AMD Ryzen 5 7600 – Các mẫu vi xử lý dòng AMD Ryzen 7000 Series ra mắt đã tạo ra tiếng vang nhất định trong cộng đồng người dùng, đặc biệt là các fan hâm mộ của “đội đỏ”, thế nhưng việc ứng dụng hoàn toàn những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất khiến cho mức giá tổng cộng phải chi cho toàn bộ hệ thống lại kém cạnh tranh hơn.
Thật vậy, trong khi các hệ thống đến từ đối thủ có thể “tận dụng” những mẫu bo mạch chủ đời cũ rẻ tiền hơn, hay trang bị những mô đun bộ nhớ DDR4 đang đi đến cuối dòng đời của mình với mức giá không thể nào tốt hơn thì nền tảng AM5 lại có các bo mạch chủ đắt đỏ hơn nhiều thế hệ trước đó, cùng với đó là giá của các mô đun DDR5 vẫn còn đang ở mức cao.
Chưa kể đến người dùng cũng cần phải “dự chi” cho thêm các phụ kiện khác như một bộ nguồn công suất cao hay một tản nhiệt nước AIO đầy chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu của các hệ thống Zen 4 thế hệ mới với khả năng ép xung ấn tượng và duy trì xung boost ở mức cao.
Tại CES 2023 vừa qua, AMD đã cho ra mắt các CPU Ryzen đời mới, trong đó có các phiên bản “non X” sở hữu mức tiêu thụ điện/tỏa nhiệt thấp hơn các phiên bản “X” tiêu chuẩn mà AMD Ryzen 5 7600 là đại diện “bình dân” nhất hướng tới người dùng hiện nay.
Được sự hỗ trợ từ AMD Việt Nam, Vietgame.asia đã có dịp thử nghiệm và đem đến cho bạn đọc bài đánh giá chi tiết về mẫu CPU này.
Liệu mẫu CPU tầm trung này có thực sự “phổ cập” nền tảng AM5 đến với cộng đồng game thủ?
Hãy cùng người viết tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
AMD RYZEN 5 7600 – “BƯỚC LÙI” HỢP LÝ!
Có một nguyên tắc mà bất cứ người dùng PC nào cũng biết, đó là càng cấp nhiều điện năng thì CPU của bạn sẽ hoạt động với xung nhịp càng nhanh hơn, và từ đó đem đến sức mạnh xử lý ấn tượng hơn.
Thế nhưng điều đó không có nghĩa là bạn sẽ nhận về đầy đủ sức mạnh từ phần điện năng cấp thêm. Một phần rất lớn trong số đó thất thoát ra ngoài dưới dạng nhiệt lượng tỏa ra, cần đến các giải pháp tản nhiệt hạng nặng để “gánh chịu” mức nhiệt này, giúp cho CPU có thể hoạt động ổn định, và đó cũng là bối cảnh chính của hầu hết các bộ vi xử lý hàng đầu hiện nay đến từ cả “đội đỏ” lẫn “đội xanh”.
Vậy nên nếu lui lại một bước, tìm được đúng điểm sử dụng hiệu quả năng lượng cao nhất, mẫu CPU của bạn sẽ “hy sinh” đôi chút hiệu năng để đổi lại mức tiêu thụ năng lượng và tỏa nhiệt an toàn hơn.
Dòng CPU “non X” nói chung và AMD Ryzen 5 7600 cũng áp dụng phương pháp tương tự, thế nên hầu hết các thông số trên mẫu CPU đều tương tự như “đàn anh xả láng” AMD Ryzen 5 7600x của mình.
Chẳng hạn như cả hai đều sở hữu 6 nhân thực và 12 luồng xử lý, bộ nhớ đệm L1 384KB, bộ nhớ đệm L2 6MB và bộ nhớ đệm L3 32MB, và đều hỗ trợ chuẩn PCIe 5.0 tốc độ siêu nhanh tiên tiến hiện nay.
Điểm khác biệt dễ thấy nhất nằm ở mức xung nhịp cơ bản của mẫu CPU mới đã được giảm xuống chỉ còn 3.8GHz thay vì 4.7GHz để giảm mức điện năng tiêu thụ xuống mức TDP (Thermal Design Power – công suất thiết kế nhiệt) 65W, ngang bằng với phiên bản AMD Ryzen 5 5600x của thế hệ trước đó.
Với mức TDP này, AMD hoàn toàn tự tin trang bị cho bộ vi xử lý đời mới của mình tản nhiệt khí Wraith Stealth thay vì người dùng cần tự trang bị những bộ tản nhiệt khí thuộc hàng “khủng long” hay các tản nhiệt nước AIO khác.
Chưa dừng lại ở đó, cũng với mức tiêu thụ điện thấp, bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng AMD Ryzen 5 7600 với các bộ nguồn cũ khi cần nâng cấp sức mạnh cho hệ thống đang có, hay chỉ cần sử dụng các bộ nguồn tầm trung có mức giá không quá đắt đỏ.
