Amnesia: The Bunker – Một trong những làn sóng nổi trội gần đây của thị trường game nói chung là sự trở lại đầy mạnh mẽ của các thương hiệu game kinh dị “máu mặt” sau một thời gian dài lũng đoạn.
Với “đầu tàu” Resident Evil dường như không có dấu hiệu chậm lại sau những phần 7, phần 8 đầy mới lạ, cũng như 3 bản làm lại thành công ngoạn mục, các thương hiệu game kinh dị tưởng như bị lãng quên giờ đây rục rịch tìm lại chỗ đứng của mình.
EA bắn phát súng vang dội đầu tiên với bản làm lại đầy xuất sắc của Dead Space, Konami trình làng tới… 5 dự án Silent Hill khác nhau, tiểu thuyết gia Alan Wake trở lại một cách đầy xoắn não, Outlast sau một phần hai vô cùng trái chiều cũng trở lại với phiên bản Trials đầy độc đáo, và thậm chí là những thương hiệu “xưa hơn Trái đất” như Alone in the Dark và System Shock cũng đặt chân lại vào thị trường game.
Tưởng chừng thời gian này là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các thương hiệu game kinh dị hồi xuân, một trong những cái tên lại khiến cho game thủ hoài nghi nhất lại là Amnesia.
Ra mắt vào năm 2010, Amnesia: The Dark Descent dường như đã đảo ngược thị trường game kinh dị hiện đại, khi những cơ chế game kinh dị sinh tồn / hành động truyền thống thay bằng lối kể chuyện dựa nhiều vào không khí của game, cũng như những màn rượt đuổi đầy áp lực.
Nhưng bản thân thương hiệu Amnesia lại cứ giậm chân tại chỗ, khi cả hai hậu bản là A Machine for Pigs và Rebirth đều nhận nhiều lời chê bai từ giới phê bình lẫn game thủ về lối chơi lỗi thời, dù cho cốt truyện của cả hai đều được cho là xuất sắc.
Dường như, cả ngành công nghiệp game đã tiến về phía trước, mang lại những trải nghiệm sâu sắc và đa dạng hơn, còn thương hiệu Amnesia thì cứ mắc kẹt lại ở một công thức mà tới đây đã 16 năm tuổi.
Thế nên, khi những hình ảnh đầu tiên về Amnesia: The Bunker được công bố, người hâm mộ đã không khỏi bất ngờ khi thấy thương hiệu Amnesia cổ lỗ sĩ ngày nào bỗng dưng xuất hiện đầy mới lạ, khi bóng tối không còn khiến người chơi hoa mắt chóng mặt nữa, một con quái vật đáng sợ bám đuôi người chơi, và quan trọng nhất… là một khẩu súng.
Dường như với phần Amnesia thứ tư, đội ngũ Frictional Game đã từ bỏ công thức chạy – trốn trong bất lực đã làm nên tên tuổi của hãng bằng một sản phẩm kinh dị sinh tồn truyền thống hơn, và liệu những nhà làm game lão làng đến từ Thụy Điển này có vực dậy được thương hiệu game kinh dị kinh điển này?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây, bạn nhé!
BẠN SẼ THÍCH
Điều gì nằm ở phía sau boong-ke?
Vậy, trước khi nói về những yếu tố khác của Amnesia: The Bunker, hãy nói về lối chơi của game trước đã.
Sau một đoạn mở đầu ngắn, người chơi sẽ bị ném thẳng vào trong boong-ke (hầm trú ẩn) bí ẩn mà tựa đề game đề cập. Tỉnh dậy mà không nhớ rằng mình là ai, tại sao mình ở đây, với những dòng chữ nguệch ngoạc ghi trong sổ tay, hành trình tìm lại trí nhớ và chân tướng sự việc của nhân vật chính bắt đầu.
