ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 – Phân khúc card đồ họa tầm trung luôn là phân khúc cạnh tranh khốc liệt nhất, bởi nó sở hữu biên độ lợi nhuận tuy nhỏ, nhưng lại có lượng người dùng đông đảo nhất, dễ mang lại “danh tiếng” cho nhãn hiệu nhất.
Thế nên sau khi AMD tung ra thông tin sẽ ra mắt sản phẩm card đồ họa RX 5500 cho thị trường card tầm trung với sức mạnh vượt trội so với GTX 1650 và khả năng “đe dọa” đến một sản phẩm cao hơn là GTX 1660, buộc lòng NVIDIA phải đáp trả bằng cách trang bị thêm VRAM DDR6 dành cho các card đồ họa này và cho ra mắt phiên bản GTX 1660 Super.
ASUS là một trong những hãng đầu tiên đem dòng sản phẩm custom của mình về Việt Nam, và lần này, không đợi tới nhóm “thần cú” Strix xuất hiện, các “chiến binh” dòng TUF đã nhanh chân chiếm lĩnh thị trường với phiên bản ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 với thiết kế ba quạt tản nhiệt thường chỉ xuất hiện trên các dòng card cao cấp.
Với một định hướng mới cho các sản phẩm TUF tạo ra một đối trọng khác, hướng tới những người thích “ăn chắc mặc bền”, liệu đại diện mới của hãng có thật sự “bá đạo”?
Hãy cùng Vietgame.asia tìm hiểu bài đánh giá chi tiết sản phẩm các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
ASUS GTX 1660 SUPER TUF GAMING X3 – THIẾT KẾ HIỆU QUẢ
Với GTX 1660 Super, ASUS đã tung ra hàng loạt phiên bản từ, trong đó, chỉ duy nhất có ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 sở hữu thiết kế ba quạt tản nhiệt, thậm chí “đè” qua cả dòng sản phẩm Strix cũng chỉ được trang bị có hai.
Cũng chính vì vậy mà mức giá của sản phẩm thuộc vào hàng khá “chát” nếu so sánh với các phiên bản khác cùng của ASUS, hay thậm chí là so với sản phẩm đến từ các hãng khác.
Khoan bàn đến chuyện đẹp xấu vì điều này mang nhiều tính chủ quan, thế nhưng người viết thật sự không có nhiều cảm tình với ba cánh quạt nhỏ được trang bị trên một bộ tản nhiệt nhôm khá dày như trên ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3.
Điều này làm cho ấn tượng ban đầu của người viết về sản phẩm khá mất cân đối, khá giống những sản phẩm giá rẻ nội địa Trung Quốc trước đây, nhưng sự chỉn chu như thường lệ của các sản phẩm đến từ ASUS đã “cứu vãn” rất nhiều những cảm nhận không tốt về thiết kế ngoại hình sản phẩm.
Bộ tản nhiệt cũng sử dụng khá nhiều chất liệu nhôm với chỉ hai ống đồng xuyên suốt, tiếp xúc trực tiếp với chip xử lý đồ họa bên trong khiến cho khối lượng cả card về cơ bản là rất nhẹ so với tổng thể to, dày theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc của card.
Trên thực tế, thiết kế ba quạt tản nhiệt này vẫn tỏ ra vô cùng hiệu quả, nhất là trong trường hợp các sản phẩm dòng TUF hướng đến độ bền linh kiện hơn là ép xung kịch liệt như các sản phẩm dòng Strix, nên quạt không phải hoạt động quá kịch liệt trong hầu hết các điều kiện làm việc.
Khi chơi game nặng, ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 chỉ đạt mức nhiệt tối đa vào khoảng 66 độ C trong khi cả ba quạt hoạt động khá nhẹ nhàng, thậm chí không sinh ra bất kỳ tiếng động nào đáng kể.
Khi thử stress test sản phẩm với chương trình FurMark trong một khoảng thời gian, cả ba quạt đều được tăng tốc nhiều hơn khi so với chơi game thông thường để có thể giữ được mức nhiệt ở 68 độ C.
Tuy nhiên, vẫn thật khó để có thể nghe thấy tiếng ồn từ quạt, điều này chứng tỏ cả ba quạt trên ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 vẫn chưa thực sự hoạt động hết công suất và vẫn còn rất nhiều “không gian” hoạt động để có thể đảm bảo độ bền card trong thời gian dài, ngay cả khi keo tản nhiệt bị “lão hóa” theo thời gian.
ASUS GTX 1660 SUPER TUF GAMING X3 – VẪN ỔN VỚI GAME HIỆN ĐẠI
Với dòng sản phẩm TUF, ASUS không chú ý quá nhiều vào việc lựa chọn những con chip xuất sắc nhất với khả năng ép xung cao nhất, nên hầu hết thời gian hoạt động, ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 chạy ổn định ở mức xung nhịp 1575MHz, cao hơn khoảng 45MHz so với mức xung gốc.
