AMD Ryzen 7 7700x – Mặc dù các mẫu CPU dòng AMD Ryzen 3000 Series tạo ra bước đột phá cho AMD trước các sản phẩm đối thủ của mình, thế nhưng phải đến tận khi thế hệ vi xử lý AMD Ryzen 5000 Series ra mắt thị trường, “đội đỏ” mới chính thức vượt lên trước trong cuộc đua sức mạnh.
Thế nhưng với các ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cộng với màn “đáp trả” quá nhanh của Intel với dòng vi xử lý thế hệ thứ 12 sử dụng kiến trúc hoàn toàn mới khiến cho chút ưu thế mà AMD đạt được trên thị trường PC chơi game đại chúng.
Kết quả là khi những thông tin đầu tiên về thế hệ vi xử lý AMD Ryzen 7000 Series chính thức được công bố ra thị trường với kiến trúc Zen 4 hoàn toàn mới đã khiến người hâm mộ háo hức chờ đợi, nhất là khi thế hệ vi xử lý này sẽ ra mắt cùng với một nền tảng AM5 thế hệ mới với nhiều cải tiến vượt bậc, thay thế cho nền tảng AM4 đã bắt đầu “có tuổi”.
Với sự hỗ trợ từ AMD Việt Nam, Vietgame.asia đã có dịp thử nghiệm mẫu CPU AMD Ryzen 7 7700x vừa được ra mắt để gửi tới bạn đọc bài đánh giá chi tiết nhất về mẫu vi xử lý thế hệ mới này và những ảnh hưởng của nó đối với game thủ.
Với sức mạnh và công nghệ hoàn toàn mới, liệu mẫu CPU này có phải là sự lựa chọn hợp lý nhất của game thủ hiện nay?
Hãy cùng người viết tìm hiểu các bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
AMD RYZEN 7 7700x – NỀN TẢNG AM5 HOÀN TOÀN MỚI!
Khác với đối thủ của mình cứ thay đổi xoành xoạch các mẫu bo mạch chủ theo mỗi thế hệ vi xử lý vừa ra mắt, AMD lại có chiến thuật “cần kiệm” hơn khi hỗ trợ dài hơi một nền tảng trong suốt vòng đời của mình, thậm chí những bo mạch chủ nền tảng AM4 đời đầu cũng có thể chạy được các bộ vi xử lý thế hệ cuối cùng với một bản cập nhật BIOS duy nhất.
Hỗ trợ mạnh mẽ là thế, nền tảng AM4 cũng có những giới hạn của nó và do đó, đến thế hệ Ryzen 7000 Series này, AMD đã giới thiệu một nền tảng AM5 đi kèm theo và nhờ đó, AMD Ryzen 7 7700x có thể thỏa sức bùng nổ sức mạnh của mình, không chỉ đơn thuần ở tốc độ xử lý dữ liệu thông thường, mà còn ở các yếu tố khác kèm theo.
Đầu tiên, nền tảng AM5 chỉ hỗ trợ duy nhất bộ nhớ DDR5 thế hệ mới mà không có các phiên bản hỗ trợ bộ nhớ DDR4 cũ như trên một số bo mạch chủ dòng Z690.
Đối với bộ nhớ DDR5 hiện nay trong cộng đồng game thủ vẫn có những tranh luận nhất định do tuy tăng lên về băng thông bộ nhớ, nhưng cũng đồng thời làm cho độ trễ tăng lên rất nhiều, dẫn đến hiệu năng game tổng thể không quá lý tưởng trong khi giá các mô đun nhớ còn quá đắt đỏ.
Thế nhưng với nhiều tiến bộ trong lĩnh vực chế tạo bộ nhớ gần đây, tình hình này đã được cải thiện ít nhiều và hiệu năng bộ nhớ trong các game sẽ ngày càng tốt hơn, nên việc hỗ trợ hoàn toàn DDR5 cho nền tảng AM5 là một bước đi táo bạo, nhưng rất hợp lý, nhất là ngoài các dòng CPU AMD Ryzen 7000 Series năm nay, nền tảng này còn hỗ trợ cho nhiều dòng vi xử lý kế tiếp.
