ASUS Strix RTX 3070 8G GAMING – Trong rất nhiều hãng sản xuất card đồ hoạ hiện nay trên thị trường, ASUS có thể xem như một trong những “cái nôi” của dòng card đồ hoạ “chuyên dụng” dành cho game thủ với dải sản phẩm “thần cú” Strix tiếng tăm lừng lẫy.
Dù rằng sau đó hãng cũng cho ra mắt nhiều “tên tuổi” khác như các sản phẩm dòng TUF, sản phẩm dòng Dual… với nhiều tính năng, mẫu mã và mức giá ấn tượng, thế nhưng dòng sản phẩm Strix vẫn nhận được sự chào đón nồng nhiệt của cộng đồng game thủ thế giới bởi những đặc trưng vô cùng riêng biệt mà hãng tận lực thoả mãn các nhu cầu của nhóm người dùng đặc biệt này.
Ngay sau khi NVIDIA ra mắt các card đồ hoạ dòng GeForce RTX 30 Series, ASUS cũng liên tục tung ra các sản phẩm của mình với đầy đủ các phiên bản phục vụ cho nhu cầu của người dùng, và đại diện hàng đầu của hãng trong phân khúc trung – cao cấp được các game thủ quan tâm nhiều nhất hiện nay chính là mẫu card đồ hoạ ASUS Strix RTX 3070 8G GAMING.
Với sự hỗ trợ từ chính ASUS, Vietgame.asia đã nhận được mẫu thử nghiệm cho dòng card đồ hoạ này để mang đến cho bạn đọc cái nhìn chi tiết về khả năng “chinh chiến” thực tế của sản phẩm trên các game hiện đại.
Nào, hãy cùng đến với bài đánh giá chi tiết sản phẩm các bạn nhé!
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ THÍCH[/su_heading]
ASUS STRIX RTX 3070 8G GAMING – NGÔN NGỮ THIẾT KẾ MỚI!
Cũng giống như Gigabyte với dòng sản phẩm Gaming OC của mình, dòng sản phẩm Strix của ASUS gần như không thay đổi kể từ năm 2016 với những mẫu card đồ hoạ ASUS STRIX RX480 8GB hay ASUS STRIX GTX 1060 6GB đến tận ASUS ROG STRIX RTX 2080 O8G ra mắt gần đây đều … giống nhau như đúc bất chấp sản phẩm thuộc về “đội đỏ” AMD hay “đội xanh” NVIDIA.
Thiết kế mới của ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming có thể được nhìn thấy ngay trên vỏ hộp theo phong cách nhất quán thiết kế của ASUS trong những năm gần đây, không đậm tính “úp mở” như với các sản phẩm Gaming OC từ nhà Gigabyte như mẫu card đồ hoạ Gigabyte RTX 3060 Ti Gaming OC 8G được người viết giới thiệu đến với bạn đọc gần đây, chỉ sở hữu duy nhất logo con mắt của thần đại bàng AORUS trên vỏ hộp.
Mặt sau vỏ hộp là một số thông tin sơ bộ về các công nghệ và tính năng được trang bị trên mẫu card đồ hoạ này, đáng chú ý là bộ tản nhiệt cỡ lớn chiếm diện tích lên đến 2.9x khe PCIe tiêu chuẩn, biến các mẫu card đồ hoạ dòng Strix đời mới này trở thành những card đồ hoạ “dày” nhất mà ASUS từng chế tạo.
[su_quote]Thiết kế mới của ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming có thể được nhìn thấy ngay trên vỏ hộp theo phong cách nhất quán thiết kế của ASUS trong những năm gần đây[/su_quote]Tiến hành “đập hộp” sản phẩm, ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming xuất hiện với vẻ ngoài “bề thế” và ấn tượng hơn hẳn so với phong cách thiết kế trước đây, dễ thấy nhất là ba quạt tản nhiệt kích thước lớn và dàn “mặt nạ” được gia công tỉ mỉ bằng vật liệu kim loại với những đường cắt chéo, các ốc bông sao… tạo nên cảm giác cứng cáp và chắc chắn hơn hẳn thiết kế mặt nạ bằng nhựa có phần hơi ọp ẹp của dòng sản phẩm card đồ hoạ Strix trước đây.
