Assassin’s Creed Odyssey – Vẫn như thông lệ, khi mà dịp mua sắp cuối năm đang đến gần, cũng là lúc hàng sa số những tựa game bom tấn liên tục đổ bộ, viết tiếp những kỷ lục về doanh số cũng như “gáy” thêm về những công nghệ mới, bước tiến mới khi chúng luôn là những sản phẩm được đầu tư bậc nhất trong năm.
Cũng như thường lệ, dòng game nào càng dài, càng dần đi vào ngõ cụt và bộc lộ nhiều yếu điểm lại thường xuyên nhận được những cái bĩu môi, những lời chê bai về chất lượng dù những nhận định đó đều được dựa trên sự chủ quan và thiếu trải nghiệm cho dù game còn chưa ra mắt.
Call of Duty Black Ops 4, Battlefield V, hay Assassin’s Creed Odyssey… chính là những “nạn nhân” dễ nhận thấy nhất trong loạt bom tấn cuối năm nay.
Với dòng game Assassin’s Creed, sau những thay đổi có thể nói là có phần choáng ngợp với Assassin’s Creed Origins và gặt hái nhiều thành công, Ubisoft sẽ lại một lần nữa “vắt sữa” không thương tiếc dòng game này theo chu kỳ hàng năm?
Đó là điều mà có lẽ bất kỳ người hâm mộ nào của dòng game này đều phải đặt một dấu chấm hỏi to tướng bởi Assassin’s Creed Odyssey sớm được công bố sau phiên bản Origins chỉ hơn… 6 tháng trước sự bất ngờ của chính người hâm mộ.
Chưa kể, những gì mà Ubisoft trình diễn tại các kỳ hội chợ khiến Assassin’s Creed Odyssey không nhận được nhiều đánh giá tích cực, chủ yếu cho rằng phiên bản lần này chẳng khác một gói mở rộng là bao.
Nhưng không! Là một người chơi đã “dợt” gần như mọi phiên bản của dòng game Assassin’s Creed này và đầu tư hơn 60 giờ chơi cho Assassin’s Creed Odyssey, người viết hoàn toàn tự tin để tuyên bố rằng những gì mà game mang lại xứng đáng để bạn bỏ từng phút để trải nghiệm…
Đây không đơn thuần là một phiên bản Assassin’s Creed mà một người hâm mộ muốn, Assassin’s Creed Odyssey là một tựa game mà mọi game thủ đều nên thử qua.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
MỘT HÀNH TRÌNH, HAI NGƯỜI HÙNG VÀ NHỮNG ĐỊNH MỆNH NGHIỆT NGÃ
Trải qua hơn 10 phiên bản chính thống, cốt truyện gốc xuyên suốt dòng game Assassin’s Creed từ một điểm mạnh lại đang dần trở thành một điểm yếu khi bộc lộ nhiều lỗ hổng trong mạch truyện, cũng như không đi sâu vào giải thích những dấu hỏi to tướng mà các phiên bản trước để lại.
Tuy vậy, Ubisoft với sự “bất chấp” đến khó hiểu của mình, những hậu bản với cốt truyện có phần hơi xa rời cái cốt lõi là cuộc đối đầu giữa Hội Sát thủ (Assassin) và Hiệp sĩ Đền thánh (Templar) trong cuộc chạy đua thâu tóm các báu vật địa đàng cũng dần được người chơi… miễn cưỡng chấp nhận.
Assassin’s Creed Origins đã mang người chơi trở lại nơi khởi nguồn một đức tin khai sinh ra Hội Sát thủ, thì nay Assassin’s Creed Odyssey sẽ đưa người chơi đến với một cột mốc lịch sử xa hơn tận khoảng 400 năm – chiến tranh Peloponnesus nổi tiếng của Hy Lạp.
Mốc thời gian này cũng chính là khởi nguồn của một đức tin khác – Cult of Kosmos, tiền thân khai sinh ra Hội Hiệp Sĩ Dòng Đền (Order of the Knights Templar) sau này.