Game có một phần mở đầu khá chậm rãi, nhưng tạo được không khí và dẫn dắt cốt truyện rất tốt, tạo ra một bước đệm vừa đủ để người chơi được hòa mình vào thế giới, cũng như củng cố sự khủng khiếp và sức nặng của bối cảnh game – Đại chiến Thế Giới thứ Nhất.
Nhưng khởi đầu của game sẽ không hề chuẩn bị người chơi cho cơn ác mộng đang chực chờ họ dưới chiếc boong-ke tử thần kia!
Sau khi dạo quanh môi trường game, người chơi sẽ sớm nhận ra rằng điều gì vô cùng khủng khiếp đang chờ họ ở bên trong những địa đạo ngột ngạt và tối tăm này, và chàng nhân vật chính “hẩm hiu” nhà ta phải tìm cách thoát khỏi địa ngục này càng sớm càng tốt.
May thay, những người đồng chí của chúng ta đã để lại một bản kế hoạch tương đối chi tiết, hướng dẫn người chơi từng bước một để thoát khỏi boong-ke. Điều này sẽ yêu cầu người chơi phải tìm xác của những người đồng đội xấu số, rồi lục xác họ để tìm ra mật mã tủ khóa cá nhân của từng người lính một để tìm ra những vật dụng lỉnh kỉnh cần thiết để thoát khỏi boong-ke.
Mỗi người lính khác nhau sẽ có một mật mã khác nhau, được tạo ngẫu nhiên để đảm bảo cho các người chơi “khôn lỏi” không lên mạng đọc hướng dẫn để… ra hết mã khóa.
Bên cạnh những mảnh ghép giải đố đặc thù, người chơi cũng có thể tìm ra những vật dụng vô cùng quan trọng như bật lửa để đốt bom xăng, kềm cắt xích để mở những cánh cửa không phá được, khiến cho việc tìm xác đồng đội và mở tủ khóa của họ luôn là mục tiêu chủ đạo xuyên suốt của người chơi, vừa để tịnh tiến cốt truyện, lẫn tìm ra những trang bị đắc lực.
Nhưng, những chiếc tủ khóa không phải là mục tiêu duy nhất của người chơi, đến đây, Amnesia: The Bunker “xào” lại một công thức game kinh dị sinh tồn tương đối quen thuộc: đó là phòng an toàn, nơi để người chơi lưu trữ trang bị và lưu game, cũng như kiểm soát tư trang của mình.
Tuy nhiên, khác với những tựa game kinh dị sinh tồn truyền thống như Silent Hill và Resident Evil, Amnesia: The Bunker chỉ có duy nhất một phòng an toàn, và phòng an toàn này nằm ở vị trí gần như là “trung tâm” của chiếc boong-ke, cho phép người chơi quay lại sau khi khám phá một phân đoạn nhất định và dễ dàng đi tới các phân đoạn khác của boong-ke, tương tự với cách Firelink Shrine trong Dark Souls 1 được bố trí ở “giữa” bản đồ game.
Ngoài lưu game và và kho đồ, phòng an toàn của boong-ke còn có một thiết bị rất, rất, rất chi là quan trọng, đó chính là chiếc máy phát điện. Chiếc máy phát điện này yêu cầu người chơi phải tiếp xăng liên tục để nó hoạt động, điều này có nghĩa là người chơi sẽ phải luôn luôn cảnh giác cao độ, xác định vị trí của những bình xăng để có thể mang về. Game cũng rất phóng khoáng khi cho chiếc đồng hồ đeo tay của người chơi thông báo chính xác khi nào chiếc máy phát điện sẽ hết xăng.
Nếu chiếc máy phát điện hết xăng, thì toàn bộ đèn trong boong-ke sẽ tắt, cũng như một số cơ chế khóa cửa sẽ tắt theo, khiến người chơi phải mò mẫm trong tối, và không thể đi đến những địa điểm quan trọng nhất định trong boong-ke.
Tất nhiên, bóng tối chưa phải là cái gì đó quá đáng sợ, vì người chơi còn có thể quẹt đuốc (nếu có bật lửa) hoặc một chiếc đèn pin lên dây cót. Nhưng cây đuốc thì có hạn, và đèn pin lên dây cót thì lại rất ồn.