Thiết kế này cũng cho thấy xu hướng “nhôm hoá” lớp mặt nạ bảo vệ trong các mẫu sản phẩm card đồ hoạ cao cấp hiện nay, bắt đầu từ các sản phẩm dòng Founder Edition do chính NVIDIA sản xuất lan đến các nhà sản xuất linh kiện khác.
Thậm chí với các phiên bản dòng TUF như ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G hay các phiên bản card đồ hoạ dành cho nhà thiết kế dòng Vision chỉ mới vừa được Gigabyte ra mắt gần đây như Gigabyte RTX 3080 Vision OC 10G đều chạy theo xu hướng này.
Đặc biệt hơn cả là góc dưới bên trái có slogan Game On cùng… toạ độ trụ sở của ASUS tại Đài Loan nếu bạn nhập vào tìm kiếm trên chương trình Google Maps.
Mặt sau sở hữu một tấm đệm lưng bằng kim loại được chế tác công phu với ba khu vực riêng biệt, sử dụng các miếng nẹp trang trí bằng nhôm sáng với các chi tiết logo ROG hay dòng chữ Republic of Gamers được thể hiện vô cùng tinh tế.
Khu vực phần rìa phía sau ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming cũng được “khoét lỗ” cho phép đẩy bớt luồng gió nóng về phía sau thay vì thổi tán loạn ra xung quanh như các thiết kế tản nhiệt trước đây, nhờ đó mà quạt hướng trục của ASUS có thể phát huy mạnh mẽ hơn các dòng quạt trang bị trên các mẫu card đồ hoạ khác nhờ tạo ra luồng khí tập trung hơn.
Một điểm đáng lưu ý trong thiết kế quạt năm nay của ASUS chính là ba quạt có vòng quay ngược chiều nhau mà hãng gọi là New Directions. Thiết kế phần nào giống với thiết kế Alternate Spining của các card đồ hoạ dòng AORUS đã ứng dụng từ cuối năm 2018, giúp giảm nhiễu động khí do các quạt cao tốc ảnh hưởng lẫn nhau.
Mặt trên của card là dải đèn LED RGB thuộc hàng lớn nhất trên các dòng card đồ hoạ hiện nay, tạo ra buổi trình diễn ánh sáng đầy màu sắc sặc sỡ với khả năng đồng bộ với phần còn lại của hệ thống nhờ tính năng Aura Sync 2.0 độc quyền của ASUS.
Nhìn từ trên xuống, có thể thấy bộ tản nhiệt trên sản phẩm có kích thước khá lớn với các lá tản nhiệt to bản và lượng ống dẫn nhiệt đồ sộ, đảm bảo cho hoạt động “êm ái” của chip xử lý ngay cả trong trường hợp hoạt động ở tốc độ cao trong thời gian dài.
Gần sát ngoài cùng là cổng cấp nguồn với cấu hình cấp điện 2 cổng 8-pin, tương đương với các card đồ hoạ dòng RTX 3080 thay vì cấu hình 6 + 8 như trên các phiên bản RTX 3070 thông thường. Điều này báo hiệu rằng với dòng sản phẩm Strix, ASUS sẽ cố gắng ép xung “kịch trần” và do đó đòi hỏi một lượng điện năng cao hơn hẳn.
Điều này có thể dễ dàng thấy được thông qua thông số của trình GPU-Z dưới đây.
Về tổng thể, thiết kế của ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming thoả mãn được cả yếu tố thẩm mỹ, yếu tố bảo vệ, lẫn khả năng tản nhiệt của sản phẩm khi hoạt động “hết công suất”.
Với phép thử Furmark, nhiệt độ đo được khi stress test GPU chỉ dừng ở mức 77 độ C, khá mát mẻ. Nhiệt độ khi chơi game còn thấp hơn nữa, chỉ ở khoảng 72 độ C với cả ba quạt đều quay khá thong thả, đem đến khả năng vận hành êm ái nhất có thể cho người dùng.
ASUS STRIX RTX 3070 8G GAMING – MẠNH MẼ TRONG PHÂN KHÚC!