Thú vị ở chỗ, Ubisoft khai thác bối cảnh này theo nhiều góc nhìn khác nhau, theo nhiều cách để người chơi có thể hiểu hơn về mầm móng của sự hỗn loạn ở thời kỳ này.
Assassin’s Creed Odyssey chia chế độ chơi chiến dịch thành nhiều tuyến nhiệm vụ chính khác nhau, tựa như những bản “ô-đi-xê” chứ không còn được chia theo từng chương như trước.
Mỗi tuyến nhiệm vụ chính sẽ đề cập đến một sự kiện khác nhau và dần về sau, khi mọi thứ bắt đầu đi vào quỹ đạo của nó, những sợi dây liên kết vô hình sẽ kéo chúng lại với nhau tạo thành một mạch truyện tổng thể thống nhất.
Có nhiều lý do để một game thủ ưa thích trải nghiệm chơi đơn cắm mặt hì hụi vào “rush B” cho hết mọi nhiệm vụ chính mà chẳng màng đến những thứ mà nhà phát triển đã dày công sắp đặt.
Và sáng kiến viết ra nhiều tuyến nhiệm vụ khác nhau, cả chính lẫn phụ nhưng có sức ảnh hưởng qua lại của Assassin’s Creed Odyssey quả là “cao kiến”.
Thực tế, đây là cách mà CD Projekt RED đã cực kỳ thành công với The Witcher III: Wild Hunt, và Ubisoft hẳn đã “học lóm có chọn lọc” cho cả Assassin’s Creed Origins và Assassin’s Creed Odyssey.\
[su_quote]Mỗi tuyến nhiệm vụ chính sẽ đề cập đến một sự kiện khác nhau và dần về sau, những sợi dây liên kết vô hình sẽ kéo chúng lại với nhau tạo thành một mạch truyện tổng thể thống nhất[/su_quote]Tuy rằng giới thiệu đến hai nhân vật chính cho người chơi chọn lựa là Kassandra hoặc Alexios, nhưng khác với Assassin’s Creed Syndicate, cả hai chỉ khác nhau về giới tính chứ mạch truyện chính hoàn toàn không thay đổi.
Cho dù bạn chọn Kassandra hay Alexios, định mệnh nghiệt ngã cũng sẽ đưa họ đối đầu với nhau, nhưng cách thức bạn đón nhận nó lại không chỉ có một như cách mà ông trời đã sắp đặt.
Mỗi tình huống trong mỗi Odyssey đều sẽ mang đến nhiều hơn một sự lựa chọn để người chơi đánh giá dựa trên những thông tin có được.
Hoặc bạn sẽ chọn đường vòng để có một cái nhìn toàn cảnh và đưa ra quyết định có-thể-đúng, hoặc hời hợt quyết định với sự uất hận dân trào trước số phận bi ai của mình…
Và cuối cùng, giết hay tha thứ cho ai đó sẽ cho bạn một cái kết xứng đáng với những việc mình đã làm.
Cách thức mà hệ thống này quyết định cấu trúc tổ chức các ngã rẽ của cốt truyện khá thú vị khi câu chuyện dần được phơi bày về sau này (dù nhịp độ có phần chậm rãi).
Tính tuyến tính trong cốt truyện của Assassin’s Creed Odyssey vẫn còn đó, không có tác động sâu sắc như cách mà Mass Effect hay Dragon Age đã làm, chỉ là lối kể chuyện nay đã cởi mở hơn xưa và bạn sẽ là người chịu lấy hậu quả bằng sự áy náy hoặc thỏa mãn của mình mà thôi.
Chưa dừng lại ở đó, càng đi sâu hơn vào Assassin’s Creed Odyssey, người chơi sẽ dần thấm được nhiều hơn những quyết định của mình sẽ tạo nên những biến chuyển ra sao của thế giới Hy Lạp cổ đại dù mức độ Nhân – Quả chưa thực sự to tác.
Bản thân người viết xem đây là một tiền đề cơ bản, như những thay đổi mà Origins, Unity hay Rogue đã làm để những phiên bản sau này hoàn thiện tốt hơn nữa.
