ASUS Strix B550 I Gaming – Tại thị trường Việt Nam trong những năm qua, trào lưu chơi máy PC với kích thước nhỏ gọn iTX dần dần nhận được sự quan tâm và hưởng ứng từ phía người dùng, đặc biệt là từ cộng đồng modder đông đảo.
Chính vì thế mà các hãng sản xuất lần lượt thử nghiệm đem các mẫu bo mạch chủ chuẩn iTX về thị trường để phục vụ cho nhóm đối tượng đặc biệt này, và với chipset B550 vừa được ra mắt trong thời gian gần đây, ASUS đã rất nhanh tay cho ra mắt phiên bản ASUS Strix B550 I Gaming đến với cộng đồng game thủ.
Với kích thước vô cùng hạn chế của khung máy iTX, ASUS sẽ “giải bài toán” không gian như thế nào để có thể duy trì được những tính năng cao cấp cho dòng sản phẩm Strix? – Hãy cùng Vietgame.asia khám phá mẫu bo mạch chủ “ốc tiêu” này các bạn nhé!
ASUS STRIX B550 I GAMING – NHỎ, GỌN, ĐẦY ĐỦ “MÓN ĂN CHƠI”
ASUS Strix B550 I Gaming là bo mạch chủ có kích thước rất nhỏ, cỡ iTX, thế nên ASUS đã đóng gói sản phẩm của mình trong một bao bì có kích thước cũng vô cùng ấn tượng, chỉ lớn hơn kích thước của bo mạch iTX đôi chút, chính vì vậy mà các phụ kiện kèm theo như cáp SATA, ăng ten Wi-fi đều được “nhét” phía dưới phần đựng bo mạch, khiến cho hộp sản phẩm trở nên dày hơn, vuông vức hơn so với cách đóng gói bo mạch thông thường.
Thiết kế bên ngoài vỏ hộp vẫn không có nhiều thay đổi, vẫn là thiết kế quen thuộc của các sản phẩm dòng Strix dành cho game thủ, tương tự như mẫu ASUS ROG Strix Z490-E Gaming hay ASUS Strix TRX40 E Gaming mới được hãng cho ra mắt trong thời gian gần đây với logo Strix “bảy màu” và hình ảnh sản phẩm nhưng với cách bố trí chặt chẽ hơn so với vỏ hộp thông thường.
Mặt sau vỏ hộp vẫn theo thông lệ, thể hiện thông tin về một số công nghệ nổi bật được trang bị cho sản phẩm, trong đó “lạ” nhất có lẽ là tính năng Audio USB Type-C. Người viết sẽ đề cập kỹ hơn về tính năng này trong phần sau.
Tiến hành “bóc hộp” sản phẩm, dễ dàng thấy được ASUS Strix B550 I Gaming được thiết kế với bố cục linh kiện vô cùng chặt chẽ với rất nhiều yếu tố gợi nhớ đến phiên bản bo mạch chủ kích thước iTX ASUS ROG Strix B450 I GAMING trước đây.
Cũng vẫn khe cắm M.2 được bố trí trên một lớp bảng mạch xếp chồng “sát mép” cổng PCI Express 16x “bọc giáp”, cũng vẫn các cổng cắm kết nối được bố trí “sát rạt” dọc theo cạnh trên và cạnh bên phải của bo mạch, thế nhưng phiên bản trang bị chipset B550 đời mới lại sở hữu bộ che cổng I/O và tản nhiệt cho các phase cấp điện có kích thước lớn hơn khá nhiều,che kín gần như toàn bộ cạnh bên trái của bo mạch.
Sở dĩ tấm tản nhiệt này có kích thước lớn hơn hẳn là do kết cấu cấp điện của ASUS Strix B550 I Gaming được tăng cường tương đối với kết cấu 8+2, đủ để chạy các vi xử lý Ryzen đời mới sở hữu nhiều nhân hơn, đòi hỏi điện năng cũng lớn hơn so với các CPU thế hệ trước đó.
Khu vực này cũng là nơi mà ASUS đặt chipset B550, thế nên hãng đã phải tích hợp thêm một quạt giải nhiệt cỡ nhỏ để có thể tản nhiệt hiệu quả hơn thay vì để khu vực này tản nhiệt thụ động phụ thuộc vào luồng gió trong thùng máy như trước.