Phải nói rằng, kiến trúc Ampere hoàn toàn mới của NVIDIA đã đem lại một “cuộc cách mạng” về sức mạnh sau khi kiến trúc Turing không tạo ra được một “bước nhảy” thuyết phục so với kiến trúc Pascal trước đó, điều này khiến cho những card đồ hoạ tầm trung – cao cấp như ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming cũng mang trong mình sức mạnh ấn tượng ngang hàng các phiên bản card đồ hoạ cao cấp nhất trong thế hệ trước đó.
Điều này dễ dàng thấy được qua các thử nghiệm sơ bộ bằng các chương trình chấm điểm quen thuộc.
Ở phép thử dựng hình bằng DirectX11 3DMark FireStrike, ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming dễ dàng đạt mức điểm số 35,082 điểm, vượt khá xa phiên bản card đồ hoạ cao cấp sử dụng kiến trúc Turing là Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G chỉ đạt mức 28,786 điểm, nhưng lại thua mức 43,148 của AMD RX 6800, đối thủ “nặng ký” của RTX 3070 đến từ “đội đỏ”, lên đến 23%.
Tuy vậy, ở phép thử dựng hình bằng DirectX12 3DMark Time Spy, phiên bản card đồ hoạ tầm trung cao cấp của ASUS đạt 14,177 điểm, kéo gần khoảng cách giữa hai đối thủ “truyền kiếp” được rút ngắn chỉ còn có 4.5%.
Điều này cho thấy với các tựa game truyền thống trên nền DirectX11, AMD RX 6800 có ưu thế vượt trội mạnh mẽ, thế nhưng đối với các tựa game đời mới dựng hình hoàn toàn bằng DirectX12, hai “kỳ phùng địch thủ” này sẽ có một trận tranh đoạt với sức mạnh tương đương nhau.
Cuối cùng, đến với thử nghiệm 3DMark Port Royal đánh giá khả năng đáp ứng công nghệ dựng hình Ray Tracing, phiên bản card đồ hoạ tầm trung – cao cấp của ASUS đạt được điểm số 8,269 điểm, mạnh hơn đến 22% so với mức mức 6,777 trên Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G, thậm chí còn vượt hơn 10% so với mức 7,506 điểm của đối thủ đến từ AMD.
Phải nói rằng phép thử này được phát triển đầu tiên tương thích với kiến trúc Turing và các nhân RT Core của NVIDIA, thế nên không khó để nhận ra ưu thế của “đội xanh” trong những thử nghiệm này. Nó cũng cho thấy rằng các game sử dụng công nghệ này đã ra mắt cho đến hiện tại sẽ có kết quả tốt hơn khi chơi trên ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming hơn là AMD RX 6800.
Thế nhưng trong tương lai, khi các hệ máy console đời mới như PlayStation 5 và XBOX Series X đều hỗ trợ công nghệ hình ảnh tiên tiến này thì vấn đề tương thích game sẽ được giải quyết triệt để hơn, điển hình là một số tựa game vừa được ra mắt trong thời gian gần đây.
Thử nghiệm các tựa game trên thực tế cũng cho thấy những dự đoán này là chính xác.
Hai tựa game dòng Total War như Total War Saga: Troy và Total War: Three Kingdoms là những tựa game mà AMD RX 6800 cho thấy rõ ưu thế của mình nhất so với đối thủ đến từ ASUS, trong khi đó, ở một số tựa game khác, ưu thế thường nghiêng về phía “đội xanh” hay “đội đỏ” tuỳ vào mức độ hợp tác của các kỹ sư hai bên với các studio game.
Chẳng hạn như tựa game Assasin’s Creed Odyssey cho thấy ưu thế hoàn toàn nghiêng về phía “đội xanh”, thậm chí phiên bản card đồ hoạ được cho là “dưới cơ” trong cuộc đấu này như Gigabyte RTX 2080 Super Gaming OC 8G cũng có điểm số cao hơn cả AMD RX 6800.
Hay như hai tựa game được “thửa riêng” cho “nhà AMD” như DIRT 5 và God Fall chứng kiến một xu hướng hoàn toàn ngược lại.
Đây là hai tựa game được sử dụng để trình diễn hiệu ứng Ray Tracing với các card đồ hoạ AMD RX 6000 Series với hàng loạt các gói hiệu ứng được ứng dụng, khiến cho kết cấu các nhân RT Core của NVIDIA chịu “gánh nặng” rất lớn.
