Skip to content

ZEN 3 hỗ trợ AMD X470/B450 chipset: Khi “càm ràm” làm nên đại sự

Zen 3

Zen 3 – Đầu tuần trước, AMD vừa cho biết công ty sẽ ngừng hỗ trợ X470 và B450 chipset. Tức là các bo mạch chủ X470 và B 450 (hoặc cũ hơn) sẽ không hỗ trợ CPU mang kiến trúc Zen 3, dự kiến là dòng CPU 4000 Desktop của AMD.

Quyết định này đã làm cho rất nhiều người dùng đội Đỏ “giận tím người”, và “quăng gạch” trên mọi mạng xã hội như Reddit, Youtube, Twitter, Facebook… đủ để AMD xây vài cái “biệt thự”.

Không chỉ có người dùng khó chịu, mà các các hãng sản xuất bo mạch chủ cũng “nóng nảy” với AMD vì bên họ đã hứa với người dùng rằng sản phẩm của mình sẽ hỗ trợ Zen 3, nhưng AMD lại “lật kèo” nên thành ra hãng lại ăn vạ lây.

May thay, mới vài tiếng trước, AMD đã công bố sẽ hỗ trợ dòng sản phẩm Zen 3 trên các bo mạch chủ X470/B450, và chắc chắn phần đông đều phấn khởi và hải lòng về quyết định này.

Tuy nhiên, câu chuyện về vụ lùm xùm còn nhiều yếu tố “ly kỳ” hơn đó, và nếu bạn đọc quan tâm, sau đây, Vietgame.asia xin tóm tắt toàn bộ “Đờ-ra-ma” này.


LỜI HỨA HỖ TRỢ LÂU DÀI

Từ năm 2009, với sự ra mắt của i7 đầu tiên trên socket LGA 1156, Intel luôn đều đặn hỗ trợ một socket 2 năm.

Tức là, nếu 2012, bạn mua một bo mạch chủ chipset Z77 mới cứng, hỗ trợ kiến trúc tân tiên nhất thời đó là Ivy Bridge, thì chỉ 1 năm sau thôi, bạn muốn nâng cấp CPU thì phải “vứt” cả bo mạch chủ lẫn CPU, bởi Intel thay thế socket LGA 1155 của chipset Z77 bằng socket LGA 1150, chipset Z87.

Nôm na là tình trạng bo mạch chủ bạn vừa mua năm trước thì năm sau đã không thể bỏ được CPU mới là hoàn toàn bình thường.

Lưu ý là việc bỏ hỗ trợ này không chỉ liên quan tới mặt kỹ thuật, mà còn vì “lý do kinh tế” nữa.

Tới i7-9900K còn có thể chạy trên bo mạch chủ Z170/Z270 nếu được mod, mặc dù Intel không có hỗ trợ.

Và với gần 7 năm không có đối thủ, Intel có thể thoải mái “vắt sữa” người dùng.

Tuy nhiên, vào 2017, AMD đã “trở lại và lợi hại hơn xưa”, mang tới kiến trúc Zen mới, mạnh mẽ, giá rẻ, nhiều lõi, hỗ trợ lâu dài…

Hỗ trợ lâu dài là điều chúng ta sẽ quan tâm, bởi AMD sử dụng yếu tổ này để quảng bá khá nhiều, và trên thực tế đã từng tuyên bố sẽ hỗ trợ socket AM4 ít nhấ là tới năm 2020 hay dòng Ryzen 4000 trên socket AM4.

Tuy nhiên, khi AMD công bố dòng chipset B550 đầu tháng, họ lại nói rằng dòng CPU Ryzen 4000 sẽ không hỗ trợ chipset X470/B450.

Tức là, về căn bản, mặc dù chipset X470/B450 cũng sử dụng socket AM4 như X570/B550 nhưng nó sẽ không được hỗ trợ bởi AMD cho Zen 3.


3 “NGUYÊN LIỆU” CHO THẢM HỌA

Trước quyết định này của AMD, cộng đồng người dùng chẳng hề vui vẻ chút nào, và liên tục “quăng gạch” AMD nguyên cả một tuần lễ, trên khắp mọi các bạng xã hội, hay email cho Lisa Su – CEO của AMD.

Các trang báo, các kênh Youtube nổi tiếng cũng lên tiếng chỉ trích động thái này của đội Đỏ.

Và có 3 nguyên nhân khá lớn dẫn tới tình trạng “thừa gạch xây nhà” này.

Thứ nhất, AMD đã không làm rõ về việc chipset X470/B450 sẽ không hỗ trợ Zen 3 từ đầu.