Điểm ấn tượng tiếp theo chính là việc AMD Ryzen 7 7700x chính thức hỗ trợ chuẩn PCIe 5.0 đầy mạnh mẽ.
Với một số mẫu bo mạch chủ hàng đầu sử dụng chipset X670E như MSI MEG X670E ACE, mẫu CPU thế hệ mới đến từ AMD hỗ trợ song song cả khe PCIe 16x và khe M.2 chuẩn PCIe 4x chính ở giao thức PCIe 5.0 với tốc độ cao gấp hai lần thế hệ trước đó.
Băng thông cực lớn của chuẩn PCIe 5.0 có thể “giải phóng” sức mạnh cho rất nhiều mẫu ổ cứng thể rắn tốc độ cao đang bị giới hạn của chuẩn PCIe 4.0 hiện tại như mẫu AORUS Gen5 10000 có tốc độ đọc tuần tự tối đa lên đến hơn 12GBps.
Ngoài ra, một cải tiến nho nhỏ nữa là AMD Ryzen 7 7700x được đóng gói với chuẩn LGA (Land Grid Array) tương tự như các mẫu CPU đến từ đội xanh chứ không dùng chuẩn PGA (Pin Grid Array) như trên các thế hệ trước.
Thiết kế này cũng giúp một số ít người dùng thoát khỏi rắc rối khi tản nhiệt dính chặt vào CPU khi tháo ráp, dễ làm gãy chân chip như ở các thế hệ trước đây.
Cuối cùng, AMD cũng đã “chịu khó” trang bị cho mẫu CPU này một giải pháp đồ họa tích hợp Radeon 610M với 2 nhân đồ họa (Graphic Core) hoạt động ở tốc độ 400MHz, khá yếu nhưng vô cùng phù hợp cho những hệ thống chỉ cần sức mạnh xử lý của CPU mà không cần đến giải pháp đồ họa mạnh mẽ, hay đơn giản là để người dùng có thể sử dụng tạm thời trong những trường hợp khó khi card đồ họa gặp vấn đề.
AMD RYZEN 7 7700x – SỨC MẠNH ẤN TƯỢNG!
Phải nói rằng ngay từ khi khởi động, AMD Ryzen 7 7700x đã là một mẫu CPU vô cùng mạnh mẽ mà game thủ có thể sở hữu trên thị trường hiện nay, vượt xa sức mạnh mà phiên bản AMD Ryzen 7 5800x có thể đem đến, mở ra nhiều khả năng “chiến đấu” hơn cho người dùng để tận dụng tối đa sức mạnh phần cứng và tiến bộ công nghệ hiện nay.
Mẫu CPU này được chế tạo trên dây chuyền công nghệ 5nm của TSMC sử dụng kiến trúc Zen 4 với tên mã là Raphael và mức công suất nhiệt định danh là 105W cùng 8 nhân xử lý thực với 16 luồng xử lý, tương đương với người đồng cấp thế hệ trước đó, thế nhưng phiên bản ra mắt lần này có xung nhịp ấn tượng hơn rất nhiều.
Cụ thể hơn, mức xung cơ bản của AMD Ryzen 7 7700x đạt mức 4.5GHz, trong khi mức xung boost, về lý thuyết, thậm chí có thể đẩy lên mức 5.4GHz.
Cấu hình thử nghiệm:
- CPU: AMD Ryzen 7 7700x
- Mainboard: MSI MEG X670E ACE
- Memory: G.Skill Trident Z5 Neo 32GB 6000MHz
- Cooler: Corsair H100i ELITE LCD Display
Tiến hành chạy thử với CPU trên các chương trình chấm điểm, kết quả thu được là vô cùng ấn tượng.
