AMD Ryzen 7 7700 – Tại sự kiện CES 2023 vừa qua, AMD đã cho ra mắt các mẫu CPU Ryzen đời mới thuộc dòng sản phẩm “non X” với mức nhiệt thiết kế TDP (Thermal Design Power) chỉ 65W là một bước đi bất ngờ trong bối cảnh các mẫu vi xử lý ngày một “ăn điện” nhiều hơn, đòi hỏi các linh kiện khác như bộ nguồn hay tản nhiệt phải đồng bộ theo cùng.
Cách đây không lâu, Vietgame.asia đã nhận được mẫu thử nghiệm cho phiên bản AMD Ryzen 5 7600 với kết quả thu được vô cùng ấn tượng, chỉ yếu hơn không đáng kể so với phiên bản AMD Ryzen 5 7600x ra mắt hồi năm ngoái dù tiêu thụ điện ít hơn cũng như chỉ cần sử dụng một giải pháp tản nhiệt thuộc dạng… tặng kèm như Wraith Stealth.
Thế nên khi được chạm tay vào phiên bản cao cấp hơn AMD Ryzen 7 7700, người viết cũng có những háo hức tương tự như với phiên bản tầm trung của dòng vi xử lý Ryzen thế hệ mới này.
Liệu mẫu CPU này có phải là lựa chọn tốt cho game thủ muốn nâng cấp hệ thống của mình?
Hãy cùng người viết tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
AMD RYZEN 7 7700 – MỘT MẪU CPU “PHẤN KHÍCH”!
Cũng tương tự như phiên bản trong phân khúc tầm trung, AMD Ryzen 7 7700 cũng có những cắt giảm nhất định về xung nhịp cũng như khả năng ép xung so với phiên bản AMD Ryzen 7 7700x “nguyên bản” để tiết giảm điện năng tiêu thụ và nhiệt lượng tỏa ra, giảm “gánh nặng” chi phí cho bộ nguồn và tản nhiệt.
Tuy nhiên, khác với AMD Ryzen 5 7600 được trang bị quạt tản nhiệt khí phổ thông Wraith Stealth, mẫu CPU ở phân khúc tầm trung – cao cấp của AMD sở hữu đến 8 nhân nên hãng đã trang bị cho mẫu vi xử lý này mẫu quạt tản nhiệt khí mạnh nhất của mình là Wraith Prism.
Nói thêm một chút là mẫu quạt tản nhiệt được trang bị đèn LED RGB này cũng sẽ được kèm theo phiên bản “non X” AMD Ryzen 9 7900 để sử dụng với hầu hết các tác vụ hàng ngày, thế nhưng với 12 nhân xử lý thì rất khó để Wraith Prism có thể duy trì khả năng tản nhiệt trong thời gian dài cho mẫu CPU dòng cao cấp này. Vì vậy bạn nên cân nhắc lựa chọn các mẫu tản nhiệt nước AIO tầm phổ thông để đạt được tối ưu cả về sức mạnh lẫn hiệu quả kinh tế.
Quay trở lại nhân vật chính của chúng ta, cùng “soi” thông số chi tiết, có thể thấy AMD Ryzen 7 7700 gần như không khác biệt là bao so với phiên bản “x version” của mình từ số nhân xử lý, dung lượng các bộ nhớ đệm L1 L2 và L3, công nghệ chế tạo dựa trên tiến trình 5nm của TSMC hay ngưỡng nhiệt độ tối đa 95 độ C.
Thế nhưng mức xung cơ bản đã được giảm xuống chỉ còn 3.8GHz so với 4.5GHz trên phiên bản gốc khiến cho mức tiêu thụ điện giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, khi “bùng nổ” hiệu năng, mức xung nhịp boost của mẫu CPU “non X” này có thể đạt đến 5.3GHz, chỉ ít hơn 100MHz so với phiên bản tiêu chuẩn, khiến cho cách biệt thật sự của hai phiên bản không quá lớn nếu cung cấp đủ điện năng và duy trì khả năng tản nhiệt.