Đúng là AMD chỉ nói rằng sẽ hỗ trợ socket AM4 chứ không phải là chipset X470/B450, nhưng công ty không hề có một động thái gì để phủ nhận việc hỗ trợ lâu dài cho hai chipset trên.

Đặc biệt, công ty sử dụng việc hỗ trợ lâu dài là một điểm nhấn trong quảng bá sản phẩm, và các hãng làm bo mạch chủ như ASUS hay MSI đều khẳng định với người dùng rằng X470/B450 sẽ hỗ trợ Zen 3.

Do vậy, việc AMD công bố không hỗ trợ là “cú tát” khá đau cho cả người dùng và hãng sản xuất bo mạch chủ.

Thứ hai, chipset B550 bị trì hoãn khá muộn so với X570, khiến cho người dùng phổ thông buộc phải mua bo mạch chủ với chipset B450.

Nếu chưa quen thuộc với bo mạch chủ AMD, các dòng chipset đầu X như X470 hay X570 thường có giá “mắc” hơn so với các dòng chipset phổ thông đầu B, như B450 hay B550.

Thường thì hai dòng chipset này sẽ ra mắt cùng thời điểm, như X370 hay B350 đều ra mắt vào tháng 2/2017, hay X470 và B450 đều ra mắt vào tháng 3/2018.

Tuy nhiên, AMD cho ra mắt dòng CPU Ryzen 3000 cho desktop cùng lúc với chipset X570, vào tháng 6/2019.

Nhưng B550… tời giờ vừa mới được công bố và sẽ ra mắt vào tháng 6.

Tức là AMD mất 1 năm sau X570 để cho ra mắt chipset B550. Có thể B550 gặp vấn đề gì đó về kĩ thuật, cũng có thể do Corona nên bị trì hoãn khá mạnh… chúng ta sẽ không “đoán già đoán non” về việc này.

Nhưng sự trì hoãn nãy khiến cho, trên thị trường, chipset tầm cao mới nhất mà AMD có là X570, nhưng tầm trung mới nhất vẫn là B450.

Thế nên không ít người mua bo mạch chủ B450 kèm theo CPU Ryzen 3000 với hi vọng họ vẫn còn có thể nâng cấp một đời nữa.

Tuy nhiên, nếu Ryzen 4000 lại không hỗ trợ B450 thì người dùng sẽ gặp trải nghiệm y hêt với Intel: mua sản phẩm mới nhất nhưng chỉ dùng được đúng một đời.

Thứ ba, lý do mà AMD đưa ra cho việc chặn hỗ trợ Ryzen 4000 trên chipset X470/B450 là vì bộ nhớ BIOS của nhiều hãng không đủ lớn.

Trên một bo mạch chủ, bộ nhớ BIOS có tác dụng lưu nhiều thông tin liên quan tới cách bo mạch chủ đó hoạt động, như là giao diện BIOS hay các CPU được hỗ trợ.

Và nếu như X470/B450 hỗ trợ Ryzen 4000 tức là chúng sẽ hỗ trợ tổng cộng 4 kiến trúc CPU của AMD (Zen, Zen+, Zen 2 và Zen 3), mà mỗi đời lại có nhiều CPU hay APU khác nhau.

Đơn giản là không có đủ bộ nhớ cho việc này.

Và chip bộ nhớ cho bo mạch chủ thì luôn được hàn cứng, nên nếu một người dùng phổ thông muốn “nâng cấp” lên bộ nhớ mới lớn hơn chỉ có cách dùng búa đập cho chip cũ rơi ra…

Tóm lại, việc AMD bị dội bom không thương tiếc là kết hợp của 3 yếu tố: thảm họa quảng cáo, bo mạch chủ B550 ra mắt trễ và yếu tố kỹ thuật liên quan tới bộ nhớ BIOS.


MỘT CÁI KẾT ỔN THỎA TỪ LẮNG NGHE Ý KIẾN CỘNG ĐỒNG

Sau hơn 1 tuần im lặng “tích gạch”, cuối cùng AMD cũng đã lên tiếng để khắc vấn đề này, và công ty sẽ hỗ trợ Zen 3 trên chipset X470/B450.

Tuy nhiên, do các vấ đề kĩ thuật nói trên nên sự hỗ trợ này có một số điểm “bất thường”.

Cụ thể, theo lời của AMD:

  1. Công ty sẽ kết hợp cùng các hãng làm bo mạch chủ để ra mắt một số bản Beta-BIOS hỗ trợ Zen 3 trên X470/B450.

    Như vậy, các bo mạch chủ X470/B450 sẽ nhận được hỗ trợ Zen 3, và mặc dù khả năng cao là phần lớn sản phẩm sẽ được hỗ trợ, việc này còn tùy vào nhà sản xuất hay từng mẫu main khác nhau.