[su_quote]ASUS Strix B550 I Gaming được thiết kế với bố cục linh kiện vô cùng chặt chẽ với rất nhiều yếu tố gợi nhớ đến phiên bản bo mạch chủ kích thước iTX ASUS ROG Strix B450 I GAMING trước đây[/su_quote]Cũng chính vì tấm tản nhiệt có kích thước lớn hơn rất nhiều, che qua luôn cả khu vực cắm card kết nối Wi-fi 6 và bộ phận âm thanh, khiến cho khe cắm Front Audio bị che khuất, khó cắm hơn hẳn so với thế hệ trước đó.
Để hỗ trợ cho người dùng, ASUS cũng trang bị thêm một cáp Audio USB Type C nối dài giúp người dùng vẫn có thể sử dụng kết nối 3.5mm mà không cần sử dụng đến các kết nối audio phía sau bo mạch.
Mặc dù có kích thước bo mạch khá hạn chế, thế nhưng ASUS vẫn trang bị cho ASUS Strix B550 I Gaming khá nhiều tính năng “ăn chơi” đầy đủ cho một cỗ PC cao cấp.
Có thể kể đến hãng vẫn không “quên” cổng cắm máy bơm cho các bộ tản nhiệt AIO đang rất phổ biến trên thị trường hiện nay, cổng Aura RGB Header cho các sản phẩm dùng chung “hệ sinh thái” Aurasync và cổng Addressable Gen 2 RGB Header để điều khiển “đèn đóm” cho các thiết bị gắn ngoài.
Bên cạnh đó, người dùng vẫn sở hữu hai cổng M.2 cho các ổ cứng thể rắn SSD, đủ sức thoả mãn nhu cầu lưu trữ tốc độ cao của người dùng với một cổng ở mặt trên kết nối với CPU sử dụng chuẩn kết nối PCIe 4.0 với 4 làn dữ liệu.
Trong khi đó, cổng M.2 ở mặt dưới chỉ được kết nối với chipset B550 sử dụng chuẩn PCIe 3.0 với tốc độ chậm hơn đôi chút, nhưng cũng hoàn toàn đủ cho phần lớn các mẫu ổ cứng có mặt trên thị trường hiện nay.
Ngoài ra, mẫu bo mạch chủ đời mới cũng được trang bị đầy đủ những kết nối tiên tiến nhất hiện nay như Wi-fi 6, LAN 2.5G hay Bluetooth 5.1, đem đến sự tiện lợi và tốc độ cao cho người dùng.
Một điều khá lạ, và cũng khác biệt so với phiên bản ASUS ROG Strix B450 I GAMING trước đây chính là việc hãng đã “cắt giảm” khá nhiều đèn LED RGB viền trên phiên bản ASUS Strix B550 I Gaming lần này. Yếu tố “đèn” trang trí duy nhất được giữ nguyên chính là các đèn tích hợp vào các cổng audio 3.5mm ở mặt sau.
Còn đối với trang trí trên bề mặt bo mạch, hãng chỉ sử dụng logo Strix với lớp sơn phản quang 7 màu tương đối đơn giản mà thôi.
TỔNG QUAN
Nhìn chung, ASUS Strix B550 I Gaming sở hữu một số thay đổi so với phiên bản sử dụng chipset B450 trước đây, thế nhưng sản phẩm vẫn đảm bảo những tính năng cao cấp, đáp ứng tốt cho nhu cầu người dùng có đòi hỏi cao hiện nay.
Mặc dù vậy, cũng do sở hữu kích thước hạn chế nên sản phẩm cũng thiếu vắng một ít các cổng kết nối USB hay SATA như các bo mạch chủ khác cùng sở hữu chipset B550. Điều này cũng không quá quan trọng bởi yếu tố kích thước vẫn được đặt lên hàng đầu, nhất là với các hệ thống vô cùng gọn nhẹ nhưng vẫn đầy sức mạnh.
BÀI MỚI NHẤT
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game
- Các hãng game “hy vọng” Grand Theft Auto 6 sẽ được bán ở mức 100 USD? – Tin Game
- Palworld bật mí lộ trình ra mắt nội dung cho năm 2025! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game
- Shuhei Yoshida: “Remaster và remake giúp Sony tiếp tục đầu tư vào các game mới” – Tin Game