Và bạn sẽ không hề muốn “nó” bị thu hút bởi những âm thanh như vậy đâu.
Mảnh ghép cuối cùng trong lối chơi kinh dị – sinh tồn của Amnesia: The Bunker chính là những kẻ thù trong game. Kẻ thù mà người chơi sẽ gặp nhiều nhất trong game là những con chuột ngoại cỡ đóng vai trò như những chướng ngại vật ngáng đường người chơi, và đôi khi chúng có thể yêu cầu người chơi phải dùng đến súng, bom xăng, hay đuốc, nhưng ngôi sao chính của game là con quái thú khổng lồ đang lùng sục mọi ngõ ngách trong boong-ke kia.
Giống như Nemesis hay Mr. X trong dòng Resident Evil, con Quái thú không thể bị giết bằng vũ khí thông thường, mà chỉ có thể bị làm chậm, rút lui hoặc bị choáng trong một thời gian ngắn nếu người chơi ném lựu đạn hay bắn nó. Nó có thể bị choáng hoặc rút lui nhanh hơn nếu người chơi có thể dụ nó vào bẫy hoặc bắn nổ thùng thuốc súng gần đó.
Nhưng cái đáng sợ nhất của con quái thú là ở việc nó phản ứng như thế nào với người chơi. Bất cứ tiếng động lớn nào như mở cửa, nổ súng, ném bom xăng đều phát ra tiếng động lớn và thu hút con quái thú về phía người chơi rất nhanh.
Với những hành động phát ra ít tiếng động hơn như chạy, cắt xích thì con quái thú có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng việc nó tìm tới người chơi là không thể tránh khỏi, nên tiếp cận trò chơi một cách chậm rãi, yên lặng luôn là cách hiệu quả nhất.
Nhưng chiếc máy phát điện lại là vấn đề.
Sau khi con quái thú xuất hiện, vấn đề máy phát điện lại càng thêm đau đầu hơn với người chơi, vì việc lên dây cót đèn pin là một quá trình rất ồn, dễ dàng thu hút con Quái thú. Càng tệ hơn khi việc giữ chiếc máy phát điện hoạt động lại là một cơ chế khác giúp người chơi kiểm soát vị trí của Quái thú – khi ánh đèn sẽ chớp nháy liên tục nếu con Quái thú đang tiếp cận khu vực đó.
Con quái thú cũng phản ứng một cách rất linh động với các yếu tố khác của người chơi, ví dụ như nếu người chơi bị thương mà cầm máu không kịp, nó có thể dễ dàng lần theo vết máu của người chơi, hay dấu vết chuột chết mà người chơi để lại.
Áp lực từ con quái thú khủng khiếp, cộng với việc giữ máy phát điện hoạt động và giải các câu đố lắt léo mà game ném cho người chơi luôn khiến cho trải nghiệm chơi Amnesia: The Bunker là vô cùng cô đặc và có độ căng thẳng rất cao.
Dường như không có khoảnh khắc nào mà người chơi không phải “căng như dây đàn”
Dường như không có khoảnh khắc nào mà người chơi không phải “căng như dây đàn”, liên tục liếc xuống đồng hồ để đảm bảo ánh đèn trong Boong-ke còn sáng, cũng như cảnh giác lắng nghe từng âm thanh một để đảm bảo con quái thú không đột kích họ một cách bất chợt.
Với một vòng lặp kinh dị tuyệt hảo như vậy, các yếu tố kinh dị sinh tồn còn lại của game như thu thập tài nguyên trong túi đồ và hòm đồ giới hạn, cũng như các cơ chế bắn súng cồng kềnh càng tô điểm thêm cho trải nghiệm kinh dị hấp dẫn này!
Nhẹ mà… có võ!