    Nhưng nếu xài bo mạch chủ của các ông lớn như ASUS hay MSI thì chắc bạn cũng không cần lo đâu.

    Ngoài việc phát hành BIOS hỗ trợ Zen 3, AMD sẽ cung cấp mã nguồn để cập nhật, vá lỗi, bảo mật hay hỗ trợ cho BIOS, nhưng có tích hợp chúng cho sản phẩm của mình không thì là việc của từng hãng làm main.
  2. Bản BIOS này sẽ xóa hỗ trợ nhiều CPU Ryzen đời cũ để lấy bộ nhớ cho Ryzen đời mới.
    Đây là lý do khá quan trọng khiến AMD chần chừ trong việc cung cấp BIOS cho Zen 3, bởi nâng cấp BIOS mới nhất mà chip cũ không dùng được là chuyện chưa từng xảy ra. Nhưng đây là việc bắt buộc nếu người dùng muốn nâng cấp.
  3. Nếu nâng cấp lên bản mới nhất, bạn không thể tải ngược lại bạn cũ được.
    Đây là một lý do khác liên quan tới mặt kỹ thuật. Nếu nâng cấp lên BIOS hỗ trợ Zen 3 thì bạn không thể “hạ cấp” được nữa. Theo lời AMD, bản cập nhật BIOS này liên quan tới việc sửa cấu trúc các tệp trong bộ nhớ BIOS, khá dễ dẫn tới hỏng hóc nên công ty không muốn người dùng “chơi với lửa”. Tóm lại, trừ khi bạn đang cầm còn CPU Zen 3 trong bàn tay rồi thì đừng làm việc này.
  4. AMD sẽ chỉ cung cấp bản BIOS này cho những người sở hữu và chứng minh được họ đã sở hữu CPU Zen 3.
    Theo thông báo ban đầu là vậy nhưng có vẻ AMD chỉ đơn giản là yêu cầu người dùng khẳng định mình đang sở hữu CPU Zen 3 lúc nâng cấp BIOS. AMD làm điều này để chắc chắn rằng không có người dùng nào nghĩ rằng “mới nhất là tốt nhất” và nâng cấp BIOS trong khi mình đang dùng CPU Ryzen đời cũ, và tình cờ biến cái máy thành đống sắt vụn.
  5. Bạn có thể sẽ phải chờ một thời gian sau khi các CPU Zen 3 được ra mắt để các bo mạch chủ X470/B450 nhận được hỗ trợ nâng cấp.
    Không có gì bất ngờ từ thông báo này. Các công ty luôn cần thời gian để tinh chỉnh BIOS của họ, đặc biệt là khi bản BIOS này khá là đặc biệt.
  6. Đây sẽ là dòng CPU cuối cùng được hỗ trợ cho X470/B450.
    Một lần nữa, không có gì bất ngờ. Việc hỗ trợ tới 4 kiến trúc CPU là điều tuyệt vời rồi.
  7. AMD khuyên bạn từ giờ nên mua các bo mạch chủ dòng 500 trở đi.
    Cũng khá dễ hiểu. Công ty không muốn một thảm cảnh như dòng 400 xảy ra một lần nữa, nên nếu bạn muốn sử dụng công nghệ mới nhất và được hỗ trợ lâu dài thì hãy chọn các sản phẩm mới.

Một lưu ý là AMD không nhắc gì tới dòng chipset 300 cả, và chính thức thì công ty sẽ không hỗ trợ cho dòng chipset này, nhưng sự tương quan giữa chipset 300 và 400 là khá lớn nên về mặt kỹ thuật, các nhà sản xuất có thể tung ra những bản BIOS cho dòng chipset 300 của AMD đễ hỗ trợ Zen 3 như những gì họ làm với dòng 400. Điều này còn tùy thuộc vào “lòng tốt” của các hãng nữa nên nôm na là hên xui.

Cuối cùng, qua biến này, ta có thể thấy rằng AMD có lắng nghe ý kiến từ cộng đồng và sửa đổi nếu có chỉ trích mạnh. Đây là điểm đáng khen vốn có của đội đỏ, và cũng là lý do khiến cộng đồng người dùng AMD sẵn sáng gây tiếng nói khá lớn. Dẫu sao một công ty lớn chẳng bao giờ có thể làm tốt mọi thứ, nhưng thể hiện mình biết lắng nghe cũng là điểm cộng rất lớn rồi.

Âu cũng là một cái kết ổn thỏa cho phần lớn người dùng, hi vọng AMD sẽ tiếp tục phát huy điểm mạnh “luôn luôn lắng nghe” này của mình!


BÀI MỚI NHẤT


Tác giả