Trong khi đó ngược lại, với hai tựa game Battlefield V và Shadow of The Tomb Raider vốn được tối ưu cho công nghệ của “đội xanh” thì ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming đạt được ưu thế vô cùng rõ rệt.
Đáng ngạc nhiên nhất là với tựa game Horizon Zero Dawn PC thường được cho là tối ưu tốt cho các card màn hình của “đội đỏ”, kết quả thu được lại khá ngang tài ngang sức cho cả hai, dù cho mẫu card đồ hoạ đến từ ASUS gặp đôi chút rắc rối ở phần khởi động khi không thể nạp kịp các dữ liệu vân bề mặt, nhưng càng đến các phần sau của phép thử thì độ “mượt” của khung hình đã gia tăng đáng kể khiến cho tống độ khung hình cả hai bên chênh lệch không lớn.
Về tổng thể, ở giai đoạn hiện nay, ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming có màn thể hiện vẫn “nhỉnh” hơn đôi chút so với đối thủ đồng cấp AMD RX 6800, nhưng trong tương lai tới đây, khi các tựa game đa hệ ra mắt trên cả console và PC trở nên nhiều hơn, cộng với việc trình điều khiển của AMD được hoàn thiện hơn, có lẽ cán cân sẽ thay đổi trở nên quân bình hơn.
[su_heading style=”flat-blue” size=”35″ margin=”50″]BẠN SẼ GHÉT[/su_heading]
GIÁ CAO, BỊ CẠNH TRANH MẠNH!
Đối với ASUS, ngoại trừ các dòng card đồ hoạ “độc lạ” thì theo thông lệ, dòng sản phẩm Strix luôn là dòng có mức giá cao nhất trong cùng nhóm sản phẩm và ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming cũng không ngoại lệ, hiện mẫu card đồ hoạ này đang có mức giá lên đến gần 21 triệu đồng.
Ở mức giá khá cao này, khoảng cách về giá với đối thủ có tiềm năng lớn là AMD RX 6800 gần như không tồn tại. Đó là chưa kể mức giá này cũng đuổi theo “sát đít” phiên bản ASUS TUF RTX 3080 Gaming OC 10G ở mức 23 triệu đồng nhưng sở hữu khả năng chơi game ở độ phân giải 4K mượt mà hơn khá nhiều.
Đó là chưa kể mẫu card dòng Strix của ASUS có đôi chút “kém sắc” so với đối thủ dưới cơ về sức mạnh, nhưng mang trên mình ngôn ngữ thiết kế mới hoàn toàn ấn tượng là AORUS GeForce RTX 3070 MASTER 8G có mức giá thấp hơn đến 1 triệu đồng trong mắt các game thủ ưa thích “show hàng” như hiện nay.
Chính vì thế mà ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming vẫn chỉ là dòng sản phẩm dành cho các fan “ăn chơi” của ASUS. Nếu bạn mong mỏi một sản phẩm có mức giá và hiệu năng tốt, hãy thử dòng sản phẩm Dual của hãng với mức giá thấp hơn đến gần… 5 triệu đồng.
[su_quote] dòng sản phẩm Strix luôn là dòng có mức giá cao nhất trong cùng nhóm sản phẩm và ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming cũng không ngoại lệ[/su_quote]GIÁ THAM KHẢO
20,750,000đ
THAM KHẢO
THÔNG TIN
- Tên sản phẩm: ASUS Strix RTX 3070 8G Gaming
- Nhà sản xuất: ASUS
- Xuất xứ: Đài Loan
BÀI MỚI NHẤT
- Đạo diễn Dragon Age: The Veilguard rời khỏi BioWare là tự nguyện! – Tin Game
- Krafton công bố chiến lược mở rộng IP mới cho năm 2025 – Tin Game
- Các hãng game “hy vọng” Grand Theft Auto 6 sẽ được bán ở mức 100 USD? – Tin Game
- Palworld bật mí lộ trình ra mắt nội dung cho năm 2025! – Tin Game
- Dragon Age: The Veilguard – Đánh Giá Game
- Shuhei Yoshida: “Remaster và remake giúp Sony tiếp tục đầu tư vào các game mới” – Tin Game