Khi kết hợp cùng quạt tản nhiệt Wraith Prism thử nghiệm trên thực tế, có thể thấy AMD Ryzen 7 7700 hoạt động ổn định ở xung nhịp xấp xỉ 4.9GHz và mức nhiệt độ “chạm ngưỡng” 89 độ với mức tiêu thụ điện năng chỉ vào khoảng 90W, không gây ra quá nhiều “gánh nặng” cho bộ nguồn.
Sự ổn định này thậm chí có thể duy trì trong thời gian dài nếu bạn sử dụng các thùng máy đủ thoáng khí nên bạn không cần đến các giải pháp tản nhiệt cao cấp hơn.
Cấu hình thử nghiệm:
- CPU: AMD Ryzen 7 7700
- Mainboard: MSI MAG B650M MORTAR WIFI
- Memory: G.Skill Trident Z5 Neo 32GB 6000MHz
- Cooler: Wraith Prism
Khi thử nghiệm trên thực tế, mẫu CPU “Non X” đời mới của AMD gần như không chênh lệch là bao so với phiên bản X.
Trong đó, các điểm số đơn nhân đều không có chênh lệch, do mức boost xung đơn nhân của hai mẫu CPU này chỉ chênh nhau 100MHz mà thôi.
Qua đó, các phần mềm hay các tựa game sử dụng nhiều sức mạnh đơn nhân sẽ cho kết quả gần như không có sự chênh lệch.
Đến với các phép thử đa nhân, sự chênh lệch điểm số giữa hai mẫu CPU trong phép thử 3DMark FireStrike (Physic) chỉ là 5.4%, ở phép thử 3DMark TimeSpy (CPU) là 3.8%, hay với phép thử Cinebench R23 (Multi) cũng chỉ lệch 4.8%
Kết quả thử nghiệm đa nhân này cho kết quả về độ chênh lệch giữa AMD Ryzen 7 7700 với phiên bản thông thường còn thấp hơn cả mức chênh lệch giữa AMD Ryzen 5 7600 và phiên bản “x version” của mình.
… độ chênh lệch giữa AMD Ryzen 7 7700 với phiên bản thông thường còn thấp hơn cả mức chênh lệch giữa AMD Ryzen 5 7600 và phiên bản “x version” của mình
Đến với các thử nghiệm game trên thực tế, AMD Ryzen 7 7700 cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình khi đem đến khả năng “gánh” các card đồ họa mạnh mẽ vô cùng “nhuần nhuyễn”.
Với những card đồ họa tầm trung – cao cấp như AMD RX 6700 XT, gần như bạn sẽ không gặp phải bất kỳ vấn đề gì với cả những tựa game khó nhằn nhất, đòi hỏi nhiều nhất về CPU như Total War Saga: Troy hay Cyber Punk 2077… với mức thiết lập cao nhất ngay cả ở độ phân giải 1080p.
Trong khi đó với những tùy chọn mạnh mẽ hơn như AMD RX 7900 XT, mẫu CPU đời mới này của AMD vẫn có thể gánh tốt dù ở một số tựa game như Horizon Zero Dawn PC, tốc độ dựng hình của CPU bị tốc độ GPU đuổi theo sát sao ở độ phân giải 1080p, có lẽ với các mẫu card đồ họa tầm cao cấp này thì độ phân giải 1440p hay 2160p mới là đấu trường chính.
Về tổng thể, AMD Ryzen 7 7700 còn “thơm” hơn cả phiên bản tầm trung khi có sức mạnh bám đuổi sát nút phiên bản thông thường nhưng có mức giá mềm hơn và không đòi hỏi khắt khe cả về mặt bộ nguồn lẫn tản nhiệt.
GIÁ THAM KHẢO
8,900,000