nhất là Navi, AMD không có “vũ khí” để đối đầu với những “hàng khủng” của Nvidia như RTX 2080, 2080 Super, 2080 Ti. Hơn thế nữa, các vấn đề về trình điều khiển đã trở lại “ám ảnh” đội đỏ, và tuy là AMD đã nhanh chóng giải quyết chúng… đơn giản là thay vì bị ốm và phải uống thuốc để khỏi, không bị ốm có lẽ là giải pháp tốt hơn.
Mảng mobile cũng không khấm khá hơn, với chiếc GPU mới nhất chỉ là Rx 5500M. Rx 5600M và Rx 5700M đã được lên kế hoạch để ra mắt đầu năm nay, nhưng theo thông số kĩ thuật, có lẽ chúng chẳng mang lại cho người dùng lý do gì đủ hấp dẫn để lựa chọn cả.
Dòng GPU tiếp theo có Navi 2X và mang kiến trúc RDNA 2 sẽ là một sản phẩm mang tính quyết định khác bên cạnh Zen 3, bởi sản phẩm này sẽ là “linh hồn” của thế hệ console tiếp theo.
Nó sẽ hỗ trợ công nghệ Ray Tracing ở cấp độ phần cứng, cũng như độ làm mới khung hình động (variable rate shading). Hiện tại, Ray Tracing phần cứng là công nghệ “hàng độc” của Nvidia, và trên thị trường, số tựa game hỗ trợ Ray Tracing tử tế vẫn có thể đếm trên đầu ngon tay. Thế nhưng với một hệ máy console mới hỗ trợ công nghệ này, hi vọng nhà sản xuất sẽ có thiện cảm với Ray Tracing hơn. Và nếu console sử dụng phần cứng của AMD có hỗ trợ Ray Tracing thì có lý do gì card đồ họa cho PC lại không chứ?
Đồng thời, một điểm đáng nói là Navi 2X sẽ tăng 50% hiệu năng sử dụng điện (performance per watt) so với Navi. Trước kia, GPU của đội đỏ vẫn được gán mác là nóng và tốn điện. Navi đã cải tiến điều này đáng kể, và với Navi 2X, AMD sẽ khắc phục triệt để sự yếu kém này, giúp cho GPU, không chỉ cho laptop, mà cho console và cả cho PC, trở nên mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, nói tới PC thì AMD dự kiến quăng “hàng khủng” Navi 2X của mình vào cuối năm nay. Như vậy, khả năng cao là đội xanh sẽ ra sản phẩm trước. Nhưng có lẽ AMD khá quyết tâm “máu chiến” với Nvidia phen này, bởi lần đầu tiên, công ty sẽ không dùng lồng sóc cho bản thiết kế tham chiếu chính hãng nữa. Thay vào đó mà một chiếc card 2 quạt “sịn sò” này.
CDNA: AMD GPU CHO TÍNH TOÁN
Để có được một kiến trúc tối ưu cho chơi game và không tốn điện, chắc chắn AMD phải đánh đổi gì đó, và trong trường hợp này là khả năng tính toán của GPU.
Thay vì sử dụng một kiến trúc GPU, như Vega hay Polaris, để “nhồi” vào cho cả PC, để chơi game, và máy chủ, để tính toán, thì AMD đã tách riêng chúng ra thành 2 dòng GPU khác nhau.
Cụ thể, kiến trúc RDNA 1/RDNA 2 cho Navi và Navi 2X sẽ được tối ưu cho chơi game. Tuy nhiên, khả năng tính toán của chúng sẽ khá tệ. Ví dụ, Navi đã ra mắt từ năm ngoái mà ROCm, công cụ hỗ trở sử dụng GPU AMD để tính toán học máy, vẫn chưa hỗ trợ bất kì GPU Navi nào.
Thay vào đó, những ai muốn dùng GPU của mình để làm các tác vụ tính toán hay công việc chuyên nghiệp sẽ có lựa chọn dùng GPU mang kiến trúc CDNA. Tuy nhiên, chưa có thông tin rõ ràng nào về ngày ra mắt cụ thể hay hiệu năng của sản phẩm nên chúng ta sẽ phải chờ xem.
Nhưng nhìn chung đây là một bước đi khá tích cực, vì rõ ràng việc gộp 2-trong-1 như AMD từng làm với các dòng GPU trước đã khiến công ty “lép vế” so với Nvidia, nên một thay đổi là cần thiết. Chỉ là hi vọng các GPU CDNA cũng đừng “xót ví” hay kén driver quá, để những người muốn làm các tác vụ chuyên nghiệp nhưng đổi lúc cần nhu cầu giải có thể chơi game thoải mái.