Đến đây, nếu bạn là một game thủ thích “rush B” và vẫn đang có ý định “cày nhanh” Assassin’s Creed Odyssey thì người viết xin chốt rằng: Ít nhất, bạn sẽ tốn khoảng 50-60 giờ chơi chỉ tính riêng cho phần khám phá cốt truyện chính mà thôi, và còn đó tới tận 4 cái kết khác nhau để bạn… chơi lại nữa đấy!
CON ĐƯỜNG TRỞ THÀNH MỘT CHIẾN BINH
Chỉ mất vỏn vẹn một năm để Ubisoft tạo nên Assassin’s Creed Odyssey, họ cũng từng mạnh miệng về sự đồ sộ mà phiên bản này chứa đựng tại các hội chợ game lớn.
Nhưng cho đến khi Assassin’s Creed Odyssey chính thức ra mắt, nhiều người hâm mộ mới thực sự choáng ngợp trước những gì mà Ubisoft tạo dựng nên Hy Lạp cổ đại trong game.
Assassin’s Creed Origins tiếp tục là phiên bản tạo nên một tiền đề về chất “nhập vai”, vốn đã được nhen nhóm trước đó từ phiên bản Assassin’s Creed Unity.
Nhưng cho đến tận Assassin’s Creed Odyssey, cái chất nhập vai thực thụ mới được thể hiện rõ nét, không đơn giản chỉ là những thêm thắt đơn giản được gọi là “cải tiến”.
Bạn sẽ là một thợ săn với tài tỉa tót bằng cung từ xa, một chiến binh dũng mãnh chuyên “san lấp mặt bằng”, một sát thủ đi và đến chẳng ai biết, hay một kẻ phiêu bạt để lại những mối tình vắt vai…
Đầu tiên là hệ thống chiến đấu, Assassin’s Creed Origins giới thiệu cơ chế chiến đấu mới nhưng vẫn còn để lại nhiều bất cập khiến nó trở nên tù túng trong cách đánh gục một đối thủ.
Assassin’s Creed Odyssey thì khác, game có một hệ thống chiến đấu cực kỳ mạnh bạo và tương đối sướng tay khi không còn sự xuất hiện của những chiếc khiên.
Nếu bạn từng kinh qua Dark Souls và Bloodborne, đó sẽ là một ví dụ tương đồng cho sự thay đối trong lối chiến đấu này.
Cách thức tổ chức 3 cây kỹ năng cho ba nhánh phát triển nhân vật của Assassin’s Creed Odyssey cũng không có nhiều ràng buộc đáng kể khi mỗi nhánh đều có thể tự do xây dựng mà không bó buộc dưới dạng mẹ-con, trút bỏ được gánh nặng về “điểm số”.
Nhờ đó, người chơi không chỉ mạnh về một nhánh như Origins mà có thể thông thạo cả 3 kỹ năng để trở thành một chiến binh kiệt xuất trên mọi phương diện.
[su_quote]cho đến tận Assassin’s Creed Odyssey, cái chất nhập vai thực thụ mới được thể hiện rõ nét, không đơn giản chỉ là những thêm thắt đơn giản được gọi là “cải tiến”.[/su_quote]Mặt khác, như đã nói ở trên, yếu tố trang bị và cấp độ ảnh hưởng rất lớn đến việc khám phá thế giới của người chơi.
Đây là hai yếu tố mà nếu bạn coi thường như các phiên bản trước thì mãi sẽ chẳng thể thoát khỏi “cái giếng” trong vùng đất Hy Lạp cổ đại này.
Nâng cấp trang bị là điều cần được ưu tiên trên hết trước khi bước vào một chiến dịch nào đó, mỗi vật phẩm không chỉ có các chỉ số về vật lý thông thường mà còn có sự xuất hiện của các chỉ số về thuộc tính, hỗ trợ người chơi.
Những nâng cấp này có được cũng dựa hầu hết vào thành tích mà bạn tích lũy trong quá trình hành động.
Bên cạnh đó, hãy luôn rèn luyện bản thân bằng các nhiệm vụ phụ, đó là manh mối, là kinh nghiệm và cũng là thứ giúp bạn trưởng thành hơn trên con đường tìm lại gia đình mình.