Cấu hình thử nghiệm:
- CPU: AMD Ryzen 5 7600
- Mainboard: MSI MAG B650M MORTAR WIFI
- Memory: G.Skill Trident Z5 Neo 32GB 6000MHz
- Cooler: Wraith Stealth
Khi thử nghiệm trên thực tế, mặc dù được giảm xung nhịp để có mức tiêu thụ điện năng và nhiệt độ tốt hơn, nhưng mức chênh lệch của hai mẫu CPU này lại không vượt quá 10%.
Cụ thể hơn, với các thử nghiệm đơn nhân như 3DMark CPU Profile cho đơn luồng, AMD Ryzen 5 7600 đạt 1004 điểm, chênh 8.5% so với mức 1090 điểm trên phiên bản AMD Ryzen 5 7600x vốn “ăn” nhiều điện hơn và sở hữu giải pháp tản nhiệt tốt hơn.
Thử nghiệm đơn nhân/đơn luồng có tính kiểm chứng cao về mức chênh lệch xung nhịp bởi với mức thử “nhẹ nhàng” này, tản nhiệt khí Wraith Stealth vẫn thừa sức duy trì nhiệt độ ổn định cho CPU.
Đến với các phép thử đa nhân, sự chênh lệch điểm số giữa hai mẫu CPU trong phép thử 3DMark FireStrike (Physic) chỉ là 7.66% hay ở phép thử 3DMark TimeSpy (CPU) là 7.94% và với phép dựng hình Cinebench R23 đa nhân thì khoảng cách này còn bị rút ngắn lại chỉ còn 5.67%.
Các con số ấn tượng này cho thấy AMD Ryzen 5 7600 đánh đổi trung bình khoảng 7.1% hiệu năng để lấy mức tiêu thụ điện và tỏa nhiệt tốt hơn.
… AMD Ryzen 5 7600 đánh đổi trung bình khoảng 7.1% hiệu năng để lấy mức tiêu thụ điện và tỏa nhiệt tốt hơn
Quay lại vấn đề tản nhiệt Wraith Stealth đi kèm theo CPU.
Đây là một mẫu tản nhiệt khí tầm trung, không quá mạnh mẽ, nhưng vẫn đủ sức duy trì cho CPU đạt xung nhịp boost 5.1GHz trong một khoảng thời gian ngắn trước khi nhiệt độ chạm mức 96 độ C, đủ nóng để CPU tự đưa xung nhịp về lại mức xung gốc 3.8GHz tránh hiện tượng quá nhiệt.
Ở mức xung cao nhất, mẫu CPU tầm trung thế hệ mới của AMD cũng chỉ “ăn” có 90W điện tối đa mà thôi, bằng 2/3 so với phiên bản AMD Ryzen 5 7600x.
Dĩ nhiên là nếu bạn trang bị cho hệ thống một tản nhiệt nước AIO mạnh mẽ và đắt đỏ, mẫu CPU này có thể duy trì mức xung boost với thời gian dài hơn, thế nhưng điều này chỉ có thể đánh đổi mức tăng trưởng vài % nhỏ về sức mạnh thức tế mà thôi.
Thậm chí với phần lớn các tựa game hiện nay không khai thác toàn bộ sức mạnh phần cứng của CPU thì bạn gần như chẳng nhận ra bất kỳ sự khác biệt nào.
Nhìn chung, với một “bước lùi” hợp lý, AMD Ryzen 5 7600 đem đến cho người dùng một giải pháp AM5 dễ tiếp cận hơn, không chỉ đơn thuần ở mức giá bán CPU “mềm” hơn, mà còn từ gia giảm các linh kiện đắt đỏ khác để đạt được một hệ thống chơi game tầm trung đầy mạnh mẽ.
BẠN SẼ GHÉT
AMD RYZEN 5 7600 – MỘT SỐ LỖI VỤN VẶT
Phải nói rằng AMD đã làm rất tốt với AMD Ryzen 5 7600 khi đem đến cho người dùng một lựa chọn tiếp cận nền tảng AM5 dễ dàng hơn với gần như không có vấn đề nào đáng chú ý.
Thậm chí thời gian mà CPU dùng để “huấn luyện” cho mô đun bộ nhớ DDR5 trong lần khởi động đầu tiên gây phiền hà khi người viết thử nghiệm AMD Ryzen 7 7700x cũng được rút ngắn đáng kể, khiến cho người dùng dễ chấp nhận hơn.
Tuy nhiên, có đôi lúc các chương trình, phần mềm dường như chưa “nhận diện” được mẫu CPU mới như AMD Ryzen 5 7600 gây ra một số lỗi nhỏ, chẳng hạn như trình chấm điểm 3DMark Time Spy không cho phép chạy và báo thiếu hỗ trợ tệp lệnh SSSE3, thế nhưng chỉ cần khởi động lại thì thông báo lỗi này cũng biến mất và phần mềm lại hoạt động bình thường.
Hay có lúc những phần mềm như CPUID HWMonitor không “bắt” được thông tin từ cảm biến nhiệt độ, người viết cũng phải khởi động lại phần mềm một vài lần thì thông tin lại hiển thị lên như bình thường.
có đôi lúc các chương trình, phần mềm dường như chưa “nhận diện” được mẫu CPU mới như AMD Ryzen 5 7600 gây ra một số lỗi nhỏ
Điều này có gây ra một số bất tiện, nhưng cũng không quá ảnh hưởng đến người dùng.
GIÁ THAM KHẢO
N/A