Với phép thử 3DMark FireStrike, AMD Ryzen 7 7700x đạt 35,579 điểm Physics Score, vượt hơn 24% mức 28,612 của AMD Ryzen 7 5800x, trong khi đó con số điểm số CPU Score với phép thử 3DMark Time Spy lên đến 12,922 cao hơn đến hơn 27% so với mức 10,150 của phiên bản tiền nhiệm.
Với trình chấm điểm Cinebench R23 danh tiếng, mẫu CPU đời mới này của AMD đạt 1,943 điểm đơn nhân và 19,098 điểm đa nhân với tỷ lệ lên đến 9.83 lần, điều này cho thấy công nghệ phân luồng SMT (Simultaneous Multithreading) hoạt động vô cùng hiệu quả, tận dụng tốt tối đa các luồng dữ liệu.
Khi “chuyển hóa” sức mạnh này vào các tựa game, có thể thấy mức tăng tốc so với thế hệ trước đạt mức từ 5% đến 20% tùy vào game.
Những tựa game chiến trận với nhiều đơn vị lính xuất hiện trên màn hình như Total War Saga: Troy đạt mức tăng đáng kể nhất, lên đến gần 20% cho những trận chiến có quân số hiện diện trên màn hình lên đến hàng chục nghìn đơn vị, trong khi đó, những tựa game thế giới mở với lượng NPC dồi dào và ứng xử phức tạp như Cyberpunk 2077 hay Red Dead Redemption 2 PC cũng ghi nhận mức tăng tốc đáng kể từ 10% đến 15% tùy thuộc vào từng cảnh khác nhau trong game.
…mức xung cơ bản của AMD Ryzen 7 7700x đạt mức 4.5GHz, trong khi mức xung boost, về lý thuyết, thậm chí có thể đẩy lên mức 5.4GHz
Các tựa game còn lại có mức tăng tốc hơi ít đôi chút, chỉ vài % hay thậm chí vài fps nhỏ bé không đáng kể do phần lớn “gánh nặng” của game dồn hết vào các card đồ họa hơn là dành cho CPU.
Điều này phần nào củng cố cho “truyền thuyết” rằng việc nâng cấp cho CPU là không quá cần thiết đối với các game thủ. Thế nhưng trên thực tế, với một CPU mạnh mẽ như AMD Ryzen 7 7700x, ngoài việc tăng tốc vài % cho các game hiện hành, hay mở đường cho các card đồ họa thế hệ mới đầy sức mạnh sắp ra mắt, các game thủ có thể giải được hai bài toán khó mà các thế hệ CPU trước đó không thể thực hiện được.
Thứ nhất, rất nhiều game trước đây chỉ tận dụng tốt từ 2 đến 4 nhân xử lý, nhất là các tựa game cũ được làm lại như Crysis Remastered hay các tựa game chuyển hệ như Marvel’s Spider-Man Remastered chỉ “chiếm dụng” một vài nhân của CPU thay vì toàn bộ, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp phải hiện tượng nghẽn cổ chai nhẹ ở một vài phân cảnh phức tạp khi sử dụng các card đồ họa mạnh mẽ tạo ra các cú giật khung hình không mong đợi với các dòng CPU có sức mạnh kém hơn.
Với sức mạnh tăng cường cho mỗi nhân, mẫu CPU thế hệ mới của AMD sẽ giảm thiểu hiện tượng này đến tối đa.
Thứ hai, mặc dù các game thủ ưa thích các tựa game thể thao điện tử có niềm đam mê theo đuổi tốc độ có thể tìm kiếm những màn hình với tốc độ quét hình lên đến 480Hz, các card đồ họa hàng đầu với sức mạnh cuồng dã thì CPU luôn là nút thắt lớn nhất trên con đường “chinh phục” mức tốc độ 400fps trên các tựa game như Call of Duty Warzone mà không phải chạy các bản mod hy sinh một vài yếu tố nhất định.