“Đặc sản” mà có lẽ rất nhiều bạn trẻ sẽ thích trong những tựa game nhập vai nổi tiếng được nhào nặn bởi BioWare hay CD Projekt RED là khía cạnh “tình ái” cũng được khai thác lần đầu tiên trong Assassin’s Creed Odyssey.
Đây là những mối quan hệ sẽ được phát triển dần dưới sự tương tác giữa người chơi và NPC, đôi khi nó thoáng qua, đôi khi nó lại là một cái gì đó đáng để suy nghĩ…
Tình ái trong Assassin’s Creed Odyssey tuy chỉ được thể hiện ở mức cơ bản, nhưng với một thời lượng chơi khá dài thì chúng lại cho bạn một chút cảm giác bình yên nhẹ nhàng, tránh xa sự xô bồ đầy mưu mô ngoài kia; hay như một bến đỗ để đôi lúc người chơi dừng chân và ngắm nhìn hoàng hôn sau một buổi dong buồm đầy sóng gió vậy.
Đặc biệt thay, nhân cách của bạn trong các mối quan hệ tình ái này cũng sẽ tạo nên những hành vi giúp những lựa chọn trong tuyến cốt truyện chính của Assassin’s Creed Odyssey trở nên tốt đẹp hơn.
Mọi thứ đều liên quan, chỉ là bạn có đang nhìn ra được mình mong muốn điều gì từ gia đình, tình yêu và sự nương đỡ lẫn nhau hay không.
“LẠC LỐI” TRONG HY LẠP CỔ ĐẠI
Assassin’s Creed Odyssey đã là phiên bản chính thống thứ 11 của toàn bộ dòng game, ấy vậy mà cái cách xây dựng nên thế giới mở của những phiên bản đầu tiên vẫn là nền tảng để người chơi tiếp tục chìm đắm trong Hy Lạp cổ đại.
Game thủ cứ chê nó lặp lại, nó nhàm chán, nó vô vị bao nhiêu đi nữa thì chính họ cũng sẽ phải tự thừa nhận rằng rất khó để dứt khỏi Assassin’s Creed Odyssey một khi đã dấn thân vào.
Với một thế giới Hy Lạp tuyệt đẹp trải dài hết một phần của châu Âu bây giờ, Assassin’s Creed Odyssey là phiên bản nặng về khám phá nhất từ trước đến nay, đến mức rằng đôi lúc bạn sẽ có cảm giác rằng mình lại đang phiêu bạt đâu đó trong Tamriel.
Bối cảnh cuộc chiến giữa Sparta và Athens không phải chỉ cái phông nền như cuộc cách mạng Pháp, cũng không phải là những ẩu đả của đám bụi đời chợ London, mà sẽ là một góc nhìn khác trên con đường khám phá cốt truyện tổng thể của Assassin’s Creed Odyssey.
Đó cũng là lý do mà game có đến vài tuyến nhiệm vụ chính, giữa gia đình mang dòng máu phức tạp của Kassandra và Alexios, hay nguồn gốc tổ thức Cult of Kosmos, mầm móng từ những di sản của nền văn minh thứ nhất, và cả sự leo thang trong cuộc chiến của cả hai đế chế cổ đại nổi tiếng này.
Mối liên hệ giữa thế giới trong Assassin’s Creed Odyssey và các tuyến nhiệm vụ, cho dù là chính hay phụ đều có sức tác động đến việc xuất hiện những sự kiện diễn biến về sau.
Cục diện sẽ được thay đổi dựa trên sự lựa chọn của người chơi, những hành động nào của người chơi trong suốt thời gian lưu trú tại khu vực đó sẽ đều ảnh hưởng đến cách các xung đột diễn ra.
Chẳng hạn như việc phá hỏng kho tiếp tế và thủ tiêu tướng của quân đội Athens tại khu vực này, sự bành trướng của quân đội Sparta ngay sau đó sẽ được nhân lên rất rõ rệt, bằng chứng là số lượng thuyền chiến, lính tuần và đồn điền sẽ đều được chiếm đóng.