Mặc dù tính năng Turbo Boost cố “kéo” mức xung nhịp lên 1630MHz, nhưng ở mức xung này, thiết bị hoạt động không thực sự ổn định và nhanh chóng bị “trả lại” các mức xung nhịp thấp hơn.
Thế nên dễ hiểu khi ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 sở hữu mức điểm số mạnh hơn đôi chút so với phiên bản tham chiếu của NVIDIA sản xuất.
Trong phép thử 3D Mark Fire Strike, hệ thống đạt được 14,786 điểm với 16,535 điểm Graphic. Trong khi với phép thử trên nền DirectX12 là 3D Mark Time Spy, hệ thống đạt được 6,306 điểm.
Điều này cho thấy ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 vẫn rất “mát tay” với các phép thử sử dụng phương thức dựng hình truyền thống, hơn hẳn các card đồ họa GTX 1070 thế hệ cũ nhưng thua sút đôi chút so với các card đồ họa dòng GTX 1660 Ti thế hệ mới.
Đến với các thử nghiệm game, cho thấy khả năng hoạt động ổn định trên hầu hết các game mới ở thiết lập cao và độ phân giải 1080p.
Tuy vậy, ở hai game là Borderlands 3 trong thiết lập BadAss và Total War: Three Kingdoms ở thiết lập Ultra, tốc độ khung hình thử nghiệm chỉ đều đạt ở mức vừa phải dù độ phân giải thiết lập chỉ ở mức 1080p.
Điều này cho thấy, dù có khả năng “tung hoành” ở hầu hết các game hiện nay ở thiết lập 2K (như cách mà NVIDIA sắp xếp dòng sản phẩm của mình), thế nhưng ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 vẫn “thoải mái” hơn ở mức khung hình 1080p trên các game nặng.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
CỔNG KẾT NỐI VÀ GIÁ TIỀN
Trên thực tế, sau một loạt những thử nghiệm và đánh giá, cũng không nhiều vấn đề để có thể phàn nàn về những gì mà “tân binh” của ASUS thể hiện ngoại trừ hai vấn đề nhỏ cần cân nhắc.
Vấn đề thứ nhất nằm ở số lượng cổng kết nối thuộc loại “nghèo nàn” trên sản phẩm. Hơi khó hiểu là ở thời điểm hiện tại, khi mà ngày càng nhiều người có nhu cầu sử dụng tác vụ đa màn hình thì ASUS lại trang bị cho ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 chỉ có ba cổng kết nối thuộc loại cơ bản là DisplayPort, HDMI và … DVI đã có phần hơi “đồ cổ”.
[su_quote]Hơi khó hiểu là ở thời điểm hiện tại, khi mà ngày càng nhiều người có nhu cầu sử dụng tác vụ đa màn hình thì ASUS lại trang bị cho ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 chỉ có ba cổng kết nối thuộc loại cơ bản[/su_quote]
Nếu đổ lỗi cho cổng DVI to bè chiếm nhiều diện tích thì thậm chí sản phẩm cũng chẳng có cả cổng kết nối USB Type C “be bé xinh xinh” thường thấy trên các card đồ họa thế hệ mới này của NVIDIA, điều này sẽ gây khó khăn ít nhiều cho người dùng khi cần sử dụng nhiều màn hình cùng lúc.
Một vấn đề nhỏ khác của ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3 “gây khó” cho người dùng nằm ở mức giá bán của sản phẩm “ép” rất sát mức giá của các card đồ họa dòng GTX 1660 Ti của các hãng khác và hơn 1 triệu đồng so với các phiên bản phổ thông nhất của dòng card GTX 1660 Super.
Với mức giá này, trừ khi bạn là “fan cứng” của ASUS, hay có những nhu cầu cao đối với độ bền sản phẩm, cần thời gian bảo hành lên đến 5 năm, còn nếu không, có rất nhiều sản phẩm khác mạnh mẽ hơn hẳn ở mức giá tương đương sẵn sàng cho bạn lựa chọn.
GIÁ THAM KHẢO
7,740,000đ
THAM KHẢO
THÔNG TIN
- Tên sản phẩm: ASUS GTX 1660 Super TUF Gaming X3
- Nhà sản xuất: ASUS
- Xuất xứ: Đài Loan
BÀI MỚI NHẤT
- Horizon Online sẽ phát hành trong năm 2025? – Tin Game
- Blizzard bất ngờ ra mắt Warcraft: Remastered và Warcraft II: Remastered! – Tin Game
- Andrew Wilson, CEO của EA, sẽ lãnh đạo Disney? – Tin Game
- Ba năm kể từ màn ra mắt thảm họa, GTA Definitive Edition đã được Rockstar sửa lại hoàn toàn – Tin Game
- Ubisoft đang bị kiện vì làm cho tựa game The Crew không thể chơi được – Tin Game