Như đã mô tả ở trên, trải nghiệm “chơi” của Amnesia: The Bunker vô cùng cô đặc và “gọn”, lý thuyết thiết kế này không những dừng lại ở phần chơi, mà còn ở phần nghe, nhìn và dẫn truyện nữa!
Trước hết, về phần đồ họa. Amnesia: The Bunker chính xác là chạy trên một engine game đã… 16 năm tuổi, từ thời những tựa game Penumbra đầu tiên của hãng. Và dù engine này đã cho thấy sự “có tuổi” thông qua phần tạo hình nhân vật tương đối thô ráp và lỗi thời, thì phần không khí của game vẫn phải gọi là tuyệt đỉnh!
Những hành lang tối tăm, những hiệu ứng máu thịt ghê rợn, ánh đèn vàng vọt bệnh hoạn chớp nháy – phong cách hình ảnh của Amnesia: The Bunker có thể có phần đơn điệu và nhất quán, nhưng cách mà đội ngũ Frictional Game đã khống chế những góc tối và góc sáng một cách hoàn hảo để tạo nên một môi trường game đầy ngột ngạt và căng thẳng.
Tô điểm cho một không khí game có độ áp chế cao là phần thiết kế âm thanh tuyệt hảo, với môi trường luôn luôn có những tiếng loạt xoạt đầy đáng ngờ, tiếng đèn chớp nháy lạch cạch bất an, và khủng khiếp nhất là những âm thanh thao túng của con quái thú.
Tiếng chân ầm ầm khi nó lao về phía người chơi, tiếng thở khò khè bệnh hoạn, và tiếng rũ đầy ám ảnh của nó chắc chắn sẽ khiến nhiều người chơi mất ngủ dài dài!
Game còn nâng cao độ nhập tâm thông qua cách game xử lý những diễn hoạt của nhân vật chính. Thanh máu của người chơi thay bằng những vệt máu chảy dài trên tay, bụi bặm bám lên người anh ta, đóng cục và hòa vào mồ hôi, sự lúng túng trong việc anh ta nạp đạn, rút đuốc hay lên dây cót đèn càng nhấn mạnh sự yếu ớt và bất lực của anh ta, dù cho, trên lý thuyết, anh ta là nhân vật Amnesia “mạnh” nhất, với hẳn hai khẩu súng và muôn vàn loại thuốc nổ!
Và cuối cùng, về phần cốt truyện, Amnesia: The Bunker cũng rất gọn, khi theo chân Henri Clement, một chàng lính Pháp tham chiến ở chiến trường miền Tây, giai đoạn Thế chiến thứ Nhất. Anh ta lạc mất người bạn thân Augustine sau khi cả hai trúng pháo của quân Đức, và giờ anh cố gắng tìm cách thoát khỏi boong-ke và lấy lại trí nhớ.
Trung thành với lối kể chuyện cũ của dòng Amnesia, rất ít thông tin sẽ được giải thích trực tiếp cho người chơi, mà hầu hết được hé lộ thông qua những trang ghi chú rải rác, và những tình tiết cốt truyện đầy khó hiểu.
Nhưng kể cả thế, cốt truyện của Amnesia: The Bunker vẫn nhỏ hơn rất nhiều so với các bản trước, khi không thực sự đi sâu vào những bí ẩn xuyên suốt thương hiệu Amnesia, cũng như chỉ kể một câu chuyện rất đơn giản về sự khủng khiếp của chiến tranh và sự vô tâm của phía chỉ huy.
Mặc dù vậy, game vẫn kể chuyện một cách vô cùng hiệu quả, khi nhỏ giọt vừa đủ thông tin cho người chơi mỗi lần họ giải đố, và bí ẩn chính của game được gợi mở ngay từ những giờ phút đầu tiên, khiến cho trải nghiệm khám phá vẫn là rất thú vị.
trải nghiệm “chơi” của Amnesia: The Bunker vô cùng cô đặc và “gọn”, lý thuyết thiết kế này không những dừng lại ở phần chơi, mà còn ở phần nghe, nhìn và dẫn truyện nữa!