Một điểm thú vị nhỏ là người chơi còn có cơ hội tham gia những cuộc chiến vô tiền khoáng hậu giữa hai phe trên chiến trường chẳng khác mấy dòng game Dynasty Warrior.
Sau cùng, không ai khác chính “kẻ khơi mào” là… bạn sẽ ra tay dọn dẹp tất cả!
Chẳng hạn nếu chọn phe Sparta với vai trò xâm lược, nhiệm vụ sẽ khó khăn hơn gấp bội đổi lại những phần thưởng hậu hĩnh hơn cùng với tinh thần Spartan bất diệt.
Ngược lại, chọn cho mình cách bảo vệ Athen, giữ vững sự yên bình mà thế giới tươi đẹp này vốn có sẽ nhàn nhã hơn và cũng kém kịch tính hơn.
Đó là con đường định mệnh của một tên lính đánh thuê, rồi một ngày thủ cấp bạn sẽ được treo trên chông giáo cho “quạ bắt, diều hâu tha” bởi hàng chục-chục tên thợ săn tiền thưởng khét tiếng khác.
Cuộc chơi này bạn có “cân” được không?
Bạn có thể là anh hùng, vừa có thể là một tên lính đánh thuê hai mặt đê hèn, đôi lúc bạn sẽ là một con mồi luôn trong tình trang bị săn đuổi, và tất nhiên bạn cũng có thể là kẻ săn mồi.
Một tuyến nhiệm vụ chính quan trọng của Assassin’s Creed Odyssey là hệ thống chân rết khổng lồ của tổ chức Cult of Kosmos – giáo phái đứng đằng sau sự hỗn loạn ngầm của thời kỳ này.
Danh sách những kẻ mà người chơi có thể ám sát trong Assassin’s Creed Odyssey lên tới gần… 50 người.
Tổ chức này được phân chia theo các nhánh quản lý các phần khác nhau trong toàn cõi Hy Lạp, mỗi nhánh sẽ được chia tiếp thành những cấp bậc thấp hơn với địa bàn hoạt động khác nhau.
Cứ theo trình tự đó, bạn sẽ dần tìm ra được kẻ chịu trách nhiệm cho sự bất hạnh của gia đình mình.
Danh tính của những kẻ cuồng giáo này cũng không dọn sẵn ra bàn cho người chơi đến và tiêu diệt một cách dễ dàng.
Chúng luôn lẫn trốn với hàng tá lớp “ô dù” mà bạn sẽ phải dày công thu thập mọi tin tức từ khắp nơi để kết luận: “hung thủ chính là ngươi!”.
[su_quote]Với một thế giới Hy Lạp tuyệt đẹp trải dài hết một phần của châu Âu bây giờ, Assassin’s Creed Odyssey là phiên bản nặng về khám phá nhất từ trước đến nay[/su_quote]Câu hỏi là, những thông tin và manh mối về chúng có thể thu thập từ đâu? – Assassin’s Creed Odyssey không “chấm” cho một điểm cụ thể trên bản đồ, mà chủ yếu dựa vào quá trình khám phá của người chơi.
Có thể manh mối này nằm trong một chiếc hang nào đó, hoặc trong một chiếc rương nào đó, có thể một nhân vật liên quan nào đó (kèm nhiệm vụ phụ), hay cũng có thể là một sự kiện tại khu vực nào đó… Chúng được đặt rải rác khắp mọi ngóc ngách của game.
Manh mối bạn có xuất hiện sớm hay muộn cũng ít nhiều dựa vào tốc độ khám phá bản đồ của người chơi.
Nếu vẫn cứ hời hợt khám phá Assassin’s Creed Odyssey, người chơi sẽ mãi không biết đi đâu và về đâu giữa Hy Lạp bao la này.
Chuyện chưa dừng lại ở đó khi không phải ai trong số tất cả những kẻ cuồng tín của Kosmos người chơi đều có thể ra tay sát hại.