Nhờ có AMD Ryzen 7 7700x mà bạn có thể dễ dàng “khai phá” tối đa tiềm năng hệ thống của mình để đạt được tốc độ khung hình cao nhất, mượt mà nhất trong các tựa game thể thao điện tử hay đối kháng trực tuyến.
AMD RYZEN 7 7700x – TỐC ĐỘ CAO, ÍT “ĂN ĐIỆN”!
Một điểm cần lưu ý đối với AMD Ryzen 7 7700x đó chính là AMD đặt trần nhiệt cho CPU ở mức 95 độ.
Điều này có lợi cho người dùng là các game thủ thông thường bởi dù cho không tinh thông kỹ thuật ép xung, bạn vẫn có thể đạt được mức xung nhịp cao với một bo mạch chủ có khả năng cấp điện ổn định và mạnh mẽ cùng với một giải pháp tản nhiệt hàng đầu.
Với một bo mạch chủ mạnh mẽ như MSI MEG X670E ACE và giải pháp tản nhiệt nước AIO hàng đầu của Corsair như Corsair H100i ELITE LCD Display, người viết có thể đạt được tốc độ 5.3GHz ở tất cả các nhân sử dụng trong suốt thời gian chơi game mà không có bất kỳ trồi sụt nào đáng kể.
Hoạt động ở tốc độ cao là thế, nhưng AMD Ryzen 7 7700x không “ăn” quá 200W điện, thế nên chỉ với một bộ nguồn cỡ trung có công suất khoảng 650W, bạn hoàn toàn có thể “gánh” một hệ thống sử dụng CPU này và một card đồ họa hàng đầu như NVIDIA RTX 3080 hoạt động ở chế độ game boost dễ dàng mà không cần phải thay nguồn mới.
BẠN SẼ GHÉT
MỘT SỐ VẤN ĐỀ NHỎ
Mạnh mẽ, “ăn ít” điện năng, thế nhưng AMD Ryzen 7 7700X cũng tồn tại một số vấn đề nhỏ của riêng mình.
Đầu tiên, với một nền tảng CPU hoàn toàn mới, trình điều khiển BIOS dành cho các bo mạch chủ chưa thật sự tối ưu cho dòng vi xử lý AMD Ryzen 7000 Series này, thế nên đôi khi bạn sẽ gặp vài vấn đề gây bối rối trong quá trình sử dụng.
Như với bản thân người viết, lần đầu khởi động của hệ thống mất đến gần… 5 phút với màn hình chính toàn một màu đen, khiến cho người viết có phần hoang mang không biết có cắm nhầm linh kiện nào hay không.
Hay chẳng hạn như Windows thỉnh thoảng lại báo một lỗi “ất ơ” nào đó không rõ nguyên do. Dù không ảnh hưởng đến quá trình chơi game và làm việc hàng ngày nhưng cũng gây ra đôi chút khó chịu cho người dùng.
…lần đầu khởi động của hệ thống mất đến gần… 5 phút với màn hình chính toàn một màu đen
Vấn đề này cũng tương tự những CPU AMD Ryzen 5000 Series thời kỳ đầu mới ra mắt, cần đến nhiều bản cập nhật BIOS tiếp theo để có thể giải quyết dứt điểm các lỗi này.
Thứ đến, mặc dù nền tảng AM5 mới tương thích hoàn toàn với các tản nhiệt dòng AM4 trước đây nhờ có kích thước và bộ gông tương ứng, thế nhưng việc các CCD (Core Complex Die) được đặt lệch hướng lên trên so với dòng CPU AMD Ryzen 5000 Series khiến cho các tản nhiệt cũ không thật sự phát huy được toàn bộ sức mạnh của mình.
Có lẽ phải chờ đến khi các tản nhiệt dành riêng với thiết kế mới ra mắt mới có thể giải quyết được vấn đề này hiệu quả.
GIÁ THAM KHẢO
10,900,000