Mỗi người có một lý tưởng, và bạn sẽ phải tìm hiểu nó bằng cách này hay cách khác để có thể nhìn nhận chân tướng một cách rạch ròi nhất có thể.
Bởi lẽ như người viết vẫn nói đấy, mỗi việc bạn làm đều có tác động về sau.
Cũng may, những tác động trên đều tương đối tuyến tính và được chỉ định ở một số đối tượng cụ thể.
Nhưng nhờ đó, bạn cũng sẽ nắm được thêm nhiều thông tin bí mật khác, vén thêm được một bức màn che đậy cho một cái “ung nhọt khổng lồ” khác.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
THẾ GIỚI “MỞ” ÁP ĐẢO BẢN HÙNG CA
Thời lượng chơi chiến dịch lên tới hơn 60 giờ, khám phá một thế giới Hy Lạp cổ đại gần như vô tận, hệ thống nhiệm vụ và nhập vai dày cộp như mãi sẽ chẳng bao giờ thực hiện hết… Assassin’s Creed Odyssey thực sự đồ sộ không chỉ về độ lớn mà cả nội dung mà nó chứa đựng.
Nhưng, Ubisoft lại một lần nữa lạm dụng quá đà thế giới “vô lượng” do mình sáng tạo này khiến nó mất đi trọng tâm.
Assassin’s Creed Odyssey kế thừa quá nhiều ưu điểm và sự đặc sắc của hầu hết các phiên bản trước, kể cả những phiên bản xưa lắc như Assassin’s Creed IV: Black Flag.
Bạn sẽ có hệ thống chiến đấu và trang bị cải tiến từ Origins, hệ thống nhiệm vụ học hỏi từ dòng game The Witcher, hệ thống nhân-quả cơ bản và tình ái đa dạng từ các tựa game nhập vai khác, những trận hải chiến từ Black Flag, tổ chức kéo bè kết đảng từ Syndicate và một bối cảnh nội chiến phức tạp như Unity, Assassin’s Creed III…
Assassin’s Creed Odyssey không hề đọng lại một trọng tâm thực sự nào bởi hầu hết chúng được dàn trải một cách rất ngang hàng nhau, dù cho bạn có muốn hay không thì vẫn phải tuân thủ sự sắp đặt của game.
Đến nỗi đôi khi người chơi quên luôn cái mục đích ban đầu mình tìm đến với Assassin’s Creed Odyssey là gì.
Bạn không thích hải chiến? – vẫn phải dong buồm ra khơi và đắm tàu vài lần thôi.
Bạn cũng không thích giáp lá cà? – kiểu gì cũng phải “đụng chạm” nhau thôi bởi một số nhân vật trong game không thể “một nhát xuyên tim” được.
Toàn cõi Hy Lạp có vẻ rộng thật đấy, nhưng công thức tổ chức giữa các bang lại gần như lặp lại hoàn toàn trừ những khác biệt về mặt hình thức mà thôi.
Assassin’s Creed Odyssey không thực sự mở như bạn nghĩ, nó vẫn chịu sự bó buộc rất lớn trong cách sắp đặt lối chơi hơn là cho phép người chơi định hình ngay từ đầu sẽ đi theo con đường nào.
Tuyến nhiệm vụ chính quả thực quá chậm rãi hệt như “Cô dâu 8 tuổi”.
Sự lắc léo trong các tình tiết ở hồi 2 cũng nhạt toẹt và kiểu gì thì sớm muộn người chơi cũng sẽ đoán được ai là trùm cuối thực sự chỉ sau một nửa hành trình.
Cách “câu giờ” trong tuyến nhiệm vụ chính của Assassin’s Creed Odyssey khá rẻ tiền, đó là kéo dài một chuỗi nhiệm vụ bằng một loạt các nhiệm vụ hỗ trợ khác, xoay người chơi đi lòng vòng hết người này đến người khác, nhiệm vụ này đến nhiệm vụ khác mà quả thực những nhiệm vụ đó chẳng ăn nhập gì đến tình tiết thời điểm đó cả.
Sự thống nhất và liền mạch trong mạch nhiệm vụ chính và phụ của Assassin’s Creed Origins được làm rất tốt, nhưng đến với Assassin’s Creed Odyssey nó lại như một cuộn chỉ nhàu, lằn nhằn và rườm rà như đi xin một cái dấu mộc của một tổ chức cơ quan nhà nước xứ thiên đường nào đó.
Với kiểu thiết kế cốt truyện không mới như Assassin’s Creed Odyssey, “cái gì” không phải là câu hỏi quan trọng để thúc đẩy người chơi đi tiếp, mà quan trọng là “như thế nào”.
Điều mà người chơi thực sự quan tâm trong quá trình trải nghiệm không phải là “cái gì sẽ diễn ra” mà là “họ sẽ đối diện với nó như thế nào”.
Và thực sự cái “như thế nào” mà Ubisoft có thể làm được thực sự tệ, trong khi Assassin’s Creed Origins lại thành công một cách ấn tượng.
Đó là chưa kể đến sự trở lại của những nhân vật “phế thải” thời hiện đại.
[su_quote]Assassin’s Creed Odyssey không hề đọng lại một trọng tâm thực sự nào bởi hầu hết chúng được dàn trải một cách rất ngang hàng nhau, dù cho bạn có muốn hay không thì vẫn phải tuân thủ sự sắp đặt của game[/su_quote]Chẳng hiểu tại sao Ubisoft vẫn muốn cho người chơi cái “trải nghiệm” được điều khiển những nhân vật mà vốn chỉ cần phim cắt cảnh là đủ, bởi chúng thực sự chẳng đóng vai trò gì thiết thực trong bối cảnh của Assassin’s Creed hiện nay.
Điểm trừ lớn cuối cùng, Assassin’s Creed Odyssey không tôn trọng phụ nữ, bởi hầu hết những trang phục trong game chỉ dành cho thân hình nam giới, trong khi Kassandra mới là nhân vật chính chứ không phải là Alexios.
Thực sự, người viết không thể nhìn nổi Kassandra mặc một bộ giáp 8 múi đầy “xôi thịt” của những nam chiến binh, mà vốn Kassandra cũng đã được tạo hình hết sức thô thiển (trừ nhan sắc) ngay từ đầu.
Nếu bạn mong mỏi một Kassandra tựa như “chị Đại” Wonder Woman thì thật bất hạnh…
THÔNG TIN
- Sản xuất: Ubisoft Quebec
- Phát hành: Ubisoft
- Thể loại: Nhập vai, Hành động
- Ngày ra mắt: 6/10/2018
- Hệ máy: PC, PS4, Xbox One
CẤU HÌNH TỐI THIỂU
- OS: Windows 7 SP1, Windows 8.1, Windows 10 (64-bit versions only)
- CPU: AMD FX 6300 @ 3.8 GHz, Ryzen 3 – 1200, Intel Core i5 2400 @ 3.1 GHz
- VGA: AMD Radeon R9 285 or NVIDIA GeForce GTX 660 (2GB VRAM with Shader Model 5.0)
- RAM: 8GB
- HDD: 46GB
CẤU HÌNH THỬ NGHIỆM
- CPU: Intel Core i7 6800K 3.4Ghz
- RAM: 16 GB
- Graphics: NVIDIA GTX 1050 Ti 4GB/ AMD RX570 8GB
- HDD: 1TB
GAME ĐƯỢC HỖ TRỢ BỞI UBISOFT
GAME ĐƯỢC CHƠI TRÊN HỆ PC
BÀI MỚI NHẤT
- Notch công bố “Minecraft 2”! – Tin Game
- 19 Game Nintendo Switch mới tháng 1-2025 – Lịch Phát Hành Game
- Sự kiện game 12-2024: 14.600 người mất việc làm trong năm 2024!
- Microsoft đã từ chối tập “bắc cầu” giữa Halo và Doom trong Secret Level! – Tin Game
- Honkai: Star Rail 3.0 ra mắt với hai nhân vật mới đặc sắc – Tin Mobile
- 22 Game PlayStation mới tháng 1-2025 – Lịch Phát Hành Game